Chúng ta

akaBot của FPT giúp TPBank tăng gấp đôi giá trị đầu tư

Thứ ba, 12/1/2021 | 14:28 GMT+7

TPBank hiện có 75 trợ lý robot ảo do akaBot cung cấp và sẽ mua thêm 145 robot mới trong năm 2021. Sếp ngân hàng cho biết với chuyển đổi số, TPBank có thể tận dụng tối đa bởi robot làm việc 24/24...

Chia sẻ tại sự kiện "Better For Business" do Microsoft Việt Nam tổ chức, ông Tống Văn Tiến, Giám đốc đổi mới số Khối công nghệ thông tin, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), cho hay câu chuyện chuyển đổi số ở ngành ngân hàng trước khi Covid-19 xảy ra giống như một khái niệm gì đó xa xa, một trào lưu thường xảy ra ở các ngân hàng lớn. Nhưng với Covid-19, câu chuyện chuyển đổi số đã chuyển từ suy nghĩ "làm như thế nào, chi phí để thay đổi là bao nhiêu", sang lối tư duy "tồn tại hay không tồn tại, và nếu không thay đổi thì phí tổn sẽ là bao nhiêu".

"Cách đây vài năm, chủ yếu các ngân hàng tập trung vào chuyển đổi kênh, xây dựng ngân hàng điện tử, một vài số hóa "không giấy tờ", những thứ đâu đó chỉ mang tính đơn giản, tác dụng chưa nhiều ấn tượng, chưa có các trải nghiệm mới", ông Tiến chia sẻ.

5328-TYp-003-3239-1610436427.jpg

Ông Tống Văn Tiến (giữa), Giám đốc đổi mới số Khối công nghệ thông tin, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), chia sẻ về chuyển đổi số ngân hàng tại sự kiện "Better For Business" do Microsoft Việt Nam tổ chức.

Nhưng khi Covid-19 xảy ra, pain points (nỗi đau) sát sườn của các ngân hàng cũng như doanh nghiệp là doanh thu giảm, buộc phải cắt giảm chi phí. Và chuyển đổi số là một trong những công cụ tuyệt vời để cắt giảm chi phí.

Lấy ví dụ chính câu chuyện của TPBank, ông Tiến cho biết ngân hàng này áp dụng rất nhiều công nghệ mới. Với một mức đầu tư không lớn, TPBank đạt được kết quả thành công gấp 2 lần so với giá trị đầu tư.

Cụ thể, năm 2020, TPBank đã rất thành công trong câu chuyện ứng dụng robotics. Tính đến nay, ông Tiến cho hay ngân hàng này đã triển khai 75 trợ lý robot ảo do akaBot, các giải pháp tự động hóa của FPT cung cấp. "Với một mức đầu tư không lớn, chúng tôi đạt được kết quả thành công gấp 2 lần so với giá trị đầu tư, tiết kiệm đáng kể về nguồn lực", ông Tiến hào hứng.

"Robot thường xử lý những công việc thường rất nhàm chán, như tạo báo cáo, nhập liệu và tự động xử lý. Chúng ta cứ hình dung các nhân viên ngày ngày làm những công việc ấy sẽ rất nhàm chán, hiệu quả không cao. Khi áp dụng robotics vào, nhân viên thoải mái hơn, hệ thống máy móc đảm bảo không sai. Nhiều khi chúng ta tuyển nhân viên vào chỉ để làm đâu đó vài ba tiếng/ngày, nhưng không thể không tuyển. Với 1 con robot, chúng tôi hoàn toàn có thể tận dụng, tối ưu, và robot có thể làm việc 24/24".

Đại diện TPBank cho biết trong năm 2021, ngân hàng này sẽ tiếp tục triển khai thêm 145 robot mới bởi nhờ các nền tảng công nghệ, TPBank tiết kiệm được rất nhiều chi phí. "Điều này cũng mang lại giá trị rất lớn, tiết kiệm một vài trăm tỷ cho cộng đồng", ông Tiến nói. "Đấy cũng là giá trị của chuyển đổi số mang lại".

Đánh giá về chuyển đổi số tại ngành ngân hàng, ông Tiến cho biết năm 2020 thực sự là một cuộc bứt phá, và ngành ngân hàng đã chuyển đổi số với tốc độ gấp 5, gấp 10 lần so với trước khi Covid-19 xảy ra.

1-livebank-ngan-hang-tu-dong-2-7789-4686

Dịch Covid-19 đã làm nảy sinh ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi các ngân hàng phải chuyển đổi số mạnh hơn để tiết giảm chi phí, tăng doanh số... Nắm bắt thời cơ này, TPBank đã triển khai triệt để các giải pháp chuyển đổi số. Qua đó, TPBank đã có 75 quy trình sử dụng tự động hóa, với khoản đầu tư không lớn nhưng đạt kết quả cao gấp 2 lần, tiết kiệm được 45 nhân sự...

Giám đốc đổi mới số Khối công nghệ thông tin TPBank bật mí 2 yếu tố quan trọng nhất để chuyển đổi số thành công từ câu chuyện của chính đơn vị. Đầu tiên là phải đổi mới tư duy và con người, từ những lãnh đạo cao nhất của tập đoàn. Kế tiếp, trong quá trình chuyển đổi, thực sự công nghệ chỉ là công nghệ. Nếu mua giải pháp thì có thể chọn mua của các nhà cung cấp này, nhà cung cấp kia, nhưng việc tìm được người đồng hành hiểu bài toán, áp dụng công nghệ để khai thác, sử dụng được mới là điều quan trọng.

Chia sẻ với Chungta.vn, anh Bùi Đình Giáp - Giám đốc sản phẩm akaBot cho biết, 75 trợ lý robot ảo mà đơn vị triển khai cho TPBank hoàn thành trong khoảng thời gian 4-5 tháng.

Theo anh, có giá thành phù hợp khi chỉ bằng 35% so với sản phẩm tương đồng trên thị trường quốc tế, tính đến nay, akaBot đã được ưa chuộng và có mặt tại 13 thị trường trên khắp thế giới và hơn 33 khách hàng bao gồm nhiều tập đoàn lớn như: ThinkPower, Panasonic, DIP, SCSK… Riêng nhóm ngân hàng, bên cạnh TPBank còn có HSBC, Mizuho, Bank of Taiwan.

Là nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ toàn diện cho doanh nghiệp do FPT Software phát triển, akaBot giúp tăng 80% năng suất, tiết kiệm 60% chi phí và 80% thời gian vận hành doanh nghiệp. Các robot "ảo" có khả năng mô phỏng thao tác của con người, giúp thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại số lượng lớn. Với những khả năng vượt trội mang lại, toàn bộ khách hàng của akaBot trong năm 2019 đều đã tiếp tục gia hạn và sử dụng nền tảng trong năm 2020 vừa qua.

Với công nghệ lõi là RPA, akaBot có khả năng tích hợp AI và OCR (công nghệ nhận dạng ký tự quang học) để xây dựng giải pháp tự động hóa thông minh toàn diện, không xâm lấn hệ thống công nghệ thông tin hiện tại và có thể tương tác với tất cả phần mềm doanh nghiệp, như word, excel, SAP, web.... akaBot đang được ứng dụng trong nhiều ngành như: tài chính, ngân hàng, khối hành chính nhân sự, sản xuất...

Trước đó, cuối tháng 12/2020,  Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã tuyên dương toàn tập đoàn và trao tặng Sao Công nghệ FPT hạng Nhất cho akaBot. Với thành tích liên tiếp đạt các giải thưởng trong nước và quốc tế, akaBot đã từng bước khẳng định danh tiếng của FPT trong lĩnh vực phát triển phần mềm.

Chỉ trong 3 tháng vừa qua, akaBot đã liên tiếp nhận được các giải thưởng danh giá, có mặt trong nhiều Bảng xếp hạng uy tín. Đặc biệt phải kể đến là giải Vàng cho Đổi mới trong các sản phẩm B2B của Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương 2020. Đây là giải thưởng thường niên, công nhận những thành tựu sáng tạo tại nơi làm việc, từ thiết kế sản phẩm đến phát triển công nghệ và được ca ngợi là "Giải Oscar của giới kinh doanh". Đầu tháng 12, nền tảng akaBot tiếp tục xuất hiện tại bảng xếp hạng nhóm sản phẩm RPA (Robotic Process Automation) của Gartner Peer Insights - Danh sách các giải pháp công nghệ được đánh giá cao do Gartner bình chọn.

Hồi vào tháng 9/2020, hãng nghiên cứu SoftwareReviews đã công bố bản báo cáo hoạt động của các phần mềm RPA sau khi thu thập phản hồi từ 90 khách hàng và akaBot đã xuất sắc lọt top 6 bình chọn phần mềm RPA của năm với chỉ số ghi dấu cảm xúc (emotional footprint) đầy ấn tượng. AkaBot cũng ghi dấu ấn tại hàng lọt các giải thưởng uy tín tại Việt Nam như: Top 10 Sao Khuê 2020, giải Nhất hạng mục Sản phẩm số xuất sắc tại Giải thưởng Công nghệ số Make in Vietnam...

>> akaBot của FPT Software được vinh danh Giải thưởng Make in Vietnam 

Hoa Hạ

Ý kiến

()