Chúng ta

'Với người Nhật, thái độ quan trọng hơn trình độ'

Thứ tư, 6/4/2016 | 09:51 GMT+7

Đối diện và vượt qua thực tế khắc nghiệt của cuộc sống xa nhà tại Nhật Bản, Hồ Anh Đức luôn tự nhủ làm bạn với nỗi sợ. Cậu đã dần thay đổi để thích ứng với cuộc sống nơi đất khách, bắt đầu từ việc rất nhỏ như tự nấu ăn, dậy sớm hơn cũng như học cách chi tiêu hợp lý nhất trong khoản tiền eo hẹp.

Theo đúng thời gian quy định, tháng 7 tới, Đức mới chính thức tốt nghiệp khóa học 12 tháng tại Nhật Bản của Chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối (BrSE) do FPT Software triển khai. Nhưng nhờ thành tích học tập xuất sắc, cậu được đặc cách tốt nghiệp trước 3 tháng và được Tập đoàn SBI Holdings tuyển dụng vào vị trí lập trình viên, làm việc trực tiếp tại văn phòng của công ty ở Nhật Bản.

Kinh nghiệm đầu tiên mà Đức có được khi đi xin việc tại Nhật là phải chuẩn bị CV (Curriculum Vitae - Hồ sơ xin việc) thật kỹ lưỡng và học thái độ, tác phong khi đi xin việc theo đúng phong cách của người Nhật. Theo cậu, số lượng người tham gia tuyển đông, chắc chắn nhà tuyển dụng không thể phỏng vấn hết toàn bộ mà sẽ thông qua CV. Do đó, hồ sơ xin việc là phương tiện quan trọng và duy nhất giúp cậu có cơ hội gặp nhà tuyển dụng. 

“Học cách cư xử chuẩn mực giống người Nhật nhất” là một trong những yếu tố giúp Đức được SBI Holdings tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp

“Học cách cư xử chuẩn mực giống người Nhật nhất” là một trong những yếu tố giúp Đức được SBI Holdings tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, "bạn cần cư xử chuẩn mực giống người Nhật nhất có thể để tạo cho nhà tuyển dụng có cảm giác bạn đang cố gắng tiến bộ và nỗ lực thay đổi”, Đức bật mí cách đã giúp cậu được SBI Holdings tuyển dụng.

Để có được cách cư xử chuẩn mực giống người Nhật nhất có thể, hằng ngày ở bất cứ đâu, trên đường đi học, khi đi làm thêm, lúc tranh thủ du lịch bụi, Đức thường để ý xem người Nhật làm gì, cư xử ra sao đối với từng tình huống cụ thể, rồi “bắt chước” những cái thuộc về văn hóa Nhật.

Không còn sợ Hán tự như khi ở Việt Nam, Đức khao khát hiểu nghĩa của từ đó. Cậu có thể đọc báo, xem tin tức… một cách tự tin và chủ động tiếp nhận. Từ nào không hiểu, Đức tra từ điển hoặc tra ngữ pháp đến khi hiểu thì thôi. Đây cũng là một trong những lý do giúp Đức được đặc cách tốt nghiệp trước 3 tháng.

Trước đó, khi mới sang học tập tại đất nước mặt trời mọc, Đức đã phải đối diện với những nỗi sợ không tên và trải nghiệm thực tế “cuộc sống không chỉ toàn màu hồng”. 

“Trước khi sang Nhật, tôi sống trong một gia đình tuy không khá giả nhưng có thể coi đó là cung điện đối với mình. Và khi bước ra khỏi cung điện ấy để sang Nhật Bản, tôi đã có được những trải nghiệm của cuộc sống bên ngoài. Đó là những hôm sau giờ học tranh thủ đi làm, về khuya trong cái lạnh buốt xương để có thêm thu nhập trang trải cho sinh hoạt cá nhân cũng như để luyện kỹ năng tiếng Nhật. Đó là những hôm phải tự đi khám bệnh, tự đi làm giấy tờ, tự sửa xe đạp, tự làm những việc mà nếu ở Việt Nam chắc chắn sẽ có sự cứu trợ của người thân… Đó là những hôm bụng đói cồn cào vì quá bữa”, cậu nhớ lại.

Ngay cả niềm vui nấu ăn khi ở quê nhà, sang Nhật cũng trở thành thách thức đối với Đức. Mỗi khi rảnh, cậu sẽ nấu một món mới, có thể không ngon nhưng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và lành mạnh. Điều quan trong hơn hết là tiết kiệm được chi phí đắt đỏ ở Nhật Bản.

Chi phí hạn hẹp của một du học sinh vừa học vừa làm buộc cậu phải học cách tiết kiệm. Ngoài việc tự nấu ăn mỗi ngày, Đức tránh xa nước có cồn và bia vì rất đắt, thay vào đó là uống nước máy sạch miễn phí trên toàn nước Nhật. "Giảm thiểu nhậu nhẹt, số tiền đó đủ để mua một cuốn sách về con người Nhật, hay đi du lịch, ăn món Nhật sẽ có ích hơn", chàng trai trẻ tâm sự.

Theo Đức với tiền lương 900-1.100 Yen cho một giờ làm thêm thì một tuần đi làm 3 buổi, học viên hoàn toàn có thể đủ tiền chi trả cho các sinh hoạt cá nhân hằng ngày và đi du lịch bụi. 

Kế hoạch sắp tới của Đức là “cố gắng hoàn thành công việc được giao tại công ty bất kể có phải làm thêm giờ và duy trì học tiếng Nhật sau giờ làm việc để thi đỗ N1 (trình độ cao nhất đối với người nước ngoài nói tiếng Nhật). 

Chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối của FPT Software được thực hiện trong giai đoạn 2015-2020. Trong đó, sẽ có khoảng 5.000 học viên được đào tạo tại Nhật Bản trong vòng 6-12 tháng và 5.000 học viên được đào tạo tại Việt Nam. Các học viên tham gia khóa đào tạo tại Nhật Bản sẽ được FPT Software bảo lãnh tài chính với mức vay tối đa 400 triệu đồng và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành IT với mức thu nhập tối thiểu lên đến 2.000 USD/tháng sau khi tốt nghiệp.

Trong vòng 6-12 tháng, học viên được đào tạo tiếng Nhật và tiếng Nhật chuyên ngành CNTT cũng như văn hóa Nhật Bản để thi đạt chứng chỉ tiếng Nhật N2. Bên cạnh đó, học viên cũng sẽ được bố trí việc làm thêm, thực tập tại FPT Nhật Bản hoặc các đối tác của FPT tại Nhật và tham gia các khóa học chuyên ngành CNTT trên hệ thống online.

Tiểu Thanh - Yến Nhi

Ý kiến

()