Chúng ta

Nữ tướng nhà Viễn thông điều hành hai chi nhánh

Thứ ba, 20/10/2015 | 15:06 GMT+7

Thích FPT từ bé qua một chương trình trên tivi. Tốt nghiệp đại học vẫn mơ ước vào tập đoàn nhưng không dám thử sức. Còn giờ thì chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết đang là nữ giám đốc hai chi nhánh của FPT Telecom.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết là Giám đốc FPT Telecom Hưng Yên kiêm Giám đốc chi nhánh Hà Nam. Chị là một trong hai nữ Giám đốc chi nhánh tỉnh của “nhà Cáo”. Người còn lại là chị Phan Thị Thanh Thu, Giám đốc FPT Telecom Cà Mau.

Đương kim giám đốc hai chi nhánh gia nhập FPT năm 2010 với hoàn cảnh khá trở trêu: Được tuyển vị trí Trưởng phòng kinh doanh nhưng chi nhánh chưa kịp khai trương, tân binh Ánh Tuyết bị ‘quăng’ ra Hà Nội làm… cộng tác viên kinh doanh. Trải nghiệm và lăn lộn với công việc salesman đủ 3 tháng, Tuyết trở về Hải Dương làm Trưởng nhóm kinh doanh. Đầu tháng 11/2010, chị đảm nhiệm chức danh Trưởng phòng Kinh doanh FPT Telecom Hải Dương, vị trí được tuyển từ cách đó 8 tháng. Tháng 12/2012, Tuyết được chuyển về FPT Telecom Hưng Yên làm PGĐ chi nhánh.

32-5677-1445314967.jpg

Ngoài công việc, nữ giám đốc FPT Telecom Hưng Yên kiêm GĐ chi nhánh Hà Nam có sở thích 'phượt'. Ảnh Tuyết mới đi khám phá Myanmar.

Bén duyên với FPT, Tuyết thăng tiến khá nhanh. Tháng 11/2013, chị được bổ nhiệm là PGĐ chi nhánh và chỉ một năm sau chữ Phó được cắt đi, chị là người chịu trách nhiệm điều hành FPT Telecom tại "xứ nhãn". Xông xáo và dám đón nhận thách thức, ngày 1/4, Tuyết được Ban điều hành Viễn thông FPT giao kiêm nhiệm chi nhánh Hà Nam - tỉnh giáp Hưng Yên.

“Là nữ, lại học kinh tế nhưng làm quản lý đơn vị viễn thông phải am hiểu nhiều về kỹ thuật. Tuyết vượt qua rào cản ấy bằng cách nào?”. Nữ giám đốc kể, thời gian đầu mới vào FPT còn ngô nghê lắm, chưa phân biệt được đâu là POP đâu là tập điểm. “Khi làm quản lý chi nhánh, các công việc về kỹ thuật càng khiến tôi đau đầu”, chị nhớ lại.

“Nếu không biết, vừa khó quản lý vừa khó nói nhân viên nên tôi phải ‘dụng chiêu’. Trước khi bắt tay giải quyết vấn đề nào đó chưa hiểu thấu đáo, tôi thường email, gọi điện hoặc phi thẳng lên văn phòng FPT Telecom hỏi các anh chị ngành dọc hay những người nắm vững nhất. Tôi hỏi bao giờ hiểu tường tận mới thôi. Khi hiểu thấu đáo sẽ vận hành công việc một cách trôi chảy trong khi anh chị em cấp dưới cũng “nể” hơn”, chị cho hay.

Trong khi Giám đốc các Trung tâm kinh doanh tại Hà Nội hay TP HCM chỉ chăm lo về kinh doanh, sếp chi nhánh tỉnh sẽ phải bao thầu toàn bộ, từ kỹ thuật, nhân sự, hạ tầng, chăm sóc khách hàng… cho đến quan hệ với chính quyền địa phương, điện lực, đối tác. Việc vận hành trơn tru hai chi nhánh còn khó gấp bội. Hình ảnh Tuyết đến giao ban và chỉ đạo công việc tại Hưng Yên vào buổi sáng, trưa đã có mặt ở Hà Nam và cuối giờ lại quay về kiểm tra tiến độ của chi nhánh Hưng Yên không phải là hiếm.

Theo chị, việc xây dựng mối quan hệ với chính quyền địa phương cũng khá thuận lợi vì các anh, các chú cũng khá ưu ái khi thấy “giám đốc nữ”. Mọi người thường tạo mọi điều kiện nhất có thể. Tuy nhiên, thời gian đầu đi ngoại giao, Tuyết thường phải uống rượu, ‘món’ mà chị ngại nhất. “Sau này, khi anh, em, chú, cháu đã thấu hiểu nhau hơn, tôi cũng đỡ phải uống”.

Anh-Tuyet-9728-1445325783.jpg

Chị Tuyết là người hòa đồng với CBNV.

“Khi tôi mới về Hưng Yên, chi nhánh gặp khó khăn khi tiếp cận với một giám đốc công ty đối tác quan trọng và quyết định lớn tới sự phát triển. Có đồng nghiệp đã dùng nhiều cách nhưng không được, thậm chí bị đuổi về, không hợp tác khiến mối quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng”, chị Tuyết nhắc lại. “Khi đến gặp đối tác, lần đầu tôi biếu chai mật ong của nhà và dặn anh mang về tặng vợ để làm đẹp. Lần sau, tôi tặng giò hoa lan lấy ở vườn của bố… Hai anh em nói chuyện kinh tế xã hội, thơ văn, hoa lá… chủ đề nào cũng hợp. Công việc hợp tác dần thuận lợi. Sau này, anh ấy còn giới thiệu các mối quan hệ bên Hà Nam cho mình, có lần còn dẫn sang tận nơi chào hỏi và nhờ giúp đỡ. Từ đó, tôi nhận ra rằng, dù là ngoại giao nhưng cần sự chân thành”.

Toàn tâm toàn ý cho công việc nhưng ít ai biết chặng đường đến với FPT của Tuyết được thử thách qua nhiều gia đoạn. Tuyết bảo, ngày còn nhỏ, một hôm xem chương trình gì đó trên tivi, kiểu như "Người đương thời" bây giờ, thấy có mấy “chú” lên truyền hình “chém gió” về việc doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài gặp khó khăn gì, những kỷ niệm đáng nhớ, những khó khăn và thuận lợi… “Xem chương trình thấy ngưỡng mộ các chú ấy lắm, vừa trẻ, vừa năng động và đặc biệt vui tính. Kể chuyện làm ăn trên tivi mà khiến người xem cứ cười như xem phim hài, thấy thích cái công ty ấy thế”, nữ giám đốc của hai chi nhánh cười. “Đó chính là FPT”.

Khi là sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh của trường Thương mại, Tuyết biết thêm về FPT nhiều hơn. Thấy FPT hoành tráng lắm, công ty lớn lắm, thấy “chất công nghệ” cao lắm. Đến khi trong lớp có một bạn xin được vào FPT, ai nấy đều ngưỡng mộ. “Nhưng nghe đám bạn trong lớp đồn rằng “nhà bạn ấy ‘cơ’ mạnh lắm, quen biết nhiều nên mới xin vào được tập đoàn lớn thế”, Tuyết kể về cái thời mới ra trường ai nấy cứ ngồi đoán già đoán non và lý giải. Thời đó, công nghệ còn chưa phổ biến. Thông tin tuyển dụng cũng không được rộng rãi như bây giờ nên ước mơ cứ ước mơ, cứ thích FPT như vậy nhưng không dám xin vào.

Ra trường với hai tấm bằng đại học Quản trị kinh doanh và Kế toán, Tuyết vào làm kế toán tại một công ty chuyên về bao bì trước khi trở thành kế toán trưởng. Dù đã làm sếp nhưng đầu óc của Tuyết luôn đau đáu về kinh doanh và xem công việc kế toán chỉ là tay ngang. Thời đó, cô thủ quỹ ở công ty có anh con trai đang làm FPT Telecom. Ngày nào cô ấy cũng kể chuyện về con trai, về FPT, về sự chuyên nghiệp, lương cao, rồi cổ phiếu nữa. “Năm 2008, anh ấy bán số cổ phiếu ít ỏi mà mua được cái xe Camry lận”, Tuyết minh chứng. “Thỉnh thoảng nói chuyện với anh ấy, thấy phong thái rất chuyên nghiệp”. Từ đó, Tuyết quyết tâm rời bỏ vị trí kế toán trưởng với mức lương ao ước của bao người, bước chân vào FPT Telecom bắt đầu từ vị trí cộng tác viên kinh doanh để làm lại từ đầu.

DSC-0631-JPG-7951-1445314967.jpg

Ánh Tuyết là một trong 50 cá nhân xuất sắc của FPT Telecom năm 2014. Ảnh nữ giám đốc và bố trong sự kiện vinh danh tại Thái Lan hồi đầu năm.

Quyết là làm, Tuyết ứng tuyển qua email. Tuy nhiên, “sự cố” đầu tiên diễn ra ngay lập tức. Anh Nguyễn Quốc Chư, nhân viên tuyển dụng thời ấy (hiện anh Chư là Trưởng phòng tuyển dụng FPT Telecom) phản hồi khá nhanh, trong đó có dòng ghi chú cuối cùng: “Em không nên gửi thư xin việc từ hòm thư của công ty vì admin biết sẽ không hay”. Tuyết bảo: "Ôi lạ thế, FPT lo lắng cho cả ứng viên. Vì tôi đã xin nghỉ hẳn công ty cũ, đang trong tháng bàn giao nên không ngại khi gửi hồ sơ xin việc từ hòm thư công ty".

Bàn giao xong, Tuyết hăm hở sang FPT Telecom phỏng vấn. Thời gian đó, cô ứng viên mường tượng về trụ sở hoành tráng, đồng nghiệp bảnh bao và văn phòng như công ty… Tây. Nhưng tất cả hình ảnh sụp đổ khi văn phòng phỏng vấn là quán phở và bàn làm việc là bàn bán phở hằng ngày. “Tôi sốc tập một”, Tuyết cười phá lên. “Sau này mới biết chi nhánh đang sửa sang văn phòng”.

Cú sốc tập hai mang tên “Anh Lương”. Những tháng đầu tiên, Tuyết nhận lương bằng bằng 1/6 công ty cũ. “Đó là hai cú sốc lớn nhất so với hình dung trước khi vào FPT. Còn lại đều giống, từ môi trường năng động, vui vẻ, cơ hội thăng tiến tốt đến văn hóa đặc sắc”, nữ giám đốc đúc kết.

Nữ giám đốc của hai chi nhánh là người có kỹ năng cân bằng công việc và cuộc sống gia đình. Một ngày bình thường của Tuyết diễn ra theo một lịch trình định sẵn: 5h đến nhà văn hóa tập aerobic, sau đó là đi chợ, nấu ăn sáng để 7h15 đưa con đến trường và đến văn phòng lúc 7h30. Làm việc đến 18h, Tuyết rời công ty để làm người phụ nữ trong gia đình. Sau khi con ngủ, chị lại tranh thủ lướt web, chat Viber cùng anh em trong các nhóm của Hưng Yên và Hà Nam để “đánh giá lại công việc trong ngày, giải quyết các khó khăn vướng mắc mới phát sinh hoặc đơn giản chỉ là nói chuyện”.

“Thành công của tôi chỉ là cố gắng hơn thôi. Đàn ông xong việc có thể la cà uống bia hoặc nằm khểnh xem tivi nhưng phụ nữ dù làm gì thì về nhà vẫn phải nấu nướng, lo con cái học hành”, chị Tuyết nói. Đi tiếp khách về, dù uống nhiều hay ít, nữ giám đốc tuyệt đối vẫn không để mình say. "Trừ khi đi công tác, tôi gần như không bao giờ ra khỏi nhà vào buổi tối. Tôi dành thời gian nhiều cho con những lúc ở nhà. Thêm một thuận lợi là ông bà ngoại ở gần nhà nên cũng đỡ đần nhiều trong việc chăm lo, đưa đón con cái nên mình hoàn toàn an tâm công tác”, chị tâm sự.

Tính cách mềm mỏng nhưng quyết đoán, đề cao hiệu quả công việc nhưng luôn xét đến tình và lý của nữ giám đốc cũng ảnh hưởng tích cực và lan tỏa đến CBNV. Chuyển về được hơn hai năm, anh Đào Quang Bắc, Trưởng phòng Kỹ thuật FPT Telecom Hưng Yên, đã kịp thần tượng người quản lý của mình. "Tôi ấn tượng với Tuyết ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên. Tôi quyết định về làm tại chi nhánh Hưng Yên bởi tính quyết đoán, sự chân thành, điều phối công việc và ứng xử hợp lý của chị", anh Bắc chia sẻ.

>> Chuyên gia công nghệ trẻ nhất FPT chưa học đại học

Nguyên Văn

Ý kiến

()