Năm 2016, FPT Software đã triển khai thành công gần 100 dự án trong các lĩnh vực tài chính, bán lẻ, network, IoT... cho Fujitsu, đem lại mức tăng trưởng về khách hàng này tại đơn vị là 200%. Phần mềm FPT là công ty offshore duy nhất được khách công nhận là Distinguished Partner (tạm dịch: Đối tác xuất sắc) hồi tháng 1 vừa qua tại Nhật Bản.
Đóng góp vào kết quả ấy là công sức và nỗ lực của cả một tập thể mà chị Dương giữ vai trò “thủ lĩnh”. Đây cũng được xem là bước đệm vững chắc để Phần mềm FPT ra mắt F500, đơn vị chiến lược chuyên về khách hàng Fujitsu, vào đầu năm nay. Trong đó, kinh nghiệm cùng sự am hiểu khách hàng của cựu AM FPT Japan được kỳ vọng sẽ phát huy tối đa năng lực khi công ty tiếp tục đặt vào vai chị nhiệm vụ mới - Giám đốc F500.
"Khi vào công ty, tôi là tester nhưng sau nhận ra có làm mãi cũng không giỏi được vì bản thân không thực sự yêu thích công việc đó. Nhìn mấy anh chị đội Phát triển kinh doanh quốc tế (FWB) ngưỡng mộ lắm, thấy toàn trai xinh gái đẹp, tiếng Anh, tiếng Nhật bắn chiu chíu nên quay ra thích làm sale", chị nói. |
Trở thành nữ Giám đốc FSU đặc biệt nhất của FPT Software, đối với Thùy Dương, niềm vui, sự tự hào còn song hành với những âu lo. Ở vị trí này, ngoài việc quản lý gần 300 nhân lực, chị cảm thấy có một phần trách nhiệm đảm bảo cuộc sống, công việc và cơ hội cho những đồng đội. Đó chính là thách thức lớn nhất mà người lần đầu ở vị trí lãnh đạo như chị gặp phải. “Tôi sẽ cố gắng tạo ra môi trường, cơ chế, định hướng để mọi người có thể phát huy được tốt nhất khả năng của mỗi cá nhân và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng”, chị nói.
Tại FPT Software, trong khi đa số Giám đốc FSU đều có xuất thân là kỹ sư, với kinh nghiệm quản lý dự án, điều hành offshore, thì lợi thế lớn nhất của Dương là kinh nghiệm bán hàng (sales). Bù lại, những trải nghiệm thực tế từ tester, BrSE (Kỹ sư cầu nối), PM (Quản trị dự án), Admin (thư ký dự án), tổng hội, Presale đến AM (Account Manager - quản lý khách hàng)… trong 11 năm tại FPT đã giúp chị có cái nhìn toàn diện hơn về công việc.
“Ở vị trí AM, tôi hay phàn nàn tại sao offshore không làm thế này, tại sao lại không xử lý thế kia… mà có thể chưa hiểu hết được những khó khăn của đội ở nhà. Với vị trí hiện tại, ngoài việc tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng với Fujitsu như 3 năm qua, tôi sẽ dành thời gian tìm hiểu anh em offshore, gắn kết họ, xây dựng F500 thành một tổ chức đoàn kết, cùng phát triển bền vững”, nữ tướng F500 chia sẻ.
Fujitsu là nhà cung cấp dịch vụ IT số 1 ở Nhật, có thị phần lớn nhất trong việc phát triển các hệ thống, các gói giải pháp cho mảng quản lý sản xuất, logistic, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, tài chính, các hệ thống hạ tầng, viễn thông, media cho chính phủ… Ngoài ra, tập đoàn này sản xuất các sản phẩm hardware như server, PC, mobile, printer… F500 thành lập được định hướng phát triển thành “Global Delivery Center” của Fujitsu trong tương lai gần.
Với chị Dương, đơn giản chỉ là "không nhận thì thôi, nếu đã nhận thì sẽ làm cho đến cùng". Ảnh chụp tại lễ kỷ niệm FPT Japan 10 năm. Ảnh: Fb. |
Trong mối quan hệ hợp tác với Fujitsu, FPT Software đã và đang phát triển các hệ thống IT trong các mảng việc về tài chính, logistic, các gói giải pháp Fujitsu cung cấp cho các nhà máy, cơ quan hành chính, các ứng dụng mobile, Fujitsu IoT platform và một phần việc về hệ thống network/telecommunication. Năm 2017, F500 sẽ tiếp tục phát triển các mảng việc này với hai nhiệm vụ chính: Hoàn thiện và triển khai đồng bộ quy trình riêng, đặc thù cho Fujitsu để nâng cao chất lượng các dự án; Đi sâu vào các việc có nghiệp vụ, phụ trách từ phần thiết kế, dần nâng cao giá trị của FPT Software đối với khách hàng, tham gia vào phát triển các hệ thống lớn có nghiệp vụ, có tính chất lâu dài, ổn định.
Nhìn tổng thể, nếu coi quá trình phát triển khách hàng Fujitsu với việc trồng cây thì mối quan hệ này đã trải qua các giai đoạn: Chọn hạt giống (2014), Gieo hạt (2015) và Nảy mầm (2016). "Rất may mắn là ở hai giai đoạn đầu quan trọng, tôi có anh Nguyễn Hữu Long và chị Nguyễn Thị Phương Thảo, hai "super sales" của FPT Japan đồng hành để chọn được hạt giống tốt là những "ông bác" sẵn sàng giới thiệu cho các liên hệ, cơ hội dự án. Ngoài ra, tôi cũng có một "ông sếp", cứ hễ thấy dấu hiệu "đào ngũ" là lại lên dây cót: Đã làm được cái gì đâu mà về", chị chia sẻ.
Phong cách trẻ trung, năng động của Giám đốc F500 |
Là khách hàng đầu tiên, Fujitsu được Dương coi như "mối tình đầu". Bản thân chị khi làm việc cũng hoàn toàn theo bản năng của một người phụ nữ đang yêu. Bởi thế, nỗ lực lớn nhất mà chị tự nhận về mình chỉ là việc chấp nhận xa nhà trong suốt 3 năm để chuyên cho account này. “Khi bạn được làm việc mình thích thì đó là tận hưởng cuộc sống. Có lẽ tôi hơi ích kỷ khi bỏ gia đình để tận hưởng một mình".
Cá tính mạnh mẽ cứ nhất định phải làm cái mình muốn, kẻ coi chị là cực đoan, người lại cho đó là kiên định. Không quá bận tâm về những điều ấy vì với chị, đơn giản chỉ là "không nhận thì thôi, nếu đã nhận thì sẽ làm cho đến cùng".
Thùy Dương có giọng hát rất hay. Chị từng khiến khách hàng trầm trồ khi song ca cùng Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trong sinh nhật FPT Japan 10 năm. |
Nhớ lại năm 2016, khoảng thời gian đầy sóng gió và vất vả của cả đội khi Fujitsu thay đổi tổ chức, tái cấu trúc hàng loạt. Cơ cấu của FPT Japan cũng thay đổi 180 độ. Việc về nhiều nhưng không có người làm, nhiều dự án phát sinh vấn đề, chỉ còn mình chị bên Nhật chăm sóc các hạt giống đã gieo. Đội ngũ offshore phải làm việc tăng tốc,nhiều người đã rời bỏ tổ chức. Nhưng may mắn, các hạt giống vẫn "nảy mầm" theo kế hoạch. Sự linh hoạt, nhanh nhạy khi xử lý tình huống đã giúp Dương nhận ra rằng, cơ hội luôn ở đằng sau mỗi thách thức. Bởi thế, một trong những trách nhiệm của chị là biến những thách thức thành cơ hội nhiều nhất có thể.
Từ lúc trong tay không có gì ngoài tuổi trẻ và khát khao muốn làm việc cho FPT Software, đến nay, những gì chị nhận lại từ FPT “nhiều không kể hết”. Tình yêu, bạn bè, các mối quan hệ xã hội, sự trưởng thành, nhận thức hay kỹ năng làm việc… Đặc biệt là những “ông anh, bà chị” mà ngay cả trong suy nghĩ, chị cũng chưa bao giờ mơ có được.
Dồn sức cho vị trí mới, Dương đã chuyển về Việt Nam làm việc. Khó khăn của chị là cảm giác thiếu thốn thời gian. Trước đây ở Nhật một mình, chị dễ dàng dành cả ngày cho công việc. Còn hiện tại, ngoài việc công ty, chị cũng phải làm tốt vai trò quản trị dự án trong cuộc sống của chính mình.
Trước mắt, chị Dương vẫn qua Nhật định kỳ để đi theo các cơ hội, dự án, chuyển giao các quan hệ khách hàng cho AM mới. Chị bảo, thách thức lớn với F500 hiện nay cũng như thách thức của FPT Software là giải quyết bài toán nhân sự khi đặt kế hoạch tăng trưởng nóng từ nay đến năm 2020. Song chị nhìn nhận, đây cũng là cơ hội để các ứng viên trẻ được thể hiện năng lực, phát triển nhanh.
“Đến năm 2020, F500 có thể đóng góp 200 triệu USD vào mục tiêu 1B sẽ không còn là con số a dua nói để cho vui nữa. Với những thay đổi, hiện tại, FPT Software và Fujitsu đang thảo luận một hợp tác mà nếu hành công thì đây là con số hoàn toàn có thể mơ tới”, nữ Giám đốc F500 kỳ vọng.
Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến mới phê duyệt cơ cấu tổ chức Công ty TNHH Phần mềm FPT năm 2017 với một số thay đổi nhằm hoàn thiện tổ chức công ty, hướng tới mục tiêu 1B2020. Theo đó, khối OB (chi nhánh nước ngoài) sẽ gồm 4 khối thị trường cơ bản: Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương (thị trường các nước mới nổi bao gồm Việt nam, Myanmar… ). Khối Delivery (Sản xuất) sẽ có thêm các tên mới như: DTL, F500, EKB, GES, FSG bên cạnh các FSU (Đơn vị phần mềm chiến lược) đã được biết đến như: CME, FGA, FSU1, FSU11, FSU17, BPO, CLI. Trong đó DTL, F500, EKB là các FSU mới được thành lập trong năm 2017; GES được hình thành bằng sự sáp nhập GSC và ESS; BSI được đổi tên thành FSG. Là đơn vị phần mềm chiến lược đặc biệt, bởi tên gọi của F500 sẽ thay đổi hằng năm, tiến tới các mục tiêu cụ thể của từng năm. |
>> FPT Software 'khai sinh' đơn vị phần mềm đặc biệt
Thanh Nga
Ý kiến
()