Trong buổi khai trương shop Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, mọi người thấy một phụ nữ ăn mặc chỉn chu luôn tay dán decal khuyến mãi vào các laptop, lúc lại đứng kéo cửa kính và chào, hỏi thăm khách vào - ra… Đó là công việc quen thuộc mỗi khi xuống cửa hàng của chị Nguyễn Bạch Điệp, TGĐ FPT Retail - đơn vị quản lý hơn 160 shop trên toàn quốc với khoảng 4.300 CBNV.
2014 là năm “bội thu” của FPT Retail khi gặt hái được nhiều trái ngọt sau hơn 7 năm kiên trì gieo hạt, ươm mầm. Ảnh: FRT. |
“Người đàn bà thép" của FPT - CEO FPT Retail có quá trình lập nghiệp ấn tượng. Học kinh doanh, năm 1994, muốn tìm chỗ thực tập, chị được bạn giới thiệu làm nhân viên bán hàng ở FPT. Xác định mục tiêu công việc, cô nữ sinh trẻ đã vận dụng triệt để kỹ năng lắng nghe và tập trung học hỏi thật nhanh nhằm cán mốc những “kế hoạch nhỏ”.
Chị Nguyễn Bạch Điệp được tòa soạn Chúng ta bình chọn là Lãnh đạo của năm. Năm 2013, danh hiệu này thuộc Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến và TGĐ FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa. |
“Tôi buộc mình trong một tháng phải biết cách tư vấn để khách chấp nhận mua hàng rồi nâng dần các mục tiêu”, TGĐ FPT Retail nhớ lại. Thời gian thực tập không lương hay thưởng nhưng chị vẫn quyết tâm làm hết khả năng. “Trái ngọt” đầu tiên đến khi chị Điệp nhanh chóng được cất nhắc lên vị trí quản lý cửa hàng.
Đúng thời mở cửa, các hãng lớn của Mỹ vào Việt Nam; và cửa hàng FPT được chọn làm nơi mua máy văn phòng. Ăn nên làm ra, chị Điệp trở thành Giám đốc của FSU11 thuộc FPT IS - đơn vị cung cấp máy tính và phần mềm cho các dự án.
Đầu năm 2003, Nokia chọn nhà phân phối mới sau khi Đông Nam Associates vướng lùm xùm. Lúc này, chị Điệp chuyển về F-Mobile (thuộc FPT Trading) để thực hiện nhiệm vụ mới của FPT là trở thành đối tác của hãng điện thoại Phần Lan.
Sau những cống hiến không mệt mỏi, năm 2008, chị là nhân viên duy nhất của FPT HCM được tập đoàn tặng HC Lao động hạng Nhất.
Giải thưởng đã tiếp sức cho chị trong hành trình chinh phục của mình. Năm 2009, chị được bổ nhiệm làm TGĐ Công ty TNHH Viễn thông FPT miền Nam (FTS), FPT Telecom. “Thời ấy đơn vị phát triển khá nóng nhưng mới chỉ chú trọng lượng thuê bao đăng ký (Gross) trong khi số rời mạng lại rất cao. Bằng việc sâu sát tất cả ”ngóc ngách”, chị Điệp đã tìm ra những lỗ hổng và áp dụng phương pháp mới, hướng đến chăm sóc khách hàng tốt để nâng số thuê bao thực sự (Net)”, chị Huỳnh Thị Cao Thi, GĐ Nhân sự FPT Retail, khi đó là Phó TGĐ FTS, hồi tưởng.
CEO FPT Retail tận tình hỏi thăm các khách hàng sau khi mua và trải nghiệm dịch vụ tại shop Nam Kỳ Khởi Nghĩa. “Chị Điệp xuống shop ít nói cười nên các nhân viên cho rằng sếp lạnh lùng và cảm thấy áp lực. Ban đầu mình cũng thế, sợ và khớp lắm bởi hình ảnh thường thấy là người phụ nữ mặc đồ đen đứng khoanh tay với gương mặt cương nghị và đăm chiêu”, chị Lê Mai, người mới rời FPT, nhớ lại. “Nhưng sau này mình biết chị ấy đang làm việc”. |
Năm 2010, FPT lập dự án liên doanh cùng tập đoàn siêu thị hàng đầu Indonesia, chị Điệp được tin tưởng giao làm Giám đốc dự án Alpha Mart. Tuy nhiên, sau một năm vừa qua lại học hỏi, tìm hiểu quy trình, hệ thống vừa đàm phán thì bất ngờ FPT rút quân để tập trung nguồn lực cho việc mua lại EVN Telecom.
Cựu lãnh đạo F-Mobile lại trở về Công ty Phân phối. “Anh Trần Quốc Hoài, TGĐ FPT Trading, dẫn tôi đi khắp các đơn vị trực thuộc để xem xét trước khi chọn lựa. Cuối cùng tôi chọn FPT Retail, khi ấy còn rất nhỏ”, chị Điệp nói.
Thời ấy, tay phải FPT Trading là nhà phân phối trong khi tay trái lại có công con về bán lẻ, giống “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên hay bị các đối tác ý kiến. Chính vì thế, FPT Retail không được chăm chút, lợi nhuận “chỉ đủ nuôi thân”. Với những kiến thức nền tảng học được từ đối tác Indonesia, chị vững tin chọn FPT Retail.
Những kiến thức thu nhận trước đó giúp chị “đọc được công thức thành công của Thế giới Di động - “ông lớn” mảng bán lẻ đang lên như diều gặp gió”. Tự tin, "người đàn bà thép" làm kế hoạch và bảo vệ trước các lãnh đạo FPT.
Ngày 1/2/2012, FPT Retail chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần nhằm thực hiện đề án chuỗi bán lẻ của tập đoàn. Năm đầu tiên ra riêng, đơn vị tăng trưởng 51%, vượt kế hoạch đề ra. Năm 2013, doanh thu tăng 3 lần so với 2012.
Đang băng băng vượt những mốc thách thức, đột nhiên CEO Phạm Thành Đức xin rời FPT. “Tôi khá sốc khi Đức rút lui”, chị Điệp nhớ khoảnh khắc ấy. Đôi vai nhỏ bé của chị lại chùng xuống khi gánh nhiệm vụ chèo lái con thuyền Bán lẻ ra khơi trong thị trường điện tử - hàng công nghệ trị giá khoảng 5 tỷ USD, số liệu do GfK công bố năm 2013.
Năm 2014, FPT Retail vượt mọi chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và mở rộng vùng phủ. Điều dễ nhận thấy ở người phụ nữ nhỏ nhắn này là hiệu suất làm việc khó ai có thể bắt kịp. “Công việc bán lẻ có rất nhiều việc phải xử lý cùng lúc, dù tiếp xúc thường xuyên nhưng tôi không hiểu chị Điệp sắp xếp thời gian như thế nào để mọi việc vận hành một cách trôi chảy như vậy. Chị ấy có cường độ làm việc rất cao”, anh Lê Quang Sơn, Samsung Việt Nam, đối tác của FPT Retail, thốt lên. “Cách làm việc của chị Điệp luôn truyền cảm hứng yêu công việc cho những người xung quanh”, Phó GĐ Trung tâm Phát triển kinh doanh FPT Retail Phan Thanh Uyên bổ sung.
FPT Retail được cựu TGĐ Phạm Thành Đức tự trào là “buôn thúng bán mẹt” nên tiết kiệm chi phí là một trong những tiêu chí luôn được thực thi. Câu hỏi thường được người FPT hay đối tác đặt ra là tại sao đơn vị không thuê khu văn phòng riêng mà trụ sở chính phải bố trí trên lầu chật chội của shop Khánh Hội, quận 4, và các phòng, ban cũng án ngữ trên tầng các shop ở Sài Gòn.
“Đầu tiên công ty muốn tối ưu chi phí. Kế đến, chúng tôi phải nắm bắt hơi thở kinh doanh của các shop một cách nhanh và đầy đủ nhất”, chị Điệp chia sẻ tại căn phòng dành cho CEO đơn giản và nhỏ nhất trong các công ty thành viên tập đoàn - nơi không bố trí bàn ghế tiếp khách riêng. “Chúng tôi ưu tiên đầu tư cho khách hàng và nhân viên”, chị nói.
Vài năm trước, do tốc độ phát triển nhanh nên yêu cầu đảm bảo quy trình được thực thi nghiêm ngặt dẫn đến đôi chỗ khách hàng cảm thấy bị phiền hà. “Nhưng nay chúng tôi đã chuyển trọng tâm sang khách hàng. Mọi phản ánh sẽ được ưu tiên giải quyết nhanh nhất có thể và công ty sẵn sàng nhận phần thiệt”, chị Điệp cho biết.
Chị kể có khách hàng ở Gò Vấp mới lên tận phòng TGĐ để “kiện”. “Tôi dẫn anh ấy xuống shop phía dưới và giải quyết dứt điểm ngay. Tiếp theo mới xử lý các bộ phận chưa làm tốt trước đó. Một trong những chỉ tiêu lớn nhất của hệ thống FPT Shop là mức độ hài lòng của khách hàng”.
Nữ CEO duy nhất FPT nhận định, trong thị trường sản phẩm kỹ thuật số cạnh tranh gay gắt và thay đổi liên tục, sự khác biệt chính là dịch vụ khách hàng; “và mỗi nhân viên công ty đều được tập huấn và thực hiện đến từng chi tiết nhỏ”.
CEO FPT Retail hào hứng cùng các nhân viên trước Hội thao kỷ niệm sinh nhật lần thứ 26 của tập đoàn. Ảnh: Kim Phát. |
Nhạy bén và quyết liệt với công việc nhưng trong đời sống, TGĐ FPT Retail lại là một-người-khác. “Sinh nhật, nhân viên mang bánh kem sang chúc mừng khiến sếp mặt đỏ rần rần. Chị ấy rất hay xấu hổ”, Lê Mai, người mới rời FPT, nhớ lại. Chị được nhân viên yêu quý vì nết ăn ở và hay quan tâm đến mọi người. Bỏ tiền túi cho nhân viên vay mua nhà, tặng tiền Tết nhân viên, mua bàn ghế, máy tính, điện thoại phục vụ cho việc chung; nhà tài trợ lớn cho các hoạt động từ chính thức cho đến “phi chính quy” với chị là chuyện “thường ngày ở huyện”...
Nữ TGĐ FPT Retail hồ hởi khoe, sau vài năm vừa làm vừa học, đơn vị đã chủ động xây dựng hoàn chỉnh hệ thống, nguồn nhân lực, quy trình cho giai đoạn tăng tốc. “Năm 2015, chúng tôi sẽ mở mới khoảng 60 shop để đến 2016 đạt mốc 250. Năm nay, Bán lẻ Kỹ thuật số đặt mốc thách thức là tăng trưởng lợi nhuận 300%”, chị Điệp nói và nhìn ra ngã tư Khánh Hội - Hoàng Diệu đông người qua lại đang có vài vị khách ghé shop. Hai bảo vệ tất bật nhận xe trước khi khách hàng được nhân viên mở cửa kính lớn có dán decal màu đỏ - đen đặc trưng chào đón. Ở bãi để xe, trên những gác baga, áo mưa của khách trùm lên xe đã được bảo vệ gập ngăn ngắn.
Nguyên Văn
Ý kiến
()