Chúng ta

Lập trình viên 19 tuổi: ‘Còn trẻ quan trọng nhất là phát triển bản thân’

Thứ hai, 2/7/2018 | 10:35 GMT+7

Sinh năm 1999, Diệp Thanh Tú là lập trình viên trẻ tuổi nhất FPT Software trong khi bạn bè đồng trang lứa mới đang học năm nhất. 

Gặp Diệp Thanh Tú ở F-Town, campus của nhà Phần mềm ở Khu công nghệ cao (quận 9, TP HCM), không ai nghĩ chàng trai với vẻ ngoài chững chạc và cách nói chuyện “ông cụ non” lại sinh năm 1999. 

Lập trình viên quê Khánh Hòa “tự thú”, lúc nhỏ hay “phá” máy tính, thích chơi game, mê các thiết bị thông minh. Những trò chơi thuở bé chẳng ngờ đã dần dần hun đúc thành niềm đam mê và quyết tâm lớn trên con đường chinh phục công nghệ. Đó cũng chính là khởi nguồn cho quyết định lạ đời, “chẳng giống ai” năm 18 tuổi của cậu học trò vừa tốt nghiệp phổ thông. 

Thời cấp 3, Diệp Thanh Tú 3 năm liền đạt loại giỏi, và sau đó "vượt vũ môn" thành công khi thi đại học khối A đạt 26 điểm - số điểm đủ cao để có thể vào một trường đại học “xịn” ở Việt Nam. Trong khi nhiều người chạy đua để có một ghế ở giảng đường đại học, Tú lại quyết định bỏ cơ hội này, đăng ký khóa học online của Đại học trực tuyến FUNiX. Bố mẹ cậu phản đối nhưng Tú quyết tâm đi đến cùng. Và chỉ 4 tháng sau, Tú chứng minh rằng quyết định có vẻ ngược đời ấy hoàn toàn đúng đắn. Ngày 16/3/2018, Diệp Thanh Tú trở thành nhân viên chính thức của FPT Software ở độ tuổi 19, khi biết bao nhiêu bạn đồng trang lứa chưa hết học kỳ 1 của năm nhất đại học. 

TuDT-Resize-3523-1530450062.jpg

Diệp Thanh Tú sinh năm 1999 là lập trình viên trẻ nhất FPT Software, khởi đầu với Học viện Fresher, sau đó được chuyển về đơn vị CME và hiện tại là FSU1. 

Tìm kiếm một môi trường làm việc để bản thân kỷ luật hơn, Tú chọn FPT Software vì từ bé đã rất thích công ty công nghệ tiếng tăm này. Tú bảo từng một lần đánh mất cơ hội làm ở FPT Software vào tháng 11/2017, lúc ấy cậu còn chưa đủ 18 tuổi. Quyết tâm làm bằng được, Tú đi phỏng vấn lần hai và cậu cho rằng mình may mắn được chọn. “Xung quanh toàn các anh 1996 mới ra trường, còn tôi sinh năm 1999 thôi, lại được hỏi về đồ án ở trường đại học, tôi không nghĩ lại đậu”, lập trình viên 9x kể. “Có thể người phỏng vấn thấy tôi có cách suy nghĩ tạm ổn”.

Bước chân vào FPT Software, Tú bắt đầu với Học viện Fresher. Sau 2 tháng, chàng tân binh được chuyển về làm việc tại đơn vị CME, tham gia dự án xây dựng hệ thống quản trị nội dung (Content Management System) cho một đối tác lớn của Singapore - một dự án được ban lãnh đạo dành sự quan tâm lớn nên cả nhóm ai cũng áp lực. Lúc mới bắt đầu, công việc khá “ngợp” bởi Tú phải làm quen với nhiều công nghệ mới, lại phải làm ngoài giờ triền miên như cơm bữa. Nhưng dần dần, được sự hướng dẫn của đàn anh đi trước, Tú có tư duy nền tảng nên việc tiếp thu cái mới trở nên dễ dàng hơn.

Video chia sẻ của Diệp Thanh Tú - Lập trình viên trẻ nhất FPT Software:

Khoảng thời gian ấy, Tú học lỏm được phương pháp “quick learning” của những anh trưởng nhóm, trưởng dự án. “Cứ làm đi rồi sẽ biết. Cái gì không biết thì tra cứu, tôi đã dần bắt nhịp, cũng may không bị cho đi đào tạo lại”, Tú cười nói. “Vào FPT Software, tôi học được nhiều thứ hay nền tảng”. 

Hẳn nhiều người sẽ tò mò, cậu bé “chưa 18” suy nghĩ như thế nào để đưa ra quyết định lạ lùng. “Tôi thi đại học cũng vì lỡ hứa với cậu rồi, chứ đó không phải là con đường tôi hướng tới”, Tú bật mí. Và đấy không phải là một quyết định liều lĩnh, may rủi mà đã có sự âm thầm chuẩn bị từ trước. 

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường cấp 3, Tú đã sớm nhận ra những cơ hội lớn trong ngành công nghệ thông tin. Tú thấy học lập trình có thể ứng dụng ngay, luyện tập tư duy logic, suy nghĩ sâu, khiến đầu óc “sáng sủa” hơn. Hơn nữa, chàng trai còn cho rằng, nếu giỏi web đã có thể làm những thứ kiếm ra tiền. 

TuDT3-1910-1530450062.jpg

Ban đầu, Diệp Thanh Tú cũng không có ý định thi đại học, nhưng lỡ hứa với gia đình nên thi khối A đạt 26 điểm. 

Tìm hiểu về chương trình học online của FUNiX, Tú biết rằng học 3 chứng chỉ đã có thể thực tập ở FPT Software, và dưới một năm có thể đi làm được. Hơn nữa, bằng của FUNiX đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận, học viên có thể đi học nước ngoài và lấy bằng thạc sĩ. Còn học đại học truyền thống mất thời gian hơn gấp 4 lần, có nhiều kiến thức máy móc, thiếu thực tế không áp dụng được vào công việc.

“Cơ hội do chính mình tạo ra, hơn nữa mình đã có những dự định và hướng đi riêng của mình. Đại học không phải là con đường duy nhất”, Tú khẳng định. 

“Nếu bạn cảm thấy cái giá cho việc học là đắt, hãy trả giá cho sự ngu dốt của mình” - Câu nói của Warren Buffett đã truyền cảm hứng cho niềm say mê bất tận ở Tú cho việc học hỏi. Cách suy nghĩ chín chắn và quyết liệt của Diệp Thanh Tú được rèn giũa ngay từ lúc cậu học phổ thông. Tú rất mê sách, đọc nhiều sách về kinh tế, sách dạy tư duy… để xây dựng cốt lõi, những giá trị, sức mạnh bên trong. 

TuDT2-5653-1530450062.jpg

Diệp Thanh Tú luôn muốn được chủ động, tự lập trong cuộc sống, công việc. 

Nói về phương pháp, những gì muốn học, Tú liệt kê ra và tự tìm kiếm, xây dựng giáo trình, tự học trên mạng mà không phụ thuộc vào người hướng dẫn. “Thật ra học không khó, quan trọng là có chịu bỏ thời gian hay không, người khác làm được mình có thể làm được”. Lập trình viên sinh năm 1999 đánh giá chỉ cần 2-3 tháng là đã có thể học được một thứ mới. “Việc học cũng thú vị và đầy trải nghiệm giống như đọc sách và đi du lịch”. 

Chàng lập trình viên trẻ tuổi hài hước nói: “Bản thân thấy mình còn vô dụng quá, phải học hỏi thêm nhiều thứ”. Lấy được bằng FUNiX, trau dồi tiếng Anh, tiếng Nhật, luyện tập piano là những dự định nằm trong kế hoạch học tập của Tú trong thời gian tới. Hẳn nhiều người sẽ cho rằng không nên tham lam nhiều thứ cùng lúc nhưng với Tú, “tuổi trẻ quan trọng nhất là phát triển bản thân. Khi giá trị của bản thân đủ lớn, tự khắc thu nhập và vị trí sẽ đi theo cùng”. 

Quyết định "ngược đời"-  không học đại học - của Diệp Thanh Tú cũng phần nào là kết quả của tính tự lập cao. Khi mới bước chân vào Sài Gòn, tuy có người quen nhưng chàng trai muốn tự lo mọi thứ. Thời gian đầu khá khủng hoảng, không xe máy, cậu đạp xe để đi lại đến nỗi sụt 10 kg - chàng trai vốn mảnh khảnh lại thêm gầy gò. “Nhưng kiểu gì mình cũng không thể chết đói được”, Tú cười. Cùng với việc học online, Tú đăng ký khóa học sửa chữa máy tính ở trung tâm. Có thời gian, Diệp Thanh Tú đi bưng bê ở nhà hàng, đám cưới, không phải để kiếm tiền mà để có những trải nghiệm. “Tôi muốn sau này nhìn lại tuổi trẻ có nhiều thứ hay ho, để xem mình lúc trẻ bản lĩnh thế nào. Cứ ru rú trong nhà không học hỏi được gì. Nếu dễ dàng quá, sau này không có gì ấn tượng để nhớ”, Tú chia sẻ.  

Về tương lai xa hơn, Tú muốn tự tạo lập kinh doanh riêng nên bây giờ chính là khoảng thời gian để học hỏi và xây dựng nền tảng từ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng. 

>> Giám đốc 9x: Hãy chứng minh cho công ty thấy bạn có giá

Xuân Phương

Ý kiến

()