Chúng ta

BrSE trưởng thành từ việc rửa bát

Thứ ba, 5/4/2016 | 10:25 GMT+7

12 tháng học tập tại xứ sở hoa anh đào của Lê Văn Huy, học viên khóa 1 chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối (BrSE), đã khép lại nhưng đồng thời mở ra một trang mới - trở thành nhân viên của SBI Holdings, tập đoàn nổi tiếng cung cấp giải pháp dịch vụ tài chính, quản lý tài sản kinh doanh và công nghệ sinh học trên Internet, ngay tại Nhật Bản.

Quyết định thay đổi, Huy từ bỏ cuộc sống đầy đủ ở Việt Nam để ném mình vào căn phòng ký túc nhỏ hẹp tại xứ người. Nhưng cũng chính tại không gian này, cậu hạ quyết tâm phải cố gắng hết mình. "Đặt chân xuống sân bay, với vốn tiếng Nhật ít ỏi, tôi chỉ biết vo mình lại. Nhưng rồi cũng quen dần với cuộc sống tha hương. Những người bạn mới, cùng nấu ăn, cùng đến trường, cùng học...", Huy kể về thời gian đầu của mình.

Để bổ sung và trau dồi ngoại ngữ, cậu xin đi làm thêm tại quán ăn của Nhật Bản. Đối với người bản địa, trình độ ngoại ngữ của nhân viên nước ngoài được "quy ước" theo vị trí "từ trong ra ngoài". Ai nói tốt sẽ được làm phục vụ bàn, ai chưa tốt làm nhân viên rửa bát. Huy đã bắt đầu công cuộc cải thiện tiếng Nhật của mình với vị trí "chân tay" này.

Với sinh viên còn đang đi học, ngoài thời gian ở trường, Huy dành khoảng 20 tiếng/ tuần để đi làm thêm.

Với sinh viên còn đang đi học, ngoài thời gian ở trường, Huy dành khoảng 20 tiếng mỗi tuần để đi làm thêm. Ngoài chi phí trang trải mua sách vở, Huy vẫn có thể gửi quà về nhà.

"Cùng làm với tôi là một người phụ nữ Nhật đã có tuổi nhưng lúc nào cũng bắt gọi là chị. Cô ấy rất khó tính, nói cũng khó nghe. Ban đầu do không hiểu nên tôi hay gật đầu cho qua chuyện. Nhưng rồi hai tháng, vốn tiếng Nhật cứ thế lên từng ngày, tôi đã hiểu được khoảng 50%", cậu nói.

Tự tin hơn, Huy tích cực giao tiếp và mạnh dạn nói tiếng Nhật. Cậu dần dần học được quy cách làm việc của người bản địa, từ việc chào hỏi, thái độ làm việc. Người Nhật có cách làm việc luôn đặt mục tiêu tập thể lên đầu. Họ cống hiến hết mình và tuân thủ các quy tắc công ty đặt ra. Sau thời gian học tại đây, Huy cũng đã học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Trong quá trình thay đổi nhận thức ấy, tất nhiên, 10.000 BrSE chính là cầu nối giúp cậu thực hiện ước mơ của mình.

Theo chàng trai trẻ, việc học và nắm vững thật chắc chương trình N5-4-3 rất có ích, bởi đó là nền tảng để học cao hơn. Bên cạnh đó, những câu chuyện bên bàn nhậu cũng có thể giúp cho bản thân cải thiện từ vựng. Thời gian học của cậu mỗi ngày là 2-4 tiếng, sau thời gian học ở trường và đi làm.

Qua một năm, không chỉ nói chuyện với người Nhật, cậu còn đạt giải ba thuyết trình tại Học viện Meros. Với trình độ tiếng Nhật tương đương N2, Huy tốt nghiệp đúng kỳ hạn quy định, và được tuyển vào SBI Holdings kể từ ngày 1/4.

Để có kết quả này, Huy phải trải qua 3 vòng phỏng vấn và một bài kiểm tra tiếng Nhật đủ cấp độ từ N5 đến N1 (cấp cao nhất) của doanh nghiệp. Ngoài sự may mắn, Huy cho rằng, những lần phỏng vấn trước tại FPT Japan hồi tháng 11/2015 (Job Fair) đã giúp cậu rèn luyện được một số kỹ năng khi ứng tuyển vào công ty Nhật Bản, và cách xử lý những câu hỏi thường gặp. "Đi xin việc không giống như việc học thuộc bài. Ngoài chuyên môn, ngoại ngữ, ứng viên phải luôn tươi cười, thể hiện thái độ tự tin", cựu học viên BrSE khóa 1 chia sẻ.

Trở thành nhân viên của một doanh nghiệp nước ngoài, Huy tiếp tục đặt ra cho mình những đích đến lớn hơn. Nỗ lực học tập và tham gia các dự án của công ty, cậu đặt mục tiêu 5 năm trở thành nhân viên có vị trí quan trọng, 10 năm sẽ trở thành quản lý dự án quy mô lớn. Thời gian còn dài, chẳng ai đánh thuế ước mơ, cậu sẽ quyết định ở lại đây hoặc về nhà tùy vào duyên số.

Ngày 24/3 vừa qua, FPT Software đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho 43 học viên đầu tiên của khóa 1 tốt nghiệp. Kết thúc khóa học, cùng với việc được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu công việc của một kỹ sư CNTT tiếng Nhật, 100% học viên khóa 1 đã đạt được trình độ tiếng Nhật tương đương N2 và đều được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp. Trong đó, 80% học viên nhận được việc làm đúng chuyên môn ngay tại Nhật. Số còn lại sẽ làm việc trong các dự án với đối tác Nhật Bản của FPT Software và có cơ hội làm việc ngắn hạn và dài hạn tại Nhật Bản. Đặc biệt, có một học viên suất sắc của khóa 2 được đặc cách tốt nghiệp trước 3 tháng và được một công ty của Nhật Bản nhận ngay vào làm việc tại Nhật.

Trong năm 2015, Chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối do FPT Software khởi xướng và thực hiện đã đào tạo được gần 1.000 học viên tại Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó, số học viên đào tạo tại Nhật Bản là gần 300 học viên. Năm 2016, Chương trình dự kiến tiếp tục đưa 4 khóa học viên sang Nhật Bản đào tạo (nhập học tháng 1, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 năm 2016). Tại Việt Nam, Chương trình cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo kỹ sư cầu nối tiếng Nhật theo các chương trình đào tạo liên kết với một số trường đại học. 

Chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối của FPT Software được thực hiện trong giai đoạn 2015-2020. Trong đó, sẽ có khoảng 5.000 học viên được đào tạo tại Nhật Bản trong vòng 6-12 tháng và 5.000 học viên được đào tạo tại Việt Nam. Các học viên tham gia khóa đào tạo tại Nhật Bản sẽ được FPT Software bảo lãnh tài chính với mức vay tối đa 400 triệu đồng và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành IT với mức thu nhập tối thiểu lên đến 2.000 USD/tháng sau khi tốt nghiệp.

Trong vòng 6-12 tháng, học viên được đào tạo tiếng Nhật và tiếng Nhật chuyên ngành CNTT cũng như văn hóa Nhật Bản để thi đạt chứng chỉ tiếng Nhật N2. Bên cạnh đó, học viên cũng sẽ được bố trí việc làm thêm, thực tập tại FPT Nhật Bản hoặc các đối tác của FPT tại Nhật và tham gia các khóa học chuyên ngành CNTT trên hệ thống online.

Tiểu Thanh

Ý kiến

()