Chúng ta

Sờ ti cô và tôi

Thứ sáu, 25/5/2018 | 13:35 GMT+7

Thế là từ khi vào công ty đến giờ tôi đã không bỏ lỡ một cơ hội nào để được leo lên sân khấu 13/9. Mỗi lớp người mới vào công ty lại là một lớp nghệ sỹ mới mang lại những sáng tạo mới cho văn hoá Sờ ti cô.

Lần đầu tiên tôi được thưởng thức Sờ ti cô là một buổi trưa năm 1995. Hồi đấy phần mềm còn đóng đô tại xưởng phim Ngọc Khánh đối diện hồ Thủ Lệ. Ngày ấy buổi trưa là cả bộ phận đi ăn cơm với nhau. Anh Nam thỉnh thoảng mới thấy có mặt. Một hôm ăn xong xuôi, tự nhiên anh nổi hứng ngồi gõ bát hát ngêu ngao bài “Người đẹp mũi to”. Màn trình diễn rất ấn tượng được bọn sinh viên chúng tôi hưởng ứng nhiệt liệt. Sau một sê ri các bài khác nhau, anh hỏi chúng tôi "Rock nặng nhé". Ngơ ngác chẳng hiểu anh nói gì, nhưng thấy chị Hương còm và chị Tú Huyền đứng dậy chuồn trước, tôi đoán chắc là có gì hay lắm. Thế là “Hò kéo pháo”, “Nguyễn Viết Xuân”... tuôn ra cuồn cuộn.

13/9 năm 1996. Lúc bấy giờ FPT mới chuyển về trụ sở mới được mấy tháng. Ðội của chúng tôi lúc đấy được gọi là LAHATABA (Láng Hạ tầng ba) bao gồm FSS và FIS. Ðể các bạn mới vào có thể dễ hình dung thì 2 bộ phận này bây giờ đã phát triển thành FIS, FSOFT, FSS, FOX và... SơnTT. Cách 13/9 mấy hôm vẫn chẳng thấy tập tành gì. Ðến chiều 11/9, tự nhiên anh Nam rủ cả hội đến nhà Quang Anh để bàn về các tiết mục để đi diễn. Tự nhiên anh Nam bảo là có thằng nào dám cởi quần áo trên sân khấu không. Nhìn quanh thì có 4 ông tướng xung phong làm cái việc này đó là anh SơnTT, Nguyễn Minh, anh Hà Nguyên Tiêu và tôi. Tập thì chẳng có gì cả, cứ nhẩy tưng tưng rồi thỉnh thoảng lại rú lên một cái. Ðến khi lên sân khấu mới thấy mình máu thật, quần áo cởi hết ra, mặc mỗi cái quần sịp. Cái khố thuê của nhà hát kịch tưởng to lắm, hoá ra chỉ có mỗi một dải vải bé tí tẹo đằng trước và một dải đằng sau, treo quanh hông bằng một sợi dây chuối. Nhưng đã chót rồi thì phải chét, tôi cũng đánh liều mặc vào rồi nhảy ra sân khấu trong tiếng nhạc Tây Nguyên rộn ràng. Năm đấy tiết mục "Múa thổ dân" của bọn tôi đoạt được giải "Âm nhạc lạc điệu nhất". Ðêm văn nghệ 13/9 năm 1996 đã đánh dấu một bước ngoặt cho Sờ ti cô đi lên sân khấu lớn. Và từ đó đến nay, mỗi năm 1 lần chúng ta lại có một đêm văn nghệ mà ai trong công ty cũng háo hức chờ đợi.

 13/9 năm 1997. Lúc bây giờ FSS và FOX mới thành lập diễn chung một đội. Chúng tôi quyết định diễn 3 tiết mục như một chương trình ở trên đài phát thanh. Mở đầu là tiết mục múa hát trẻ con do FOX đảm nhiệm, tiếp theo là tiết mục chèo “Thị Mầu lên chùa” do anh Khắc Thành và chị Thanh Hải diễn chính, kết thúc là tiết mục Tư vấn tình yêu. Tối hôm trước, bọn tôi đến nhà anh Khắc Thành, ngồi trên cái giường hoàng hậu của anh để bàn về những câu hỏi đáp cho tiết mục Tư vấn tình yêu. Cả hội vừa bàn vừa cười nghiêng ngả làm sập cả cái giường của anh. Hôm sau trên sàn diễn, Việt Anh làm người hỏi, Ðức Quỳnh đóng vai giáo sư tâm lý, tôi đóng vai bác sỹ sinh lý. Ba thằng trao đổi nhau những câu đại loại như:

"- Bác sỹ ơi, em là Lục Ðình Vinh, em quen một cô gái đã lâu, muốn tỏ tình nhưng em bị hở van dạ dày. Bác sỹ tư vấn giúp em.

-   Em hãy dắt bạn em ra sông Tô Lịch hoặc những nơi có mùi tương tự để tỏ tình."

Tiết mục đã rất lạ và thành công. Về sau chúng tôi còn diễn lại tiết mục này một lần nữa trong chương trình khách mời của VTV3 với anh Lại Văn Sâm dẫn chương trình. Nó cũng được chương trình Gặp nhau cuối tuần phát triển thành chuyên mục Bác sỹ hoa súng.

13/9 năm 1998. FSS diễn vở "Bao Công hý Thuý Kiều". Ðây là một vở kịch rất đặc sắc do anh Khắc Thành dàn dựng. Toàn bộ lời thoại được viết bằng thơ lục bát phỏng theo truyện Kiều, bắt đầu bằng "Trăm năm trong cõi người ta". Nhân vật thì có Thuý Kiều, Kim Trọng và Thị Mầu. Ba người yêu nhau loạn xà ngầu rồi kết thúc bằng cảnh Thuý Kiều đi cùng với Bao Công. Tôi được đóng vai Kim Trọng, Ðức Quỳnh đóng vai Thuý Kiều, em Tịnh Tâm đóng vai Thị Mầu. Cả hai cô nàng đều cao hơn tôi mấy phân. Tôi vẫn còn nhớ lúc Thuý Kiều che quạt đi từ cánh gà ra giữa sân khấu rồi từ từ bỏ quạt xuống, cả hội trường đã cười rộ lên. Có thằng bé con còn kêu thất thanh "Sao Thuý Kiều xấu thế?". Không ai ngờ cái thằng Quỳnh Già đen như củ súng lại đóng vai một mỹ nữ tiêu biểu của Việt Nam. Cái lớp phấn trắng bờn bợt bôi trên mặt nó lại càng làm cho bộ mặt nó trở nên kinh dị và buồn cười. Vở kịch kết thúc bằng cảnh Bao Công (do TuấnPM đóng) nâng Thuý Kiều lúc đó đã bị ruồng bỏ và đọc hai câu thơ:

Ra đường gặp cánh hoa rơi

Hai tay nâng lấy, cũ người mới ta

Vở kịch này còn được chúng tôi diễn lại một lần nữa trước 500 khán giả Hàng không Việt Nam tại triển lãm Giảng võ trong một buổi giao lưu với các em tiếp viên hàng không trẻ đẹp.

 13/9 năm 1999. Lúc bấy giờ đánh dấu một giai đoạn nhân bản vô tính của FSS. Một nửa chúng tôi thành FSU1 đóng tại toà nhà 23 Láng Hạ, một nửa còn lại gọi là FSU3 vẫn ở lại 89 Láng Hạ, anh Khắc Thành thì đang lo gây dựng APTECH, anh Kiên thì chuẩn bị đi Ấn Độ. Tuy nhiên năm đó chúng tôi vẫn diễn cùng nhau. Lúc đầu cũng bí đề tài. Tụ tập ăn uống chán chê ở nhà anh Kiên mà cũng chẳng nghĩ được cái gì hay. Có người bảo là hay diễn tiếp vở Thuý Kiều, cho Kiều đi xuất khẩu phần mềm. Anh Thành, lúc đấy mới đi Về nguồn về, thì gợi ý làm một chính kịch về các chiến sỹ Trường Sơn. Mãi đến chiều hôm sau, ở quán bia Cần cẩu, bọn tôi mới quyết định làm vở "Tiễn anh lên đường". Vở kịch diễn cái cảnh mọi người chia tay anh giám đốc thân yêu lên đường đi sang Ấn Độ. Vai anh Kiên do MinhND (FSS) đảm nhiệm. Việt Anh đóng vai anh Bình trao kiếm và lần đầu tiên KamaSutra được nhắc đến trên sàn diễn Sờ ti cô. Quỳnh già đã vào vai thằng đàn em say rượu rất đạt. Có lẽ là không phải nó đóng mà nó say rượu thật cũng nên. Nó lè nhè mấy câu thơ:

Hôm qua còn theo anh

Ði ra đường quốc lộ

Hôm nay đã một mình

Lên đường sang Ấn Độ

Tôi lúc đấy đóng vai nữ thư ký bụng chửa ra tiễn anh Kiên. Ðạo cụ là 1 bộ váy chun hàng thùng trị giá 15 nghìn và 1 túm len cũ làm tóc. Bụng thì tôi không cần độn vì lúc nào cũng có sẵn. Tôi và giám đốc đã được nhẩy múa điên loạn trong bài “Em muốn sống bên anh trọn đời”. Có lẽ tôi đóng chưa đạt lắm nên nhiều người cứ nghĩ đấy là vai vợ.

Vở kịch này sau được diễn lại trong chương trình Gặp nhau cuối tuần do FPT đảm nhận cuối năm 2000. Chương trình này đã rất thành công và mang được văn hoá Sờ ti cô đến với khán giả truyền hình cả nước.

 13/9 năm 2000. FSOFT lúc này đang căng lên bởi những dự án. Các lớp tân binh ùn ùn ra lò. Các tân binh đều được biên chế vào những dự án thử nghiệm, nhanh chóng làm quen với cách làm việc theo quy trình để khi có dự án thật là bắt tay vào được ngay. Ai cũng học tập và làm việc say mê với tâm lý là mình mà không chuẩn bị thật tốt, đến khi việc nó về ùn ùn thì chết cả nút. Hết sinh viên tin học, FSOFT bắt đầu tuyển đến sinh viên các trường khác với suy nghĩ là chỉ cần tiếng Anh tốt, tin học thì sẽ dậy sau. Và thế là lần đầu tiên chúng tôi được đón rất nhiều những tân binh nữ đáng yêu từ các trường Ngoại Thương, Ngoại Ngữ, Ngoại Giao. Các em Hồng Hạnh, Thuỳ Nhung, Hồng Lê, Hoài Vân... thực sự đã thổi một luồng gió mới mát mẻ vào những anh lập trình viên suốt ngày chỉ biết đến người đẹp mặt vuông. Anh Nam lại tập hợp chúng tôi trong phòng khách 2 của FSOFT. Có lẽ anh vẫn khoái cái màn đóng khố năm xưa nên anh đề nghị "Ngày xưa mình có 4 thằng đóng khố, tại sao bây giờ không cho 40 thằng đóng khố lên sân khấu". Thế là có cái cảnh ấn tượng, cái đinh của vở diễn rồi, việc còn lại chỉ là đắp thêm nội dung cho nó thành một vở kịch "Trăm Khố". Kết quả cuối cùng là một vở kịch mô tả quá trình từ thời kỳ đồ đá săn bắn, hái lượm, tiến lên trồng lúa, rồi bị bọn Tây đô hộ, kết thúc là FPT giương cờ giải phóng mọi người tiến lên toàn cầu hoá.

Vở kịch bắt đầu từ cảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ tình cảm với nhau, rồi đẻ ra trứng. Tôi được dúi cho vai Lạc Long Quân, em NgọcPM đóng vai Âu Cơ. Em Ngọc học múa từ bé nên múa dẻo lắm, tôi thì chẳng biết gì, cứ em ấy bước sang trái thì tôi lại bước sang phải. Ðến lúc diễn thật trên sân khấu rồi, trước mỗi bước chân tôi vẫn phải hỏi lại em ấy cho chắc. Màn một kết thúc bằng việc em Ngọc đẻ ra một lô bóng bàn. Màn hai bắt đầu bằng cảnh đoàn thổ dân đóng khố đi ra sân khấu trong tiếng nhạc Michael Jackson. Khố thì là 1 mảnh vải phin mầu cháo lòng được vẽ thêm 3 sọc trắng cho nghệ thuật. Vì kinh phí có hạn nên kích thước khố ở cỡ tối thiểu. Thổ dân được mặc duy nhất 1 cái quần sịp và đóng khố. Lúc chuẩn bị ở sân sau, rất nhiều thổ dân đã phải đấu tranh tư tưởng mới dám đóng bộ vào. Có cậu (xin giấu tên) còn gặp khó khăn vì không bao giờ mặc sịp. Cuối cùng vẫn giải quyết được hết. Phía sau rạp Tháng Tám có một dàn mướp. Và lá mướp cũng được nhiều thổ dân vận dụng để làm kín đáo thêm cho bộ trang phục biểu diễn của mình. Tôi vẫn nhớ tiếng cười kích động của khán giả khi đoàn thổ dân vừa đi vừa nhẩy ra sân khấu. Nghệ sỹ Lê Khanh đã cười như nắc nẻ. Sau vở kịch chị phát biểu là chưa bao giờ thấy nhiều con trai ăn mặc hở hang như thế.

 13/9 năm 2001. Khi mọi người đang diễn kịch thì tôi đang phải ngồi lập trình ở bên kia đại dương. Nhớ sân khấu Sờ ti cô vô cùng.

 13/9 năm 2002. Lúc này tôi diễn cùng với đoàn FOX. Ðề tài của năm ấy khá khoai. Anh Khắc Thành bắt mọi người phải diễn lại truyện Kiều. Ðề tài tưởng như là có rồi nhưng diễn như thế nào để thật sáng tạo và không bị nhàm thì thật là quá khó. Nhất là khi đội FOX bắt thăm được phần cuối "Ðoàn viên", phần chẳng có gì là kịch tính. Cuộc trao đổi qua mail chẳng đem lại lợi ích gì. Loanh quanh vẫn là những modify chẳng có gì là đặc sắc. Thế rồi cả hội họp nhau ở dưới phòng Hà râu. Ý tưởng tự nhiên được nghĩ ra sau khi một ai đó nói đến một kết thúc cực đoan khi cả nhà đoàn viên dưới âm phủ. Thế là mỗi người nghĩ ra một kiểu chết từ chết đuối, chết đâm, chết chém, chết vì bóp cổ, thắt cổ... Có người còn bảo là treo 1 cái thòng lọng thật từ trên cao xuống nhưng thòng lọng không thít lại để treo 1 đứa lên đó. Sau rồi cũng bị gạt đi vì nhỡ cái thằng thắt dây nó nhầm nó thắt 1 cái nút thít vào được thì sao. Có đứa còn bảo là hay là mua một cái quan tài mang lên sân khấu. Toàn những ý tưởng kinh dị. Kinh dị đến mức, Hà râu còn bảo là phải có đứa cuối vở diễn đứng lên nói đấy là một giấc mơ chứ không thì khán giả sợ quá. Một buổi tập chiều chủ nhật và 1 buổi tổng duyệt chiều thứ hai là đủ. GiangPL đúng là một nghệ sỹ chuyên nghiệp, chỉ cần bật nhạc lên là Thuý Kiều Giang múa may như một con ma đích thực. Ðức Hạnh thì vào vai Thuý Vân quá đạt. Ðạt đến mức ngã lăn ra chết rồi, phải đá cho mấy cái mới chịu ngồi dậy để biến thành hồn ma. Tôi lại được đóng vai Kim Trọng. Vợ chồng Vương Ông, Vương Bà do Nghĩa Nhân và HuyềnMC run rẩy đi ra sân khấu trong tiếng ma "Mẹ ơi con chết rồi còn đâu". Tiếng ma này do Diệp lồng tiếng, đây là đóng góp của Diệp bù cho cái tội từ chối vai Thuý Vân vì lý do đang có bầu. TiếnN trong vai Vương Quan chắc chắn là người sung sướng nhất khi được 4 con ma xinh đẹp mơn trớn. Vở kịch đã thành công trong việc làm lặng đi tiếng cười của khán giả sau màn diễn suất sắc của FIS. Giọng đọc liêu trai của ÐứcPT cùng với cảnh cái tay của Kim Trọng bay xuống dưới khán giả là những sáng tạo kinh dị chưa từng có trên sân khấu Sờ ti cô. Quân FOX máu thật, không ai phải thúc giục, không ai phải nài nỉ, vai nào cũng là xung phong. Ðội múa ma do HoànVQ cầm đầu miệt mài tập đến tối mịt. Ðội múa này đã khép lại vở kịch một cách đỡ u ám sau những màn chém giết đẫm máu.

Năm đó tuy FOX không đạt được giải theo những tiêu chí của ban tổ chức, nhưng vở kịch "Hồn Kiều về trả oán" chắc chắn đã chiếm được cảm tình của người xem. Chúng tôi đã là một cái kết rất đẹp cho hội diễn nghệ thuật Sờ ti cô 2002.

Thế là từ khi vào công ty đến giờ tôi đã không bỏ lỡ một cơ hội nào để được leo lên sân khấu 13/9. Mỗi lớp người mới vào công ty lại là một lớp nghệ sỹ mới mang lại những sáng tạo mới cho văn hoá Sờ ti cô. Nhìn từ trên sân khấu và sau cánh gà xuống những gương mặt khán giả thật tuyệt vời. Tôi cũng muốn được ngồi như một khán giả vô tư nhất thưởng thức chọn vẹn một chương trình nghệ thuật 13/9. Cám ơn FPT, cám ơn Sờ ti cô đã cho tôi những giây phút thăng hoa hạnh phúc nhất.

Nguyễn Đắc Việt Dũng

 Công ty Truyền thông FPT

Ý kiến

()