Ngày Chủ nhật đen tối
Ngày 29/7, ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 7, giải bóng đá 11 người thường niên FPT Cup khai mạc với chỉ 5 đội tham gia, sau khi 2 đội FPT HO và Synnex FPT xin rút với lý do không đủ nhân lực. Ngay trận đấu đầu tiên, TP Bank tuyên bố bỏ giải với lý do bị trọng tài xử ép. Chỉ còn 4 đội đấu vòng tròn. FPT Cup 2018 trở thành mùa giải ít đội thi đấu nhất lịch sử ngay trong lần kỷ niệm 30 năm thành lập FPT.
Chưa dừng lại ở đó, FPT Software cũng suýt chút nữa theo chân TP Bank khi cũng đã có một cầu thủ cởi áo đấu để phản đối quyết định của trọng tài. Trong cả 2 trận đấu này, các cầu thủ đều cho rằng chính các quyết định thiếu chính xác của người cầm còi đã gây bức xúc và phá hỏng trận đấu. Vin vào lý do đó, nhiều cầu thủ thậm chí là người trong ban huấn luyện đội bóng đã có những hành động và lời lẽ không đẹp, thậm chí chửi tục đối với tổ trọng tài.
Đến nay, sau một cuộc họp giữa các lãnh đội, Ban tổ chức (BTC) đã quyết định vẫn tiến hành giải đấu với 4 đội bóng. Một tổ trọng tài uy tín hơn được các đội nhất trí thay thế cho tổ trọng tài cũ. Tuy vậy, dù các trận đấu sau này có diễn ra hấp dẫn thế nào đi nữa thì có một điều chắc chắn FPT Cup 2018 đã thất bại ngay từ ngày đầu tiên. Không ai có thể nói trước sẽ còn đội nào khác bỏ giải hay có những hành động phi thể thao khác khi không có một sự cam kết hoặc một sự ràng buộc mạnh mẽ được đặt ra.
Tình huống dẫn đến quả phạt penalty khiến TP Bank bỏ giải. |
Lỗi thuộc về ai?
Mọi sự chỉ trích đều nhắm tới BTC. Theo TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, nguyên Chủ tịch Liên đoàn bóng đá FPT, BTC đã không biết cách sử dụng quyền của mình để buộc các đơn vị phải tuân thủ theo. Hiện BTC toàn bộ là người của Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT. “Nếu tình hình các giải bóng đá tiếp tục đi xuống không loại trừ việc Liên đoàn bóng đá được thành lập trở lại”, anh Ngọc cho biết.
Trong một bài viết tâm huyết của mình, anh Nguyễn Hữu Biết (FPT Software) cho rằng việc một đội bóng bỏ giải thì “lỗi của đội bóng 1, lỗi của BTC 10”. Theo lý lẽ của anh, BTC là người đứng ra tổ chức giải, đề ra điều lệ, thuê trọng tài, làm lịch thi đấu... Nếu BTC quyết liệt hơn, tổ chức chuyên nghiệp hơn, mời tổ trọng tài chất lượng hơn thì sẽ không xảy ra sự cố đáng tiếc như vừa rồi.
Anh Lê Đức Trọng (FPT IS) cho rằng sự thờ ơ của lãnh đạo từ tập đoàn đến các đơn vị là nguyên nhân khiến giải đấu đi xuống. Một giải đấu cấp tập đoàn có truyền thống lâu năm, được tổ chức đúng dịp 13/9, trong ngày khai mạc chỉ có một mình anh Nguyễn Văn Khoa là lãnh đạo của FPT IS đi cổ vũ. Anh Khoa được mời lên phát biểu tuyên bố khai mạc giải với tư cách PTGĐ FPT chỉ là một giải pháp tình thế, vì khi đó cá nhân anh đi với tư cách là CEO FPT IS. “Chỉ cần mỗi đơn vị có một lãnh đạo ra sân, sẽ không bao giờ có chuyện các cầu thủ tự ý bỏ giải hay những hành động phi thể thao khác”, anh Trọng khẳng định.
Các cầu thủ dự bị kiêm luôn cổ động viên. Chỉ duy nhất anh Nguyễn Văn Khoa là lãnh đạo cấp cao ra sân. |
“Chúng tôi nhận trách nhiệm”
Thay mặt BTC, anh Vũ Ngọc Nam (Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT) đứng ra nhận trách nhiệm về sự cố lần này. “Chúng tôi sẵn sàng đối mặt với tất cả ý kiến bằng thái độ cầu thị. Mong các đội sẽ có những góp ý mang tính xây dựng để giải đấu được diễn ra thành công”, anh Nam bày tỏ.
Tuy nhiên, ở bất kỳ tình huống nào, các cầu thủ và ban huấn luyện các đội bóng đều cần giữ bình tĩnh. Xúc phạm, gây áp lực trọng tài hay bỏ giải giữa chừng là những hành động phi thể thao không thể chấp nhận ở bất cứ giải đấu nào của FPT. Các tình huống trên sân diễn ra nhanh khó tránh khỏi sai sót. Nếu các đội không đồng tình quyết định của trọng tài có thể xin tạm dừng trận đấu, báo với BTC để bàn bạc cùng giải quyết.
Theo anh Nam, những thiếu sót của BTC bắt nguồn từ việc nhân lực mỏng nên không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi giải đấu bắt đầu. Cộng thêm việc anh Lê Đình Lộc, Trưởng ban Văn hóa - Đoàn thể FPT, trong thời gian vừa qua có chuyến công tác dài ngày tại TP HCM nên không có sự sát sao và chỉ đạo kịp thời. Trước đây, trong mỗi đơn vị sẽ luân phiên làm Trưởng BTC giải, tuy nhiên, từ 3 năm trở lại đây, không có đơn vị nào nhận nên trách nhiệm này do Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT đảm nhiệm. “Thiếu sự đồng hành của các đơn vị, công tác tổ chức cũng gặp nhiều khó khăn hơn”, anh Nam chia sẻ.
Các trường hợp cầu thủ mất bình tĩnh có những hành động thái quá không còn là chuyện hiếm trong các giải bóng đá FPT. |
Sự đi xuống của bóng đá FPT
Sự cố này xảy ra chỉ 2 tuần sau khi BTC giải Futsal FPT HCM 2018 phải ra quyết định cấm tham gia mọi giải bóng đá đối với HLV Nguyễn Văn Trường của đội FPT IS, vì hành hung trọng tài. Không phải ngẫu nhiên khi các sự việc giống nhau lặp lại trong một thời gian ngắn. Nhiều người cho rằng phong trào thể thao đặc biệt là bóng đá, vốn được coi là niềm tự hào trong văn hóa FPT, đang trên đà đi xuống. Bóng đá FPT giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Hai tuần trước khi FPT Cup bắt đầu, FPT IS, đơn vị từng 2 lần vô địch giải, vẫn phải chiêu mộ các lão tướng đã giải nghệ đeo giày trở lại. Điều đó chứng tỏ nhà Hệ thống đang thiếu hụt cầu thủ trẻ tài năng. Cũng thời gian này, FPT HO và Synnex FPT tuyên bố không tham gia giải. Lý do được đưa ra là không tập hợp đủ quân số.
Câu hỏi đặt ra là nhân viên FPT tăng dần vậy sao số lượng cầu thủ trẻ lại giảm dần. Câu trả lời ai cũng hiểu rằng chỉ có một: “Người FPT không còn yêu bóng đá như xưa”. Ngày xưa được khoác áo của đơn vị là một niềm tự hào thì giờ giống như một nghĩa vụ.
Các cầu thủ trên sân không biết mình đang thi đấu vì điều gì. |
Mười năm trước, anh Lê Anh Tuấn (TGĐ FPT IS Global) lần đầu tiên tham dự Cup 13/9 (tiền thân của FPT Cup). Nhớ lại thời gian ấy, đến bây giờ anh vẫn còn thấy rạo rực. Các đội bóng bừng bừng khí thế, các sếp lần lượt đến bắt tay, trên khái đài cổ động viên hò hét vang trời. “Hồi đó anh em đá rất nhiệt, có va chạm nhưng không ai quá khích. Tôi cảm giác rất rõ được niềm tự hào công ty khi tham gia giải đấu này”, anh Tuấn tâm sự.
Đến nay, từ 8 đội xuống 5 đội, giờ lại còn có 4. Lãnh đạo chỉ có một người ra sân, cổ động viên cũng có vài người từ FPT IS. Dưới sân, các cầu thủ cũng không biết mình đang thi đấu vì điều gì.
Thâm niên ít hơn nhưng anh Hữu Biết cũng đã có 8 năm tham dự giải. Tháng 8/2010 là năm đầu tiên được anh Biết “hít thở” không khí giải bóng đá 13/9. “Ôi, nó hoành tráng lắm! Từ số đội tham gia, số lãnh đạo 'khủng' ra sân cổ vũ hàng tuần, số cổ động viên (gồm cả nữ) cuồng nhiệt rất đông đảo…”. Đó là những lời cảm thán của anh Biết khi nhớ về thời hoàng kim của FPT Cup. Sau sự cố ngày 29/8 vừa qua, anh chỉ còn biết thốt lên: “Bóng đá FPT, vì sao đến nỗi?”.
Rút kinh nghiệm từ 2 giải bóng của hai miền Nam-Bắc, tại giải bóng đá 13/9 miền Trung, BTC đã mạnh mẽ tuyên bố “Không khoan nhượng với hành động phi thể thao”. Giải FPT Cup và Futsal FPT HCM đã thi hành án phạt đối với TP Bank và các nhân HLV Nguyễn Văn Trường. Đó được xem là những giải pháp tức thời để ngăn chặn việc các giải đấu bị đổ bể. Nhưng làm sao để vực lại phong trào bóng đá của FPT vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Nguyễn Thắng
Ý kiến
()