Chúng ta

Hồi ức

Thứ sáu, 25/5/2018 | 13:34 GMT+7

Tôi yêu FPT không phải vì nơi đó xinh đẹp hay xấu, giàu mạnh hay nghèo khổ, mà tôi yêu FPT vì tôi đã có mặt ở đó sống, làm việc cùng chia sẻ vui buồn, sướng khổ vinh nhục cùng với các cộng sự. Thiếu sự liên đới khăng khít đó, chắc chắn tính yêu của tôi dành cho công ty sẽ dở dang và tàn lụi.

Lúc còn là đứa bé lên bảy, tôi còn là một cô bé thỉnh thoảng theo mấy đứa em lên núi nhặt củi, chiều về nô đùa với mấy đứa bạn cùng trang lứa. Ở đó không có những cảnh náo nhiệt của nơi đô thị phồn hoa của đất Hà thành thật hiếm khi nhìn thấy một chiếc xe gắn máy, nhưng tôi hạnh phúc thật nhiều, nơi đó cách Hà Nội 150 cây số đường xe chạy được gọi là Thị trấn Rừng Thông.

Hai mươi mốt năm sau, năm 2002 tôi đi trên chiếc xe gắn máy không phải thuộc loại đắt tiền nhất nhưng cũng thuộc loại thời trang lúc bấy giờ và phải mất nửa giờ đồng hồ hàng ngày để đến chỗ làm cùng với căn hộ mới mua diện tích gần 100 mét vuông. FPT đã thay đổi thế giới của tôi.

Tôi đã phải sống như bao người dân ở miền quê Thanh Hoá, nơi đa phần cuộc sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp cộng với cơ chế bao cấp, nền kinh tế kém phát triển của thập niên 80, cái đói nghèo luôn vây quanh chúng tôi. Bạn bè, người thân cũng dần dần ra đi với niềm tin một tương lai sáng lạn. Rồi ngày đó đã đến, tôi cũng theo cơn lốc của một cơ chế mới, mưu sinh lập nghiệp, dòng xoáy những chuyển biến của đời sống kinh tế đã cuốn tôi đi.

Khi tôi dấn thân trên chặng đường của mình, tôi có biết được những rủi ro, gian khổ mà tôi sẽ đương đầu khi mà một thân một mình nơi đất khách quê người? Nếu như tôi biết được những vấn đề đặt ra phía trước phức tạp và cam go đến thế, thì tôi sẽ chẳng bao giờ hành động như thế bằng tinh thần, nhiệt huyết và ý chí cao như những năm đầu của thập niên 90. Tôi có thể cảm nhận được niềm tự hào dâng tràn của những người đồng hương, cùng bạn bè trang lứa trước đây về những thành công họ đạt được – cuộc sống gia đình hạnh phúc với nguồn thu nhập ổn định nếu không nói là khá giả – Thế mà cuối cùng, tôi đã dám liều mình bước vào cuộc bon chen này. Làm sao tôi có thể hy vọng tồn tại để mà cạnh tranh với những con người từng trải, củng cố thêm là những mối quan hệ xã hội chắc chắn được chứ? Tôi đã không nghĩ đến những điều này, tôi chỉ muốn ra đi để chạy trốn cái nghèo. Phải thay đổi cuộc sống hiện tại – tôi tự nhủ.

Tôi vẫn tiếp tục và quên đi những khó khăn ở phía trước, sự thôi thúc của bản năng mạnh mẽ hơn sự kiềm chế lý trí. Một khi đã lao mình vào, chúng tôi bị cuốn hút ngày càng sâu hơn vào cái gọi là cơ chế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty. Tôi phải học hỏi từ những đồng nghiệp có kinh nghiệm và điều kiện thuận lợi hơn tôi, đương đầu với sự cạnh tranh của các đối thủ ở mặt trận công khai do các nhân vật có thế lực hậu thuẫn. Bước đầu chúng tôi giải quyết vấn đề bằng cách làm đại lý độc quyền cho Olivetti (12-1990) – máy mác cao duy nhất trên thị trường lúc đó – chỉ để phát hiện rằng thị trường Việt Nam có nhiều khách hàng cần sản phẩm cao cấp hơn, có thương hiệu nổi tiếng hơn, mặc cho giá cao một chút, điều này dẫn đến. những thất bại đáng tiếc trong một số gói thầu lớn, bất lợi vô tận và cuối cùng là sự kiện Chính phủ Mỹ bãi bỏ cấm vận Việt Nam (1993). Chúng tôi nhận ra rằng trong tương lai mình phải đối đầu với cái công ty xuyên quốc, các tập đoàn và trước mắt là các công ty lớn của Mỹ và Singapore. Chấm dứt điều này, trước mắt chúng tôi liên kết với IBM cho ra đời một hình ảnh mới với IBM PC nổi tiếng, máy AS/400 và RS/6000 công nghệ rất cao. Cứ hễ vượt qua được một khó khăn thì chúng tôi lại phải đương đầu với một khó khăn khác lớn hơn nữa, có lúc tưởng chừng như vô vọng.

Tôi đã học được một số bài học đáng giá trong những năm dài làm nhân viên bán lẻ các sản phẩm thiết bị máy tính và văn phòng. Không bao giờ ngừng học hỏi bởi vì tình thế tiếp tục đổi thay và tôi phải điều chỉnh những chính sách riêng của mình. Tôi có lợi thế là được sự giúp đỡ nhiệt tình từ nhiều lãnh đạo học rộng, kinh nghiệm nhiều và bị cuốn hút bởi những ý tưởng mới lạ chứ không hề bị chúng mê hoặc đó là anh Tuấn Hùng, anh Lê Văn Phát, chị Bạch Điệp. Chúng tôi trao đổi những quyển sách chuyên đề, các tài liệu hướng dẫn và các đề tài chuyên môn mà chúng tôi đã học khi chúng tôi khởi sự, chúng tôi không lường trước được hết khó khăn nên vô tư, song chúng tôi đã được cứu nguy bằng cách thận trọng với những ý tưởng cần được thăm dò hay kiểm nghiệm trước khi thực thi chúng.

Tôi và các đồng nghiệp đã rèn tính đồng đội dưới những áp lực khắc nghiệt này. Trong những tháng ngày căng thẳng liên tiếp, chúng tôi phải đặt cuộc sống của mình vào tay nhau. Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau, biết được mặt mạnh mặt yếu của nhau và dung thứ cho nhau. Chúng tôi không thực hiện bất kỳ một gì gian dối để được lòng khách hàng. Nhiệm vụ chúng tôi là phải phục vụ khách hàng hết mình, chân thành và tôn trọng nhằm thực hiện những gì để FPT có thể tồn tại với tư cách là một công ty tin học có tên tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi may mắn có được những người đồng sự vững mạnh để chia sẽ quan điểm chung. Họ là những người có năng lực biết theo đuổi những mục tiêu chung. Trong đội ngũ nòng cốt cùng sát cánh bên nhau hơn 5 năm qua, chị Bích Liên và Xuân Quyên là những người nổi bật hơn hẳn tất cả họ đều có tuổi lớn hơn tôi và không ngần ngại nói cho tôi biết những gì họ nghĩ, nhất là khi tôi phạm sai lầm. Họ giúp tôi giữ được sự khách quan và có cân nhắc, cứu tôi thoát khỏi bất kỳ tai ương nào của chứng ỷ lại và tính nhân mãn, cái mà nhân viên làm việc lâu năm mắc phải.

Khi tôi vào làm việc tại FPT năm 1997, tôi không biết nhiều về cách điều hành một dự án hoàn chỉnh, thậm chí nghệ thuật bán một món hàng. Tất cả những gì mà tôi có chỉ là ước muốn cháy bỏng nhằm thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn và lo cho gia đình sau này. Để làm điều đó tôi phải cố gắng phục vụ khách hàng và không ngừng học hỏi các đồng nghiệp nhằm đạt được chỉ tiêu doanh số công ty đề ra dù có cực khổ cở nào. Khi đã đạt được điều này rồi, tôi phải giữ sự ủng hộ của họ và của lãnh đạo nhằm tiếp tục nhiệm vụ chưa hoàn thành của mình.

Chúng tôi học hỏi trên công việc và đã học nhanh chóng. Nếu có một công thức nói về sự thành công của chúng tôi, thì đó chính là chúng tôi luôn luôn học hỏi cách để làm cho mọi việc trôi chảy hoặc cách làm cho chúng hoạt động tốt hơn. Tôi chưa bao giờ là tù nhân của bất kỳ học thuyết nào, luôn vận động và tuỳ theo từng môi trường mà có những đối sách thích hợp, đó là phương châm sống của tôi. Những gì dẫn dắt tôi chính là lý luận và thực tiễn, thử nghiệm đầy cam go mà tôi áp dụng cho mỗi lý luận hay kế hoạch là nó có hoạt động tốt không? Đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong những năm làm việc ở công ty này. Nếu kế hoạch này không thực tế, hoặc cho ra kết quả tệ hại thì tôi sẽ không tiếp tục phí nhiều thời gian và tiền của cho nó. Hầu như tôi không bao giờ sai lầm lần thứ hai và cố học hỏi qua những sai lầm mà người khác đã mắc phải.

Nguyễn Thị Thu Hằng

Công ty Hệ thống Thông tin FPT-HCM

Ý kiến

()