Chúng ta
Thứ sáu, 5/2/2021 | 08:31 GMT+7

Tìm Hội làng xưa trong nỗi nhớ hôm nay

Qua từng năm với nhiều đổi thay, tinh thần Hội làng FPT vẫn vẹn nguyên trước mọi biến chuyển của thời cuộc. Sự kiện luôn là dấu mốc khép lại những vất vả lo toan của năm cũ, chở bao hạnh phúc ngày đoàn viên, và thắp lên những ước vọng cho năm mới nhiều phúc lành.

Tìm Hội làng xưa trong nỗi nhớ hôm nay

Qua từng năm với nhiều đổi thay, tinh thần Hội làng FPT vẫn vẹn nguyên trước mọi biến chuyển của thời cuộc. Sự kiện luôn là dấu mốc khép lại những vất vả lo toan của năm cũ, chở bao hạnh phúc ngày đoàn viên, và thắp lên những ước vọng cho năm mới nhiều phúc lành.

Sát Tết Nguyên đán Tân Sửu, điều người F không mong đợi đã xảy đến: Covid-19 quay trở lại và còn diễn biến phức tạp hơn nhiều so với những đợt dịch trước. 

Rất kịp thời, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa ban hành Chỉ thị số 2 về việc thực hiện các biện pháp phòng chống Covid. Điều 5 trong chỉ thị quy định rõ: Dừng tất cả hoạt động tập trung đông người (họp trực tiếp, tổng kết, hội làng,…) cho đến khi có chỉ thị tiếp theo.

Điều này đồng nghĩa, Hội làng - sự kiện truyền thống mang nét rất riêng của Tập đoàn mỗi dịp giáp Tết - không thể được tổ chức. 

Trong sự đồng lòng pha chút tiếc nuối, nhiều người FPT hoài niệm về Hội làng từ những ngày rất xa. 

“Tương truyền”, Hội làng FPT được tổ chức lần đầu vào năm 1997. Ngày đó, trụ sở công ty nằm ở địa chỉ 89 Láng Hạ, Hà Nội. 

Hội làng thời ấy thường được tổ chức trong hai ngày một đêm. Trong ngày đầu, các lãnh đạo thực hiện nghi thức cúng lễ, dựng cây nêu, treo cờ hội. Trai tráng thì tham gia mổ lợn, giã giò, gói bánh chưng, đánh tiết canh… Sau khi làm xong các món ăn, dân làng FPT có mặt sẽ thụ hưởng ngay những món do chính tay mình làm ra. 

Sang ngày thứ hai, khi bánh chưng được vớt ra cũng là lúc “các cụ” xúng xính khăn áo, mũ miện dẫn đầu đoàn dâng lễ cúng trời đất. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình thay mặt “cả làng” khấn vái. 

Sau khi hết tuần hương, người FPT cùng ăn cỗ. Cỗ làng FPT cơ bản được chuẩn bị giống nhau, cũng bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành… và tất nhiên, không thể thiếu những chén rượu thơm đậm đà.

Từ khi chuyển về FPT Building (Cầu Giấy, Hà Nội), Hội làng vẫn giữ được những tinh túy ngày xưa, đồng thời cũng được phát triển, bổ sung nhiều thứ cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Thay vì ăn uống linh đình, gói bánh chưng, mổ lợn suốt hai ngày đêm, Hội làng được tinh giản, chỉ diễn ra trong một buổi sáng hoặc buổi chiều.

Lợn vẫn có, nhưng năm thịt, năm không. Năm nào không “thịt” tại chỗ, người ta lại thấy một chú lợn lửng xinh xinh được Ban tổ chức (BTC) đặt cạnh đống rơm, mang ý nghĩa tượng trưng. Song song, BTC thuê đội ngũ nhà hàng “tùng xẻo” một con lợn khác và trực tiếp nấu cỗ cho dân làng FPT. Các món lòng lợn, cháo lòng vẫn chẳng bao giờ thiếu.

Gói bánh chưng cũng vậy. Thay vì phải tự làm từ đầu đến cuối, BTC thuê người chuẩn bị sẵn nguyên liệu, rồi tổ chức thi gói bánh, hoặc thậm chí sáng tạo hơn, thi bóc và ăn bánh chưng.

Từ Hội làng Kỷ Sửu 2009, Lễ rước Trạng được gộp chung vào cũng khiến cho Hội làng thêm phần long trọng. 

Theo đúng thông lệ, màn rước Trạng thường được thực hiện ngay sau khi tiết mục múa lân và trống hội vừa dứt. Tam khôi trình làng trong sự tôn vinh của toàn thể "dân làng" và được đích thân trưởng làng Trương Gia Bình trao thưởng vì thành tích xuất sắc. Đây được xem là phần đậm chất truyền thống nhất của Hội làng. Mỗi Trạng nguyên lại có một bài tấu mang dấu ấn riêng.

Hài kịch hay Táo quân cũng là nét đặc sắc rất được mong đợi của chương trình văn nghệ. Không ít vở kịch kinh điển gây tiếng vang của nhà F đi ra từ sân khấu Hội làng. 

Bên cạnh đó, các tiết mục hát, nhảy “cây nhà lá vườn” đậm chất STCo luôn mang đến cho dân làng FPT vô vàn hứng khởi, đặc biệt khi chính các lãnh đạo cấp cao sắm vai nghệ sĩ.

Các trò chơi trong Hội Làng luôn bội thu tiếng cười của người F. Năm nào phần chơi cũng mang đậm màu sắc dân gian: vật tay, gói - bóc - cắt bánh chưng, chống đẩy, đu tiên, nhảy sạp, chọi gà, bịt mắt đập niêu, phi tiêu, ném vòng cổ chai… màu sắc vùng miền theo chủ đề của mỗi mùa Hội làng qua đó cũng được tôn vinh đậm nét. Những gian trò chơi ấy còn giúp người F được trở về tuổi thơ đong đầy kỷ niệm, dù chỉ trong chốc lát.

Chẳng những thế, Hội làng còn là nơi người F tìm hiểu văn hóa cổ truyền. Vẻ đẹp dân gian từ lễ lạt, không gian, ẩm thực đến giải trí đều được tái hiện sinh động, chân thật. Người từ thôn quê tìm lại nét quê thân thuộc, người từ thành thị khám phá thêm nhiều giá trị truyền thống.

Sau một năm làm việc vất vả, Hội làng chính là dịp để người FPT tề tựu, tạ linh trời đất, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thiên thời địa lợi cho “mùa màng” năm sau, và đặc biệt, mong bình an cho mọi “dân làng” F. 

Ở Hội làng, họ gặp gỡ, xả hơi, vui chơi, ôn cố tri tân, cạn những chén rượu mừng. Không có ranh giới hay bất cứ khoảng cách nào giữa nhân viên và lãnh đạo, người FPT ấm áp đón lễ tất niên như các thành viên trong một gia đình.

FPT nằm trong số ít doanh nghiệp duy trì được nét văn hóa truyền thống qua các sự kiện được duy trì thường xuyên trong nhiều năm kể từ ngày thành lập, mà Hội làng là đại diện tiêu biểu. 

Tập đoàn ngày một lớn mạnh, quân số trải khắp đất nước, nên không chỉ ở Hà Nội, Hội làng FPT còn được tổ chức tại nhiều địa phương, mang đặc tính vùng miền đa dạng. Nhưng dù ở đâu, người F cũng đều chia sẻ niềm háo hức chung mỗi dịp Hội làng.

Cơ cấu Ban tổ chức nhiều thay đổi theo thời gian, những người thực hiện chương trình không tránh khỏi khó khăn trong việc duy trì nét truyền thống dân dã của Hội làng mà vẫn lồng ghép được yếu tố bất ngờ, hấp dẫn. Vượt lên trên tất cả, họ vẫn thành công khi khiến người FPT thỏa lòng, “chắc dạ” hằng năm trước khi về nghỉ Tết bên người thân, gia đình.

Tết Tân Sửu 2021, FPT không có Hội làng như dự định. Nhưng người F không vì thế mà hụt hẫng, ngược lại họ gửi gắm nhiều hy vọng hơn vào một năm mới bình an, dễ chịu. Và dẫu được tổ chức ở Láng Hạ, Cung thể thao Quần Ngựa, Nhà Văn hóa quận Thanh Xuân, FPT Building hay FPT Tower, hay dù là sẽ online ở đâu đó đi chăng nữa, Hội làng vẫn luôn là niềm nhớ mong của dân làng FPT mỗi độ xuân về.

Hoa Hạ - Hà Vũ

Ý kiến

()
 
Tags: