Khánh thường biểu diễn đàn nhị trong các buổi sinh nhật của các đồng nghiệp ở FPT Software. Ảnh: NVCC.
Chắc chắn rất ít người hình dung được một chàng trai trẻ thuộc thế hệ 8x và làm việc trong môi trường văn phòng hiện đại lại đam mê thứ nhạc cụ cổ truyền dân tộc như vậy. Đó là Nguyễn Quang Khánh, nhân viên hệ thống máy tính thuộc Đơn vị Phần mềm chiến lược số 1 (FSU 1), FPT Software.
Đến giờ, Khánh không thể đếm xuể mình đã biểu diễn bao nhiêu lần trong buổi sinh nhật của các đồng nghiệp ở FPT Software. Chỉ biết rằng mỗi lần như vậy, anh đều nhận được sự cổ vũ, những lời trầm trồ khen ngợi về một buổi sinh nhật có bản sắc, khác biệt cũng như tài lẻ của mình.
Ban đầu, mới tập tọe học đàn, Khánh chỉ chơi đi chơi lại một bản nhạc “bất hủ” là “Happy birthday to you”. Đến giờ, sau hơn một năm gắn bó với cây đàn nhị, anh đã biết chơi và thể hiện nhiều bản nhạc trẻ bằng nhạc cụ truyền thống của dân tộc.
Có thể nói, công ty chính là đất diễn lớn nhất của Khánh. Ngoài mini show trong các buổi sinh nhật, Khánh còn vác đàn đến công ty chơi với mấy anh em thân thiết, hướng dẫn những đồng nghiệp cùng sở thích nhưng không đủ nghị lực để theo “nghề”.
Anh Mai Thế Mạnh, đồng nghiệp ở FSU 1, ấn tượng với Khánh bởi tính cách vui vẻ, làm việc hết mình và quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng.
Nhóm 4-5 người mà Khánh rủ đi học đàn nhị thì chỉ có duy nhất Khánh trụ lại. “Ngày đầu, Khánh mang nhị đến kéo nghe ỉ ôi như nhạc đám ma. Dù bị mọi người kêu ca, anh ấy vẫn kiên trì theo đuổi và tiến bộ rất nhanh. Sau những bản nhạc Khánh chơi rất có hồn”, anh Mạnh hồ hởi khoe.
Anh Mạnh còn ấn tượng với bản nhạc "Tôn Ngộ Không hái trộm đào" mà thỉnh thoảng Khánh biểu diễn trong giờ tập thể dục ở FPT Software vào 10h30 và 15h30 hằng ngày.
Giống như anh Mạnh, Đinh Thế Toàn, lập trình viên ở FSU 1, là người tập chơi đàn nhị cùng Khánh nhưng đã bỏ cuộc ngay từ buổi tập đầu tiên. Theo Toàn, với môn nhị, các nốt nằm trên cùng một dây nên nếu không quen và không có lý thuyết vững sẽ khó chỉnh nốt. Toàn phục “sát đất” khi trong gần một năm trời, cứ tan làm là Khánh dành thời gian đi học đàn nhị, mà về nhà còn tiếp tục chăm chỉ luyện tập. Tài lẻ này của anh đã trở thành món quà tinh thần vô giá cho đồng nghiệp.
Ngoài ra, để thỏa mãn niềm đam mê của mình, Khánh còn tham gia nhóm chơi nhạc cụ không chuyên. Thỉnh thoảng, nhóm của anh cùng với một số nhóm bạn chơi các loại nhạc cụ khác tổ chức tiệc ở phòng trà hoặc quán cà phê. “Bữa tiệc âm nhạc” khi đó có đầy đủ các “món” như guitar, piano, tiêu sáo, kèn… mà chỉ mỗi Khánh biết kéo nhị.
Trước khi gắn bó với đàn nhị, Khánh cũng từng thử sức những loại nhạc cụ thời thượng khác như guitar hay organ. Anh đã không đủ kiên nhẫn để theo đến cùng hai nhạc cụ đó nhưng lại bền bỉ chơi đàn nhị. Chính anh cũng bất ngờ vì bản thân lại ham hố và thích thú với đàn nhị đến vậy, vì thứ nhạc cụ truyền thống này kén người chơi và để chơi thành thạo rất khó.
Khánh kể, khoảng một năm trước, sau khi xem vở kịch “Cò Tây-Cò Ta” do hai nghệ sĩ Lữ Liên và Hoàng Thi Thao trình diễn trong chương trình “Paris By Night”, anh đã bị đàn nhị “hút hồn”. Trong vở kịch đó, nghệ sĩ Lữ Liên sử dụng đàn nhị để biểu diễn rất nhiều thể loại nhạc từ dân gian, cổ điển cho đến tân nhạc…
Những tiếng đàn da diết đó đã khiến anh quyết tâm phải sở hữu một cây đàn nhị cho bằng được.
Chỉ mấy hôm sau, anh và đồng nghiệp cùng làm dự án ở FPT Software rủ nhau đến phố Hào Nam (Hà Nội), nơi có nhiều cửa hàng bán dụng cụ âm nhạc, để tìm mua đàn nhị. Mọi người đi rạc chân, lùng sục cả buổi tối ở nhiều cửa hàng dọc phố mà không thấy.
Không ngờ, ở một cửa hàng bày biện sơ sài nhất, Khánh đã tìm được một cây đàn nhị giống y như trên TV từng xem với giá 300.000 đồng. “Buồn cười nhất là đến hôm đó, mình mới biết đàn nhị có hai dây và vĩ đàn được lồng vào giữa hai dây đó”, Khánh tếu táo nói.
Có đàn rồi, Khánh mang về cũng lắp dây, chà nhựa thông vào vĩ và bắt đầu ọ ẹ kéo. Sáng hôm sau, anh đem lên công ty chia sẻ cho anh em cùng thực hành.
“Thú thật, khi cầm cây đàn trên tay mình cũng không biết nốt nào với nốt nào, cảm thấy khó khăn, chán nản và ức chế vô cùng. Chính vì như vậy, nó tra tấn người nghe bằng những âm thanh ghê người. Mấy anh em nghịch được khoảng một tuần thì cũng tan cây đàn”, Khánh nhớ lại.
Bẵng đi một thời gian, anh được biết ở Trung tâm Âm nhạc dân gian Việt Nam, đóng tại đình Hào Nam, có mở các lớp dạy nhạc cụ dân gian như đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, nhị... Thôi thúc phải học bằng được để chơi nhạc cụ này một lần nữa bùng cháy trong Khánh.
Anh nghĩ bụng, với dân ngoại đạo thì khó có thể tự học nên quyết định đến tận nơi để ghi danh vào một lớp học do chủ nhiệm là nhạc sĩ Thao Giang - chuyên gia về đàn nhị - đứng lớp. Và đúng thật, “không có thầy thì mình không thể xác định được các phím bấm cũng như những kỹ thuật cơ bản nhất của đàn nhị”, Khánh chia sẻ.
Thời gian đầu học đàn, anh thấy rất khó để có thể thành thục. Cũng may trước đó, anh đã được học về nhạc lý nên sau mỗi buổi học, anh về nhà mò mẫm, tập thêm.
Khó khăn đó còn chưa thực sự vượt qua được thì anh lại phải đối mặt với thành kiến của mọi người về nhạc cụ này. Nhiều khi còn nhận được những “comment” rất đau lòng.
Thời gian đầu, anh chỉ dám tập khi vắng người. Buổi tối muộn hay lúc có người đang tập trung học tập, làm việc, dù ngứa chân ngứa tay cũng phải ngậm ngùi cất đàn đi. Khánh tâm sự: “Lúc mới tập, mình háo hức lắm, chăm chỉ lắm nhưng hay bị bác hàng xóm sang góp ý. Khi thì để cho em nó còn học, khi thì để cho cháu nó còn ngủ, sau 9h tối thì thôi nhé…”.
Sau này, khi Khánh tập và chơi được bài “Giấc mơ trưa” thì cũng chính bác hàng xóm lại động viên: “Bài này bác thích đấy, nhưng mày chơi chưa chuẩn đâu, tập thêm vào!”.
Sau lời động viên đó, Khánh nghiệm ra không phải do âm sắc của đàn, mà là do mình chơi chưa hay nên dễ bị phản đối. Anh rút ra bài học, để chơi được tốt nhạc cụ này, ngoài sự kiên trì và độ “trơ” cần thiết thì cần một trình độ thẩm âm tốt.
Với Khánh, để gắn bó với bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào cũng cần sự say mê. Nhiều lúc niềm say mê cũng bị bào mòn, anh lại tự nhủ, nếu bỏ cuộc thì hóa ra buông xuôi. “Có thể không trở thành một nhạc công tài năng thì cũng phải tự chơi được nhạc cho mình nghe”. Và cứ thế, anh gắn bó với đàn nhị bằng cả tình yêu và trách nhiệm.
Sau hơn một năm chơi đàn, anh quyết đầu tư, nâng cấp đồ nghề khi đặt mua một cây nhị với giá 2 triệu đồng.
“Với mọi người, nhị là một loại nhạc cụ lạ, mang lại cảm giác kịch tính và khôi hài. Nhưng đây là loại nhạc cụ duy nhất mình biết chơi, nên nhiều khi đi làm về đến nhà, nỉ non một vài bài tâm sự, tựa như cuộc nói chuyện giữa hai người bạn cô đơn. Cuộc sống với mình âu thế là đủ”, Khánh tâm đắc nói.
Nguyễn Quang Khánh Ngày sinh: 14/2/1985 Thời gian vào FPT: Năm 2008 Tốt nghiệp: ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội Sở thích: Đá bóng, xem bóng đá, đọc sách, Internet… Quan điểm sống: Chơi thì phải hào hoa, giao du thì phải đẹp và đối xử thì phải giang hồ Cách sống: Chân thật, tốt bụng và tin người |
Lưu Vân
Ý kiến
()Hãy là người đầu tiên
bình luận