Lùm xùm về việc FPT Retail dùng ca sĩ "phủi" trong Hợp ca tranh tài tại Hà Nội đã tạm khép lại sau khi nhân sự Công ty Bán lẻ khẳng định Nguyễn Tuấn Nghĩa - giọng ca nam chính - người giành cúp đúp giải thưởng Lĩnh xướng hay nhất và Giọng ca truyền cảm nhất - là nhân viên của đơn vị.
Tuy nhiên, kết luận này theo chị Nông Ly Hương, cán bộ Văn hóa - Đoàn thể khối Giáo dục FPT, là "chưa làm hài lòng các cán bộ Tổng hội, mặc dù là phương án tốt nhất mà Ban tổ chức lựa chọn".
Nguyễn Tuấn Nghĩa, giọng ca nam chính của FPT Retail, giành cúp đúp giải thưởng Lĩnh xướng hay nhất và Giọng ca truyền cảm nhất tại Hợp ca tranh tài. Ảnh: Anh Tuấn. |
"Tuấn Nghĩa là ca sĩ hợp tác với FPT Retail như một người cung cấp dịch vụ hát. FPT Retail giải thích ký hợp đồng với ca sĩ Tuấn Nghĩa để đi hát tại các sự kiện thì tôi hiểu anh ấy chỉ là đối-tác-thường-xuyên, không phải người của FPT Retail. Vì vậy, tôi không tán thành kết luận của Ban tổ chức khi đồng ý đưa ca sĩ chuyên nghiệp vào thi với những nhân viên văn phòng. Điều này không công bằng", "bà bầu" Khối Giáo dục FPT quả quyết.
Chị Ly không phải là người duy nhất bất bình với kết luận này. Trần Thị Thu Phương, phụ trách đội văn nghệ của FPT IS, cũng có băn khoăn tương tự. Về lý, chị thấy mọi việc có vẻ đã được giải quyết ổn thỏa, nhưng về tình thì "không thuyết phục, bởi không ai dùng "phủi" mà lại không chuẩn bị một thủ tục pháp lý hợp lệ".
"Chuyện dùng những người chuyên nghiệp tham gia vào cuộc thi không dừng lại ở những vị trí nhỏ lẻ trong tiết mục, mà lại diễn ra ở vị trí "đinh" - quyết định chiến thắng - quả thật đó là một sự bất công cho những người tham gia sân khấu không chuyên như Hợp ca tranh tài", chị Phương nói.
Tuy vậy, chị cũng nhìn nhận, chuyện đúng sai không quan trọng bằng việc làm thế nào để những người làm công việc xây dựng tinh thần cho anh em, xây dựng văn hóa cho công ty vẫn còn niềm tin và nhiệt huyết với các cuộc thi do tập đoàn tổ chức. Câu chuyện tiếp theo sẽ là hành động để tạo sự công bằng cho những người tham gia trong các sự kiện của tập đoàn. "Ban tổ chức cần đưa ra quy chế rõ ràng và chặt chẽ hơn về thành phần tham gia, nhằm lấy lại sự trong sáng và ý nghĩa của một cuộc thi nội bộ", đại diện FPT IS đề xuất.
Cùng quan điểm, Trần Huyền Trang, cán bộ Văn hóa - Đoàn thể của FPT Trading, mong muốn hoạt động phong trào FPT không phải là bệnh thành thích, tính ăn thua, lách luật. Điều mà chị cũng như cán bộ Văn hóa - Đoàn thể FPT hướng tới là sự đoàn kết, tình đồng nghiệp đồng đội, sát vai nhau cùng làm việc, cùng tập luyện.
Gia nhập FPT gần 5 năm và tổ chức 5 mùa ca múa nhạc lớn nhất trong năm của tập đoàn nhưng chưa bao giờ chị Trang thấy "có tình trạng tương tự". Do đặc thù các đơn vị, khi tuyển CBNV, tiêu chí đầu tiên là chuyên môn nghiệp vụ như nhân viên kinh doanh, kế toán, hành chính… Vì vậy, khi có đơn vị tuyển ca sĩ được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản về biểu diễn, thi đấu với những ca sĩ nghiệp dư đã gây ra sự hoài nghi trong lòng khán giả.
"Sau khi điều tra và được show hợp đồng, FPT Retail toàn toàn không sai. Nhưng để các đơn vị dậy sóng từ trước khi tổng duyệt đến tận bây giờ thì chắc chắn là có vấn đề không ổn", Phạm Vinh Anh, cán bộ Văn hóa - Đoàn thể FPT Online, nhận định.
Dù "không còn thắc mắc gì nữa" sau kết luận của Ban tổ chức nhưng chị Trang cho rằng, "luật lệ nào cũng sẽ có kẽ hở, quan trọng nhất là lòng tự trọng của những người phụ trách phong trào của đơn vị".
Tiết mục dự thi "Người là niềm tin tất thắng" của FPT Retal, giành giải Nhì tại Hợp ca tranh tài. Ảnh: Anh Tuấn. |
Hợp ca tranh tài tại Hà Nội đã kết thúc trong khi chương trình tương tự tại TP HCM sắp "lên sóng". Để tránh tình trạng tương tự và đảm bảo công bằng cho các đội, "bà bầu" Khối Giáo dục FPT đề xuất, trong quy chế Hợp ca tranh tài cần rõ ràng hơn là đối tượng tham gia cần có hợp đồng lao động toàn thời gian để tránh việc thuê hợp đồng thời vụ "vào thi xong cho nghỉ". Ngoài ra, quy chế cũng nên ghi rõ CBNV phải làm việc tại FPT toàn thời gian từ 6 tháng trở lên.
Chị Ly cũng nhấn mạnh, các đội không được sử dụng những nhân sự từng tham dự các cuộc thi chuyên nghiệp và có giải vào các vị trí quan trọng của tác phẩm trình diễn (hát chính, múa chính). "Với quy định chặt chẽ như vậy, cán bộ phong trào như tôi mới truyền lửa, động viên các cán bộ văn phòng khác nhiệt tình tham gia vào cuộc chơi chung này của FPT được".
Đây cũng là ý kiến của đại diện hoạt động phong trào của FPT Online. Chị Vinh Anh cho rằng quy chế cần chặt chẽ hơn như bắt buộc nhân viên chính thức mới được tham gia biểu diễn hoặc yêu cầu CBNV thử việc hoặc CTV có hợp đồng trên 6 tháng, công việc chính không phải là tham gia trình diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp…
Đến nay, chương trình Sao chổi đã có lịch sử 10 năm, tuy nhiên, Trưởng ban Văn hóa - Đoàn thể FPT (FUN) Lê Đình Lộc mới đảm nhiệm tổ chức 2 mùa gần đây. Đây là năm đầu xảy ra nghi vấn dùng "phủi", còn những năm trước đó, các tranh luận chủ yếu xoay quanh điểm số và cách chấm điểm.
"Trước mỗi Hội diễn Sao Chổi, FUN tổ chức họp với cán bộ tổng hội ngành dọc xây dựng format và đề tài chương trình. Sau đó, FUN xây dựng quy chế và gửi xuống các tổng hội đơn vị để thống nhất. Các điều khoản cơ bản trong quy chế là quy định về đối tượng tham gia, nội dụng, hình thức thi, chủ đề cho các đội, quy định về giải thưởng, thành phần Ban Giám khảo, tiêu chí chấm điểm…", anh cho hay.
Theo anh, điều khoản về đối tượng tham gia Sao Chổi hầu như không thay đổi nhiều, đó là: "Toàn thể CBNV, cộng tác viên đã ký hợp đồng chính thức với công ty, sinh viên thuộc hệ chính quy và hệ các chương trình liên kết đào tạo đang học tập tại ĐH FPT, Cao đẳng Thực hành, các Trung tâm Đào tạo trực thuộc FPT".
Theo Trưởng ban tổ chức Hợp ca tranh tài, mục đích của các sự kiện văn hóa FPT, trong đó có Hội diễn ca múa nhạc FPT là tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho CBNV, sinh viên, cộng tác viên đang làm việc, học tập tại tập đoàn khám phá bản thân, thể hiện tài năng của mình. Người được tham gia chương trình không phân biệt người mới vào hay người cũ, người ký hợp động dài hạn hay ngắn hạn, thử việc hay cộng tác viên… miễn là người đang làm việc cho FPT. Mọi cán bộ nhân viên FPT đều có quyền bước lên sân khấu hội diễn. Thậm chí, Ban tổ chức còn khuyến khích các nhân viên mới tham gia hoạt động văn hóa để hiểu sâu hơn về đời sống FPT và thêm yêu mến, gắn bó với công ty.
Tuy nhiên, văn hóa FPT luôn tẩy chay mọi hành vi được gọi là “phủi”, tức là người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng không làm việc một ngày nào cho FPT, bước lên sân khấu. Anh Lộc chia sẻ: "Trước mỗi mùa hội diễn Sao Chổi hay 13/9, Ban tổ chức luôn nhấn mạnh việc này cho các đội, và đội nào cũng thấm nhuần rất rõ".
"Tôi tin các đội đều có lòng tự trọng và lãnh đạo các đơn vị không bao giờ cổ súy cho việc này. Hợp ca tranh tài tại FPT HCM sẽ sử dụng đúng quy chế tại Hà Nội. Tôi thấy không có lý do gì để thay đổi cả. Các đội đã tập luyện từ một tháng nay, chỉ còn 2 ngày nữa là lên sân khấu", Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT khẳng định.
Lưu Vân
Ý kiến
()