Chúng ta

FPT Software và triển vọng tại Mỹ - châu Âu

Thứ năm, 6/10/2011 | 15:02 GMT+7

Từ ngày 16/9 đến 1/10, Phó TGĐ FPT Chu Thanh Hà và Ủy viên HĐQT FPT kiêm Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) Nguyễn Thành Nam đã có chuyến công tác dài ngày, ghé thăm và làm việc với các đối tác của FPT Software tại Mỹ và châu Âu.

Lãnh đạo FPT chụp ảnh lưu niệm với cán bộ nhân viên của Agilis. Ảnh: CT.

Lãnh đạo FPT chụp ảnh lưu niệm với cán bộ nhân viên của Agilis. Ảnh: CT.

FPT Software bắt đầu làm việc với thị trường Mỹ và châu Âu từ những năm khởi đầu 1999-2000. Gần như tất cả lãnh đạo cao cấp của công ty hiện giờ đều đã trải qua và trưởng thành từ các dự án với châu Âu, Mỹ và trong nhiều năm sau đó, thị trường này luôn là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển giúp FPT Software phát triển vượt bậc, đạt đến tầm vóc như ngày hôm nay. Đây cũng là một lý do cho chuyến đi lần này.

Chia sẻ cảm xúc sau chuyến đi, chị Hà cho biết: “Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy hãnh diện, vì mình đang được làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới, mặc dù FPT mới cộng tác với một phần công việc của họ thôi. Nhưng cũng có thể thấy, FPT Software đã rất dũng cảm khi xông pha khai phá các thị trường này”.

“Bên cạnh đó cũng rất lo lắng, vì yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, đòi hỏi chất lượng ngày càng tốt. Bản thân FPT Software cần phải sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn nữa. Cần nhiều hơn nữa những người giỏi để làm việc trực tiếp với khách hàng, hiểu được những yêu cầu của khách hàng”, chị nói thêm.

Kinh tế biến động, thị trường Âu Mỹ của FPT Software vì thế cũng chao đảo. Điển hình như khách hàng là một trong những ông lớn trong việc sản xuất các loại chip trong các thiết bị đo đạc. Nếu như cách đây 3-4 năm, họ có đến hơn 13.000 nhà cung cấp thì vừa qua giảm xuống chỉ còn 2.900. FPT Software vì thế cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn nhiều. Năm 2012, khách hàng vẫn đặt hàng nhiều mảng việc, nếu FPT Software đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của khối lượng công việc năm nay.

“Ngay trong buổi gặp gỡ với khách hàng, họ cũng đặt vấn đề xem xét việc thành lập một trung tâm mới chuyên làm testing với khoảng 50 người. Quan trọng là FPT Software cần chứng minh làm sao có được đủ người, giữ được người mà giá vẫn cạnh tranh”, chị Hà nhận xét.

Trong các thị trường lớn của FPT Software (gồm Nhật, Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu) thì châu Âu là thị trường lâu đời nhất (từ năm 2000), nhưng hiện nay tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với các thị trường khác, chỉ dừng lại ở hai khách hàng lớn là Harvey Nash và Neopost. Hiện tại ở thị trường này, việc bán hàng chưa được đẩy mạnh và mạng lưới bán hàng cũng phụ thuộc khách hàng. Bên cạnh đó, thị trường châu Âu cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn về cạnh tranh nhân lực khiến giá cả tăng cao.

Tuy vậy, trong khó khăn vẫn hé lộ nhiều tiềm năng phát triển của FPT Software tại thị trường này. Chị Hà phân tích: “Ngoài Nhật Bản là thị trường gốc và bản lề, FPT Software nên tăng cường hơn nữa việc bán hàng ở thị trường Âu Mỹ.

Tiềm năng của khách hàng tại thị trường này tương đối nhiều, đặc biệt là Đức. Tuy nhiên, Đức là một thị trường khó tính và đòi hỏi cao. Theo dự báo năm 2012, Đức sẽ là thị trường có tiềm lực phát triển vững chắc. Chính vì vậy, FPT Software cần xây dựng một kế hoạch lớn, đầu tư nghiêm túc để phát triển hơn nữa tại nước này”.

Hiện, FPT Software có hai khách hàng lớn tại Đức là Crossgate (Munich) và Arvato Mobile (Hamburg). Với khách hàng Arvato Mobile, công ty đã có một đội dự án gồm 5 lập trình viên và một chuyên viên kiểm thử phần mềm đang làm việc tại bên khách hàng. Vừa qua, Arvato cũng đã khen ngợi rất nhiều về kết quả công việc của lần hợp tác này.

Arvato Mobile đã thống nhất và lên kế hoạch phát triển trong năm 2012 với FPT Software, với nguồn lực là 8 đội dự án, làm việc liên tục. Từ đó, có thể thấy tiềm năng phát triển ở thị trường này rất lớn, hứa hẹn nhiều triển vọng. Thách thức lớn nhất đối với FPT Software trong tình hình hiện nay là làm thế nào để đáp ứng được số lượng nhân sự đảm bảo chất lượng công việc như khách hàng yêu cầu.

Châu Âu đã và đang trở thành một trong những thị trường CNTT lớn của thế giới. Trước đây, các doanh nghiệp châu Âu vẫn chủ yếu đặt hàng làm phần mềm tại các nước trong khối, nhất là tại Đông Âu - nơi có nhiều thuận lợi về khoảng cách địa lý và không chênh lệch về múi giờ.

Tuy nhiên, theo xu hướng tất yếu, làn sóng gia công phần mềm diễn ra tại khu vực này đang mang lại cơ hội cho các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Thế mạnh dịch vụ của FPT đưa vào thị trường châu Âu là mảng công nghệ mới (J2EE, .NET, Oracle), công nghệ nhúng, dịch vụ nghiên cứu và phát triển (R&D).

Bên cạnh đó, hiện nay, các công ty tại châu Âu đang tập trung tăng cường nhiều hơn nữa nguồn lực, rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm, giảm thiểu tối đa chi phí. Những áp lực tất yếu của nền kinh tế lại chính là cơ hội cho FPT Software đặt chân vào thị trường châu Âu.

Theo Giám đốc FEU Lê Hà Đức, năm 2011, doanh số của FPT Software tại thị trường châu Âu đạt mốc 6 triệu USD.

Châu lục này cũng là thị trường gia công phần mềm lớn thứ hai trên thế giới, đại diện cho một cơ hội lớn để FPT Software phát triển doanh thu. FPT Software đã có những khách hàng lâu dài trong khu vực như Neopost, IBM và Harvey Nash, nhưng để giành chiến thắng cần có sự thay đổi lớn hơn trong chiến lược kinh doanh.

Phó TGĐ FPT Chu Thanh hà và Chủ tịch FPT Software Nguyễn Thành Nam thăm các nhân viên của FPT tại Châu Âu. Ảnh: CT.

Phó TGĐ FPT Chu Thanh hà và Chủ tịch FPT Software Nguyễn Thành Nam thăm các nhân viên của FPT tại Châu Âu. Ảnh: CT.

“Năm 2012 sẽ là cơ hội để phát triển thị trường Mỹ - châu Âu. Mở rộng, cắm rễ sâu và giữ chắc khách hàng được hay không phụ thuộc vào năng lực tổ chức của FPT Software. Qua chuyến đi này, tôi cũng hiểu thêm được nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển của FPT Software. Được ngồi làm việc với các khách hàng lớn ở Mỹ và Đức, đi đến đâu cũng thấy các bạn FPT Software onsite đang làm việc say sưa, trong đầu tôi lại vang lên câu nói “được sánh vai với các cường quốc năm châu”. Cảm ơn Anh Thành Nam và các bạn FPT Software đã cho tôi một chuyến đi đầy ý nghĩa”, chị Hà nhấn mạnh.

Lịch trình làm việc của đoàn:

- Ngày 19/9, đoàn đã đến thăm văn phòng FPT USA ở New York và làm việc với các lãnh đạo của công ty tư vấn quản lý GMG.

- Ngày 20/9, làm việc tại trụ sở của tập đoàn Ericsson tại San Francisco và được nghe giới thiệu về công nghệ, việc triển khai công nghệ LTE được dùng cho mạng di động 4G của hãng viễn thông Verizon tại Mỹ.

- Cùng ngày, đoàn cũng đến thăm và làm việc với tập đoàn Facebook ở thành phố Palo Alto; thăm văn phòng FPT USA tại California.

- Thăm và làm việc với một trong những công ty bán dẫn (semiconductor) lớn nhất thế giới là Freescale, đoàn đã có được những đánh giá khá cao về năng lực và sự tiến bộ của đội ngũ gần 100 lập trình viên đang làm cho Freescale.

- Ngày 23/9, đoàn cùng với các lãnh đạo của FPT USA đã tham dự lễ kỷ niệm 10 năm Agilis và FPT Software ký quan hệ hợp tác tại thành phố Portland, tiểu bang Oregon.

- Tại Italy, đoàn đã đến thăm trụ sở của Công ty ST Microelectronics (Milan) để tìm hiểu các cơ hội kinh doanh và hợp tác.

- Tại Pháp, đoàn nghe trình bày về giải pháp M2M của một đối tác bản địa (Paris) và đến thăm trụ sở của Dassault Systemes.

- Tại Đức, Phó TGĐ FPT đã thăm và làm việc với các khách hàng Crossgate tại Munich và Arvato Mobile tại Hamburg, đồng thời ghé thăm các nhân viên của Trung tâm Phần mềm số 18, thuộc Công ty TNHH Phần mềm Toàn cầu FPT (F2W, FPT Software) ở thành phố Gottingen.

Thu Thủy


Ý kiến

()