Chúng ta

Xuất khẩu phần mềm -giấc mơ chưa bao giờ cạn

Thứ sáu, 25/5/2018 | 12:41 GMT+7

Hơn 110 triệu USD doanh số xuất khẩu phần mềm một năm; Hơn 6.000 chuyên gia trong lĩnh vực Xuất khẩu phần mềm; Hàng trăm khách hàng từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Châu Phi, Trung Đông đến Singapore, Myanmar, Cambodia, Lào; Các giải pháp phần mềm của FPT như Core Banking, Bill-ing & Customer Care cho Telecom, Chính quyền điện tử, Thuế điện tử đã được nhiều khách hàng châu Á, châu Phi sử dụng là những con số mơ ước với bất cứ một doanh nghiệp CNTT Việt Nam nào ngoại trừ FPT.

Bởi lẽ khát vọng của người FPT còn lớn nhiều lần hơn thế và trong suốt 25 năm qua giấc mơ xuất khẩu phần mềm chưa bao giờ cạn trong huyết quản người FPT, dù là thế hệ sáng lập hay thế hệ trẻ mới gia nhập FPT.

Phần 1: Xuất khẩu phần mềm: Từ những ngày bĩ cực

Với rất nhiều người FPT cũng như trong các tài liệu chính thống của FPT đều cho rằng xuất khẩu phần mềm của FPT được khởi đầu từ năm 1998 (cột mốc đánh dấu là hội nghị Diên Hồng Đồ Sơn 1998 hay sự kiện thành lập FPT Software tháng 1 năm 1999), nhưng với riêng tôi và một số người khác, xuất khẩu phần mềm được xúc tiến ngay từ những ngày đầu tiên cùng với sự ra đời của FPT.

Xuất khẩu phần mềm Việt Nam thời kỳ đầu

Những năm 1986-1991, ở Việt Nam, xuất khẩu phần mềm đã trở thành trào lưu rộng rãi trong giới tin học. Nếu tính theo tỷ lệ người làm tin học thì tỷ trọng người tham gia xuất khẩu phần mềm còn cao hơn bây giờ. Ở Viện Tin học Việt Nam có nhóm anh Hồ Tú Bảo (hiện là GS-TS. tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản) làm về hệ chuyên gia, anh Hoàng Kiếm (hiện là GS-TS. Hiệu trưởng trường Đại học CNTT, ĐHQG TP HCM) làm về nhận dạng chữ. Ở Học viện Kỹ thuật quân sự có nhóm anh Lê Anh Dũng (AIC liên kết với Trung tâm Tin học bộ Lâm Nghiệp). Trong TP HCM có Cinotec, Trung tâm Viễn thám...

Khoảng cuối năm 1986, giấc mơ xuất khẩu phần mềm đã được nhen nhóm từ một số Việt kiều Mỹ và Tây Đức và một số chuyên gia Tin học Việt Nam. Dưới sự đầu tư của nhóm Việt kiều Frankfurt (Đức), ở Hà Nội đã hình thành 3 nhóm xây dựng 3 hệ phần mềm với mục tiêu xuất khẩu sang Đức và Châu Âu: Hệ chuyên gia, hệ nhận dạng chữ và hệ GIS (AIC và Trung tâm tin học Bộ Lâm nghiệp hợp tác).

Xuất khẩu phần mềm FPT lần thứ nhất

Tôi may mắn được anh Hoàng Kiếm mời tham gia vào đề tài Hệ nhận dạng chữ. Đây vừa là đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước của viện Tin học Việt Nam vừa là sản phẩm do nhóm Việt kiều ở Frankfurt đầu tư làm phần mềm xuất khẩu. Sau 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm các thuật toán nhận dạng và phát triển sản phẩm DOCR (Document Optical Character Recognition), cuối năm 1989, tôi được mời sang Frankfurt để cùng nhà đầu tư tham dự hội trợ Hanover. Tại Hanover sản phẩm DOCR đã được khách tham dự đánh giá cao và được một số chuyên gia xếp thứ 4 trong các hệ nhận dạng chữ. Đến giữa năm 1990, DOCR đã bán được khoảng 35.000 USD.Một trong những ứng dụng của Nhận dạng chữ là Nhận dạng hóa đơn (hay còn gọi là nhập dữ liệu tự động từ những hóa đơn). Cuối năm 1990 - đầu năm 1991, tôi có gần 8 tháng làm việc tại GF Satallite (Nice) của Pháp với mục tiêu là demo cho hãng bảo hiểm Generali của Italy nhằm thuyết phục Generali ký hợp đồng với GF Satallite xây dựng hệ thống nhập hóa đơn bảo hiểm Y tế tự động dùng công nghệ OCR (Nếu GF Satalite ký được hợp đồng thì chúng tôi sẽ là người thực hiện hợp đồng). Về công nghệ, Genereli đã hoàn toàn bị thuyết phục nhưng rất tiếc vì lý do thương mại, hợp đồng đã không được ký kết.

Hệ thống phần mềm xuất khẩu chính thức của FPT là hệ TYPO4, hệ chế bản điện tử chuyên nghiệp trên máy tính, khách hàng nhắm tới là các nhà in ở Pháp và Châu Âu. Đây là hệ thống hợp tác giữa FPT và anh Long Việt kiều Pháp - một người bạn của anh Bùi Quang Ngọc thời anh làm Tiến sĩ ở Pháp. Để phát triển TYPO4, FPT huy động 12 chuyên gia phần mềm do anh Bùi Quang Ngọc phụ trách, anh Long chịu trách nhiệm thiết kế và quản trị dự án. Rất tiếc do một số nguyên nhân, dự án bị bỏ dở giữa chừng. Trong số hơn 12 người tham gia TYPO4, có 4 người hiện nay còn ở FPT: anh Bùi Quang Ngọc, anh Nguyễn Thành Nam, tôi và Mai Công Nguyên (hiện ở FPT IS ERP).Tại thời điểm trước năm 1990, Việt Nam mới bắt đầu khởi động nền kinh tế thị trường, hiểu biết thị trường quốc tế còn hạn hẹp, khả năng marketing còn hạn chế, tài chính eo hẹp, đi lại khó khăn, chưa có Internet để trao đổi thông tin, sản phẩm được giao nhận bằng copy đĩa mềm gửi qua đường bưu điện thì sự thất bại của xuất khẩu phần mềm là điều dễ hiểu. Bước sang năm 1991, sự phát triển của thị trường tin học trong nước với các nhu cầu về hệ thống phần mềm ứng dụng cho ngành hàng không, ngân hàng, xuất nhập cảnh đã tạm khép lại giấc mơ lãng mạn xuất khẩu phần mềm lần thứ nhất của giới Tin học Việt Nam.

Hội nghị Diên Hồng Đồ Sơn 1998 “xuất hay là chết”

Sau hơn 3 năm thực hiện thành công chiến lược đưa FPT trở thành công ty Tin học số một Việt Nam, với mục tiêu phát triển FPT lên một tầm cao mới, anh Trương Gia Bình đã tổ chức hội nghị chiến lược được gọi là “Hội nghị Diên Hồng”. Hội nghị được tổ chức ở Đồ Sơn trong 2 ngày 26-27/9/1998.

Hội nghị Diên Hồng có nhiều tham luận, nhiều sự kiện, nhưng tôi nhớ nhất 3 sự kiện: Tham luận “FPT Con chim đầu đàn của Tin học Việt Nam” do tôi trực tiếp trình bày; Tham luận “Xuất hay là chết” do Thành Nam trình bày và “Trần Quốc Toản” Đình Anh bóp nát quả cam ở hành lang của hội nghị.

Tôi được anh Trương Gia Bình phân công trình bày tham luận: “FPT - Con chim đầu đàn của Tin học Việt Nam”. Thời điểm này FPT đã vững chắc ở vị trí công ty Tin học số một Việt Nam, nhưng anh Bình không muốn dừng ở vị trí số một mà muốn FPT trở thành con chim đầu đàn của Tin học Việt Nam. Con chim đầu đàn khác với con chim số một ở chỗ: con chim số một chỉ cần to nhất và nhanh nhất, còn con chim đầu đàn không chỉ to nhất, nhanh nhất mà còn có trách nhiệm dẫn dắt cả đàn chim.

Thành Nam được phân công trình bày tham luận: “Xuất hay là chết”. Đại ý là thị trường trong nước quá hạn hẹp, FPT muốn phát triển thì phải thực hiện chiến lược xuất khẩu phần mềm. Để thể hiện quyết tâm Xuất khẩu phần mềm, Thành Nam dùng khẩu hiệu: “Xuất hay là chết”. Ý nói FPT chỉ có con đường duy nhất để phát triển là Xuất khẩu phần mềm, nếu không Xuất khẩu phần mềm thì FPT sẽ chết.

Trong phần thảo luận, sau khi mọi người đồng ý chiến lược xuất khẩu phần mềm thì vấn đề gay go nhất là kinh phí đầu tư: Lấy tiền ở đâu và đầu tư bao nhiêu cho xuất khẩu phần mềm? Anh Trương Gia Bình lên bảng rón rén viết dòng chữ 500.000 USD. Trong tâm trạng của người lãnh đạo một bộ phận đang làm ra nhiều tiền nhất FPT thời ấy, tôi mạnh bạo đề xuất 1.000.000 USD. Được lời như mở tấm lòng, anh Trương Gia Bình viết dòng chữ 1.000.000 USD trên bảng và cả hội nghị nhất trí thông qua. Điều này có nghĩa là Thành Nam và anh Trương Gia Bình có quyền chi 1 triệu USD cho xuất khẩu phần mềm, nếu hết một triệu USD mà vẫn chưa có đường ra thì giải tán.

Đã 15 năm trôi qua nhưng đến bây giờ hình ảnh dòng chữ 500.000 USD màu xanh ở trên cùng bên trái, dòng chữ 1.000.000 USD được viết ở cột bên phải của bảng vẫn đậm nét trong trí nhớ của tôi.

Để thấy hết tầm cỡ và sự táo bạo trong quyết định này, tôi lấy phép so sánh như sau: Thời điểm ra quyết định (09/1998) doanh thu phần mềm FPT cả năm chỉ cỡ 400.000 USD, tức là quyết định đầu tư cho xuất khẩu phần mềm bằng 2.5 lần doanh thu phần mềm cả năm của FPT. Điều này tương tự như năm 2013 này, FPT quyết định đầu tư 85 triệu USD cho một hướng kinh doanh mới vậy.

Sau hội nghị Diên Hồng, FPT Software được thành lập, anh Trương Gia Bình và Thành Nam đã quyết định lựa chọn 16 cán bộ ưu tú trong khối phần mềm thuộc FSS chuyển sang FPT Software. 5 cán bộ kinh doanh được tuyển chọn với một tiêu chuẩn cao cả về trí tuệ, kiến thức phần mềm, tố chất kinh doanh cũng như tiếng Anh (thời ấy chúng tôi gọi là “Phi công vũ trụ, 2 trong số 5 phi công vũ trụ ấy chính là Hoàng Việt Anh và Bùi Hoàng Tùng, hai trong số các đại tướng của FPT Software ngày nay).

Về nhân sự, những người giỏi nhất về kinh doanh quốc tế theo hiểu biết của FPT thời ấy đều được mời. Đầu tiên phải kể đến Hùng Henry Việt kiều Canada (bạn Phan Ngô Tống Hưng). Tiếp đến là Martin Geiger một người Mỹ chính gốc được mời về phụ trách kinh doanh ở FPT Software với mức lương khủng thời bấy giờ.

Nghi ngờ, xúc phạm hay tin tưởng

Quyết tâm cháy bỏng, đầu tư cao cả về tài chính, nhân lực nhưng những năm 1998-2001, FPT Software vẫn chưa đạt kết quả đáng kể. Không có hợp đồng lớn, doanh số thấp, lỗ liên tục hơn 3 năm trời, FPT India buộc phải giải tán. Khó khăn bên ngoài như vậy, những người lính tiên phong Xuất khẩu phần mềm còn gặp vô vàn khó khăn từ trong nội bộ FPT. Với kết quả kinh doanh lỗ hơn 3 năm, thị trường, khách hàng chưa thấy rõ, niềm tin của người FPT bị lung lay, bắt đầu có nhiều người FPT nghi ngờ vào thành công của xuất khẩu phần mềm.

Thậm chí, Thành Nam còn bị một vị lãnh đạo cao cấp tấn công gay gắt giữa cuộc họp giao ban tuần: “Anh Thành Nam là người không lịch sự, ăn tàn phá hại, làm lỗ cho công ty ngần ấy năm mà không từ chức”. Phải nói rằng, Thành Nam và anh Trương Gia Bình là những người có thần kinh thép cũng như là người có khát vọng cháy bỏng về xuất khẩu phần mềm nên mới có thể chịu được nhiều sức ép lớn đến như vậy.

Có lẽ vì tôi là người đã từng đam mê, từng khát vọng, từng đổ nhiều mồ hôi, từng quên ăn, quên ngủ cho việc theo đuổi xuất khẩu phần mềm, nên tôi thuộc nhóm người luôn tin tưởng vào thành công của hoạt động này. Đầu năm 2000, khi mà xuất khẩu phần mềm vẫn còn lỗ và gặp vô vàn khó khăn tôi đã có bài viết cho báo chúng ta với tiêu đề: “Tất cả cho một tương lai tươi sáng”, trong đó có đoạn cuối nói về sự tin tưởng vào thành công của xuất khẩu phần mềm, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của FPT và của cả dân tộc Việt Nam. Xin mời mọi người cùng đọc lại những dòng chữ tôi đã viết cách đây hơn 13 năm:

Tương lai tươi sáng cho FPT và Việt Nam

Cách đây 9 năm tôi đã rất khó khăn khi ra quyết định từ bỏ con đường xuất khẩu phần mềm và khi ấy tôi cũng hiểu rằng sau này Việt Nam có làm xuất khẩu phần mềm thì chắc chắn tôi không còn tuổi lập trình nữa.

Với tư cách một người đã từng tâm huyết với xuất khẩu phần mềm, đã bỏ ra nhiều năm trời quý báu trong cuộc đời của mình làm xuất khẩu phần mềm, với tư cách một người đã từng thất bại trong hướng xuất khẩu phần mềm, với thời gian ngắn đã làm việc ở các hãng tin học ở Đức và ở Pháp, tôi rất tin tưởng vào sự thành công của việc xuất khẩu phần mềm mà FPT đã làm ngày hôm nay.

Cách đây hơn 10 năm, khi mà khả năng marketing của chúng ta còn quá non nớt, khi mà khả năng tài chính còn hạn hẹp, trang thiết bị thiếu, thông tin trao đổi chỉ bằng con đường điện thoại và gửi đĩa mềm qua đường bưu điện, chúng tôi đã làm xuất khẩu phần mềm và cũng đã đạt được những kết quả nhất định.

Ngày nay, chúng ta đã có tất cả những điều trên, biết marketing, chúng ta có sự hỗ trợ về tài chính của FPT, của chiến trường A và C, có đầy đủ trang thiết bị làm, được làm việc trong ngôi nhà HITC có Internet để trao đổi thông tin, lẽ nào chúng ta không thành công?

Hiện tại tôi chỉ thấy một điều có thể sẽ cản trở chúng ta, đấy là sự quyết tâm và niềm say mê. Tôi biết chắc sự quyết tâm và niềm say mê của anh Bình, anh Thành Nam, anh Hùng Henry, anh Kiên thì có thừa, nhưng điều quan trọng là sự quyết tâm và niềm say mê đó phải được truyền tới tất cả các thành viên của FPTSoft, không chỉ những người hiện có mà tất cả những thành viên của FPT Software trong tương lai.

Ngày trước, chúng tôi làm xuất khẩu phần mềm chỉ với trọng trách của cá nhân, gia đình và tập thể, chưa dám mơ tới trọng trách và sứ mạng với dân tộc, với quốc gia. Hôm nay chúng ta làm xuất khẩu phần mềm, ngoài trọng trách với FPT, chúng ta còn có trọng trách mở đường cho cả dân tộc Việt Nam trên con đường dân giàu, nước mạnh, trên con đường toàn cầu hoá. Khi hiểu được điều này, tôi tin rằng sức mạnh của chúng ta sẽ được nhân lên gấp bội. Chính vì những suy nghĩ như vậy mà tôi tin rằng “Một tương lai tươi sáng cho FPT và cho cả dân tộc Việt Nam”.

Hà Nội, 8/1/2000

Phần 2: Lãng mạn hay khát vọng cho xuất khẩu phần mềm

Hoàng Nam Tiến với lãng mạn 100.000 người xuất khẩu phần mềm

Ngày nay FPT Software đã có hơn 5.000 nhân viên, gấp 7 đến 10 lần số nhân viên của những công ty một thời từng đi trước, từng lớn hơn FPT Software. Khách hàng của FPT Software là những hãng có tên có tuổi ở Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, Thụy Điển…

Định hướng chiến lược Mobility, Cloud và Big Data của anh Bình đã đưa FPT Software đi ngay vào xu hướng công nghệ của thế giới, nhờ đó sẽ tạo ra cho FPT Software một sức bật mới, làm cơ sở cho giấc mơ hết sức lãng mạn của Tiến béo và ban lãnh đạo FPT Software: 100.000 người xuất khẩu phần mềm. Đến ngày đấy, riêng văn phòng làm việc của FPT Software cần đến 4 tòa nhà cao 72 tầng như tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark72 và riêng doanh thu của FPT Software đã lên đến con số hơn 2 tỷ USD.

Để thấy rõ hơn ý nghĩa của con số 100.000 người làm xuất khẩu phần mềm tôi làm phép tính như sau: Ở Việt nam mỗi một người đi làm có ảnh hưởng đến cuộc sống của 3 người thân (vợ, con hoặc bố, mẹ). Như vậy, nếu FPT có 100.000 người làm xuất khẩu phần mềm thì FPT sẽ có trách nhiệm với cuộc sống của 400.000 người, tức cứ 215 người Việt nam có một người cuộc sống của họ phụ thuộc vào công cuộc xuất khẩu phần mềm của FPT.

Sản phẩm phần mềm FPT có doanh thu 1 tỷ USD - tại sao không?

Người FPT hoàn toàn có thể tự hào vì FPT đã có giải pháp phần mềm Bill-ing & Customer Care (FPT.BCCS) đạt đẳng cấp cuốc tế và được tất cả các mạng viễn thông Việt Nam sử dụng. FPT.BCCS được phát triển và hoàn thiện song hành cùng sự phát triển của thị trường điện thoại di động Việt Nam. Tôi thường thuyết phục các bạn hàng quốc tế như sau: “Việt Nam là đất nước kinh tế chậm phát triển, tất cả các ngành kinh tế đều đi sau các nước phát triển nhiều năm, nhưng có một ngành duy nhất Việt Nam phát triển ngang bằng với bất kỳ quốc gia giàu có nào đó là ngành Viễn thông. Thậm chí, ở Việt Nam, chất lượng cuộc gọi, nhắn tin và các dịch vụ mobile khác ngang bằng hoặc cao hơn; Dịch vụ mua, bán, sửa chữa điện thoại di động, sim, thẻ thuận tiện hơn nhiều nước tiên tiến. FPT.BCCS của FPT đang phục vụ cho một thị trường Viễn thông chất lượng quốc tế có qui mô trên 100 triệu thuê bao thì hiển nhiên FPT.BCCS phải đạt đẳng cấp quốc tế”.

FPT.BCCS không chỉ làm chủ hoàn toàn thị trường Việt Nam mà đã và đang chinh phục thế giới. Tính đến thời điểm này, 5 nhà mạng Viễn thông Cambodia, 4 nhà mạng viễn thông Lào, 1 nhà mạng Viễn thông Myanmar, 1 nhà mạng Viễn thông Malaysia, 1 nhà mạng Viễn thông ở cộng hòa Chad đã trở thành khách hàng thân thiết của FPT.

FPT.BCCS đã mang lại doanh thu hơn 30 triệu đôla Mỹ cho FPT trong đó có gần 10 triệu USD Mỹ từ thị trường quốc tế. Cả 2 nhà cung cấp thiết bị Viễn thông số 1, số 2 thế giới đều cam kết hợp tác về việc bán FPT.BCCS của FPT kèm theo hệ thống thiết bị viễn thông của họ trên toàn cầu. Chúng ta đâu chỉ có FPT.BCCS? Chúng ta còn có eTax, eHospital, eGov, eCustom và nhiều sản phẩm phần mềm ứng dụng khác đang được khách hàng Việt Nam và quốc tế tín nhiệm.

Việc hai giải pháp FPT.eHospital và FPT.eGov của FPT đoạt giải nhất trong lĩnh vực Private và giải nhì trong lĩnh vực Government khu vực ASEAN đã khẳng định chất lượng sản phẩm cũng như tính phổ dụng và hiệu quả mang lại cho khách hàng, đồng thời nó cũng là tiền đề để eHospital và eGov chinh phục thế giới, bắt đầu từ thị trường ASEAN.

Cách đây độ dăm bảy năm, có nằm mơ cũng không ai trong chúng ta có thể mơ đến việc có ngày tại thủ đô Jakarta của Indonesia trong văn phòng của một tập đoàn ICT đứng đầu thế giới, chúng ta ngồi bàn phân chia công việc và đàm phán giá cả của một thầu quốc tế có butget trên 110 triệu USD, trong đó chính chúng ta được nhận phần phát triển và triển khai giải pháp phần mềm ứng dụng lõi của hệ thống. Chưa hết, chúng ta còn đủ tự tin để ngồi bàn làm cách nào để chiến thắng các đối thủ khác, trong đó các đối thủ đều thuộc top đầu thế giới hoặc chí ít cũng thuộc top đầu châu Á trong lĩnh vực ICT.

Một lãnh đạo khu vực của hãng đứng Top 3 thế giới về tích hợp hệ thống và dịch vụ phần mềm phải thốt lên: “Chúng tôi chưa bao giờ làm thầu phụ cho bất cứ ai, làm thầu phụ cho FPT là một ngoại lệ”. Một lãnh đạo khu vực của hãng lớn hơn cũng thừa nhận: “Trong khu vực chúng tôi chưa bao giờ làm Joint Venture với bất cứ ai, Joint Venture với FPT trong thầu này là trường hợp đầu tiên”. Chưa hết, sau đó ông ta còn nói: “Lần thầu sau ở quốc gia khác chúng ta lại hợp tác theo phương thức Joint Venture này”. Chính FPT chúng ta là người đã tạo ra 2 ngoại lệ cho cả 2 hãng đứng đầu thế giới.Theo phong cách FPT, chúng ta hoàn toàn có thể mơ một giấc mơ hết sức lãng mạn về một ngày không xa FPT sẽ có sản phẩm phần mềm mang thương hiệu FPT có doanh thu trên 1 tỷ USD Mỹ từ thị trường toàn cầu.

Phần 3: Vĩ thanh

Nếu hai giấc mơ lãng mạn: 100.000 lập trình viên trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và sản phẩm phần mềm FPT có doanh thu trên 1 tỷ đôla Mỹ thành hiện thực thì hiển nhiên mục tiêu FPT thuộc top Forbes 500 sẽ trở thành hiện thực.

Hơn 13 năm trước, chúng ta đã tin vào sự thành công của xuất khẩu phần mềm, chúng ta đã nỗ lực cao độ cho mục tiêu cao cả ấy và chúng ta đang được tưởng thưởng cho sự lãng mạn và nỗ lực lao động sáng tạo của mình. Vậy thì tại sao hôm nay với một vị thế cao hơn, chúng ta lại không tiếp tục mơ những giấc mơ lớn hơn, lãng mạn hơn. Cứ mơ đi, cứ tin đi, nhất định chúng ta sẽ đạt được.

Hà Nội, 5/2013

Đỗ Cao Bảo - FPT IS

Ý kiến

()