Em cho biết, không những em mà còn khá nhiều bạn khác cũng có chung thần tượng là Trương Đình Anh - Giám đốc FPT Internet. Nhìn lại kho tàng văn hóa FPT, thật bất ngờ khi một người điển hình như Đình Anh lại không có nhiều “dấu tích” trong sử ký FPT và các ấn phẩm đã xuất bản. Nhân dịp lục tìm tài liệu để cung cấp cho đoàn làm phim FPT 15 năm, tôi tranh thủ phác họa lại vài nét từ những “góc khuất” rất riêng của anh như là một phần đa dạng trong văn hóa FPT, để lưu lại cho hậu thế kẻo nhỡ mai một thì quả là phí phạm.
1. Cậu học trò cá biệt
Nghịch ngợm, ương bướng là bản tính của cậu bé Đình Anh. Tuổi mẫu giáo, cậu toàn trốn vào gầm giường mỗi sáng để khỏi phải đi học. Đến vỡ lòng thì bỏ học đi chơi, tự điền điểm 10 vào sổ để nộp cho bà ngoại lĩnh thưởng. Sự có mặt của cậu ở trường là điều đe dọa đối với giáo viên bởi họ không tài nào lường trước được điều gì sẽ xảy ra. Mỗi dịp có thao giảng hay có đoàn thi đua tới, các cô phải tìm cách mọi cách để cậu vắng mặt. Năm 10 tuổi, sang Moscow theo bố mẹ, cậu lại trở thành nỗi kinh hoàng của trẻ con Nga bởi nước da đen cháy và cái đầu đầy chấy rận... khiến mẹ phải “gọt trọc’. Trò chơi yêu thích nhất là “làm tướng”, luôn dẫn đầu các nhóm leo trèo đánh nhau đến nỗi lần lượt gãy hết tay này đến tay khác. Có đồ chơi hay bất cứ đồ điện tử gì của gia đình, cậu cũng tháo tung ra, ghép nối linh tinh hết. Đến đại học, cậu vẫn là người “có vấn đề về tư tưởng” khi có những câu thắc mắc rất khác người, kiểu như “Nếu xã hội cứ phát triển thì Chủ nghĩa cộng sản không phải là mức cuối cùng mà sau đó phải là gì nữa chứ?”. Cái gì cũng chỉ thích thể hiện cho thiên hạ thấy một lần rồi quay ngoắt 180o, nên từ một cậu sinh viên đứng đầu khóa 600 người năm thứ nhất, cậu đã trở thành kẻ suýt bị treo bằng ở năm cuối vì bỏ học nhiều quá (để đi gõ máy tính thuê).
Tính cách độc lập của cậu được hình thành nhờ quan điểm giáo dục cởi mở của gia đình. “Chúng tôi luôn coi con cái là một người bạn chứ không phải là một sinh vật để mình nhào nặn...”, mẹ cậu nói như vậy. Họ chỉ cho anh kinh nghiệm sống chứ không bao giờ bảo anh phải làm gì. Chính cách giáo dục đó đã hình thành ở anh sự tư duy độc lập, ham muốn tìm tòi, khám phá. Ngay còn bé tí, Đình Anh đã dám phản đối lại rất nhiều “người lớn”, những người luôn thích ra lệnh “Phải làm cái này, không được làm cái kia” mà không chịu hiểu lũ trẻ. Cậu dám hành động theo suy nghĩ của mình, điều mà đứa trẻ nào cũng muốn nhưng rất hiếm đứa làm được. Không hiểu có phải vì thế mà cậu trở thành “Hoàng Tử bé”, thành thần tượng của chúng?
2. Chàng giám đốc trẻ nhiều tai tiếng
Trở thành Giám đốc khi mới 26 tuổi, dù lúc đó cả Trung tâm chỉ có 4 người nhưng Đình Anh đã ngay lập tức gây sự chú ý của dư luận và thu hút được nhiều người ủng hộ. Năm 1997, điều hành mạng Trí tuệ Việt Nam, anh đã khuyếch trương bằng một “Đêm hội Trí tuệ Việt Nam” với sự ủng hộ của rất nhiều người trong công ty. Những thủ lĩnh của FPT như anh Nam, anh Bảo, anh Kiên, anh Thành... đều trực tiếp tham gia, anh Nam anh Bảo làm người dẫn chương trình, anh Kiên là đạo diễn, anh Thành là diễn viên... Anh Bình hỗ trợ bằng việc mời ca sĩ Mỹ Linh, lúc đó mới nổi. Sân 89 Láng Hạ đêm đó trở thành hộp cá sacđin, chật như nêm. Bảo vệ phải khóa chặt cửa bởi bên ngoài vẫn đông như kiến. Ngay cả anh Bình cũng không thể ra nổi, phải đưa Mỹ Linh, mặc jupe, vượt tường để chạy sô khác (Không hiểu có ai còn lưu lại được hình ảnh này). Sau đêm đó, một loạt bài báo xuất hiện, tất nhiên là chê bai. Dù vậy, Đình Anh vẫn cười rất tươi “Quảng cáo đâu cứ nhất thiết phải khen”.
Cuối năm 1997, Việt Nam nối mạng Internet, FOX trở thành một trong 4 ISP đầu tiên cung cấp dịch vụ Internet. Là nhà kinh doanh, lẽ ra thấy giá cước nhà nước quy định cao phải mừng, nhưng anh lại liên tục phát biểu trên báo chí, truyền hình về việc cần thiết phải giảm giá Internet để thu hút người dùng. Thậm chí, anh còn tự viết bài đăng báo với tiêu đề “Giá nào cho Internet VN? - Lợi nhà kinh doanh, thiệt cả cộng đồng”. Anh trở thành “cái gai” trong mắt các ISP khác và những nhà quản lý ở các cuộc họp của TCT Bưu chính Viễn thông. Ngay cả giới báo chí cũng coi đó là chuyện “ngược đời”, thường đến gặp anh để tìm kiếm một ý kiến “nghịch” hiếm hoi.
Năm 1998, là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của thanh niên Việt Nam được Trung ương Đoàn tặng bằng khen, Đình Anh liên tục xuất hiện trên báo chí. Người ta gọi anh là “Bill Gates Việt Nam”, là “Hiện tượng Leo sau Titanic” bởi anh cũng khá điển trai. Tuy nhiên, với câu trả lời thẳng thắn: “Mơ ước của tôi là trở thành triệu phú trước năm 35 tuổi thành Thủ tướng trước 40 tuổi”, anh đã gây nên một “cơn sóng dư luận”. Như đổ thêm dầu vào lửa, báo Tuổi trẻ còn đăng bài phỏng vấn anh với một tít rất giật gân ““Thủ tướng tương lai” lập trình cho cuộc sống riêng”. Đâu đâu người ta cũng bình luận Trương Đình Anh như là một kẻ kiêu ngạo, “ngựa non háu đá”. Anh chỉ cười “Thế mới thích!”
Giữa năm 1998, khi số người dùng Internet vẫn ít, kiến nghị giảm giá của anh chưa được phê duyệt, anh đã “lách luật” bằng cách cho phép người đang sử dụng mạng TTVN của FPT, những người đang dùng mạng NetNam và Saigon Postel được chuyển sang dùng Internet FPT không phải đóng phí mở Account (khi đó phí mở Acc ban đầu theo quy định là 150.000đ/acc). Thông tin này được gửi trực tiếp bằng mail đến từng Acc của các mạng và đăng trên báo chí. Ngay lập tức, một làn sóng phản ứng nổi lên. Người ta tranh luận khắp nơi về “Đạo đức kinh doanh” của anh với câu hỏi “Có phải là cạnh tranh lành mạnh?”. Khi dư luận mới xẹp được một chút, anh lại nổ thêm một phát nữa bằng sự kiện riêng - “người đầu tiên kết hôn từ mối tình qua mạng”.
Năm 1999, anh vẫn liên tục xuất hiện trên các media với những chiêu khuyến mãi Internet bằng cách “lách luật” giảm giá cho người tiêu dùng. Bị Tổng cục Bưu điện gọi lên làm giải trình vài lần nhưng vẫn bình an. Hỏi, anh cười “Tổng cục Bưu điện quy định giá mở tài khoản Internet ban đầu, còn tôi miễn phí cho những người đã dùng mạng khác có tài khoản rồi, đâu có phạm luật”. Ai cũng biết, tài khỏan của mạng Netnam, của Saigon Postel... làm sao có thể dùng được nếu chuyển sang FPT ISP, thủ tục phải mở mới hoàn toàn. Anh thắng bởi anh được số đông người tiêu dùng ủng hộ. Thời gian sau, lại những lời đồn thổi về việc anh “chơi” các ISP khác. Không hiểu có thật, chẳng thấy anh đính chính cũng không một lời bình luận, chỉ nhếch mép. Cuối năm 1999, FPT giục dịch phát hành Internet card, báo chí lại tập trung vào anh, vừa là người tiên phong, vừa là kẻ phá giá thị trường.
Năm 2000, ấp ủ được thống trị “quyền lực thứ 4” của anh đã thành hiện thực. Anh không phải “bám nhờ” vào các tờ báo khác mà đã có một tờ báo của riêng mình - VnExpress. Không cần phải nổi lên “nổi” lên “gây chuyện” để tập trung sự chú ý bên ngoài, anh liền hướng vào nội bộ. Hàng loạt những mail “Bàn...” của anh bao giờ cũng thu hút được sự chú ý của đông đảo người FPT bởi những ý kiến rất thẳng, lập luận chặt chẽ và rất nhiều số liệu (chủ yếu là số liệu... bịa). Mỗi khi nhìn thấy từ “Bàn...” của anh là dân FPT lại xôn xao nhảy vào. Nhưng không hiểu lúc đó anh lại biến đi đâu bởi chẳng thấy anh quay lại bao giờ.
Việc gây xôn xao bởi ý thích “ngược đường” của anh còn lưu lại trong rất nhiều cuộc họp của lãnh đạo công ty. Đặc trưng nhất là trong văn hóa STC, FOX vẫn luôn được anh Bình “ưu ái” tặng cho danh hiệu “Quân Taliban”. Không hiểu phải mất bao lâu cái “vùng tự trị” này mới được cảm hóa, chỉ biết khi xưa anh Bảo và anh Ngọc cũng rất thờ ơ với hoạt động Đoàn nhưng giờ thì anh Bảo đã nhiệt liệt ủng hộ, còn anh Ngọc thì cũng “tiến bộ nhiều” theo như nhận xét của Bí thư Đoàn công ty.
3. Vị thủ lĩnh thuyết khách, nhiều mưu
Để phát triển một trung tâm từ 4 người lên hơn 200 người trong vòng 6 năm, từ một đơn vị “ăn bám” thành một trung tâm kinh doanh hiệu quả nhất nhì công ty, người thủ lĩnh chắc chắn không ít phen đau đầu. Với quan niệm “Nếu một người trẻ tuổi ngồi ở một vị trí trong 2 năm mà không phát triển được gì thì tức là có vấn đề”, anh đã liên tục đề ra đủ các kiểu kế sách với những mục tiêu chiến lược cụ thể. Chiến thuật kinh doanh mà anh thích sử dụng là “hớt váng”. Ban đầu, anh muốn “hớt” thật nhanh người dùng Internet nên liên tục tìm cách giảm giá cho dù khi đó FPT Internet vẫn chưa có lãi. Khi số người thuê bao đã tăng tương đối, anh lại nghĩ đến cách “hớt váng” thị trường website bằng chiến thuật “Làm website miễn phí, mỗi doanh nghiệp một trang” để sau này thu phí hosting (thuê chỗ). Rất tiếc, khi đó nhóm Web quá neo người nên không thực hiện tốt được chiến thuật này. Tuy nhiên, điều được anh coi là đáng tiếc duy nhất là khi Việt Nam mới gia nhập Internet, anh còn đang ở thế quá yếu (ăn bám công ty), không dám chuyển đổi miễn phí cho 10.000 tài khỏan TTVN sang dùng Internet. Nếu anh mạnh tay như thời gian sau đó nửa năm, chắc chắn thị phần của FPT Internet không quá xa VDC như hiện nay.
Không dừng lại ở 2 dịch vụ đơn thuần mà ISP nào cũng có, anh luôn nghĩ ra những loại hình dịch vụ mới cho Internet. Anh là người đầu tiên đưa ra thị trường loại hình Internet Card, thu về lượng khách hàng khổng lồ. Anh là Tổng biên tập tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam (theo quyết định của Bộ văn hóa). Anh là ISP đầu tiên (tất nhiên phải trừ VDC) giành được quyền IAP khiến cho tỷ trọng doanh số của FOX đã nghiêng một phần lớn về dịch vụ thuê đường truyền. Giờ đây, anh cũng là người đi đầu trong dịch vụ Internet Phone, trong dịch vụ Wireless ở Việt Nam.
Về khả năng thuyết khách, chắc không ai đeo bám bằng anh. Để thuyết phục Công ty đầu tư cho các ý tưởng kinh doanh của mình, nhất là trong giai đoạn “ăn bám” anh phải bảo vệ kế hoạch rất nhiều lần trước Ban TGĐ. Để mời được anh Thang Đức Thắng về làm Tổng biên tập tờ báo điện tử, anh đã “theo” trong suốt 5 năm, tìm đúng thời cơ mới “kéo” về được. Để có Nguyễn Đắc Việt Dũng, anh qua lại HiTC không biết bao nhiêu lần, kéo dài cũng phải vài năm, đợi đúng lúc Dũng bơ vơ nhất. Đi đâu, thấy người giỏi, anh liền dụ dỗ, lôi kéo. Có lẽ cho đến thời điểm này, ở FPT mới chỉ có duy nhất Nguyễn Đức Quỳnh là đứng vững trước những “cám dỗ” mà Đình Anh giăng ra.
4. Nhà quản lý luôn số hóa
Biết cách lách luật người nên anh cũng biết cách xây dựng luật của mình rất chặt. Chuyên môn chính quy là quản lý kinh doanh du lịch, anh đang là một trong số những người quản lý hiệu quả nhất ở FPT. Luôn bám sát lý thuyết quản lý hiện đại, tất cả phải được đo, phải số hóa. Anh đã một mình viết ra chương trình quản lý của FOX, với những công thức khác nhau để đo mức độ hoạt động, sáng tạo... của nhân viên mỗi phòng. Từ đó, đưa ra một mức lương tương xứng. Có những hoạt động, như hỗ trợ kỹ thuật, mọi người nghĩ rằng sẽ rất khó đo chính xác, anh vẫn tìm mọi cách để đo được. Chương trình này hiện vẫn đang là một bí mật riêng, một tài sản cá nhân không cho phép kết nối, chưa nhà quản lý nào ở FPT được chia sẻ.
Tư duy độc lập, quan điểm độc lập nên anh cũng đang đứng độc lập với nhiều nhà quản lý của FPT. Trong khi Tổng giám đốc FPT luôn chú trọng tới đời sống tinh thần thì anh cho rằng FOX chưa phát triển tới giai đoạn đó và vẫn đang tập trung vào xây dựng vật chất. Quân FOX, tháng nào làm ngon sẽ thấy ngay kết quả ở mức lương được hưởng. Nếu chẳng may có chuyện khủng hoảng, chế độ lương sẽ “khủng hoảng” theo. Vì thế, người FOX ra vào như thay áo, ngay cả cán bộ nhân sự cũng không biết hết mặt nhân viên. Tất nhiên là anh cũng không biết hết bởi anh chỉ quản lý cán bộ ở cấp gần nhất và ủy quyền cao cho họ quản lý các cấp tiếp theo. Sự độc lập, thiếu gắn kết giữa các phòng ban của FOX cũng là một hệ quả tất yếu. Nhưng điều đó không làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của FOX bởi anh đã tìm được cho mình đội ngũ “lân cận” ngon. Anh luôn khuyến khích: “Anh đã tìm ra được các chú để lôi về đây, đến lượt các chú phải tự xây dựng cho mình đội quân có năng lực”. Cứ theo từng cấp như thế, đội ngũ FOX hiện nay đang được đánh giá là khá chuyên nghiệp.
Kể với riêng anh
Buổi sáng năm ấy, một cô nhân viên mới của FOX chạy ào về phòng, vẻ mặt hưng phấn, kể lại bằng giọng rưng rưng: “Em vừa gặp anh Đình Anh ở cầu thang, anh ấy cười rất tươi, hỏi thăm sức khỏe của em. Đây là lần đầu tiên em thấy anh ấy cười, lại còn biết em mới mệt nữa. Em phát run lên vì xúc động, đến giờ vẫn chưa hết”.
Giám đốc Đình Anh chắc không thể nhớ nổi cô nhân viên đó là ai nhưng tôi tin rằng những cảm xúc năm xưa bây giờ vẫn còn đọng đầy trong cô gái ấy. Chỉ một nụ cười của anh đã làm cô gái hưng phấn trong suốt mấy ngày, để lại ấn tượng đến mãi những năm về sau. Thế thì tại sao phải tiết kiệm nụ cười thế, Đình Anh ơi?
Nguyễn Thu Huệ
Báo Chúng ta
Ý kiến
()