Chúng ta

Sếp là con gái

Thứ tư, 22/8/2018 | 16:50 GMT+7

Sáng sớm hôm nay, nắng vàng tươi mát của tiết trời mùa hè rộn ràng, sếp chọn một chiếc áo phông trắng cộc tay như dùng Ô mô tẩy trắng kèm chân váy màu cam đất hơi xẻ để vận,  trên tay rực rỡ một bó hoa to.

Tiếng bước chân của sếp nhanh thoăn thoắt, cái dáng đi hình quả lê không lẫn đi đâu được. Tóc sếp không dài, sếp thích để tóc ngắn, phẩy một tí highlight điểm sắc, thỉnh thoảng lại lấy ngón tay luồn qua kẽ tóc nghe cái dáng điệu kiêu sa của người phụ nữ thành đạt. Chắc hôm nay sếp vui rồi, cả phòng trai gái ai cũng hí hửng đoán già đoán non:

- Chị N hôm nay khác thế … Chắc lại váy mới rồi đúng không chị

Sếp cười tươi, ánh mắt vẫn sắc sảo như thế:

- Đâu có, váy cũ rồi, lâu lắm không lấy ra mặc thôi chứ mới mẻ gì

À đúng rồi, sếp tôi là con gái mà.

Part 1: Lần đầu gặp Sếp

Nhớ cái hôm đầu tiên đi phỏng vấn ở FPT, tối hôm đó nhân sự gọi thông báo thời gian hẹn phỏng vấn, vì một số lí do cá nhân nên bị dời phỏng vấn mất hai ngày. May quá, đáng lí bình thường mấy nhà tuyển dụng hay chảnh lắm, gọi không đi dỗi ngay, ứng viên phải năn nỉ ỉ ôi từng tí. Giờ thời thế thay đổi, nhà tuyển dụng nhiều hơn cả người xin đi làm, ấy thế mà báo đài suốt ngày đăng mấy cái tin thái độ người đi làm cợt nhả rồi thì rải CV rác khắp các trang tìm việc gây hỗn loạn giới HR như thế nào… Định bụng nghĩ như vậy thôi chứ nào dám, ai thì gan chứ tôi thì không, kiếm công việc đâu phải dễ, mà giữ công việc càng không dễ. Người ta cho mình cơ hội cơ mà. Dặn lòng ngủ sớm mai phải thật xinh đẹp đi phỏng vấn mới được.

Sáng hôm ấy, chỗ làm cách nhà tận mấy chục cây, lại đường to, sợ tắc đường nên dậy sớm lắm, 9h30 phỏng vấn mà đến từ 8h lận. Chết thật. Ngồi ở sảnh chính mà lòng vừa lo vừa hồi hộp. Đành rằng là kinh nghiệm đi làm chưa nhiều, nhưng tự tin có thừa, bước vào xã hội cũng đã 2 3 năm từ khi còn là sinh viên năm 02, cũng phỏng vấn biết bao nhà tuyển dụng rồi. Nhưng trong lòng lúc nào cũng hồi hộp, cứ đến môi trường mới lại hồi hộp, tâm lý con người mà, ai chả như vậy. Tính tò mò khiến tôi đảo mắt xung quanh sảnh, nếu không có chuyện gì đen đủi xảy ra thì có thể tôi sẽ làm ở đây, ồ, đây là nơi tôi sẽ làm việc suốt 8 tiếng mỗi ngày đây mà. Ngắm nghía nó nào…

Viuuuuu….uuuuu….

Tiếng giày cao gót của một người phụ nữ, chị ta mặc một chiếc váy bò màu nâu sẫm, dáng người nhỏ nhắn nhưng vòng nào ra vòng nấy, bước qua làm cản trở cái suy nghĩ và tâm trạng lo lắng của tôi. Để ý kĩ thì trên cổ tay của chị ta có một hình xăm bông hoa màu đỏ rất nổi, kể ra thì cũng chất chơi thật đấy. Trong cái môi trường giáo dục ở Việt Nam này, kiếm một người trong ngành xăm hình quả không khó nhưng xăm mà lộ liễu thế kia thì hiếm lắm, lại là phụ nữ thì càng hiếm.

- Em là N đúng không? Chào em, chị là N - Trưởng ban CTSV&TK, chị là người sẽ phỏng vấn em ngày hôm nay, mời em vào đây.

Ồ hoá ra chị ấy cùng tên tôi. Quả nhiên, những người cùng tên N đều có thần thái thật.

Cuộc phỏng vấn diễn ra thuận lợi, ừ thì từ góc nhìn của tôi là thế, suốt cuộc nói chuyện đó, còn có sự tham gia của một người nữa là đồng nghiệp của tôi sau này, nhưng nói thật thì tôi chả để ý đến anh ta là mấy, trừ cái việc cao lêu nghêu ra thì tôi để ý chị hơn. Chắc mọi người đoán vì chị ta là có vị trí cao, đúng thế thật, nhưng nếu ai đã một lần ngồi quan sát kĩ chị, mới thấy được cái sự hút hồn của chị nó mãnh liệt thế nào.

À. Vậy là từ giờ sếp tôi là con gái.

Part 2: Con gái thì nhạy cảm, mà lại là sếp, thì càng nhạy cảm

Ngày trước làm ở công ty cũ, sếp là nam, nhưng tính tình và cách cư xử như phụ nữ vậy. Chả phải nói xấu nói mớ gì đâu chứ sợ nhất là những anh đàn ông mà cách thể hiện thì đàn bà. Cũng vì không chiều được cô … à anh ấy nên mới phải nhảy việc. Bao nhiêu lần tâm sự với bạn bè, đau đầu cũng vì chuyện chiều sếp, khổ, nửa đêm sếp gọi mà sáng sớm sếp cũng gọi, hành xác. Nhưng người khác nhìn vào thì ngưỡng mộ lắm, khen ngất trời. Công nhận anh diễn giỏi, chính ra anh hợp làm diễn viên hơn mà số phận không cho phép.

Cái A thì bảo:

- Đấy là mày chưa gặp sếp nữ thôi, phải bà đồng bóng thì thôi rồi, như tao này, sợ lắm chả muốn đi làm, chỉ muốn đi lấy chồng chồng nuôi

Cái B thì gằn:

- Đúng đấy, như bà sếp tao, suốt ngày chì chiết, mà bà ý chả biết cái gì. Sếp mày đẹp trai, lại hào hoa, cho tao bao tiền tao cũng làm.

Đấy là chuyện của sếp cũ, thôi không nhắc lại, quay lại với sếp giờ, khác hẳn.

Ông bà ta từng nói, có những người đàn bà nhưng tính cách đàn ông. Lúc thì mong manh, yểu điệu, đảm đang phụ nữ, nhưng suy nghĩ và đầu óc như người đàn ông, cứng rắn và mạnh mẽ. Sếp mình đúng như thế thật. Càng làm việc nhiều với chị càng hiểu điều đó. Chị là bà mẹ đơn thân, nhưng nghe cách dạy con của chị, với nghe chị gọi điện thoại cho người cũ mới thấy: hoá ra trên đời cổ tích có thật, chuyện mấy bà li dị chồng xong coi chồng như kẻ thù kiếp này sang kiếp khác nhiều thật đấy mà chuyện của chị thì nổi lên toả sáng giữa bầy thị phi của Hội Eva chuyên bới móc chuyện gia đình trên facebook.

Về công việc thì chị luôn rõ ràng. Nhưng không phải lúc nào sếp cũng cười được, con người mà, ai chả có lúc mệt mỏi. Công việc không thuận lợi thì chị cũng phải cáu, nhân viên chậm chạp thì chị cũng phải nhắc nhở, con gái chị ốm chị cũng phải lo, mà sếp của chị bắt chị giải trình cái này cái kia thì chị cũng phải chịu… Thế mới nói sếp mình ba đầu sáu tay thật. Chị leo lên được vị trí này nếu không giỏi thì cũng phải quá giỏi. Chứ chẳng giống một bộ phận những người phụ nữ bây giờ, sống trong thế kỉ 22 rồi, lại còn cách mạng công nghệ 4.0, sáng dậy chỉ nghĩ xem hôm nay ăn gì và tối nay xin chồng mấy nghìn đi chợ. Vẫn biết mỗi người một hoàn cảnh, không so sánh cân đo đong đếm được, con người sinh ra không được lựa chọn giàu nghèo nhưng chết đi giàu hay nghèo là tại mình. Câu đó chuẩn không cần chỉnh. Những người như chị, người ta nhìn thấy thì cái gì cũng hoàn hảo, cái gì cũng nhất, nhưng có ai biết chị cũng phải sóng gió, cố gắng mới đạt được chứ chả ngồi đó chờ sung rụng mà tị với nạnh.

Nhưng vì sếp là con gái, nên cũng có những lúc sếp cáu giận, sếp không vui, sếp nhạy cảm với tất cả mọi thứ. Ngoài chuyện công việc ra, sếp cũng là một người phụ nữ, cũng là người mẹ, người con của gia đình. Sếp cũng mong muốn được ai đó yêu thương để khoả lấp trái tim tổn thương ấy, sếp cũng phải chăm lo cho những đứa con của mình, sếp cũng phải báo hiếu với bố mẹ, … Nhân viên khổ thế nào thì sếp cũng khổ như thế, có khi khổ hơn nhưng lúc nào sếp cũng phải mạnh mẽ. Nhân viên mệt, chán việc thì nhân viên nghỉ, chả ai nói gì, lại tuyển người mới. Còn sếp mà nghỉ, dư luận chửi sếp vô trách nhiệm.

Có những lúc làm việc mình thấy mình đúng, mình làm tốt, không hiểu tại sao sếp vẫn mắng. À nhưng rồi nghĩ kĩ, để làm sếp thì cũng không phải vừa, nếu ai cũng nghĩ đơn giản như mình thì ai cũng làm sếp được. Thế là mình bình tĩnh lại ngay. Rồi lời nói của mình, phát ngôn của mình, nói cái gì cũng phải nghĩ trước, chứ đừng nói bừa, sếp là con gái, sếp nhạy cảm lắm, nhưng thà bị mắng vì mấy chuyện nhỏ nhặt để lần sau mà biết mà sửa. Chứ sếp là nam, cái chuyện quấy rối tình dục nơi công sở còn đáng sợ hơn nhiều.

Part 3: Văn hoá FPT

Từ ngày vào FPT làm mới thấy, sếp là con gái nhiều lắm. Và cũng nhận ra rằng, con gái có sức mạnh ghê gớm như thế nào. Cánh đàn ông giỏi 1 thì sếp nữ giỏi 2 giỏi 3 có khi giỏi 10. Mình là con gái nên mình cũng phải tự hào. Sếp là hình mẫu của thế hệ nữ giới hiện đại: xinh đẹp, giỏi giang, tự lập và có địa vị. Kể ra cũng chả phải để nịnh sếp, chỉ đơn là đẹp đẽ thì khoe ra xấu xa thì đậy lại. Sếp mình chứ sếp ai mà mình không khoe.

Vì sếp là con gái, nên có những lúc sếp buồn, sếp cáu gắt vô cớ

Vì sếp là con gái nên sếp nhạy cảm hơn ai hết

Vì sếp là con gái nên sếp có thể vui có thế khóc

Vì sếp là con gái nên sếp sẽ thấu hiểu chuyện tình cảm của mấy đứa em nhân viên

Nhưng cũng vì sếp là con gái

Nên sếp sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều

Sếp sẽ bảo vệ chúng mình như người đàn ông bảo vệ gia đình bé nhỏ

Và vì sếp là con gái

Chúng em cũng sẽ thương sếp, yêu sếp, tâm sự với sếp nhiều thật nhiều

Và chúng em cũng sẽ bảo vệ sếp nên sếp ĐỪNG LO.

SẾP CHỈ CẦN LÀ CON GÁI THÔI, CẢ THẾ GIỚI CỨ ĐỂ BỌN EM LO.

FPT Education

Ý kiến

()