Chúng ta

'Văn hóa doanh nghiệp chính là lực hút phân tử'

Chủ nhật, 29/12/2019 | 20:48 GMT+7

Mỗi cá nhân trong tổ chức giống như một phân tử. Các phân tử gắn chặt với nhau nhờ lực hút - đó chính là văn hóa doanh nghiệp. “Khi tất cả hành xử theo cùng một cách, mọi người sẽ tương tác tốt và gắn bó chặt chẽ với nhau hơn”, GĐ Truyền thông và Tiếp thị VP Bank Trần Tuấn Việt nhận định.

Hội nghị Truyền thông Thương hiệu FPT đã diễn ra tại Trung tâm Galaxy Star, Láng Hạ, Hà Nội ngày 27/12. Với chủ đề “Amazing Workplace”, hội nghị quy tụ nhiều phần trình bày, thảo luận hấp dẫn xoay quanh sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, trong đó văn hóa doanh nghiệp và truyền thông nội bộ là công cụ thiết yếu.

3 diễn giả chính tham gia chương trình gồm có: chị Trần Vân Anh - Tổng giám đốc Brand Maker - đề cập tới chủ đề “Joy At Work”. Anh Trần Tuấn Việt, GĐ Truyền thông và Tiếp thị VP Bank, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác truyền thông tại VP Bank. Anh Vũ Thanh Bình, Trưởng Ban Cộng đồng VnExpress, đã trao đổi về vấn đề đảm bảo an toàn thông tin trong bối cảnh mạng xã hội phát triển rộng rãi.

Từng là một người nhà F, anh Trần Tuấn Việt có 19 năm kinh nghiệm về thương mại, marketing, truyền thông và quảng cáo. Anh đã kinh qua các vị trí GĐ Phát triển Kinh doanh, GĐ Thương mại Bán lẻ của các tập đoàn đa ngành: Tập đoàn Ocean, Santa Vietnam… Tại Hội nghị Truyền thông Thương hiệu FPT, anh xúc động cho hay, nhà F chính là “nguồn cội” của mình.

Anh hồi tưởng về 20 năm trước, khi còn là chàng cán bộ Đoàn của FPT. Thời điểm đó, một doanh nghiệp khác cũng mời anh đầu quân với mức thu nhập “nhỉnh” hơn FPT một chút. Tình cờ, Việt bắt gặp tờ báo Chúng ta - báo xuân năm 1999. Cầm đọc, anh bỗng thấy thêm yêu, thêm tự hào về đơn vị. Vì thế, Việt quyết định từ chối doanh nghiệp nọ.

Qua câu chuyện của mình, anh đúc rút 3 loại doanh nghiệp nhất thiết cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Thứ nhất, đó là các doanh nghiệp ngang bằng nhau về nhiều mặt, cần xây dựng văn hóa để cạnh tranh nhân lực. Thứ hai, doanh nghiệp lớn đến mức đứng trước nguy cơ “phình to rồi phân rã”, cần xây dựng văn hóa để các bộ phận không bị tách rời khi phát triển mạnh mẽ. Cuối cùng, văn hóa doanh nghiệp là cần thiết cho các doanh nghiệp muốn từ “tốt” trở nên “vĩ đại” - “From Good To Great”.

GĐ Truyền thông và Tiếp thị VP Bank giải thích, đối với những doanh nghiệp đã phát triển quá tốt, thu nhập quá lý tưởng, mỗi cá nhân dễ cảm thấy không còn động lực nỗ lực, phấn đấu thêm nữa. Vì vậy, chỉ có văn hóa và tinh thần mới giúp người lao động vươn lên, bước tiếp và hướng đến lý tưởng cao cả hơn: đi tìm ước mơ.

hoinghitruyenthong-25-8541-1577508041.jp

GĐ Truyền thông và Tiếp thị VP Bank từng là người nhà F. Ảnh: Thế Trâm

Trần Tuấn Việt nêu ra 3 loại văn hóa tồn tại trong các doanh nghiệp từ xưa đến nay. Một là “trên bảo dưới nghe”, lãnh đạo muốn gì, nhân viên phải chấp hành răm rắp. Hai là “trên nghe dưới bảo”, văn hóa thường tồn tại ở những doanh nghiệp còn “non nớt”, khi người đứng đầu chưa đủ năng lực tài chính và quản lý để áp chế nhân viên. Loại thứ ba và cũng là loại văn hóa lý tưởng nhất để hướng đến - “trên bảo dưới thích”. “Trên bảo dưới thích” theo quan điểm của anh, không chỉ giúp tinh thần nội bộ thêm khăng khít, mà còn được khách hàng chấp nhận, xã hội tôn trọng.

Anh đánh giá cao “nền ngoại giao nhân dân” của FPT. Theo anh, tập đoàn không bỏ quá nhiều chi phí để làm thương hiệu, song tên tuổi của FPT hiếm ai không biết. Điều này xuất phát từ việc FPT dùng chính “nhân dân” - CBNV và văn hóa nội tại của tập đoàn để làm ngoại giao một cách hiệu quả. “Văn hóa doanh nghiệp tuy không quy được về tài chính, nhưng một doanh nghiệp có thể được định giá được bởi việc có bao nhiêu khách hàng mới tìm đến thông qua văn hóa”.

Sau phần trình bày độc lập của anh Trần Tuấn Việt là phiên thảo luận giữa lãnh đạo nhà F cùng các chuyên gia. Tại phiên, anh Việt đề cao tầm quan trọng của truyền thông nội bộ hơn là truyền thông đối ngoại. Bởi “bên trong phải thông, bên ngoài mới thuận”. Anh cho rằng doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu như khi lãnh đạo trình bày đường hướng, chính nhân viên lại không tin rằng tổ chức sẽ làm được mục tiêu đó.

Việt mong rằng mỗi doanh nghiệp không nên quá đặt nặng mục tiêu thành công. Thay vì thế, hãy cho phép nhân viên được sai, được mắc lỗi. Doanh nghiệp nên dành ra một khoản nhất định dự phòng có tên “để được sai”. Có thất bại mới có thành công thực sự, anh nhận định.

Lắng nghe chăm chú diễn giả Trần Tuấn Việt, chị Lâm Huỳnh Anh - Phó phòng Truyền thông FPT Retail rất thích cách trình bày của anh Việt. Anh tư duy và truyền tải thông điệp một cách rõ ràng, cụ thể và thực tế. Qua đó, chị có thể học hỏi thêm một số ý tưởng về cách truyền thông cho đơn vị của mình. Chị Nguyễn Thị Thu Nga, Trưởng phòng Truyền thông FPT Education, cho hay, anh Việt có những góc nhìn khá mới mẻ về truyền thông nội bộ. Vị diễn giả này rất thấu hiểu tâm lý người lao động, vì vậy anh luôn coi tâm tư, mong muốn của CBNV là điều cốt lõi để phát triển văn hóa doanh nghiệp. Sau phần diễn thuyết này, chị Nga đã đúc rút được một số điều có thể áp dụng cho đơn vị của mình.

Hội nghị truyền thông FPT là hoạt động thường niên của Ban Truyền thông FPT, bắt đầu được tổ chức từ năm 2016. Tại sự kiện này, lãnh đạo tập đoàn và những người làm truyền thông, thương hiệu của nhà F sẽ chia sẻ những câu chuyện của bản thân, học hỏi từ câu chuyện của những khách mời để tìm ra những bài học cho chính mình. Năm 2018, chương trình có khách mời Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV, và Trần Uyên Phương, PTGĐ và là người kế thừa Tập đoàn Tân Hiệp Phát với câu chuyện về tinh thần “Think and Do amazing” - với suy nghĩ khác thường, vượt qua các rào cản, khó khăn để làm theo cách khác thường và thành công.

Khánh Linh

Ý kiến

()