Chúng ta

Từ thất nghiệp trở thành CEO trẻ nhất FPT

Chủ nhật, 26/10/2014 | 23:42 GMT+7

Người FPT biết đến Trần Hải Linh là CEO trẻ nhất tập đoàn nhưng ít ai ngờ trước khi thành công, TGĐ Sàn thương mại điện tử của FPT từng bị... thất nghiệp.
> 'Nhờ FPT, tôi nuôi được vợ con'

“Vào một ngày tôi đang ‘thất bại’ và bế tắc trong việc tìm hướng tiếp theo sau khi rời văn phòng đại diện một tập đoàn quốc tế tại Việt Nam, chợt có cuộc gọi rất lạ từ số di dộng với toàn những con số toàn 13. Khi bắt máy, tôi mới biết đó là anh Trương Đình Anh. Anh ấy nói: ‘Bọn anh có môn rất hay muốn mời chú về làm’. Khá tò mò, tôi đến gặp, trò chuyện và trình bày về dự án thanh toán với các lãnh đạo FPT trước khi trở thành nhân viên của tập đoàn”, TGĐ Sendo kể về cơ duyên đến với FPT trong CEO Talk 2014.

2-519042-1414349333.JPG

Hơn 700 sinh viên đã ngồi kín các hàng ghế, lối đi và khoảng trống cuối hội trường.

Chương trình do Ban Nhân sự FPT tổ chức sáng ngày 26/10 tại ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM với sự tham sự của Thạc sĩ Văn Chí Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên với khoảng 700 sinh viên. Sau khi ngồi kín các hàng ghế giảng đường 1, hai lối đi và khoảng trống phía cuối cũng được sinh viên tận dụng để theo dõi chương trình. Hai diễn giả chính là anh Nguyễn Đức Quỳnh, GĐ FPT Software HCM, và anh Trần Hải Linh, TGĐ Sendo.

Tự nhận là "học hành rất bình thường", anh Linh kể, lên cấp ba đã cố gắng vào chuyên Toán, chuyên Lý của trường Amsterdam Hà Nội nhưng không được, cuối cùng đành chấp nhận học chuyên Anh. Vào Đại học Ngoại thương cảm thấy không thích, anh tìm cách đi Singapore. “Nhưng tôi chỉ tốt nghiệp đại học loại trung bình khá”, CEO Sàn thương mại điện tử tiết lộ sau khi phân tích kết quả về cuộc ‘trưng cầu dân ý’ chớp nhoáng bằng cách đề nghị cử tọa giơ tay xác nhận về học lực của mình. Phần lớn sinh viên trường Tự nhiên đang có kết quả học tập cùng nhóm với bảng điểm thời đại học của TGĐ trẻ nhất FPT.

d

Hai diễn giả chính là TGĐ Sendo Trần Hải Linh (phải) và GĐ FPT Software HCM Nguyễn Đức Quỳnh đã chia sẻ những câu chuyện lập nghiệp, trải nghiệm thực tế tại FPT chia sẻ sẽ giúp các sinh viên định hướng nghề nghiệp và đưa ra những quyết định đúng đắn cho con đường sự nghiệp trong tương lai.

Ra trường, anh Linh chịu cảnh thất nghiệp 6 tháng bởi thị trường Singapore lúc đó cũng đang gặp khó khăn. Trong khoảng thời gian dài ấy, mỗi ngày anh đều đặn gửi 10 đơn xin việc. “Một công ty hiếm hoi gọi đến phỏng vấn nhưng đòi thẻ việc làm. Đây là yêu cầu quá khó cho sinh viên Việt Nam mới ra trường”, anh Linh nhớ lại và tiết lộ, công việc đầu tiên của anh là một trong 3 vị trí thấp nhất công ty. “Người lao công, nhân viên vệ sinh và tôi”.

Với quyết tâm giữ vị trí mà khó khăn lắm mới được nhận, chàng trai Hải Linh đã làm việc hết mình, chăm chỉ và khôn ngoan. “Tôi luôn là người đến sớm nhất và về muộn nhất. Không chỉ chú tâm làm tốt nhất công việc của mình, tôi còn sẵn sàng hỗ trợ những công việc ‘không tên’ cho các đồng nghiệp khác. Đây cũng là cách tôi tìm hiểu kỹ hơn về công ty”. Sau khoảng một tháng, anh Linh đã nắm hết quy trình và được sếp đánh giá là nhân viên chăm chỉ. Tiến chậm nhưng chắc, sau một thời gian ngắn, anh đã trở thành người đại diện một tập đoàn quốc tế tại Việt Nam.

Gia nhập FPT, Trần Hải Linh làm việc tại FPT Telecom một thời gian ngắn rồi chuyển sang FPT Online. Được lãnh đạo tin tưởng, anh được giao vị trí TGĐ của 3 công ty trước khi là CEO Sendo - lãnh đạo trẻ nhất điều hành một công ty thành viên của tập đoàn. Chia sẻ về thành công và thất bại, TGĐ Sàn thương mại điện tử nhận định tỷ lệ là 50-50. “Kỷ niệm nhớ mãi là dự án thanh toán - món hay mà FPT gọi tôi về làm. Thất bại do chưa tìm hiểu và đánh giá kỹ, công ty đóng cửa và tôi ngậm ngùi chứng kiến nhiều anh em ra đi. Một phần do lúc đó tôi làm rất nhiều dự án cùng lúc nên đã bị sao nhãng khiến công ty mắc phải một số sai lầm mà lẽ ra có thể tránh được”, giọng anh Linh trùng xuống. “Tôi đã chưa tập trung và không làm đến cùng”.

d

12h30 nhưng sinh viên vẫn rất hào hứng theo dõi chương trình.

Rút ra bài học từ những trải nghiệm trong vài năm đầu, hiện anh Linh được giao điều hành Sendo với mục tiêu xây dựng đơn vị thành sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam.

Không gian nan bằng TGĐ Sendo, GĐ FPT Software HCM đến với FPT vì “500.000 đồng một tháng thực tập” ngay từ khi còn là sinh viên. Năm 1995, trong khi anh Quỳnh đang say mê nghiên cứu viết phần mềm diệt virus thì được anh Nguyễn Thành Nam (nguyên TGĐ FPT) gặp và đưa ra lời mời về tập đoàn làm phần mềm với khẳng định “Em chỉ việc nghiên cứu thôi, chả phải làm gì”. Chàng sinh viên Bách khoa bị thuyết phục bởi thời điểm đó, anh Quỳnh được xem là hiệp sĩ diệt virus. “Khi ấy, cứ có loại virus nào mới ra, anh em đều truyền tai nhau và nhờ tôi đến xử lý. Bình thường lọ mọ một đêm là xong, ca nào khó thì lâu hơn”, anh Quỳnh nhớ lại.

Thời ấy, công việc cũng không nhiều, anh Quỳnh và các đồng nghiệp trong nhóm chủ yếu nghiên cứu về mạng, e-mail, tối ưu hóa hệ thống Internet dial up… trước khi tham gia các dự án lớn và là một trong 13 người sáng lập nên Công ty Phần mềm cách đây 15 năm. Từ vị trí quản trị dự án khi công ty còn nhỏ, thăng tiến dần, anh Quỳnh trở thành quản lý một đơn vị thành viên tại Sài Gòn với hơn 1.000 lập trình viên. “Mục tiêu hiện tại của tôi là phát triển FPT Software HCM mạnh hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của công ty và yêu cầu ngày một cao của khách hàng. Kế hoạch gần là riêng FPT Software HCM đạt mốc 5.000 nhân viên với doanh thu 100 triệu USD vào năm 2018”, anh Quỳnh chia sẻ dự định.

s

Sinh viên Nguyễn Văn Sang đến từ ĐH An Giang đặt câu hỏi về chủ để đam mê cho các diễn giả.

Theo GĐ FPT Software HCM, điều quan trọng nhất đối với sinh viên chính là đam mê. “Khi có đam mê, bạn mới có hứng thú và hết mình với công việc để từ đó đạt được những thành quả xứng đáng. CNTT là nghề không khó nếu bạn thật sự tận tâm, tận lực. Hãy chọn một lĩnh vực mình thích nhất và đầu tư nghiên cứu để nắm vững công nghệ”, lập trình viên kỳ cựu FPT khuyên sinh viên trường Tự nhiên. “Trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc mới đi làm, các bạn nên dành thời gian trau dồi ngoại ngữ. Tiếng Anh phải thật giỏi, nếu không, hãy đăng ký học tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Đức. Chăm chỉ trong 2-3 năm, khi bạn đã có kinh nghiệm lập trình cộng thêm khả năng ngoại ngữ, thu nhập sẽ cao hơn mức bạn đang mơ ước”.

Xem kẽ trong chương trình, Ban tổ chức cũng mời ba cựu sinh viên ĐH KHTN đang thành công với FPT đến giao lưu là anh Trần Tiến Phước, GĐ FSU15; anh Ngô Duy Khang, GĐ BU36.FSU1; anh Trần Anh Khoa, Trưởng nhóm R&D, FSU3. Mỗi người một câu chuyện, các thành viên FPT đều là minh chứng cụ thể và rõ ràng cho “Đam mê dẫn lối thành công” như chủ đề của CEO Talk.

s

Trưởng Ban Nhân sự FPT Trịnh Thu Hồng trao 2 phần học bổng cho sinh viên ĐH KHTN. Ngoài ra, CEO Talk còn tặng rất nhiều phần quà hữu ích trong chương trình đố vui và quay số may mắn.

Phần giao lưu khiến giảng đường 1 trở nên sôi động. Các sinh viên đặt ra câu hỏi về học trái ngành, tạo thư xin việc ấn tượng, tạo kinh nghiệm khi còn là sinh viên, cơ hội nào với FPT… Trả lời câu hỏi của Trần Vân Nam về việc sinh viên khoa Toán muốn gia nhập tập đoàn, anh Trần Tiến Phước cho rằng quan trọng nhất là "máu”. “Trước đây tôi học khoa Sinh nhưng nhận ra mình đam mê CNTT nên đã tìm các khóa học thêm. Mới đi làm, kinh nghiệm ít, hằng ngày tôi đều học hỏi người xung quanh và làm nhiều hơn bình thường”.

12h30, CEO Talk vẫn còn chật kín sinh viên. Là một trong những người ngồi từ đầu đến cuối, Nguyễn Minh Anh, sinh viên năm hai, cho rằng chương trình rất bổ ích bởi câu chuyện thú vị từ những người đi trước. “Em vào hơi muộn nên đành ngồi phệt xuống lối đi lại để theo dõi. Diễn giả chia sẻ hấp dẫn nên ngồi hơn 3 giờ cũng không hề hấn. Từ khóa của em sẽ là đam mê và giỏi một lĩnh vực bên cạnh nền tảng ngoại ngữ tốt sẽ dẫn tới thành công”, nữ sinh viên khoa CNTT nói.

CEO Talk là chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc do Ban Nhân sự FPT tổ chức từ năm 2013, nhằm giải đáp thắc mắc của sinh viên về cơ hội nghề nghiệp và con đường phát triển trong tương lai. Đồng thời giúp sinh viên có cái nhìn thực tế, tiếp cận những góc nhìn khác nhau về việc lựa chọn nghề nghiệp từ kinh nghiệm thực tế của lãnh đạo trẻ FPT.

Với chủ đề về con người FPT, đặc biệt là sự nhiệt huyết, máu lửa, dám nghĩ dám làm của các lãnh đạo FPT, sinh viên sẽ được định hướng về công việc tương lai thông qua các câu chuyện của chính những người đi trước.

Trước đó, sự kiện tương tự được tổ chức ngày 27/9 tại  ĐH Bách khoa Đà Nẵng với sự tham gia của 3 diễn giả là TGĐ FPT City Bùi Thiện Cảnh, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương và Giám đốc FPT Telecom khu vực miền Trung Nguyễn Thế Quang.

Tối ngày 24/10/2013, hơn 500 sinh viên trường ĐH Kinh tế TP HCM đã được nghe câu chuyện lập nghiệp của các lãnh đạo cấp cao FPT trong chương trình  CEO Talk đầu tiên tại TP HCM gồm: TGĐ FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp, TGĐ FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa và Giám đốc Chiến lược FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa.

Nguyên Văn

Ảnh: Dương Thi

Ý kiến

()