Chúng ta

TS. Đặng Hoàng Giang: Ranh giới mong manh giữa thiện và ác

Thứ năm, 14/7/2016 | 11:58 GMT+7

Những phần trao đổi và tranh luận được đẩy lên đến đỉnh điểm tại FE Talk số 1 chủ đề “Thiện, ác và smartphone”, diễn ra ngày 13/7, tại ĐH FPT, Hòa Lạc. 

TS. Đặng Hoàng Giang, tác giả cuốn sách "Bức xúc không làm ta vô can" là diễn giả của chương trình. Anh nổi bật với vai trò nhà nghiên cứu và phản biện xã hội, nhà báo, diễn giả. Cái tên Đặng Hoàng Giang thường xuyên gắn với những bình luận sâu sắc về các vấn đề "nóng" của xã hội Việt Nam như: Từ thiện câu like, phẫu thuật thẩm mỹ, anh hùng bàn phím... Mới đây nhất, diễn giả này một lần nữa gây "bão" dư luận bởi những tranh luận sắc sảo trong chương trình "60 phút mở" trên VTV.

“Chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của sự làm nhục cộng đồng”, TS. Đặng Hoàng Giang đã bắt đầu trao đổi tại FE Talk bằng ý kiến khiến nhiều người phải suy ngẫm.

hoang-giang-620-8440-1468466488.jpg

TS. Đặng Hoàng Giang là diễn giả đầu tiên tham gia FE Talk với chủ đề “Thiện”, “Ác” và Smartphone”. 

Khách mời của chương trình không phủ nhận mặt tích cực của Internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, anh cho rằng đây chính là môi trường thuận lợi để người ta lên án, làm nhục lẫn nhau trên phạm vi toàn cầu. Sự làm nhục cộng đồng - những tưởng chỉ xảy ra ở thời kỳ trung cổ, khi xã hội loài người chưa đạt tới trình độ tri thức và văn minh - nay đã “phục sinh” trong chính xã hội hiện đại.

Minh chứng cho nhận định này, diễn giả nếu ra ví dụ hiện tượng trong thời nay như: bị đánh chết vì ăn trộm chó, bị tung clip sex lên mạng kèm theo vô số lời nhục mạ vì quan hệ trước hôn nhân rồi bỏ người yêu, bị đuổi việc hay dọa bỏ tù vì đánh mắng các cháu nhỏ ở trường mẫu giáo…

“Với công cụ là Internet và mạng xã hội, việc lên án hay lăng nhục người khác dường như trở nên dễ dàng, thông tin lan truyền trên phạm vi rộng và còn lưu lại trên 'kho' thông tin của Google đến hàng chục năm sau”, TS. Giang khẳng định.

Những quan điểm của diễn giả như thấu hiểu cảm xúc của con người, tôn trọng quyền tự do biểu đạt mà diễn giả đưa ra nhận được nhiều ý kiến tranh luận từ các cán bộ, sinh viên trong và ngoài FPT. Đây cũng là phần sôi nổi nhất để làm bật lên những nội dung quan trọng ở chủ đề của FE Talk.

Chị Lê Võ Thùy Dương, Cán bộ PDP, ĐH FPT, hỏi: “Quan điểm của TS. Đặng Hoàng Giang về giới hạn biểu đạt khi sinh viên trao đổi với thầy cô giáo trong trường trên Facebook?”.

Tác giả cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” thẳng thắn cho rằng: “Sự tranh luận xung quanh tự do biểu đạt và giới hạn của nó ở đâu cũng xảy ra. Tự do biểu đạt nhiều khi không có giới hạn đúng sai. Riêng tôi ủng hộ phát ngôn tự do trừ lăng nhục, nhục mạ, vu khống, lan truyền thông tin cá nhân riêng tư. Còn lại, tất cả phát ngôn khác kể cả phát ngôn không xây dựng hay chê bai, chế ảnh đều được tự do. Chúng ta có thể lên án họ nhưng không nên tước quyền phát ngôn của họ”.

Bạn Phạm Tiến Thành, sinh viên ĐH FPT, lại băn khoăn về vấn đề “Làm từ thiện cho ai, để làm gì”? Đã từng gây “sốt” khi đưa ra ý kiến về chủ đề này trong một chương trình truyền hình, diễn giả cho rằng, làm từ thiện vì ai là câu hỏi khó trả lời. Có một số hiện tượng một số người làm từ thiện với mong muốn người khác nhìn mình với ánh mắt tốt đẹp. Đó là tâm lý tự nhiên của con người. Tuy nhiên, nếu không ý thức được về hành vi của mình thì người làm từ thiện sẽ sa vào bẫy "vị cá nhân. "Chúng ta làm từ thiện vì nhân đạo thì cần có trái tim và đầu óc. Tiêu cực đến đâu thì tùy trường hợp, chúng ta cần ý thức về việc mình làm. Bất cứ hành vi nào (kể cả từ thiện) chúng ta cần tự vấn chính bản thân mình: Có nên làm không, nên tiếp tục hay dừng lại", TS. Giang chia sẻ.

hoang-giang-2-620-4257-1468466488.jpg

Phần tranh luận “nóng” lên với rất nhiều câu hỏi dành cho diễn giả.

Hội trường tiếp tục “nóng” khi nhiều khách mời đứng ở góc độ phụ huynh học sinh cũng quan tâm đến hiện tượng “nghiện smartphone” và những tác động của nó đến thế hệ trẻ. Thừa nhận, mình cũng là người sử dụng smartphone, diễn giả không hoàn toàn lên án hay ủng hộ việc dùng thiết bị này trong đời sống, công việc, giải trí…

Bởi “nghiện smartphone” là một hiện tượng tâm lý ngày càng trở nên phổ biến cả ở Việt Nam và thế giới. Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu về nó để tìm cách hạn chế tác động tiêu cực. Riêng TS. Đặng Hoàng Giang đúc rút, đến khi cảm thấy cuộc sống xã hội, gia đình bị ảnh hưởng thì mỗi người nên điều chỉnh.

Chương trình kéo dài 2,5 giờ nhưng nhiều sinh viên, CBNV vẫn say sưa và tâm đắc với một chủ đề và diễn giả hot. "TS Giang chuẩn bị thông tin kỹ lưỡng, nhiều câu chuyện từ thời xưa đến nay rất hay, lần đầu em được biết đến. Không khí nói chuyện ban đầu có vẻ trầm lắng nhưng lúc sau đã xôm hơn với nhiều tranh luận sôi nổi", Nguyễn Duy Trí, sinh viên ĐH FPT, cho biết. Còn chị Lê Thu Thảo, Cán bộ Truyền thông của Khối phát triển sinh viên quốc tế, ĐH FPT tấm tắc: "Diễn giả nói rất hay về đám đông cuồng nộ và sự lăng nhục trên mạng xã hội. Nhiều ví dụ của diễn giả khiến mình sởn gai ốc". 

Cuối chương trình, diễn ra giả đã tặng hai cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” cho chị Nguyễn Hà Thành, Trưởng phòng PDP, ĐH FPT) và chị Lan Hương, phóng viên báo Giáo dục Thời đại, khách tham dự sự kiện.

Chương trình thứ hai trong chuỗi sự kiện FE Talk dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 7.

FPT Education Talk (FE Talk) là chuỗi sự kiện do Ban Truyền thông và Công tác sinh viên Khối Giáo dục FPT tổ chức. Đây là không gian, nơi cán bộ sinh viên trong và ngoài FPT được gặp gỡ, trao đổi với các học giả, nhà nghiên cứu, người nổi tiếng… trong nhiều lĩnh vực, qua đó trau dồi về cả kiến thức chuyên môn và hiểu biết xã hội.

Tại mỗi sự kiện, diễn giả và khách mời tham dự sẽ cùng trao đổi về một chủ đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận. FE Talk được tổ chức định kỳ luân phiên tại các cơ sở của ĐH FPT hai miền Bắc - Nam, bắt đầu từ tháng 7.

Ngọc Trâm

Ý kiến

()