Trẻ học theo hành vi nhiều hơn là lời nói của cha mẹ - Ảnh: Wordpress.com. |
Không có gì khiến Jeff Rose, CEO của công ty Alliance Wealth Management, LLC (Mỹ), hạnh phúc hơn là được ngồi xuống nói chuyện với ba cậu con trai về tất cả những gì nên làm với tiền bạc. Tuy nhiên, tác giả của rất nhiều bài viết về tài chính nhận ra, giống như bất kỳ những bài học nào, bọn trẻ thường học được từ chứng kiến những gì cha mẹ làm nhiều hơn là nghe những gì cha mẹ nói.
Nếu cha mẹ nói một đằng, làm một nẻo, bọn trẻ sẽ đi theo nẻo người lớn làm chứ không phải là đằng người lớn nói. “Vì thế cách ứng xử của bạn với tiền bạc chính là bài học tài chính quan trọng nhất mà bạn đang dạy cho con mình”. Jeff Rose đúc kết. Dưới đây là những hành vi tài chính xấu mà cha mẹ không nên mắc phải, theo lời khuyên của Rose, nếu không muốn con học theo mình, để rồi cuộc sống của con khi trưởng thành sẽ khó khăn:
1. Không có một ngân sách chi tiêu
Nếu bạn chi tiêu mà không có ngân sách - tức là bạn mua những thứ mình muốn hoặc mình cần mà không xem xét gì về giá cả - con bạn rồi cũng sẽ vung tay quá trán như bạn: sẽ mua bất cứ món đồ gì mà không quan tâm đến chi phí. Và con bạn cũng như bạn sẽ phải nhận trái đắng từ việc chi tiêu thiếu kỷ luật.
2. Lúc nào cũng mắc nợ
Một trong những vấn đề tài chính lớn nhất mà nhiều hộ gia đình mắc phải chính là nợ nần. Nếu bạn chấp nhận việc mắc nợ thì con bạn tương lai cũng thế.
Nợ nần chính là đại diện cho việc giảm thu nhập trong tương lai. Bởi bạn sẽ phải trả cho những gì đã chi ra trong quá khứ.
Chấp nhận nợ như một người bạn không phải là cái nhìn lành mạnh về nợ. Bạn có thể và nên nói với con về nợ nhưng làm thế nào để giải quyết nợ mới là điều quan trọng hơn cả.
3. Bạn bè có món gì, tôi cũng cần món đồ đó
Nếu chi tiêu của bạn chịu ảnh hưởng theo bạn bè, bạn đang vô tình dạy con lựa chọn chi tiêu theo định hướng của những người khác. Và nếu những người khác đang gián tiếp kiểm soát chi tiêu của bạn, điều đó có nghĩa là bạn không kiểm soát được chi tiêu của mình. Đó là bài học mà con bạn không nên học.
4. Sống phụ thuộc vào thẻ tín dụng
Con bạn đang thấy bạn chủ yếu chi tiêu bằng thẻ tín dụng? Tốt hơn, bạn hãy tăng cường sử dụng tiền mặt để trẻ thấy rằng bạn đã chi tiêu thực tế như thế nào. Rất nhiều đứa trẻ nhầm tưởng cái thẻ huyền diệu có thể cung cấp tất cả mọi thứ. Nhìn bố mẹ tiêu tiền mặt là một bài học trực quan và rất có ý nghĩa đối với bọn trẻ.
Ngoài ra, sử dụng thường xuyên thẻ tín dụng còn khiến bạn dễ quên mất mình đang có nợ, bởi vì những đồng tiền không rời khỏi túi bạn hay tài khoản ngân hàng của bạn ngay lúc đó.
5. Bạn xứng đáng có những món đồ tốt nhất
Bạn có thường xuyên mua đồ vì bạn nghĩ “Mình xứng đáng có nó”. Điều đó không có vấn đề gì khi bạn tự thưởng cho mình như vậy, nhưng quan trọng hơn, bạn cần xem xét: Bạn có thực sự đủ khả năng để mua nó.
Nếu con của bạn thấy bạn thường xuyên mua đồ vì bạn cảm thấy bạn xứng đáng có, trẻ sẽ phát triển tâm lý hưởng thụ, chúng sẽ đòi mua và tự mua những thứ chúng không đủ khả năng trả tiền từ khi còn bé. Khi chúng lớn lên, tâm lý này cũng không được cải thiện
6. Không bao giờ nói về tiền bạc
Có thể bạn không nói về tiền bạc bởi vì đó là một vấn đề gây tranh cãi trong hôn nhân của bạn. Nhưng nếu vợ chồng bạn không bao giờ nói chuyện về tiền bạc xung quanh bọn trẻ, trẻ có thể sẽ không phát triển được những ý tưởng mang tính xây dựng về các chi phí.
Không chỉ trẻ em nên được nghe nói về tiền bạc, chúng cũng cần phải có trách nhiệm tài chính phù hợp với lứa tuổi. Cho trẻ tiền khi làm việc nhà, cho phép bé sử dụng số tiền mình kiếm được để đóng góp vào một quỹ từ thiện nào đó là những bài học tuyệt vời cho mà trẻ nên được dạy. Kiếm tiền và cho người khác, hai hoạt động này sẽ trở nên quan trọng hơn khi trẻ trưởng thành.
7. Ăn uống và vui chơi như ngày mai mình sẽ chết
Mọi người thường nói điều này như một cách biện hộ cho việc sống một cuộc sống tốt đẹp, tuy nhiên, cách này cũng có thể gây hại cho tài chính của bạn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ăn, uống và vui chơi (và đi sâu vào nợ nần để có thể làm như vậy) và bạn không chết vào ngày mai?
Từ quan điểm tài chính, khái niệm đó sẽ đưa bạn cũng như con của bạn vào thảm họa. Hành vi này có khác nào bạn bảo bọn trẻ rằng không cần thiết phải chuẩn bị tài chính cho tương lai. Đó là bài bài học tài chính tồi tệ nhất.
8. Không đặt ra các mục tiêu tiết kiệm và đầu tư
Bạn nên có các mục tiêu tiết kiệm và đầu tư. Ít nhất, bọn trẻ ít nhất nên biết rằng có những mục tiêu đó tồn tại và để làm gì. Đặt mục tiêu, bạn đã nói với con rằng muốn có một thứ gì đó, chúng ta cần phải chuẩn bị và làm việc.
Đặt mục tiêu cũng giống như việc trì hoãn nhận phần thưởng, hay nói cách khác: những gì bạn đang làm để đạt được một kết quả thực sự quan trọng sau đó. Đó là bài học mà chắc chắn con bạn nên học.
Trong những tình huống nhất định, bạn có thể cho con đóng góp vào mục tiêu chung bằng những đồng tiền lẻ bé kiếm được hoặc tham gia vào các hoạt động. Sự đóng góp đó sẽ xác nhận mục tiêu cho trẻ.
9. Luôn mua sắm khi hàng giảm giá
Mua sắm hàng giảm giá chính là một trong những điều kỳ diệu nhất. Mặc dù bạn có thể tiết kiệm được tiền khi mua hàng giảm giá, nhưng mua hàng nối tiếp mua hàng thì bạn lại đang lãng phí tiền bạc.
Giảm giá là một trong những cách tiếp thị đã có từ lâu đời: thúc đẩy người tiêu dùng mua những thứ mà họ không cần. Vì thế hãy biết kiềm chế trước những cám dỗ của những món hàng giá rẻ, đó là một bài học vô cùng quan trọng.
10. Giữ bí mật tài chính
Đã bao giờ bạn mua một món gì đó, sau đó bạn nói với bọn trẻ mà không nói với vợ/chồng mình. Giữ bí mật kiểu này không phải là hoàn toàn vô hại. Sẽ có hai kết quả tiêu cực xảy ra:
- Đứa trẻ sẽ cảm thấy việc mua bán này có vấn đề gì đó.
- Hoặc bạn đang bật đèn xanh cho bọn trẻ nghĩ rằng: Nói dối trong tiền bạc không có vấn đề gì cả, kể cả khi bạn vẫn đang dạy con không nói dối.
Liệu đây có phải là những cái kết mà bạn mong muốn?
11. Cho rằng thói quen tài chính không ảnh hưởng tới sức khỏe
Nếu bạn đang sống trong tình trạng tài chính khó khăn, sức khỏe của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng phần nào. Những căng thẳng trong vấn đề tài chính, ví dụ nợ nần, thậm chí có thể làm bạn giảm thọ.
Không chỉ vì lợi ích của riêng bạn mà cả lợi ích của con cái, hãy kiểm soát tài chính của mình, đặc biệt là tình trạng nợ. Sức khỏe của bạn có thể phụ thuộc vào đó. Bạn cũng nên đặt mục tiêu đảm bảo rằng con bạn sẽ không khó khăn và phải tổn thọ vì tài chính.
Theo VnExpress
Ý kiến
()