Hợp tác với FPT gần 3 năm, chị Trần Vân Anh - TGĐ Brandmaker có cơ hội thấu hiểu câu chuyện truyền thông bên ngoài và nội bộ của công ty. Đối với chị, chúng ta tạo một niềm yêu thích về thương hiệu FPT với bên ngoài nhưng không thể quên đưa niềm “brand love” đó cho CBNV trong nội bộ công ty. “Nguồn nội lực trong lòng doanh nghiệp sẽ là công cụ truyền thông tốt nhất, không chỉ riêng FPT”, chị Vân Anh nói. Do vậy, truyền thông nội bộ là quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại lâu dài.
Theo đó, TGĐ Brandmaker chia sẻ về Joy at Work (tạm dịch: Niềm vui trong công việc) - lấy CBNV làm trung tâm để quan tâm họ đang nghĩ gì, muốn gì hay hiểu sai gì. Đây là thách thức lớn nhưng cũng mang đến cơ hội cho FPT khi muốn truyền thông nội bộ hiệu quả. Joy at Work không phải khái niệm trừu tượng mà có thể đo lường được: Harmony (Sự hoà hợp); Impact (Sự ảnh hưởng); Acknowledgement (Sự công nhận). Với Harmony, nhiệm vụ của truyền thông là tạo ra sự hoà hợp, thân thiện mà tại đó CBNV đều cảm thấy sự đóng góp, nỗ lực của họ giống như việc “Leng Keng để cùng làm nên điều kì diệu”. Impact - tạo ra một ‘bài hát’ (hoạt động, chương trình hay chính sách…) đủ hấp dẫn, thú vị mà tất cả mọi người đều có thể chơi chung, làm chung.
Điều cuối cùng là Acknowledgement, tức những đóng góp của CBNV đều được ghi nhận, đánh giá. Với công thức này, FPT cũng đang trên đường triển khai để chạm đến được tâm tư của CBNV.
TGĐ Brand Maker đã có 3 năm hợp tác cùng FPT. Ảnh: Thế Trâm |
Trong phần chia sẻ, chị Vân Anh cũng nhắc đến phạm vi của truyền thông nội bộ, bao gồm: Strategy Communication (Truyền thông chiến lược); Brand Communication (truyền thông thương hiệu) và Employee Communication (truyền thông nhân viên). Trong câu chuyện truyền thông chiến lược thì lãnh đạo là người đóng vai trò quan trọng và quyết định.
Theo chị Vân Anh, chiến lược cần được chuyển đổi dễ hiểu, thành các chức năng rõ ràng, cụ thể để CBNV hiểu và làm theo. Đối với truyền thông thương hiệu, TGĐ Brandmaker nhấn mạnh, thương hiệu không chỉ là câu chuyện đối ngoại mà còn quan trọng trong nội bộ công ty. Nhiệm vụ của truyền thông khiến CBNV có niềm tự hào và thấy được ảnh hưởng tích cực của công ty trong một lĩnh vực cự thể, xã hội. Sự tự hào sẽ tự động kết nối các CBNV trong công ty thành khối. Nội dung cuối cùng là truyền thông nhân viên. Mỗi đơn vị cần tạo một môi trường để CBNV tự do, thoả mái để chia sẻ và than vãn. “Nếu công ty nào tạo được môi trường như vậy thì đã gần như thành công trong câu chuyện nội bộ”, chị Vân Anh chia sẻ.
Trong khuôn khổ Hội nghị truyền thông FPT, chưong trình còn có sự tham gia của hai diễn giả là GĐ Truyền thông - Tiếp thị VP Bank Trần Tuần Việt và Trưởng Ban Cộng đồng báo VnExpress Vũ Thanh Bình. GĐ Truyền thông và Tiếp thị VP Bank Trần Tuấn Việt chia sẻ về câu chuyện Văn hoá doanh nghiệp và Truyền thông nội bộ VP Bank. Tại đây, anh Việt nhấn mạnh văn hoá truyền thông doanh nghiệp được khái quát bởi “Trên bảo dưới thích - Khách hàng chấp nhận - Xã hội tôn trọng". Bên cạnh đó, văn hoá doanh nghiệp dành cho 3 loại hình công ty: Doanh nghiệp nhỏ (chi trả lương thấp); Doanh nghiệp phình to (không có khả năng phát triển hơn nữa); Doanh nghiệp vĩ đại (trường tồn).
3 diễn giả đã mang đến Hội nghị truyền thông FPT những phần tham luận bổ ích. Ảnh: Thế Trâm |
Theo đó, sự kiện truyền thông FPT được tổ chức 13h30 ngày 27/12, tầng 4 toà nhà Star Galaxy với sự tham gia của hơn 130 người là cán bộ truyền thông ngành dọc trong tập đoàn. Hội nghị có chủ đề “Amazing Workplace” bàn luận về sức mạnh nội tại công ty, trong đó văn hoá doanh nghiệp và truyền thông nội bộ là công cụ thiết yếu. Cụ thể, người F giải đáp nhiều thắc mắc xoay quanh việc xây dựng môi trường làm việc thu hút người tài, huy động được sự sáng tạo và gắn kết của nhân viên; Truyền tải thông tin tới 100% CBNV và nhận được sự ủng hộ khi triển khai; Đảm bảo tự do ngôn luận nhưng vẫn giữ vững an toàn thông tin. Và hơn hết là phân định vai trò của tất cả các bên liên quan, từ lãnh đạo đến mỗi bộ phận trong công ty, hay mỗi CBNV để vận hành và xây dựng môi trường làm việc tốt nhất mà người FPT có thể tự hào và cống hiến vì một mục tiêu chung.
Bên cạnh đó, chương trình còn có 3 phiên thảo luận với nội dung về vài trò lãnh đạo trong câu chuyện tạo dựng môi trường làm việc; Truyền thông chính sách; Tự do và an toàn thông tin.
Hội nghị truyền thông FPT là hoạt động thường niên của Ban Truyền thông FPT, bắt đầu được tổ chức từ năm 2016. Tại sự kiện này, lãnh đạo tập đoàn và những người làm truyền thông, thương hiệu của nhà F sẽ chia sẻ những câu chuyện của bản thân, học hỏi từ câu chuyện của những khách mời để tìm ra những bài học cho chính mình. Năm 2018, chương trình có khách mời Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV, và Trần Uyên Phương, PTGĐ và là người kế thừa Tập đoàn Tân Hiệp Phát với câu chuyện về tinh thần “Think and Do amazing” - với suy nghĩ khác thường, vượt qua các rào cản, khó khăn để làm theo cách khác thường và thành công.
Hà Trần
Ý kiến
()