Chúng ta

Tam khôi FPT 2014 hiến kế giữ người tài

Thứ ba, 18/11/2014 | 18:11 GMT+7

Tạo ra cơ hội, thách thức đi kèm với những chính sách đãi ngộ thỏa đáng là phương sách mà Trạng Nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa FPT đồng tình đưa ra trong bài toán "chảy máu nhân sự" chất lượng tại các công ty nói chung và FPT nói riêng.

Trạng nguyên Trịnh Quang Vinh, Bảng nhãn Trần Đình Tiến và Thám hoa Lê Thành Nhân đã có 2 giờ giao lưu với độc giả Chungta.vn. Với cách nói chuyện dí dỏm, tự nhiên, Tam khôi đã trả lời hầu hết các câu hỏi gửi về.

Giaoluu-2849-1418107772.jpg

Tam khôi FPT hồi hộp trong lần đầu tiên giao lưu trực tuyến trên Chungta.vn.

- Xin chúc mừng các bạn đã trở thành những người được ghi tên vào Bảng vàng FPT. Cảm xúc của các bạn khi được giao lưu với độc giả là các đồng nghiệp trong tập đoàn như thế nào? (Bình, 26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

- Trạng nguyên Trịnh Quang Vinh: Tôi cảm thấy rất vui và hồi hộp, không biết mọi người đón nhận câu trả lời của mình như thế nào.

- Bảng nhãn Trần Đình Tiến: Lần đầu thì làm gì cũng vui. Rất cảm ơn độc giả đã quan tâm và gửi câu hỏi, cảm giác như có fan club.

- Thám hoa Lê Thành Nhân: Tôi rất hồi hộp nhưng cũng thật vui khi được trao đổi với mọi người. Hy vọng sau buổi giao lưu hôm nay sẽ làm quen thêm được nhiều người bạn mới.

- Chủ tịch Trương Gia Bình từng nhận xét Thám hoa là người máu lửa nhưng lại thiếu sự nhạy cảm. Sự thiếu nhạy cảm liệu có ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống của anh? (Lê Hoàng Vũ, 27 tuổi, FPT Online)

- Lê Thành Nhân: Đây là điều tôi suy nghĩ nhiều nhất sau cuộc thi này. Thực ra, từ trước đến nay, tôi vẫn lờ mờ nhận ra sự thiếu nhạy cảm của mình. Khi được lãnh đạo chỉ ra rõ ràng, tôi hiểu rằng nếu sửa được nó mình sẽ có thể đạt được những điều tốt hơn trong công việc và cuộc sống. Sự thiếu nhạy cảm có thể khiến mình không hiểu hết suy nghĩ của đối phương, làm cho họ phật ý, gây một số cản trở trong công việc, khó học hỏi hơn. Tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, lắng nghe người khác nhiều hơn để tìm hiểu rõ gốc rễ vấn đề, sau đó học hỏi người xung quanh, cùng tìm ra giải pháp dần khắc phục nhược điểm này.

- Từ khi đạt danh hiệu Trạng nguyên FPT, cuộc sống và công việc của anh thay đổi như thế nào? (Trang Mimi, 25 tuổi, FPT Telecom)

- Trịnh Quang Vinh: Về công việc chưa có gì thay đổi. Còn cuộc sống thì sau cuộc thi, tôi thấy vui vẻ và có ý nghĩa hơn. Tôi cảm thấy có trách nhiệm hơn với danh hiệu mà mình có được.

- Kiến thức và sự trải nghiệm nào khi lăn lộn ở thực tế đã giúp anh trong cuộc thi Trạng năm nay? (Đan Anh, 25 tuổi, TP HCM)

- Trần Đình Tiến: Kiến thức và trải nghiệm thực tế của tôi chủ yếu là thời gian làm dự án ở thị trường Singapore. Thời gian ở đó, từ văn hóa cho đến cách làm việc của người bản địa rất khắt khe. Ban đầu mới sang, tôi rất bỡ ngỡ và từng gặp một số sai sót. Ví dụ như về trang phục, ở Singapore làm việc từ thứ Hai đến thứ Năm phải sơ vin, đóng thùng, còn thứ Sáu thì free-style. Vậy mà ngày đầu đi làm, tôi diện áo phông.

Về công việc, dự án yêu cầu thời gian gấp rút với khối lượng công việc lớn, cả đội phải làm việc từ 8h sáng cho tới 11h đêm trong vòng gần 2 tuần. Thời gian này, có bạn Quản trị dự án (PM) người Singapore rất thông cảm với anh em, hứa cuối tuần sẽ đưa cả nhóm đi relax, uống bia, hát hò... hết mình. Đúng hẹn, vào thứ Sáu, cả nhóm đi giải stress đến 1h đêm. Sáng hôm sau, cả nhóm đến muộn 15 phút, riêng bạn người Singapore vẫn đến đúng giờ. Điều đó cho thấy, người Singapore rất chuyên nghiệp trong công việc, làm ra làm, chơi ra chơi.

Từ những dự án trải nghiệm thực tế này, bản thân tôi đã thay đổi từ suy nghĩ đến cách làm việc, đặc biệt trong môi trường quốc tế.

- Là một trong số những người FPT khá trẻ tham gia cuộc thi Trạng năm nay, anh có nghĩ bản thân mình bị “lép vế” trước các anh chị đi trước về sự từng trải, kinh nghiệm và kiến thức không? (Hoàng Bảo Tuấn, 26 tuổi, FPT Education)

- Trần Đình Tiến: Thực ra ngay từ đầu với tôi, trẻ đã là một lợi thế. Vì đơn giản, tôi thấy Trạng FPT hướng tới người trẻ nhiều hơn.

- Nhiều người vẫn thường nói, Trạng FPT chỉ là “hữu danh vô thực”, chưa được trọng dụng đúng mức. Anh có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này? (Trần Quang Nghĩa, 30 tuổi, FPT Telecom)

- Trịnh Quang Vinh: Cám ơn câu hỏi rất khó của bạn. Tôi nghĩ chắc phải có lý do nào đó mọi người mới suy nghĩ như vậy. Tôi sẽ để ý quan điểm của bạn để xây dựng hình ảnh Trạng khác đi (đẹp lên). Quả thực việc này là không dễ.

Đối với tôi, anh Hoàng Việt Anh và anh Trần Xuân Khôi ở FPT Software là hai hình mẫu tôi đang theo đuổi và các anh có nhiều "Thực" lắm, tôi khó lòng có thể theo kịp, nên tôi nghĩ Trạng của FPT là những người tài.

Còn về trọng dụng, tôi có nghe đến vấn đề tập đoàn có thể bổ nhiệm đề xuất công việc mới cho Trạng. Nhưng tôi thấy với bản thân tôi là không cần thiết. Các công việc hiện tại của tôi đang có phần quá sức và đủ thách thức cho mình.

Tôi sẽ phải suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi của bạn. Tôi không nghĩ mình đã trả lời tốt câu hỏi này. (Cười)

- Kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh trong hai lần thi Trạng là gì? (Lưu Ly, 31 tuổi, Hà Nội)

- Lê Thành Nhân: Vòng thi game - điểm mới trong cuộc thi Trạng năm nay - để lại cho tôi ấn tượng mạnh. Trò chơi đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ, tính tư duy, khả năng thương thuyết... Sau vòng thi, mọi người trở nên thân thiết hơn, có những góp ý, trao đổi thẳng thắn để tất cả cùng rút ra bài học. Tôi vẫn tiếc vì không có thời gian làm quen hết với các bạn sau vòng này.

Ngoài ra, có một điều khá thú vị là sau khi tôi đạt danh hiệu Thám hoa, một số bạn bè liền chúc mừng trên Facebook, nhiều bạn khác tưởng là sinh nhật tôi nên cũng đăng rất nhiều lời chúc sinh nhật. Thành ra, tôi như có niềm vui nhân đôi trong ngày hôm đó.

- Công việc của anh hiện nay ở FPT IS là gì? Đây có phải là việc anh mong đợi khi còn ngồi trên ghế nhà trường? (Thành, 30 tuổi, FSO)

- Trần Đình Tiến: Hiện tại, công việc của tôi là tư vấn giải pháp, triển khai hệ thống cho các dự án ở thị trường nước ngoài. Thực ra đây cũng là dự định của tôi trong thời gian học đại học, nên tôi đã chủ động sắp xếp các khóa học để chuẩn bị cho công việc này.

- Nếu dùng 5 tính từ để mô tả về bản thân, với Bảng nhãn, đó sẽ là những từ gì? (Hương, 30 tuổi, FIS)

- Trần Đình Tiến: Nhẹ nhàng, Tình cảm, Ngoan ngoãn, Dễ bảo và Mâu thuẫn. (Cười)

- Em nghe nói bạn gái 9X của anh Vinh rất xinh và cute, hiện đang onsite bên Nhật. Em tò mò muốn được biết, khi xa nhau như vậy anh có sợ mất bạn gái không? (Một đồng nghiệp, 26 tuổi, Hà Nội)

DSC-4140-5658-1418107772.jpg

Bản thân Trạng Nguyên FPT luôn cố gắng quyết liệt trong cuộc sống

- Trịnh Quang Vinh: Tất nhiên là có rồi. Nhưng tôi cho rằng đây là cơ hội để thử thách tình cảm của hai chúng tôi.

- Tại sao anh quyết định tham gia cuộc thi Trạng năm nay? Có phải danh hiệu từ cuộc thi này rất hấp dẫn? (Tiến Vũ, 28 tuổi, FPT Telecom)

- Trịnh Quang Vinh: Tôi quyết định thi năm nay rất tình cờ, khi đang cần lấy điểm cho đơn vị mình. Tôi cần thi một cái gì đó và Trạng là một trong những thứ đập vào mắt tôi lúc đó. Thứ hai, từ khóa SMAC rất phù hợp với những gì tôi đang làm, còn Toàn cầu hóa ở FPT Software mọi người nói nhiều về vấn đề này.

Tuy nhiên, hết vòng thi Game, bản thân nhận thấy các sĩ tử đang đại diện cho đơn vị của mình nên tôi cảm thấy cần có trách nhiệm hơn và đạt được kết quả càng cao càng tốt.

- Anh tham gia công cuộc toàn cầu hóa của tập đoàn đã lâu. Vậy có mối tình "xuyên biên giới" nào với anh không? (Hải Vân, 25 tuổi, TP HCM)

- Trần Đình Tiến: Sao Hải Vân biết hay vậy? (Cười)

- Sau lần đầu tiên tham gia kỳ thi này, anh đã rút ra được kinh nghiệm và bài học như thế nào để thể hiện bản thân trong kỳ thi năm nay? (Đan Mai, 38 tuổi, Hà Nội)

- Lê Thành Nhân: Sau lần thi đầu tiên năm 2012, tôi nhận ra điểm yếu của mình khi làm việc nhóm, nhiều khi cái "tôi" lấn át mục đích chung của cả đội. Khi chúng ta đang hướng đến toàn cầu hóa và "synergy", nếu không có sự phối hợp tốt sẽ khó đạt được mục tiêu. Trong công việc kỹ thuật, tôi thường quan niệm một người có thể làm được nhiều việc. Nhưng sau cuộc thi lần thứ nhất, tôi nhận ra nếu kết hợp sức mạnh và trí tuệ của cả nhóm sẽ làm ra những sản phẩm tốt hơn, bền vững hơn và niềm vui cũng đọng lại nhiều hơn. Điều này cũng giúp cho tôi và các thành viên trong nhóm xuất sắc vượt qua vòng thi Constructivism. Bốn trong số 5 thành viên đã được đi tiếp vào vòng trong.

- Thành tích nào trong sự nghiệp của mình anh thấy tự hào nhất? (Hoa Yến Anh, 30 tuổi, FPT Telecom)

- Trần Đình Tiến: Bản thân tôi chưa thấy tự hào về những việc mà mình đã làm được. Tuy nhiên, những việc mà tôi cố gắng và đạt được kết quả cũng là nguồn động viên va khích lệ mình rất nhiều.

- Mỗi cuộc thi Trạng đều quy tụ nhiều anh tài của FPT tham gia với quyết tâm thể hiện rất lớn. Tam khôi FPT đánh giá như thế nào về mặt bằng chung của các thí sinh thi Trạng năm nay? (Hoàng Nhật Anh, 25 tuổi, FPT Retail)

- Trịnh Quang Vinh: Các bạn đều rất trẻ và thông minh. Một số bạn còn là "hạt giống" được đơn vị kỳ vọng và tin tưởng. Vì vậy, ngoài những lúc trò chuyện vui vẻ, khi vào các phần thi thì tương đối căng thẳng bởi ai cũng thể hiện mình rất mãnh liệt. 

- Anh có vẻ là người thích chơi game, sự tương đồng giữa việc chơi game và quản trị một dự án như thế nào? (Thành, 30 tuổi, FSO)

- Trịnh Quang Vinh: Theo tôi, sự tương đồng rõ nhất chính là mục tiêu của hai vấn đề này. Làm dự án cần đạt được mục tiêu đặt ra, còn chơi game thì cần đạt được mục tiêu là sự thoải mái sau một ngày làm việc căng thẳng.

- Theo anh, điểm yếu của FPT hiện nay là gì? (Hương, 30 tuổi, FIS)

- Trần Đình Tiến: Cái này chắc chị Hương phải hỏi Chủ tịch FPT Trương Gia Bình thì rõ hơn. Từ công việc của bản thân, tôi thấy trong mảng toàn cầu hóa, ngoại ngữ là điểm yếu đối với người Việt Nam nói chung, người FPT nói riêng. CBNV FPT giỏi về chuyên môn, nhưng để diễn giải được suy nghĩ của mình cho khách hàng thì lại khó khăn. Cá nhân tôi từng vấp phải điều này khi thời gian đầu sang Sing làm việc. Điều này cũng một phần xuất phát từ việc chưa có sự chuẩn bị tìm hiểu văn hóa của nước bạn.

- Người có ảnh hưởng nhất trong cuộc sống và công việc của anh là ai? (Hương Thảo, 30 tuổi, FSO)

- Lê Thành Nhân: Trong gần 10 năm làm việc ở FPT, mặc dù chưa được làm việc trực tiếp với các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn nhưng tôi đã học hỏi được nhiều điều từ phong cách làm việc của các anh. Trong đó, người luôn khiến tôi ấn tượng và khâm phục là anh Trương Gia Bình. Với anh, dường như việc học hỏi không có giới hạn về độ tuổi. Chính điều đó đã truyền cho tôi niềm đam mê học tập và không ngừng trau dồi kiến thức. Ngoài ra, anh Nguyễn Thành Nam là người giúp tôi luôn có cái nhìn lạc quan về cuộc sống phía trước. Trong công việc Quản trị dự án, tôi cũng học hỏi được nhiều từ tính kỷ luật, tuân thủ quy trình của anh Bùi Quang Ngọc.

Trong cuộc sống, mẹ là người không bao giờ ngại khó ngại khổ, truyền nghị lực cho tôi vượt qua mọi khó khăn hướng về phía trước. Vợ cũng luôn ở bên động viên, khích lệ, bù đắp những điểm thiếu hụt cho tôi. Ngay cả bài luận cũng do vợ tôi xem lại và bổ sung những điểm thiếu sót. Có lẽ, bí kíp để làm bài thi luận tốt là "Làm xong hãy đưa cho vợ duyệt".

- Có đồng nghiệp cho rằng anh Vinh là người đặc biệt: Đôi lúc khá baby trong suy nghĩ và cách làm việc nhưng lúc khác lại rất trưởng thành. Anh nghĩ gì về những nét tính cách này của mình? (Mai Xuân Vinh, 31 tuổi, F-Town)

- Trịnh Quang Vinh: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn, nó giúp tôi hình dung ra cách mọi người đang nhìn nhận về mình. Tôi đồng ý với nhận xét này và mong rằng mình sẽ trở thành người trưởng thành hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn thích những mẫu người đi đến đâu cũng mang lại tiếng cười và hạnh phúc cho những người xung quanh.

DSC-8487-9690-1418107772.jpg

Bảng nhãn FPT đã trưởng thành rất nhiều từ những dự án bên Singapore.

- Anh lập gia đình khi còn rất trẻ, có phải anh tham gia Hội những người có phương châm "Yêu là cưới"? (Lê Lan, 24 tuổi, FPT IS Bank)

- Trần Đình Tiến: Sao bạn biết tôi lập gia đình sớm? Tôi lập gia đình khi tuổi đã gần chạm đầu 3 rồi. Nhưng tôi rất ủng hộ quan điểm của bạn, đã yêu là phải cưới. (Cười).

- Chúc mừng Đình Tiến, bao giờ chúng ta liên hoan vậy? (Trương Anh Tú, 34 tuổi, FPT IS)

- Trần Đình Tiến: Xin chào anh Trương Anh Tú! Trưa nay rất tiếc là không có mặt anh trong cuộc liên hoan. Hẹn anh một bữa chè "Chị Xuân" vào một ngày gần nhất.

- Ở tuổi của anh, những người đàn ông khác vẫn còn đang tập trung vào sự nghiệp. Tại sao anh lại lập gia đình sớm vậy? (Liên Hoa, 26 tuổi, FPT IS)

- Trần Đình Tiến: Nếu biết Liên Hoa hỏi câu này thì mình đã có những trăn trở khác rồi.

- Theo anh, mình có lợi thế gì để trở thành Trạng nguyên FPT? (Quân Anh, 27 tuổi, FPT IS)

- Trịnh Quang Vinh: Tôi may mắn vì từ khóa SMAC của cuộc thi chính là những gì bản thân đang làm. Về Toàn cầu hóa, FPT Software đã làm điều này từ nhiều năm nay và là đơn vị tiên phong của tập đoàn nên mọi người luôn trao đổi sôi nổi về vấn đề này. Ngoài ra, bản thân cũng cảm nhận rất rõ hai vấn đề này trong công việc hằng ngày của mình. Tuy nhiên, những lợi thế này chỉ bộc lộ rõ từ phần thi Contructivism và phần trao đổi với anh Trương Gia Bình.

- Anh chia sẻ rằng, thời gian làm việc lấn át thời gian cho bản thân, vậy anh dành thời gian nào cho các hoạt động văn hóa, tinh thần FPT - một trong những điều được xem là tạo gắn kết với công ty? (Việt Anh, 30 tuổi, Hà Nội)

- Trịnh Quang Vinh: Cảm ơn câu hỏi của bạn, đúng vào điểm yếu của tôi.

Đây chính là điểm còn hạn chế của tôi. Tôi chưa có nhiều thời gian dành cho anh em về mặt văn hóa và tinh thần. Giai đoạn tới, chắc chắn tôi sẽ chú ý về vấn đề này.

- Theo anh, cần trang bị những kiến thức và kỹ năng gì để thi Trạng? (Trần Ngọc Tú Anh, 29 tuổi, FPT Software)

- Lê Thành Nhân: Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn trong ba bài viết luận đã được đăng trên báo Chúng ta, trong đó có bàn luận khá kỹ về vấn đề "Trạng FPT là người như thế nào". Ngoài ra, nếu muốn đi sâu vào vòng trong, bạn nên có sự trợ giúp của lãnh đạo các đơn vị và chịu khó đọc báo Chúng ta để biết được từ khóa của vòng 3 và vòng 4. Ví dụ, từ khóa năm nay là "Constructivism - Chủ nghĩa kiến tạo", "Lean Startup - Khởi nghiệp tinh gọn", Chính sách Thành Cát Tư Hãn... Đặc biệt, nếu trong đơn vị tạo được phong trào học hỏi, cùng tham gia học tập theo nhóm để phục vụ cho thi Trạng sẽ tạo ra hiệu quả tốt hơn, ví dụ như F9 - FPT Trading là điển hình thành công trong mô hình này.

- Phần thi nào trong cuộc thi Trạng năm nay để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất? Tại sao? (Quỳnh Nguyễn, 22 tuổi, FPT Sofware)

- Trịnh Quang Vinh: Đó là phần thi Game bởi đội tôi thất bại rất sớm sau bốn mùa - cách tính thời gian trong game. Và cũng như mọi người, tôi học được rất nhiều bài học có thể rút ra từ trò chơi: Không bố trí các thành viên đọc tài liệu kỹ, sử dụng sai các chức năng; Thao tác chuột không tốt, kỹ năng điều khiển yếu; Làm ngoại giao không tốt; Khi gặp bất lợi khai cuộc thì tê liệt dẫn đến không đủ tỉnh táo để cứu vãn.

Khi nhìn các thành viên trong team lúc đó, tôi cảm thấy rất hối hận vì mình là người thao tác chính. Vì vậy, đây là phần thi tôi ấn tượng nhất.

- Trần Đình Tiến: Trong cuộc thi Trạng năm nay, phần Game Diplomacy, một game kinh điển về chiến thuật, tại vòng 3 để lại nhiều ấn tượng nhất. Lượt chơi đầu tiên cứ ngỡ đội của tôi vươn lên dẫn đầu khi sở hữu nhiều vùng đất và đội quân nhất. Tuy nhiên, sang đến các lượt tiếp theo, vì quá tự tin vào binh lực mà thiếu đi sự bang giao đã khiến chúng tôi trở thành kẻ địch của cả 4 đội còn lại.

Bài học rút ra từ game này là phải biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Những điều này cũng áp dụng được trong công việc và cuộc sống của tôi.

DSC-8483-3390-1418107772.jpg

Thám hoa FPT Lê Thành Nhân là người cởi mở, vui tính.

- Lê Thành Nhân: Như tôi đã trả lời ở trên, vòng số 3 - Constructivism để lại nhiều ấn tượng nhất vì có sự mới lạ, khác biệt so với các năm, giúp tôi và các thành viên có được nhiều bài học bổ ích.

- Mơ ước của anh là gì và anh sẽ làm thế nào để thực hiện nó? (Tùng, 27 tuổi, Hà Nội)

- Trần Đình Tiến: Tôi là người khá thực tế. Những ước mơ của tôi thường có sự khả thi nhất định. Vì vậy, ước mơ được bay trên trời cao trong vị trí của một phi hành gia trước đây của tôi đã được thay thế bằng việc được làm chủ công nghệ, quản trị thành công các trận đánh lớn của FPT trên trường quốc tế.

Để làm được điều đó, tôi đang có kế hoạch nâng cao kiến thức chuyên môn, đẩy mạnh việc học quản trị và tích lũy thêm kinh nghiệm từ những dự án thực tế.

- Năm sau em muốn thử sức thi Trạng, vậy theo anh vòng nào là khó nhất và phải vượt qua như thế nào? (Nguyễn Tiến Nam, 26 tuổi, FPT Trading)

- Trịnh Quang Vinh: Với tôi, vòng thi Logic đầu tiên là khó nhất. Nếu đã vượt qua được vòng này. Ở những vòng sau chỉ cần nắm rõ nội dung cũng như các keyword (có sự thay đổi theo từng năm). Để thi tốt cuộc thi Trạng năm sau, bạn hãy bám sát các keyword của tập đoàn năm nay và định hướng thêm những keyword mới theo xu hướng công nghệ mà FPT đang quan tâm.

- Anh có một phong thái rất tự tin, thể hiện là một người có bản lĩnh, luôn làm chủ mọi tình huống. Vậy ra khỏi công việc anh là người như thế nào? Trong gia đình anh cũng luôn là người đưa ra quyết định cho mọi việc? (Linh Chi, 28 tuổi, Hà Nội)

- Trịnh Quang Vinh: Câu hỏi khó quá, cảm ơn bạn. Mình không thấy sự khác biệt giữa Vinh của công việc và Vinh của đời thường. Mình luôn cố gắng "quyết liệt" với cuộc sống. Trong gia đình thì cái này là một nghệ thuật và mình làm chưa tốt đâu. Và mình không nghĩ luôn đưa ra quyết định là một cách làm hay trong cuộc sống gia đình. Tốt hơn là cùng đưa ra, hoặc mỗi người đưa ra một lần.

- Ngoài công việc, anh có sở thích đặc biệt gì? (Bùi Huyền, 25 tuổi, FPT)

- Lê Thành Nhân: Tôi có tôn chỉ khá đơn giản "Làm hết mình, chơi thác loạn". Ngoài ra, tôi thích tất cả những gì liên quan đến bóng đá. Hằng tuần, tôi thường tham gia hai đến ba trận. Cuối tuần hay tụ tập bạn bè uống bia xem bóng. Ngoài ra, tôi còn thần tượng "Chim sẻ đi nắng" - thần đồng game AOE vì bạn có lối chơi đem lại nhiều cảm xúc.

- Anh quan niệm thế nào về công việc và gia đình? Làm sao để cân bằng hai "thái cực" này? (Mai Tuấn Ngọc, 28 tuổi, Cầu Giấy)

- Trần Đình Tiến: Bạn đặt câu hỏi đúng với những gì tôi đang trăn trở và tìm câu trả lời. Nói đùa vậy thôi, gia đình và công việc đều quan trọng như nhau, và không thể đem lên bàn cân để so sánh. Với tôi, tùy theo từng thời điểm mà có những ưu tiên để giải quyết sao cho phù hợp cả hai.

Ngoài ra, bà xã ở nhà cũng hiểu, thông cảm cho công việc của tôi, nên cô ấy luôn ủng hộ, cũng như hỗ trợ rất nhiều để tôi yên tâm công tác.

- Sau khi trở thành Trạng sẽ được thăng chức, anh mong muốn đảm nhiệm vị trí gì, tại sao? (Minh Anh, 25 tuổi, ĐH FPT)

- Trịnh Quang Vinh: Cá nhân tôi chưa muốn thăng chức bởi vị trí hiện tại vẫn đang rất thách thức. Tôi và đồng đội đang phải căng mình đáp ứng các yêu cầu của tổ chức. Vì vậy, việc thăng chức là chưa cần thiết. Một vị trí mới đòi hỏi đội ngũ của tôi có thêm những kĩ năng mới và bây giờ chưa phải là lúc. Chúng tôi cần thêm thời gian. Cám ơn câu hỏi của bạn.

- Anh thường có phản ứng như thế nào khi có ai đó phê bình? (Huế Trần, 23 tuổi, FPT Online)

- Trần Đình Tiến: Tôi luôn bình thản trước những tình huống kiểu như này. Thường những người phê bình đầu tiên là người quan tâm và có ý tốt với mình. Hơn nữa, từ những ý kiến của họ giúp tôi nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ.

- Tại sao anh lại chọn TP HCM để lập nghiệp khi có thể làm việc đó ngay tại quê nhà - Hà Nội? (Trung Nam, 26 tuổi, FSO)

- Trịnh Quang Vinh: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cho đến trước khi vào TP HCM, tôi chẳng bao giờ nghĩ sẽ rời thủ đô để đến với vùng đất mới. Mặc dù vậy, giờ đây tôi đã thấy lựa chọn của mình là hoàn toàn chính xác. Có quá nhiều điểm khác biệt thú vị ở TP HCM, từ con người, khí hậu cho đến văn hóa... Và quan trọng hơn, tôi thấy mình không phải là người "ù lì" bảo thủ như một số bạn bè tôi góp ý trước kia. Tôi rất vui vì sự thay đổi này.

- Kỹ năng nào anh mong muốn được học nhưng chưa thực hiện được, ví dụ như chơi piano, học thêm một ngoại ngữ? (Hải Linh, 26 tuổi, FPT Telecom)

- Trịnh Quang Vinh: Chắc cũng như nhiều đàn ông khác, tôi muốn đàn hay, hát giỏi, ngoại ngữ như gió... Tuy nhiên, kỹ năng tôi thích nhất là làm đồ mộc. Có một xưởng mộc nhỏ và tự đóng những vật dụng cho riêng mình. Đây là kỹ năng mơ ước được hoàn thiện của tôi. (Cười)

- Em thấy anh Nhân có rất nhiều chứng chỉ "xịn". Anh có thể chia sẻ bí quyết để đạt được các chứng chỉ này trong thời gian ngắn? (Nguyên Ngọc, 24 tuổi, FPT IS)

- Lê Thành Nhân: Bí quyết đầu tiên là luôn đặt mục tiêu mỗi năm có thêm một đến hai chứng chỉ liên quan đến công việc. Tôi cũng ảnh hưởng nhiều cách học và thi của Bách khoa, nghĩa là chỉ học thông qua những người đi trước, tự đúc rút ra những điểm cốt yếu cho từng chứng chỉ để làm sao thi qua nhanh nhất. Có một kỷ niệm khá vui khi là sinh viên, tôi thi trượt đến 13 lần môn "Kỹ thuật nhiệt". Đó cũng là kinh nghiệm quý để giúp tôi đạt được những chứng chỉ trong công việc sau này.

- Em được biết anh đã có gia đình. Vậy khi anh được danh hiệu này thì bạn bè, người thân của anh chia sẻ ra sao, nhất là vợ anh? (Nguyễn Ngọc Lan Anh, 24 tuổi, FPT Telecom)

- Lê Thành Nhân: Từ khi đạt danh hiệu Thám hoa thì việc đau đầu nhất không phải Quản trị dự án mà là xếp lịch "khao, nhậu". Có lẽ do đây là lần thi thứ hai nên bạn bè cũng chúc mừng cho tôi nhiều hơn vì đã... vượt qua mặc cảm. Ngay tối hôm đạt giải, vợ cũng đã chúc mừng tôi bằng cách dẫn đi ăn một bữa "bét tè lè nhè".

- Bạn nghĩ gì về vai trò của mình trong việc phát triển chung của tập đoàn? Bạn có đề xuất gì về vấn đề chiến lược nhân sự cho toàn cầu hóa hiện nay? (Lê Văn, 28 tuổi, Hà Nội)

- Trần Đình Tiến: Bản thân tôi cũng là một cá nhân đã và đang tham gia vào công cuộc toàn cầu hóa của tập đoàn. Và trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực và cố gắng cống hiến hơn nữa. 

Về chiến lược nhân sự cho toàn cầu hóa, tôi thấy bản thân FPT cũng đang đẩy mạnh việc chuẩn hóa quy trình, cách làm việc chuyên nghiệp và đặc biệt là khả năng ngoại ngữ để người FPT tự tin bước ra sân chơi lớn.

- Theo anh, điều khó khăn nhất trong dự án để vừa đảm bảo đúng deadline mà anh em lại không bị xì-trét là gì? (Trần Long, 30 tuổi, FPT)

- Trịnh Quang Vinh: Câu hỏi của bạn rất hay. Điều tôi tâm đắc trong khi làm dự án đó là motivation trong team. Không có một công thức cụ thể nào cho các dự án và điều này đã thành nghệ thuật trong quản trị dự án.

Tôi tâm đắc một điều: "Đằng sau một dự án thành công luôn là một tập thể đoàn kết". Tinh thần đoàn kết giúp các bạn trong dự án chia sẻ stress với nhau và cuối cùng kết quả một dự án thành công sẽ xua đi tất cả. Hãy không bao giờ được làm dự án thất bại.

- Anh ngưỡng mộ và yêu thích lãnh đạo cấp cao nào ở FPT, vì sao? (Nguyễn Tuấn Anh, 31 tuổi, Đà Nẵng)

- Trịnh Quang Vinh: Tôi thích anh Nam "Già" (Nguyễn Thành Nam) - người đặt ra nhiều chiến lược dang dở nhưng tôi thấy rất hay và tâm đắc, một trong số đó là tư tưởng "Vạn lý lập trình ty" theo tôi hiểu là nhiều người, thật nhiều người làm phần mềm vào... Tôi mong muốn được thực hiện tư tưởng và giấc mơ này của anh.

- Anh có nghĩ rằng, làm lãnh đạo ở FPT phải biết "chém gió"? (Thu Hà, 35 tuổi, TP HCM)

- Trần Đình Tiến: Chắc chắn rồi. Lãnh đạo thì thường nghĩ đến những điều lớn lao, đôi khi là không tưởng. Nên tôi nghĩ chém gió phải là một kỹ năng của bất kỳ lãnh đạo FPT. Đây cũng là cách để truyền lửa cho các anh em ở dưới.

- Anh Nhân nổi giận sẽ như thế nào? (Thùy Linh, 23 tuổi, FPT Telecom)

- Lê Thành Nhân: Tôi là người không giấu được cảm xúc của mình, nhất là khi đá bóng. Ngày xưa tôi giận nhiều lắm, nhưng giờ đỡ nhiều rồi. Nếu có dịp làm việc với nhau, có thể Thùy Linh sẽ được trải nghiệm cảm giác này chân thực hơn, nói thì khó quá.

- Em nghĩ muốn trở thành một nhân sự giỏi, cần giỏi cả kiến thức lẫn ngoại ngữ. Nhưng đại đa số mọi người chỉ giỏi một trong hai. Nếu trong điều kiện cần có gấp 100 nhân sự giỏi thì anh phải làm sao? (Phạm Thị Hồng Trâm, 27 tuổi, FPT software)

- Trịnh Quang Vinh: Câu hỏi này tôi đang được hỏi hằng ngày nhưng ở số lượng ít hơn. Nếu cần tuyển gấp 50 nhân sự giỏi, cách của tôi định nghĩa chính xác mình cần giỏi ở mức nào để biến điều này thành khả thi (tất nhiên là cả chuyên môn lẫn ngoại ngữ). Sau đó, trực tiếp huấn luyện và đào đạo các bạn trong đội ngũ hiện tại để tạo thành làn sóng học tập tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh tôi còn có sự hỗ trợ từ cấp tập đoàn, công ty cho đến các anh chị em quàn lý, họ sẽ cùng tôi giải quyết vấn đề này, một mình tôi không thể làm nổi (cười).

- Anh nhận xét gì về môi trường làm việc của FPT so với các công ty công nghệ khác ở Việt Nam và trên thế giới? (Nam Phương, 29 tuổi, Bắc Ninh)

- Trần Đình Tiến: Điều tôi thấy tự hào nhất ở FPT là sự cởi mở giữa sếp và nhân viên, không có văn hóa quà cáp, không câu nệ trong mối quan hệ đồng nghiệp.

Ngoài ra, FPT cũng là cái nôi công nghệ lớn nhất ở Việt Nam, đây cũng là môi trường tốt để những người đam mê công nghệ có thể trao đổi và học hỏi lẫn nhau.

Về điểm này tôi thấy không có sự khác biệt giữa FPT và các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

- Nếu được phân công làm công tác lãnh đạo trong thời gian tới, các anh có kế sách gì để giữ chân người tài và có chế độ đãi ngộ như thế nào cho những nhân viên gắn bó lâu năm? (Phạm Thanh Phong, 31 tuổi, FPT Telecom - CN Thanh Hoá)

- Trịnh Quang Vinh: Cảm ơn câu hỏi rất thú vị nhưng lại là một câu hỏi khó. Thực ra câu hỏi này mình cũng đang phải suy nghĩ và trả lời hằng ngày và hiện cũng chưa có phương án mới so với cách Tập đoàn và FPT Software đang làm. Gần đây, keyword “value” đang được nhắc tới ở tập đoàn, vì vậy, ngoài cách thông thường, tôi sẽ cố gắng để các bạn nhân viên cấp dưới có điều kiện phát huy hết “value” của mình và khi đó các chế độ đãi ngộ sẽ chính xác và công bằng hơn, kết quả các bạn sẽ gắn bó lâu dài. Nếu tôi là các bạn, tôi cũng sẽ ở lại.

- Trần Đình Tiến: Vấn đề bạn đề cập hơi “quá tầm” với vị trí của tôi hiện tại. Ở góc độ bản thân, tôi cho rằng FPT cần có những chế độ chính sách ưu đãi hơn nữa cho CBNV. Chẳng hạn như với những người tham gia toàn cầu hóa, công tác nghiên cứu và sáng tạo thì tập đoàn nên có chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn.

- Lê Thành Nhân: Để giữ chân được nhân tài, theo tôi, cần tạo ra những thách thức, cơ hội phát triển để cho người tài khẳng định được năng lực bản thân. Vì vậy, nếu có cơ hội làm kế sách, tôi sẽ đặt ra mục tiêu phát triển 30% mỗi năm, xác lập vị thế mới cho cho đơn vị mình, tạo ra môi trường cho nhân tài có cơ hội phát triển. Ngoài ra, cần cho họ biết lộ trình thăng tiến rõ ràng.

- Cố gắng phấn đấu trong sự nghiệp, có khi nào anh lơ là gia đình, vợ con không? (Yêu Cuộc Sống, 32 tuổi, Khối giáo dục FPT)

- Lê Thành Nhân: Nói thật thì việc lơ là gia đình, vợ con là việc thường xuyên vì tính chất công việc phải "over time" và đi onsite dài hạn 3-6 tháng. Vì vậy, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc cho tôi hoàn thành tốt công việc và nhiều lần vợ chính là người khuyên tôi không nên rời FPT.

- Theo anh, làm thế nào để tăng sự gắn kết của nhân viên với công ty? (Nguyễn Thị Phương, 38 tuổi, Huế)

- Trịnh Quang Vinh: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Theo tôi, phải tự hỏi mình tại sao lại gắn kết với công ty 10 năm như vậy. Tôi gắn kết với công ty vì:

+ FPT là môi trường rất trong sạch, mà lại là một công ty thuần túy của người Việt, tôi thích điều này.

+ FPT còn quá nhiều thứ để tôi phải học, chưa đi được, và khó có thể đi được, công ty luôn đặt ra những vấn đề mới.

+ FPT là môi trường có nguồn việc dồi dào, đủ cho tất cả mọi người mà không phải chèn ép lẫn nhau, vị trí là quá nhiều.

+ FPT có văn hóa khác biệt, nơi mà sếp toàn phải "nịnh" nhân viên mình.

Sẽ là tổng hợp của rất nhiều yếu tố để nhân viên gắn kết với công ty, nhưng ít nhất mình phải truyền được điều mình cảm nhận đến các nhân viên của mình trước.

- Anh gắn bó với FPT lâu chưa và cơ duyên nào khiến anh đầu quân cho công ty? (Mai Hương, 24 tuổi, An Giang)

- Trần Đình Tiến: Tính đến nay, tôi đã "ăn nằm" ở FPT gần 5 năm rồi. Đây là công ty tôi thực tập đầu tiên trong thời gian học đại học. Những trải nghiệm trong thời gian này đã khiến tôi quyết tâm vào đầu quân vào công ty.

- Anh có thể kể một vài kỷ niệm vui và khó khăn của anh trong những lần onsite tại Mỹ? (Phạm Thanh Phong, 31 tuổi, FPT Telecom)

- Lê Thành Nhân: Lúc ở Mỹ, tôi thích nhất là mỗi khi được khách hàng đưa đi "du lịch không mất tiền". Khó khăn nhất là việc liên lạc về nhà do lệch múi giờ.

- FPT IS được đánh giá là đơn vị “có vấn đề về tổ chức”, bản thân anh nghĩ thế nào về nhận định này? (Huỳnh Bảo Phương, 31 tuổi, FPT IS)

- Trần Đình Tiến: Điều này hoàn toàn đúng. Như bạn đã biết, FPT IS vừa có thay đổi về mặt cơ cấu, một cách toàn diện. Tôi cũng hy vọng, sự thay đổi này sẽ mang đến nhiều thành công trong kinh doanh cũng như khả năng nâng cao quản trị nhân sự.

- Anh đánh giá cao tố chất và năng lực đặc biệt nào của nhân viên? (Oanh Yến, 34 tuổi, Lâm Đồng)

- Trịnh Quang Vinh: Cám ơn câu hỏi rất hay của bạn. Về cơ bản, một nhân viên tốt phải kết hợp được nhiều tố chất cũng như năng lực. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao nhất 2 điểm. Thứ nhất là năng lực về ngoại ngữ. Thứ hai là tố chất thông minh ham học hỏi trong công việc (những bạn đã có thành tích trong các kỳ thi quốc tế, quốc gia luôn được tôi để ý).

- Nếu phải đưa ra 3 sáng kiến cải tiến cho FPT, anh sẽ đề cập đến vấn đề gì? (Trịnh Ngân, 24 tuổi, Hà Nội)

- Lê Thành Nhân: Tôi mong muốn VnExpress có một kênh tin tức thời sự có thể cạnh tranh được với những kênh thông tin hàng đầu thế giới như CNN, BBC..., ví dụ có thể tường thuật trực tiếp những sự kiện nóng đang xảy ra.

FPT Software có thể hợp lực với FPT IS và FPT Trading để đưa ra sản phẩm có ích cho cộng đồng Việt Nam, ví dụ mô hình quản lý y tế, giáo dục...

Ngoài ra, có thể tạo ra sân chơi giải trí cho toàn thể người FPT thay vì hình thức sinh hoạt cục bộ như hiện nay. Hơn nữa, có thể kinh doanh "đặc sản văn hóa" của FPT như FUN4FUN.

- Nếu được thay thế anh Trương Gia Bình, 3 việc quan trọng đầu tiền bạn sẽ làm cho FPT là gì? (Quốc Ái, 35 tuổi, Hà nội!)

- Trịnh Quang Vinh: Thật sự thì tôi không biết anh Trương Gia Bình đang làm những gì nhưng tôi nghĩ chắc là nhiều việc lắm. Tôi xin không trả lời câu hỏi này vì quá khó và có thể bị coi là "chém gió". Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. (Cười)

- Khi thử thách ở thị trường Singapore, anh gặp khó khăn gì? Anh và đồng đội đã tháo gỡ ra sao? (Đan Vân, 25 tuổi, Hà Nội)

- Trần Đình Tiến: Khó khăn rất nhiều, và thường đến từ những dự án lớn. Cụ thể là dự án gần đây nhất cho Tập đoàn Vận tải Biển của Singapore. Đó là dự án chuyển đổi hệ thống dữ liệu cho khách hàng thuộc khối chính phủ.

Khách hành yêu cầu việc dừng hệ thống để chuyển đổi chỉ diễn ra trong vòng 3 ngày, trong khi khối lượng công việc thực tế cần triển khai phải mất ít nhất là 5 ngày. Đó quả thật là yêu cầu rất khó. Anh em đã tính toán đến việc làm cả ngày cả đêm. Nhưng để đáp ứng trong vòng 3 ngày theo yêu cầu của khách thì không phải chỉ cần bỏ sức người mà còn phải thay đổi cả về công nghệ. Cuối cùng, cả đội đã tìm ra giải pháp để đáp ứng yêu cầu "khó nhằn" của khách hàng.

DSC-8459-2247-1418107772.jpg

Bảng Nhãn FPT 2014 Trần Đình Tiến và Thám hoa FPT 2014 Lê Thành Nhân

- Anh nghĩ về gì môi trường học hỏi và phong trào học tập ở FPT IS và FPT? (Bình Tiến, 28 tuổi, Hà Nội)

- Trần Đình Tiến: Chào bạn cùng tên với mình. Rất vui được trả lời câu hỏi của bạn. Tôi thấy môi trường học hỏi và phong trào học tập của FPT IS nói riêng, và FPT nói chung rất được Ban lãnh đạo quan tâm và hỗ trợ hết sức.

Nếu bạn chưa phải là người FPT thì có thể tham gia để trực tiếp trải nghiệm môi trường này.

- Nhân dịp 20/11, anh có thể kể thêm về kỷ niệm đáng nhớ nhất về thầy cô giáo và mái trường cũ? (Anh Thư, 24 tuổi, Gia Lâm)

- Lê Thành Nhân: Tôi mới về dự lễ kỷ niệm 20 năm tốt nghiệp trường cấp hai, được gặp lại thầy cô, bạn bè cũ và nói lên được những điều trước đây đã làm phiền lòng thầy cô. Hiện tại, tôi cũng có tham gia giảng dạy nội bộ mới hiểu rõ hơn công lao của những người góp phần "lan tỏa kiến thức" giúp tôi có được ngày hôm nay.

- Theo Tam khôi FPT, làm thế nào để duy trì và phát triển văn hóa FPT? (Viết Chung, 37 tuổi, Hà Nội)

- Trịnh Quang Vinh: Cảm ơn câu hỏi của bạn, đây là câu khó nhất đối với tôi trong ngày hôm nay. Văn hóa doanh nghiệp là phạm trù rộng không thể nói vài câu mà hết được và phải có sự tham gia của tất cả mọi người trong tập đoàn.

Thứ nhất, Truyền thông là từ khóa tôi nghĩ đến lúc này. Còn truyền thông thế nào chắc phải nhờ những bạn có chuyên môn.

Thứ hai, cần phải có những người nhiệt huyết tham gia vào công tác này, tôi rất tâm đắc với anh Đinh Tiến Dũng đã mang văn hóa FPT đi rất xa.

Còn lại thì tôi hoàn toàn tin tưởng với cách làm văn hóa hiện tại của FPT, rất có bản sắc.

- Trần Đình Tiến: Câu này quả là câu hỏi khó với người thiên về làm chuyên môn như tôi. Tôi nhớ hồi mới vào FPT IS, tôi có tham gia đóng kịch của đơn vị tại Sao chổi FPT. Đây là những kỷ niệm rất vui vì thế, tôi cho rằng, để duy trì văn hóa, có thể động viên anh em tại đơn vị nên tham gia trải nghiệm, từ đó lan tỏa phong trào trong toàn tập đoàn.

- Lê Thành Nhân: Điều quan trọng là lãnh đạo phải máu lửa, chịu khó đầu tư cho các hoạt động văn hóa. Ngoài ra, có thể tổ chức những cuộc thi tìm kiếm những tài năng STCo từ các đơn vị. Các bạn là những nhân tố chủ chốt giúp lan tỏa văn hóa FPT.

Chúng ta

Ảnh: Quý Đoàn

Ý kiến

()