Hồi nảo hồi nao, đã lâu lắm rồi chẳng ai nhớ nổi, vậy mà, nó vẫn nhớ. Ấy là vào tháng 7/2003, nó nhận bằng tốt nghiệp lớp Báo, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Cầm tấm bằng cử nhân trên tay nó chẳng buồn, chẳng vui mà chép miệng: “Học với chả hành, thời với chả buổi, chưa ra ngô ra khoai đã vội lấy chồng, rồi con con cái cái, rồi chợ búa bếp núc. Cái lý lịch với vẩn của mình thế này… ôi chao, thất nghiệp là cái chắc”.
Chị Minh Khuyên (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp Ban Thương mại, VnExpress. Ảnh: FB. |
Nó cứ thế thở ngắn than dài mà rằng: Giá cố kìm độ sướng, đợi một năm nữa ra trường rồi cưới chồng có phải là tốt hơn không. Giờ ván đã đóng thuyền, gạo nấu thành cơm, cầm cái bằng vớ vỉn đi xin việc, người ta hỏi: "Kinh nghiệm thế nào"? Nó chỉ có thể ậm ừ: “Dạ em ‘âm’ zê-rô”…
Nghĩ vậy nên nó tự dưng quên mất việc ra trường cần phải nộp hồ sơ xin ứng tuyển làm ở đâu đó. Vì thế, nó an phận làm nội trợ ở nhà. Nó nằm dài thườn thượt từ sáng đến trưa, rồi từ trưa đến chiều, đều như vắt chanh, đến 16h nó lững thững ra chợ mua đồ về nấu nướng… Cuộc sống cứ êm đềm nhạt nhẽo trôi qua cho đến một ngày, ông xã nó gọi điện từ cơ quan về rồi bảo: Em nộp đơn đến báo VnExpress đi, bên ấy đang tuyển. Mà thôi, em cứ cầm thẳng hồ sơ lên xin đi, bạn anh giới thiệu vì bên đó cần người.
Nó ể oải bảo: “Vâng, dù sao đi làm cũng sướng hơn ở nhà ngáp ruồi”. Nó nghe câu được câu chăng trong cái ngáp dài nên chẳng nhớ ông xã đọc tên báo gì, chỉ biết là có chữ V ở đầu. Nó đoán “Có lẽ đó là tờ VDC”, nó nghĩ vậy nên bật máy tính vào trang tin này để ngâm cứu. Nó đọc một lượt các chuyên mục, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, rồi chép miệng: Giao diện xấu, chữ nhỏ li ti, trình bày tối tăm mặt mũi, ảnh xấu điên cuồng, tư vấn vớ vẩn. Title nói giúp chị em giảm cân nhưng thực đơn ngồn ngộn những đồ ăn nướng, rán, quay, chiên - béo là cái chắc. Ôi chao, một tờ báo luẩn quẩn chẳng thấy có tôn chỉ mục đích… Nó thở hắt ra kết luận, pha lẫn chút gì đó thất vọng…
14h, nó cầm hồ sơ đến số 75 Trần Hưng Đạo - trụ sở cũ của báo VnExpress. Lúc bấy giờ nó vẫn nghĩ nó đang nộp hồ sơ xin việc của tờ VDC hay còn gọi là (Vi-đi-cờ-rét). Tiếp nó là một người đàn ông rất trẻ (nó được giới thiệu là Tổng biên tập báo). Nó “tua” lại tất cả những nhận xét kể trên rồi kết luận: Trang tin của anh cần phải cải tạo lại, từ nội dung đến cách bài trí…
Nó thực sự ấn tượng với người đối diện nó lúc đó. Anh ấy chăm chú nghe nó nói, rất lâu, rồi mới hỏi: Em đang nói về tờ báo nào vậy? Nó khẳng định chắc như đinh đóng cột là cái tờ mà anh đang làm Tổng biên tập. Và vì không chắc chắn lắm, nó phát âm cái tên báo rất nhỏ nhưng vẫn đủ để người đối diện nghe thấy chữ “Vi”ở đầu và âm “ét” ở cuối. Rồi, nó thở phào khi anh ấy bảo: Anh hy vọng em sẽ cùng với các phóng viên hoàn thiện những điểm còn hạn chế. Ngày mai, em đến thử việc.
Tim nó như thắt lại, chân tay thừa thãi nhưng vẫn bật ra được tiếng “Em cảm ơn anh” khá rành rọt. Rồi nó chào ra về, phi thẳng đến cơ quan chồng ở cách đó chừng 1 km rồi khóc một trận vì vui, vì điều gì nữa nó cũng chẳng biết… Và, khi thôi khóc, nó phát hiện ra người mà nó vừa nói chuyện không phải Tổng biên tập VDC mà là VnExpress.net. Và, nó đã phê bình nhầm chỗ, nó cười một trận nghiêng ngả như thể bà đồng lên giá.
Ấy là vào tháng 8/2003…
Công việc đầu tiên nó được đảm nhận khi thử việc ở VnExpress là đẩy tin quảng cáo Rao vặt. Hồi đó, rao vặt được miễn phí nên số lượng tin mỗi ngày lên đến con số hàng nghìn. Nó mỉm cười mãn nguyện bởi dù sao ta đã có việc làm. Nó sung sướng lắm, đẩy đến quên ăn quên ngủ, sửa chữa câu từ, kiểm duyệt đâu ra đấy. Thậm chí, thứ Bảy, Chủ nhật nó vẫn lên cơ quan để phục vụ độc giả một cách vô điều kiện.
Báo VnExpress tròn 13 tuổi vào ngày 26/2/2014. |
Công việc diễn biến tốt đẹp được chừng một tháng, nó bắt đầu chán và nhận ra rằng: Mình được đào tạo viết báo, cớ sao lại ngồi đẩy những mẩu tin chẳng được xếp vào tức, không phải tin cũng chẳng phải cáo phó… Ôi, cả cuộc đời mà gắn với công việc này thì đau khổ biết nhường nào… Rồi, nó đề nghị Trưởng Ban Kinh doanh - hồi đó là chị Thanh Hải - Thư ký tòa soạn bây giờ, cho nó được viết báo. Chị Hải đồng ý và thế là chỉ trong vòng nửa ngày với sự hỗ trợ của chị - tác phẩm đầu tiên “Doanh nhân xả stress” ra đời. Người đầu tiên nó phỏng vấn là TGĐ NetNam Trần Bá Thái, tiếp đến là TGĐ OCI Lê Thăng Long.
Tác phẩm đầu tiên này tạo động lực khiến nó tin rằng mình có thể viết báo. Và cũng từ đó, việc đẩy rao vặt bị ảnh hưởng rất nhiều, các sự cố liên tiếp xảy ra. Một buổi sáng, đường dây nóng của báo vang lên tiếng chửi rủa của người đàn bà nọ. Bà ấy xoe xóe phía đầu dây yêu cầu xóa ngay tin rao vặt có tiêu đề: “Bán con sư tử cái nặng 50 kg” và nói rằng “thằng chồng đểu” đã đăng tin kèm số điện thoại của vợ. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, cả ngày hôm trước, bà này không làm nổi việc gì vì điện thoại khắp nơi gọi tới hỏi mua “sư tử cái”.
Nó rối rít thanh minh rồi vào hệ thống xóa ngay tắc khắc. Cũng may, thời ấy, thằng cha “Gúc gồ” không nhanh như bây giờ, báo điện tử cũng chưa phát triển mấy nên không bị copy. Vụ này coi như xong.
Một tuần sau, vụ kiện cáo thứ hai xảy ra. Một người đàn bà kinh doanh lĩnh vực thiết bị văn phòng tìm đến tận tòa soạn. Bà này nói rằng ngày nào cũng miệt mài ngồi mạng đăng rao vặt nhưng chẳng khi nào tin của bà ấy được lên trang. Nó bặm môi nghiêm mặt bảo: Chị đã không nghiêm túc khi gửi tin đến tòa soạn. Tôi không thể đẩy các mẩu quảng cáo lên trang với cái e-mail “Yến dâm đãng” (yendamdang@yahoo.com) được.
Chị này ngớ người một lúc rồi bối rối thanh minh: “Em ơi, chị thề, chị là người tử tế, nghiêm chỉnh. Chị là Yến đảm đang chứ không hề dâm đãng”. Ôi chao, chéo ngoe cực kỳ, nó chẳng biết thế nào đành yêu cầu: Chị về chuyển đổi e-mail khác cho nó thuần Việt em sẽ đăng quảng cáo.
Tháng 11/2003, một người đàn ông to béo tự xưng là luật sư tìm đến tận tòa soạn. Anh này làm um lên và dọa kiện báo ra tòa vì lý do: Đăng tin tìm bạn trai cho mẹ anh ta. “Mẹ tôi 75 tuổi, một ngày bà nhận được cả trăm cuộc điện thoại từ bọn trẻ trai ở khắp mọi miền. Bị khủng bố tình cảm như thế, nhỡ mẹ tôi lăn quay ra đấy, các chị đền được mạng không?” - anh ta nói.
Nó ngẩn tò te ra một lúc rồi trấn tĩnh giải thích rằng, đây là thông tin độc giả gửi đăng, rằng tòa soạn chẳng thể nào ngờ cái cô gái học Ngoại thương cao 1,63 m, da trắng, tóc dài, môi đỏ, các số đo như hoa hậu ấy lại là bà lão 75 tuổi. Đúng là có nằm mơ nó cũng chẳng nghĩ được trò quậy này của ai đó đối với gia đình anh luật sư to béo. Nó xin lỗi rồi vội vã xóa tin và tự dặn mình cẩn thận hơn khi đẩy rao vặt và cũng từ đó nó nuôi quyết tâm trở thành nhà báo chứ không thể thành “một cô đẩy Rao vặt chấm com”.
Năm tháng dần trôi, nó cứ thế đi bằng hai chân, vừa đẩy tin quảng cáo miễn phí vừa viết bài. Thời gian giúp nó dày dặn kinh nghiệm hơn, nó bắt đầu viết các bài về thế giới doanh nhân: Ăn đâu, làm gì, xả hơi ra sao, đọc sách thế nào, nhậu nhẹt, bán buôn… rồi lấn sang lĩnh vực viễn thông di động, xăng dầu, chính sách thuế. Viết rồi mê. Nó phỏng vấn miệt mài, rồi viết, săn tin, đam mê như thể bị trời hành.
Nó coi những đầu mối cung cấp tin khó tính là thử thách, việc viết lách là cuộc chơi và đã là cuộc chơi thì nó luôn muốn chiến thắng. Sự kiện nào lọt vào tầm ngắm của nó đều bị mổ xẻ te tua, bám sát đến tận ngõ ngách. Có những quyết định giảm thuế ôtô vừa ký chưa ráo mực đã được nó đăng tải trên báo; quyết định điều chỉnh giá xăng dầu mới nằm trên bàn cân nhắc, nó đã biết để xúi bà con đi mua xăng…
Nó bị đồng nghiệp ghét vì sự đón đầu sự kiện của nó. Mặc kệ, đơn độc tác nghiệp bởi rằng viết vì nó là nhà báo chứ chẳng phải vì thế lực nào chi phối hay ai đó nghĩ rằng nó tự đắc, muốn đi đầu.
Nhưng rồi… các cụ nói “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, cái sự đi đầu về tin tức ở một số mảng được phân công cũng khiến nó gặp không ít phiền toái. Hơn một lần nó bị người đứng đầu các bộ ngành mời lên uống nước chè và yêu cầu phải khai người đã cung cấp thông tin.
Năm 2012 được coi là bước ngoặt của cuộc đời - ấy là việc tòa soạn phân công nó sang phụ trách Ban tin Thương mại - nghĩa là chuyển từ công việc đánh đấm, chọc ngoáy sang “vuốt ve, mông má” doanh nghiệp. Lúc đầu, nó tưởng tượng rằng ban mà nó phụ trách sẽ là nơi tràn ngập niềm vui, đầy ắp tiếng cười và ở đó người ta chỉ biết đến tin, tình, tiền. Và đời nó chẳng mấy chốc mà lên tiên khi có nhiều thời gian hơn để mà ăn chơi và ngủ nghỉ.
Thế nhưng, nó nhầm. Ban mà nó phụ trách áp lực chưa từng có khi phải làm dâu tới nghìn họ. Mỗi ngày nó “súc miệng” bằng vài trăm cái e-mail, nghe cơ man là cuộc điện thoại: Lúc thì hỉ hả nói cười khi hợp đồng lớn được ký, khi vật vã với lỗi kỹ thuật, sự đòi hỏi chéo ngoe của khách hàng. Rồi kiện cáo búa xua, rồi đe dọa kiện tụng. Khối lượng công việc nặng đến nỗi một đứa làm việc như bị trời hành, săn tin không biết chán như nó cảm thấy bị áp lực. Rồi nó nhận ra rằng: Chửi người thì dễ nhưng khen lại khó tựa lên trời hái trăng sao, chưa kể khen thế nào để còn được bạn đọc chấp nhận. Chọc ngoáy thường dễ nhận được sự đồng tình của nhiều người hơn là khen ai đó, bởi thiên hạ vốn thích chuyện chửi bới nguyền rủa hơn.
Đôi khi mệt mỏi, nó muốn bỏ cuộc. Nhưng, bỏ cuộc lại không phải là đặc tính của nó. Bởi với nó, mỗi sự cố là một bài học để lớn lên, mỗi lần đau, nó lại thấy gan dạ và lỳ đòn.
Vậy là 9 năm nó làm báo thực sự, hơn một năm chuyển ngạch bán báo. Năm 2013, nó bước sang tuổi nghề thứ 11.
Nguyễn Minh Khuyên
(Theo Sử ký FPT 25 năm)
Ý kiến
()