Hành trình kết nối đang bước vào chặng 23 trên mảnh đất Bình Thuận – một trong những địa điểm có nền nhiệt gắt nhất cả nước. Anh Chu Hùng Thắng, PTGĐ nhà Viễn thông, tham gia thử thách những bước chạy của mình trên cồn cát cao tại đây.
Hành trình trên cát là địa hình 'khó nhằn' nhất của toàn nhà 'Cáo' trong 23 chặng vừa qua. Với sức cản của gió, nhiệt độ nền cát cao, chân dễ bị lún sâu trong cát khiến những bước chạy trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, "Càng khó khăn, càng thử thách tôi càng muốn vượt qua", anh Thắng chia sẻ.
Chặng 23 tại Bình Thuận là địa điểm xuất hiện nhiều cồn cát cao nhất. Trước đó, tại Quảng Bình, các VĐV cũng đã thử thách trên cát như vậy, tuy nhiên khi chứng kiến những cồn cát tại Bình Thuận mới biết thách thức lớn như thế nào. Nắng, gió bụi, cát trơn... tất cả như muốn ngưng bước chạy người 'Cáo'.
Anh Chu Hùng Thắng cùng đồng đội trên cồn cát Bình Thuận. Ảnh: Trần Hùng. |
Tuy nhiên, từ thói quen chạy bộ buổi sáng, anh Thắng tự tin với khả năng thích ứng với điều kiện chạy dù là khắc nghiệt. “Tôi giờ như bị nghiện chạy, không chạy là khó chịu. Hàng ngày, tôi chạy 6 – 8km nhưng riêng ngày cuối tuần nhiều thời gian hơn nên tôi chạy 16km – 20km”, anh Thắng bày tỏ. Do vậy, anh Thắng cùng sự tiếp sức của 30 VĐV khác tiến quân chinh phục "tiểu sa mạc Sahara" ở Bình Thuận. Đôi giày xanh đã theo anh Thắng biết bao cuộc chạy bộ giờ đang lún sâu trong nắng cát nơi đây.
"Dù xa, dù khắc nghiệt nhưng tôi thích trải nghiệm này", anh Thắng nói với quyết tâm cao ngút. Từng tham gia nhiều cuộc thi chạy, gần đây nhất là chạy Marathon 42km, anh Thắng gia nhập nhóm VĐV bán chuyên trong nhửng giải chạy lớn. Trước khi bắt đầu, anh Thắng dành nhiều thời gian khởi động kỹ càng để tránh những rủi ro khi chinh phục đồi cát trong nắng gắt.
Chặng đường cát 700m không thể gây khó khăn cho VĐV số áo 1975. Anh Thắng thực sự tận hưởng cung đường đẹp đẽ trong thử thách trước khi hoàn thành 1km đường chạy thông thường. Ban đầu, anh Thắng đăng ký chạy xong sẽ đồng hành cùng các số thứ tự từ 1976 - 1981 (7 người = 7km), tuy nhiên vì có cuộc họp khẩn nên anh Thắng chỉ chạy cổ vũ VĐV số áo 1976.
Trần Trung Hiếu, thành viên đội quay phim tại "Hành trình kết nối", thở hổn hển chia sẻ: "Chạy trên đó quả thực 'phê'. Trời nắng chang chang, trên cát còn nóng hơn nhiều nhưng anh Thắng chạy quá nhanh khiến chúng tôi khó lòng theo kịp. Tuy nhiên, vẫn kịp ghi lại khoảnh khắc đẹp đẽ và bất diệt này".
Lá cờ FPT dâng cao trên "tiểu sa mạc Sahara" Bình Thuận. Ảnh: Trần Hùng. |
Trước đó, anh Thắng chia sẻ, anh đam mê chạy bộ, thậm chí phát 'nghiện' vì chạy. "Mỗi ngày không được chạy, tôi cảm thấy rất khó chịu", anh nói. Không những thế, anh Thắng còn truyền cảm hứng qua cho hai cô con gái, để Hà Vy và Hà My cũng yêu chạy bộ thể thao như anh.
Mới đây, tham gia đường chạy 42 km Marathon Quốc tế Đà Nẵng có anh Thắng cùng đội ngũ Ban Giám đốc phía Nam. Tại đây, anh Thắng cũng bày tỏ quyết tâm cao chinh phục đường chạy 42 km: “Dù phải đi bộ cũng phải về đến đích”.
Anh Thắng làm việc cùng FPT đã chạm mốc 20 năm bắt đầu khi anh còn là cậu sinh viên năm 2. Gần 20 năm gắn bó, anh thấu hiểu được tinh thần FPT "càng khó khăn càng chinh phục". Do vậy, với tinh thần vững chắc, anh Thắng vô hình dung đã, đang truyền cảm hứng cho các VĐV phía sau anh để họ tiếp tục hoàn thành chặng đường Hành trình kết nối.
Sáng nay (ngày 27/8), “Hành trình kết nối” tiếp tục hành trình với quãng đường dài 88km. Các vận động viên sẽ xuất phát ở chùa Cổ Thạch tiến về thị xã Phan Rí Cửa để sau đó chốt chặng ở trung tâm TP Phan Thiết.
Các VĐV chạy cùng anh Chu Hùng Thắng. Ảnh: Trần Hùng. |
Chặng do 108 vận động viên FPT Telecom Đồng Nai phụ trách. Đây là chặng đầu tiên chỉ do một chi nhánh “cân” nguyên đoạn đường. Đồng Nai là chi nhánh lớn nhất của FPT Telecom, trừ hai đơn vị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Chi nhánh đang có hơn 500 nhân sự.
Do Hành trình kết nối không qua địa phận Đồng Nai mà vòng đường ven biển Bình Thuận vòng xuống Vũng Tàu nên chi nhánh phải di chuyển ra Bình Thuận để chung sức Hành trình kết nối. Dự kiến, chiều tối nay vận động viên mang số áo 2044 là anh Nguyễn An Trường Sơn - PGĐ FPT Telecom Đồng Nai là người thực hiện km cuối cùng của chặng 23.
Trước đó, ngày 5/8, lễ ra quân giải chạy "Hành trình kết nối" do FPT Telecom tổ chức đã diễn ra tại Km số 0 - Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). VĐV mang số áo 0001, Chu Thanh Hà, Chủ tịch FPT Telecom, là người đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình chinh phục cung đường dài 2.600 km từ Bắc vào Nam.
Đến nay, "Hành trình kết nối" đã chinh phục các cung đường: Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình - Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận.
Tính đến ngày 26/8, đã có 1836 vận động viên trong tổng số 3000 người tham gia Hành trình kết nối.
"Hành trình kết nối" diễn ra xuyên suốt trong 31 ngày, từ 5/8 đến 4/9 trên quãng đường dài 2.600 km với 31 chặng tại 28 tỉnh/thành, dọc theo đường trục Bắc Nam, nơi in dấu chân của những người FPT Telecom đã đi qua, những đôi chân không mỏi mệt đưa Internet Việt Nam đi khắp mọi miền Tổ quốc góp vào sự tiên phong và trường tồn của FPT. Trong suốt một tháng, 3.000 người sẽ mặc áo đồng phục phủ một màu cam các ngả đường từ Bắc vào Nam, tạo sức lan tỏa to lớn của hình ảnh FPT đến cộng đồng. Dự kiến ngày 4/9, tại đất mũi Cà Mau, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình sẽ nhận lá cờ FPT từ vận động viên mang số áo 3.000. Lãnh đạo FPT Telecom cắm cờ vào cột mốc kết thúc quốc lộ 1A, đánh dấu hoàn thành đường chạy lịch sử dọc chiều dài đất nước của nhà F. |
Hà Trần
Ý kiến
()