Tướng Nguyễn Văn Man xuống xe, lội nước lũ để tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân. "Mấy ngày qua, bà con ăn gì?", ông vừa hỏi vừa phát đồ ăn cho các hộ dân. Cạnh đó, anh Võ Ngọc Thạnh, phóng viên VnExpress thường trú tại Huế đi theo đoàn, không mang áo mưa, đứng run lạnh vẫn cố chụp ảnh bác Man và đoàn công tác.
Ấy vậy mà chỉ một ngày sau, anh nghe tin đoàn cán bộ gặp nạn do sạt lở. Thạnh vội lên đường. Để ra được Phong Xuân khi đường Quốc lộ 1A ngập, xe máy không đi được nên Thạnh bỏ lại trên vỉa hè ở nhà dân. Anh chỉ kịp nói một câu: "Dì cho con gửi" rồi đi.
Mang chiếc balo trong khi trời mưa tầm tã, nam phóng viên lội trong nước lũ trên đường để bắt xe. May mắn xin được xe cứu hộ, anh leo lên ngồi đằng sau. Đến ngang thị xã Hương Trà, anh lại chuyển sang xe cấp cứu xin đi nhờ. Xe này trên đường lên Phong Xuân cứu hộ nên anh vào được trụ sở xã.
Võ Thạnh có 2 người quen trong đoàn cán bộ mất tích, một người anh quen 10 năm trước khi còn đi lính nghĩa vụ. "Xưa anh ấy là Đại đội trưởng trinh sát, nay là Phó tham mưu trưởng. Một anh khác bên cổng thông tin tỉnh, tôi vẫn thường hay gặp. Khi đang thắp hương ở dốc Ba Trục trên đường vào trạm 67, điện thoại báo sinh nhật anh, tôi giật mình, linh cảm có khi nào anh sẽ được tìm thấy?". Nhưng rồi, điều kỳ diệu đã không xảy ra. Đến trưa, nghe tin về những thi thể đầu tiên được tìm thấy, Thạnh lặng người.
Tuy năm nào khu vực Quảng Trị - Thừa Thiên Huế cũng đón bão vào khoảng tháng 10 đến tháng 12, nhưng chưa khi nào mức độ thiệt hại về người và tài sản nhiều như năm nay, các phóng viên lâu năm đánh giá.
Phóng viên Võ Ngọc Thạnh trong một lần theo thuyền cứu hộ của bộ đội địa phương. |
Từ đêm ngày 6/10, do tác động của dải hội tụ nhiệt đới, mưa lớn kéo dài cộng với nước lũ từ sông Hương, sông Bồ đổ về khiến nhiều nơi tại Thừa Thiên Huế chìm trong biển nước. Mực nước lũ trên sông Bồ là 5,24 m - cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Võ Thạnh lên đường theo cán bộ, chiến sĩ thị xã Hương Trà chèo thuyền phao, lội nước để sơ tán người dân vùng lũ đến nơi an toàn.
Từng trải qua cơn lũ đại hồng thủy, từng đi lính giúp dân, nhưng nam phóng viên VnExpress vẫn còn nguyên những cảm xúc bồi hồi khi chứng kiến những mất mát của bão lũ và tình người trong cơn hoạn nạn. Kỷ niệm anh nhớ nhất là lần cùng nhóm bộ đội 6 người chèo thuyền phao vào đưa bà cụ 87 tuổi ở ven sông Bồ ra ngoài.
Nhận tin bà Hà Thị Liền (87 tuổi) ở phường Tứ Hạ mắc kẹt trong lũ, cán bộ của Ban chỉ huy quân sự thị xã đã chèo thuyền phao tiếp cận. Nước lũ chảy xiết, những người lính phải nhảy xuống dòng nước lũ để lai dắt thuyền. Sau gần một tiếng, bà Liền bị gãy tay được bộ đội bế lên thuyền ngồi. Sợ thuyền không đủ sức chứa, những chiến sĩ nhảy xuống lai dắt thuyền. Dòng nước lũ chảy xiết, các anh phải bám, níu vào dây cáp quang đang treo lơ lửng trên đường để đi...
Sau hơn 30 phút vượt lũ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự thị xã Hương Trà cũng đưa được bà Liền và hai người con lên Quốc lộ 1A. Bà Liền được một người lính bế lên xe đang chờ sẵn. Bức ảnh phóng viên Võ Thạnh chụp được trong khoảnh khắc ấy khắc họa rõ nét sự khắc nghiệt của thiên tai và tinh thần vì dân của người lính Việt.
Sau hơn 30 phút vượt lũ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự thị xã Hương Trà đưa được bà Liền và hai người con lên Quốc lộ 1A. Bức ảnh phóng viên Võ Thạnh chụp được trong khoảnh khắc ấy khắc họa rõ nét sự khắc nghiệt của thiên tai và tinh thần vì dân của người lính Việt. |
Không chỉ phóng viên thường trú, một số phóng viên từ địa phương khác cũng nhận được lệnh điều động vào khu vực miền Trung đưa tin. Gặp bao thách thức trong việc sắp xếp gia đình, di chuyển trên địa bàn lạ..., các phóng viên đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Thông thường, gần 10 phóng viên tác nghiệp độc lập để hoàn thành nhiều đầu việc hơn, đưa tin đa dạng hơn.
Được sự điều động của tòa soạn khi đang tác nghiệp tại Quảng Trị, Hoàng Táo - phóng viên thường trú tại khu vực Quảng Trị - khá bất ngờ nhưng lập tức sắp xếp công việc để lên đường vào Thừa Thiên Huế. Khi đó, tỉnh Quảng Trị gần như bị cô lập hoàn toàn bởi giao thông trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ cùng với sạt lở đất.
Anh bắt xe khách để đến Huế. Nhiều đoạn đường bị tắc vẫn chưa kịp khắc phục cùng với mưa to khiến xe phải thay đổi lộ trình liên tục để vòng tránh. “Thậm chí có khi xe phải đi đường vòng ven rừng dù ngoài trời mưa không ngớt, nguy cơ sạt lở có thể tiếp diễn bất cứ lúc nào”, Hoàng Táo nhớ lại.
Phóng viên Hoàng Táo (phải) lội lụt tác nghiệp. |
Khi tới Huế, không thông thuộc địa bàn cũng như tình hình tại thời điểm đó là một trong những khó khăn đầu tiên Hoàng Táo phải trải qua. Tuy nhiên, khi biết anh là phóng viên đưa tin bão lũ tại Huế, người dân đã nhiệt tình chỉ đường đến sở chỉ huy tiền phương của đội cứu hộ, cứu nạn tỉnh.
“Có một thanh niên đi ngược hướng thấy tôi liền ghé lại hỏi: ‘Nhà báo hả?’ rồi tận tình chỉ đường nào bị tắc, đường nào đi nhanh để tôi mau tới nơi” - Táo kể. Không những thế, dù nhà cửa còn ngổn ngang sau bão lũ, người dân xung quanh vẫn nhiệt tình giúp đỡ chính quyền địa phương cũng như lực lượng cứu hộ chuẩn bị chỗ ăn ở tươm tất để các phóng viên yên tâm tác nghiệp.
Là phóng viên VnExpress thường trú tại địa bàn Quảng Nam hơn 3 năm qua, “sống chung”, thậm chí “săn bão”, “săn lũ” đã trở thành bản năng của phóng viên Đắc Thành. Khi biết thông tin lũ lớn xuất hiện mà vùng rốn lũ sẽ tập trung ở phía Bắc tỉnh Quảng Nam gồm các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn và TP Hội An, anh đã về huyện Đại Lộc chuẩn bị sẵn. "Bởi lúc đó đường xá chưa bị chia cắt, còn khi nước lũ đã về thì nhiều khu vực sẽ bị ngập nặng, có ghe xuồng nếu gặp vùng nước chảy xiết thì cũng chưa chắc tiếp cận được", anh nói.
Anh Đắc Thành tác nghiệp trong điều kiện ngập lụt tràn vào nhà. |
Nhưng, ít ai biết chính ngôi nhà anh bị nước lũ tràn vào mà không thể có mặt giúp đỡ gia đình. Hôm 11/10, Đắc Thành đang ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, thì được tin nhà của anh ở thành phố Tam Kỳ nước đã dâng lên đến 20 cm. Lúc đó chỉ có vợ con ở nhà. “Tôi vừa đi làm nhưng vừa lo cho gia đình bị ngập”, anh tâm sự. May sao hàng xóm xung quanh biết đến công việc của anh nên mỗi đợt chạy lũ là họ lại chung tay phụ giúp dọn dẹp, đưa tài sản lên cao. Khi thu dọn xong, vợ anh chỉ kịp bồng con mang theo quần áo lội nước lũ ngập đến bụng để di chuyển đến ở nhà người thân cách 5 km.
"Cứ đi thôi, ngày về thì không biết trước", phóng viên Hoàng Giang Huy rời Hà Nội, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ tại miền Trung đang đổ lũ. Sau khi đưa tin giải cứu những người trên tàu Vietship 01 mắc cạn ở cảng Cửa Việt - Quảng Trị cùng Hoàng Táo, Giang Huy lại vào Huế đưa tin bão lũ. Sản phẩm ấn tượng nhất của anh là "Phố cổ Bao Vinh ngập lũ".
Thời điểm ấy, sau 2 ngày mưa lớn liên tục, nước sông dâng cao, tràn vào khu dân cư. Phóng viên VnExpress lội nước lên đến ngang bụng để có thể ghi nhận chân thực nhất cuộc sống của người dân. Như anh Thắng lội ra tận ngoài đường mới có thể mua đồ ăn về nấu. Mẹ con chị Hương nghỉ bán hàng ăn vì nước lại tràn vào nhà. Anh Tùng tự kéo bình gas nổi lõm bõm trên mặt nước về nấu ăn. Ông Tuấn thấp ở lại một mình trông coi nhà khi mọi người đã sơ tán đến nhà họ hàng…
Phóng viên Hoàng Giang Huy từ Hà Nội vào Huế đưa tin bão lũ. |
Đợt mưa lũ này, bên cạnh trang bị của cơ quan là quần áo chống nước, các phóng viên cũng tự sắm thêm ô, áo mưa. Do mưa lũ, cộng với ảnh hưởng cơn bão số 5 trước đó, nên nhiều vùng thấp trũng ở Huế cấp điện, không có mạng dùng. Trước lúc vào vùng lũ, phóng viên Võ Thạnh phải sạc đầy pin điện thoại, sạc dự phòng. Có lúc máy hết pin, anh phải dùng pin của flycam để sạc điện thoại.
Thời gian tác nghiệp về lũ, mưa kéo dài. Trước lúc đi làm, các phóng viên phải dùng bao nilon bọc lại máy ảnh, điện thoại phải dùng bao chống nước. "Chuẩn bị kỹ càng là thế, nhưng nước lũ cộng với mưa như trút khiến cả người tôi đều ướt mỗi khi lấy tư liệu cho bài viết", phóng viên Đắc Thành kể. Người ướt đã đành, nhưng Thành chia sẻ khó khăn nhất là giữ cho máy ảnh, máy quay hoạt động tốt trong điều kiện nước ướt, độ ẩm cao.
"Ướt cũng phải chịu thôi, đi chụp ướt về lại lau", Hoàng Giang Huy cười. Có hôm ở vùng lụt tại Huế cả 4 ngày mưa tầm tã, máy ảnh thấm nước, anh vẫn phải dùng để tác nghiệp. Chàng phóng viên từ Hà Nội thuê một căn phòng khách sạn ở thành phố Huế. Mỗi ngày anh về phòng tắm rửa, thay quần áo, sạc pin cho các thiết bị, xong rồi lại đi. "Tiện lúc nào thì ăn lúc đấy ở quán hoặc hôm nào nào nhờ được nhà dân xin bát mì vừa ăn vừa làm là sướng lắm", Huy kể.
Sinh hoạt thất thường là điều các phóng viên phải chấp nhận khi tác nghiệp thiên tai. "Như hôm nghe tin có vụ sạt lở là tôi đang lội lũ ở trong thành nội để tác nghiệp cùng đồng nghiệp. Khi chính quyền xác nhận tin, tôi lên đường ngay chỉ với máy ảnh và chiếc balo. Lúc đó, phòng trọ ngập sâu không về được nên tôi không lấy áo quần đi. Ba ngày ở lại Phong Xuân, ăn ngủ tại nhà dân với một bộ áo quần", Võ Thạnh nhớ lại.
Từ phía tòa soạn, nam phóng viên thường trú Huế cũng nhận được sự hỗ trợ tối đa. "Tôi được chuẩn bị áo quần bảo hộ, ủng. Máy điện thoại hư hại khi tác nghiệp, tòa soạn cũng gửi điện thoại vào thay thế. Lãnh đạo tòa soạn luôn kết nối hỏi tình hình tác nghiệp ở hiện trường thường xuyên". Ngoài ra, tòa soạn còn hỗ trợ về thông tin, kết nối để phóng viên thuận lợi công việc hơn trong trường hợp cần thiết.
Hoàng Giang Huy tâm sự, là phóng viên lâu năm, đã quá quen với thiên tai, hỏa hoạn… nhưng anh vẫn không kìm được cảm xúc trước những cảnh thương tâm như những giọt nước mắt tại đám tang mùa lũ, hay khi nhìn thấy người dân phải bơi ra để lấy đồ ăn. Có những người phải nhịn mấy ngày liền để chờ đồ tiếp tế.
“Tôi muốn tác nghiệp ở những nơi vui chơi, hội hè… Không ai muốn phải tác nghiệp ở những nơi tang thương, mất mát như vậy. Tôi chỉ mong bà con vùng lũ sớm vượt qua nỗi đau để ổn định cuộc sống”, Hoàng Táo trải lòng.
“Tôi chỉ mong sao bạn đọc phát huy tinh thần nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ người dân miền Trung khi liên tục hứng chịu những đợt mưa lũ chưa từng ghi nhận. Sự chung tay của các bạn sẽ góp phần giúp người dân miền Trung bù đắp một phần thiệt hại do thiên tai gây ra” - đó là mong muốn của phóng viên Đắc Thành khi dấn thân đưa tin về miền Trung oằn mình hứng bão.
>> VnExpress triển khai giải chạy ảo hướng về miền Trung
Minh Quân - Hà An
Ảnh: NVCC
Ý kiến
()