Chúng ta

Onsite ở xứ người

Thứ năm, 27/10/2011 | 14:14 GMT+7

Tại các thị trường mới như Campuchia, Lào, Singapore... nơi có nền văn hóa gần như tương đồng với Việt Nam, cuộc sống của các nhân viên FPT onsite nơi đây cũng có rất nhiều câu chuyện thú vị.

Thủ đô Viêng Chăn của Lào rất nhỏ, chỗ làm xa nhất cũng chỉ cách văn phòng đại diện Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) khoảng 6 km. Hoàng Mạnh Đạt, văn phòng đại diện FPT IS tại Lào, cho biết: “Văn phòng có trang bị xe máy. Bọn mình sử dụng xe máy là phương tiện chính để di chuyển”.

Một đặc điểm dễ nhận thấy ở Lào là giao thông rất trật tự, phân luồng phương tiện tốt và đặc biệt ý thức của người dân khá cao nên tai nạn ít khi xảy ra. Anh Nguyễn Hữu Huynh, Trưởng Văn phòng đại diện FPT IS tại Lào, tếu táo: “Người Lào gần như không dùng còi, đi đường nghe tiếng còi thì đoán ngay là người Việt Nam”.

Anh Đào Hồng Giang, nguyên trưởng văn phòng đại diện của FPT IS tại Lào, ấn tượng về đất nước này bởi số lượng ngày nghỉ nhiều và mùa mưa kéo dài, trong khi phương tiện di chuyển hiện tại của FPT IS tại Lào là xe máy nên gây khó khăn cho anh em. Phương tiện đi lại công cộng ở đây lại rất đắt đỏ thậm chí còn không có, nhất là vào buổi tối.

Ở Lào hai năm, anh Giang nhớ nhất là lần bay từ Viêng Chăn về Hà Nội đúng dịp tết té nước của Lào năm 2010. Anh biến thành con tắc kè hoa ướt lướt thướt vì những bọc nước phẩm màu của các bạn Lào.

Người Lào chuộng món ăn nướng như xôi nướng, gà nướng, trứng nướng, thịt nướng, cá nướng… Tuy nhiên, có một điều rất dễ nhận thấy món ăn của Lào rất cay. “Thời gian đầu sang Lào, đồ cay rất khó ăn, trong khi đi ăn đồ Việt thì đắt như mình đi ăn quán Nhật hay quán Hàn Quốc ở nhà”, anh Đạt tâm sự.

a

Anh Hoàng Mạnh Đạt, Văn phòng đại diện ở Lào (trái). Ảnh: NVCC.

Cũng là nước láng giềng của Việt Nam, Campuchia gần TP HCM cùng với cộng đồng người Việt tại đây khá đông đảo nên văn hóa có nhiều nét tương đồng. Được mệnh danh là vương quốc ôtô giá rẻ, sang Campuchia, mọi người “mãn nhãn” khi được nhìn thấy nhiều ôtô đẹp lướt trên đường phố.

Tuy nhiên, nhiều nhân viên FPT onsite tại đây gặp cản trở trong giao tiếp khi không biết ngôn ngữ bản địa. Đặc biệt, phí giao dịch tại Campuchia đều bằng USD nên khá đắt đỏ.

Anh Phạm Quốc Vương, FPT IS tại Campuchia, tâm sự: “Khi sang đây làm việc, mình như quay lại cuộc sống thời sinh viên, phải tự lập hoàn toàn nhưng ở mức cao hơn, ví dụ giặt máy thay bằng giặt tay như thời sinh viên”.

a

Anh Phạm Quốc Vương (trái) chụp ảnh trong ngày khai trương FPT IS tại Campuchia. Ảnh: NVCC.

Món ăn tại Campuchia rất ngon, mọi thứ được nuôi trồng tự nhiên không dùng nhiều hóa chất như ở Việt Nam. Họ ăn nhiều thịt và có món nước chấm đặc trưng là “mắm bò hóc”.

Đường xá khi mưa cũng hay ngập. Nhưng văn hóa giao thông ở đây cũng rất tốt, người Campuchia đi xe nhường nhịn nhau và không bao giờ dùng còi. Anh Vương kể, có thể nhậu ở quán ngay ngã tư xe chạy mà không cảm thấy ồn ào do không có tiếng còi xe.

“Cũng giống như cán bộ tại Lào, văn phòng có chỗ ở, mình đi khách hàng bằng xe máy do công ty mua”, anh Vương cho biết.

Đối với những anh em đi onsite tại Singapore thì thuận lợi nhất là ngôn ngữ giao tiếp. Người Singapore có thể nói nhiều thứ tiếng và tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông nhất.

Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Phát triển phần mềm tại Singapore của Global Notes Compete, trực thuộc Công ty Phần mềm FPT (FPT Software), cho biết: “Từ nhà mình tới chỗ làm khoảng 20 km và phương tiện chủ yếu là tàu điện và xe bus. Singapore tuy nhỏ nhưng hệ thống tàu điện rất đồ sộ và thuận tiện nên đi lại rất nhanh và sạch sẽ”.

Onsite là giai đoạn để cán bộ tìm hiểu và đánh giá kỹ về hệ thống, quy trình làm việc của khách hàng để sau đó về Việt Nam tiếp tục thực hiện công việc.

Ngoài việc thích nghi với cuộc sống thì làm quen với thị trường và khách hàng là thử thách không nhỏ với người FPT onsite.

Đã làm việc cho Công ty Thương mại FPT (FPT Trading) tại Campuchia hơn 6 tháng, anh Huynh đang bắt đầu 3 tháng thử thách nhận bàn giao công việc của Trưởng Văn phòng đại diện FPT IS tại Lào. Dù chưa có gia đình, anh Huynh dự định sang Lào làm việc theo kế hoạch 3 năm, nhưng có thể dài hơn 5 hoặc 10 năm phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

“Khách hàng ở Lào hiền hơn Việt Nam. Người dân dễ gần, làm việc đúng giờ, tuân thủ luật rất tốt, đặc biệt là giao thông. Đa số khách hàng biết FPT, quen làm việc với người Việt Nam. Bên cạnh đó, văn phòng đại diện của FPT IS có thuận lợi khi được hỗ trợ mạnh mẽ của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và sự hỗ trợ 100% của Ban lãnh đạo FPT IS đối với thị trường Lào”, anh Huynh nhìn nhận.

Sau 2 năm làm việc ở Lào với nhiệm vụ duy trì, mở rộng kinh doanh của FPT IS tại đây, anh Giang đúc rút kinh nghiệm: “Người Lào có quan niệm mạnh hơn về đạo đức và chữ tín trong kinh doanh. Có lẽ, xuất phát điểm là đi sau nên họ chủ yếu nghe theo tư vấn của các nước phát triển hơn. Nếu một lần mắc lỗi, họ sẽ bỏ qua mình luôn”.

Theo anh Giang, tại Lào, FPT IS gặp khó khăn khi vấp phải sự cạnh tranh mạnh từ các quốc gia phát triển khác như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… Trình độ IT của khách hàng không cao, nên thường vừa làm vừa tư vấn, động viên, giải đáp thắc mắc mất nhiều thời gian để ra được dự án. Hầu hết khách hàng không theo kế hoạch nên dự án có khi dựng chương trình cả năm nhưng sang năm sau họ lại hoãn chưa triển khai.

Nhìn nhận ở khía cạnh con người, Hoàng Mạnh Đạt cho biết: “Người Lào hiền lành, thật thà và không bon chen. Họ hài lòng với những gì đang có. Khách hàng ở đây nói chung khá ôn hòa, không thích to tiếng hay cáu gắt, vì vậy, tốt nhất là luôn giữ nét mặt mỉm cười khi tiếp xúc với họ thì công việc chắc chắn sẽ tiến triển thuận lợi hơn”.

Thị trường Campuchia lại được đánh giá mở hơn ở Việt Nam về chính sách cũng như tập quán kinh doanh. Mặt bằng chung Anh ngữ khá tốt nên thuận lợi trong giao dịch.

Anh Vương, người đảm nhận công việc phát triển thị trường ở FPT IS Campuchia được gần 2 năm, kể, khách hàng nước này thường yêu cầu cung cấp dịch vụ trọn gói, kế hoạch triển khai phải thật chi tiết và hay yêu cầu cần đáp ứng trong thời gian rất ngắn. Họ vẫn đầu tư theo nhu cầu phát sinh nhiều hơn là lập kế hoạch bài bản. Đặc biệt, người Campuchia cũng thích nhậu.

Là con rồng kinh tế ở châu Á, Singapore có đặc điểm giống các nước tư bản ở châu Âu hay Mỹ, chỉ có chất lượng của sản phẩm và thái độ phục vụ mới tạo được niềm tin nơi họ. “Vì vậy, những quan hệ “đi đêm” hầu như không phát huy tác dụng”, anh Lê Hồng Sơn, người đã gắn bó với đất nước này 4 năm, chia sẻ.

Công việc của Trưởng phòng Phát triển phần mềm như anh chủ yếu là quản lý dự án và quan trọng nữa là duy trì quan hệ với khách hàng. Về mặt công việc, gia đình anh Sơn hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, bố mẹ anh vẫn lo anh đi xa lâu ngày sẽ ế vợ. Dự định năm nay, anh Sơn sẽ "giải ngũ" để về Việt Nam cưới vợ cho bố mẹ yên lòng.

Phải xa gia đình trong thời gian dài nên ngoài công việc, anh em onsite cũng đã xây dựng đời sống tinh thần phong phú.

Các cán bộ FPT Software ở Singapore thư giãn sau giờ làm việc. Ảnh: NVCC.

Các cán bộ FPT Software ở Singapore thư giãn sau giờ làm việc. Ảnh: NVCC.

Văn phòng đại diện tại Lào của FPT IS chính thức có 3 người, hiện có thêm đội dự án gần 20 người đang triển khai công việc trong vòng 6-9 tháng. Anh em ở luôn tại văn phòng, bên dưới làm văn phòng, tầng trên là phòng ở. Do ở tập trung nên anh em thường có hoạt động tập thể rất vui. Đặc biệt, để rèn luyện sức khỏe, phong trào thể thao của anh em phát triển mạnh với các nhóm chơi cầu lông, điền kinh, bóng đá… Thỉnh thoảng cuối tuần là những trận bóng đá giao hữu với khách hàng vừa tăng cường sức khỏe vừa để tạo quan hệ thân thiết.

Anh Đạt chia sẻ: “Thỉnh thoảng, mình gặp gỡ, tụ tập nhậu nhẹt với Hội Doanh nghiệp người Việt tại Lào và tháng sang Thái Lan một lần để chơi và mua sắm”.

Khoảng 2-3 tháng, anh Đạt về thăm nhà. Những lúc nhớ nhà, anh online, gọi điện cho bạn bè, người thân ở Việt Nam hoặc gặp gỡ hội người Việt đang sinh sống tại Lào.

Ở Campuchia, đời sống tinh thần của anh em khá tự phát, mỗi người tự lựa chọn cho mình một hình thức xả stress sau giờ làm việc. Anh Vương chia sẻ: “Do mình hơi mập nên hay ra sân vận động chạy bộ hoặc thỉnh thoảng tập gym, tuy nhiên không thường xuyên do tối hay phải đi tiếp khách hàng”.

Hiện có khoảng 30-40 nhân viên FPT Software công tác tại Singapore. Đời sống tinh thần của anh em cũng khá đa dạng. Ngoài các buổi teambuilding của công ty, anh em có thể tự tổ chức tại nhà. Ngoài ra, mọi người còn tham gia các hoạt động ngoại khóa với cộng đồng người Việt và bạn bè các nước.

Tại FPT, chỉ có duy nhất FPT IS đặt chân đến thị trường Lào. Văn phòng đại diện của FPT IS tại Lào khai trương ngày 25/5/2010, đã từng triển khai hệ thống ngân hàng lõi Smartbank cho Ngân hàng Ngoại thương Lào BCEL, Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Ngân hàng Public Bank tại Lào, Ngân hàng Indochina Bank… Hiện, các cán bộ đang triển khai Hệ thống ngân hàng lõi Oracle Flexcube cho Ngân hàng Liên doanh Lào Việt.

Tại Campuchia, FPT IS và FPT Telecom cũng tiến hành khai phá thị trường này. FPT IS tại Campuchia thành lập ngày 19/5/2010. Tại Campuchia, các cán bộ đang làm dự án như gói network trong dự án tổng thầu InternetBanking cho ngân hàng Canadia (ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Cambodia), hợp đồng cung cấp máy chủ IBM cho BIDC…

Tại Singapore, FPT IS và FPT Software đều đã mở công ty tại đây. FPT Software tại Singapore thành lập năm 13/3/2007 có vai trò bán hàng và hỗ trợ khách hàng ngay tại Singapore.

Lưu Vân

Ý kiến

()