Chúng ta

Nhà F miền Trung khẩn trương phòng bão số 5

Thứ năm, 17/9/2020 | 10:32 GMT+7

Các đơn vị nhà F tại miền Trung đã và đang khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão số 5, dự kiến đổ bộ vào các tỉnh Trung bộ vào chiều mai (18/9).

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, bão số 5 (tên quốc tế là Nuol) có hướng di chuyển nhanh, phức tạp. Sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 10 - 11, giật cấp 13. Dự kiến đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Theo tình huống này, sẽ có trên 500.000 người dân thuộc các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của bão phải sơ tán.

bao-8801-1600304953-3052-1600325366.jpg

Dự kiến đường đi và vùng ảnh hưởng của bão Noul. Ảnh: NCHMF

Chuẩn bị ứng phó thời tiết bất thường, Ban điều hành FPT Telecom đã kích hoạt kịch bản phòng chống lụt bão và xác định các chi nhánh nằm trong tâm bão gồm: Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Cùng thời điểm, Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng (INF, FPT Telecom) đã chủ động thông báo đến các chi nhánh trong khu vực dự báo ảnh hưởng công tác phòng, chống bão. Theo đó, các chi nhánh phải cập nhật liên tục tình hình thời tiết tại địa phương; chủ động rà soát lại hạ tầng/đài/trạm; đánh giá mức độ rủi ro và xử lý ngay: ngập, thấm dột, chập điện…; cắt cử nguồn lực trực hạ tầng 24/7 và chuẩn bị sẵn sàng vật tư... Song song đó, FPT Telecom cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin từ ủy ban phòng chống lụt bão tại địa phương để có đầy đủ thông tin về thời tiết, các vùng có khả năng xảy ra nguy hiểm… để có phương án hợp lý an toàn trong công tác vận hành và ứng cứu.

Để chủ động ứng phó với bão, FPT Telecom Vùng 4 đã liên tục họp khẩn, kích hoạt, triển khai các phương án đã chuẩn bị từ trước. Anh Nguyễn Đăng Duy, Giám đốc chi nhánh Đà Nẵng, yêu cầu đội kỹ thuật liên tục báo cáo tình hình, tăng cường nhân lực, theo dõi chặt diễn biến của bão để chủ động ứng phó với tình hình thực tế.

fpt-phong-bao-5054-1600313494.jpg

FPT Telecom miền Trung chủ động phòng bão.

Phó phòng kỹ thuật chi nhánh Đà Nẵng Châu Ngọc Vinh cho hay, hiện tất cả nhân lực kỹ thuật đều đã bắt tay vào triển khai công việc gấp rút. Tất cả các trạm thu phát đều được kiểm tra, rà soát cẩn thận. Đơn vị đã bố trí lịch trực trước, trong và sau bão để đảm bảo nguồn lực ứng phó với các sự cố. Chi nhánh cũng đã chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị để sẵn sàng chống bão.

Anh Vinh đánh giá, việc lo ngại nhất là các trạm thu phát bị ảnh hưởng, hư hại, sự cố đứt cáp do gió giật, cây xanh gãy, đổ,... cũng đã được chi nhánh tính đến. Ngoài ra, các chi nhánh cũng đang tập trung tối đa vào mục tiêu đảm bảo vận hành và hạn chế thiệt hại do bão.

Tại FPT Software Đà Nẵng, đại diện Trung tâm dịch vụ sẻ chia (SSC), cho hay đơn vị đã lên phương án để chủ động phòng chống cơn bão số 5, phát đi thông báo với CBNV. Cụ thể, yêu cầu nhân viên trong khoang trước khi ra về tắt hết các thiết bị đèn điện, rút dây nguồn máy tính, đóng hết cửa sổ lại và kéo các tấm rèm cửa sổ ra để bảo vệ đi kiểm tra có thể quan sát được sự cố bên trong. Đối với nhân viên cần lưu trú ở lại qua đêm/làm theo ca tại tòa nhà, đơn vị đã lập danh sách và sắp xếp chỗ ở lại chu đáo. Trong trường hợp bão có xảy ra cúp điện, quản lí toà nhà F- Complex sẽ không chạy máy phát điện nên cần lưu trữ dữ liệu cẩn thận và chuẩn bị sẵn đèn pin. Các cửa kính sẽ được cột chặt trong thời gian cơn bão đổ bộ trực tiếp.

Ngay khi nhận thông báo về hướng đổ bộ của cơn bão, các cửa hàng FPT Retail miền Trung đã được kiểm tra cơ sở vật chất cẩn thận. Khắc phục ngay các sự cố thấm, dột,... tránh hư hại cơ sở vật chất, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Anh Trần Văn Thắng, quản lí kinh doanh khu vực, cho hay đã có cuộc họp giữa ban lãnh đạo và quản lí các cửa hàng, yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc phòng chống bão số 5. Các đơn vị cũng thực hiện tăng ca nhân viên, đảm bảo nhân lực ứng phó với sự cố khi cần thiết.

Trong ngày hôm nay (ngày 17/9), nhà Giáo dục cũng sẽ tiến hành kiểm tra, thực hiện việc gia cố các cửa sổ, phòng học... để ứng phó với bão.

Dự báo, bão mạnh nhất khi cách ven bờ biển Trung bộ khoảng 100 km, với sức gió mạnh nhất có thể lên đến cấp 12. Hoàn lưu của cơn bão này rất rộng nên các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đều chịu ảnh hưởng. Do ảnh hưởng của bão số 5, mưa lớn sẽ tập trung ở các tỉnh bắc và trung Trung bộ với lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm. Trong đó, khu vực các tỉnh Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có thể mưa lên đến 300 - 400 mm. Vùng núi có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét trong khi các đô thị đối mặt với gập úng. Dự báo sóng biển cao nhất do ảnh hưởng của bão số 5 ở ngoài khơi các tỉnh Trung bộ 5 - 7 m, ven biển bắc và trung Trung bộ là 3 - 5 m.

Nguyễn Huy

Ý kiến

()