Chúng ta

Người VioEdu: ‘Dịch Covid-19 là lúc cả nước cần chúng tôi nhất’

Thứ năm, 5/3/2020 | 17:17 GMT+7

Hơn 1 tháng nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 khó lường, ranh giới giữa “ngày” và “đêm”, “gần” và “xa” không còn có ý nghĩa đối với 30 người VioEdu.

Một chiều trung tuần tháng Hai, sau khi gấp rút hoàn thành buổi tập huấn tại 1 trường học ở Hà Nội, Nguyễn Bá Việt (Cán bộ phụ trách phát triển kinh doanh VioEdu) hộc tốc chạy tới bến xe để lên Lào Cai. Sau hành trình dài 5h đồng hồ, Việt đặt chân đến Lào Cai khi trời đã tối đen như mực. Anh và đồng đội không có thời gian để nghỉ ngơi. Ngay lập tức, họ vội vã di chuyển tới Sở Giáo dục tỉnh Lào Cai. Anh không thể chậm trễ, bởi hàng trăm trường học và cả nghìn giáo viên đang ở đó, đợi anh tập huấn về VioEdu.

Chuyến đi tưởng rằng kết thúc sau 1 ngày, nhưng đã kéo dài thêm tới 2 ngày nữa. Bởi vì rất nhiều giáo viên vùng xa vẫn còn thắc mắc về hệ thống VioEdu. Trong khi đó, nhu cầu được đào tạo về VioEdu ở một số trường khác vẫn còn nhiều.  

Sau 72h ở Lào Cai, Việt lại khẩn trương quay trở lại Hà Nội để có chuyến đào tạo tiếp theo. Những chuyến đi công tác như vậy trong mùa dịch Covid-19 vẫn diễn ra thường xuyên đối với Việt và các đồng đội. Bởi trong thời điểm này, nhu cầu học online của các trường rất nhiều. Nhu cầu đó đã khiến Việt có hơn 1 tháng làm việc không một ngày nghỉ, căng sức để đưa VioEdu đến gần hơn tới học sinh cả nước trong thời điểm dịch bệnh.

Chỉ trong vòng 20 ngày, anh đã có hơn 10 chuyến công tác khắp các tỉnh. Chuyến tập huấn xa nhất mà anh đi là TP HCM. Không thiếu những hôm Việt về đến nhà khi đồng hồ đã điểm 3h sáng. Vợ và 2 nhóc tì của anh đã say ngủ từ lâu. Rạng sáng, anh lại đi làm từ sớm. Có khi vợ con anh vẫn chưa kịp bình minh. Vất vả là vậy, Việt vẫn khẳng định: “Tôi đã, đang và sẽ cố gắng tới 300% khả năng của mình”. Bởi anh hiểu, VioEdu là sản phẩm có ích lợi thiết thực cho học sinh nước nhà.

anh-Nguyen-Ba-Viet-VioEdu_1583320587.jpg

Việt (áo xanh) tranh thủ giải đáp trực tuyến các thắc mắc của học sinh, giáo viên trước giờ lên đường cho chuyến "đi tỉnh" tiếp theo. 

Cùng nhóm với Việt, Đỗ Huy Hoàng cũng có con nhỏ. Bé mới 7 tháng tuổi nên gia đình anh lúc nào cũng “xoay như chong chóng”. Thời gian vừa rồi, anh đành giao phó công việc nhà cho vợ quán xuyến để “đi tỉnh”. Anh tự nhận mình may, khi được bà xã thông cảm và bố mẹ đỡ đần chút việc nhà. Bà xã của Hoàng cũng là một nhân tố trong đội ngũ VioEdu.

Thực tế, những chuyến đi tỉnh không hề dễ dàng cho anh và mọi người. Khó khăn thứ nhất về khoảng cách, thứ hai về điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn và thứ ba là khả năng tiếp nhận công nghệ của giáo viên chưa nhanh. Điều đó khiến cho người đào tạo VioEdu mất công, mất sức hơn nhiều. Giáo trình cần soạn tỉ mỉ hơn đối với từng đối tượng, người dạy mất thời gian để bố trí thiết bị và đường truyền, sắp xếp 2, 3 giáo viên ngồi chung một máy tính khi trường không đủ máy,…

Ấy nhưng sau mỗi chuyến đi tỉnh như vậy, Việt và Hoàng vẫn chưa đành lòng yên tâm khi quay trở về xuôi. Việt luôn nghĩ, mình phải có trách nhiệm giải đáp và hỗ trợ học sinh, giáo viên, nhà trường ngay khi họ cần. Vì vậy, Việt và Hoàng duy trì liên lạc với tất cả các giáo viên bằng mọi công cụ như: Skype, Zalo, Teamview, điện thoại,… Bất cứ khi nào có thắc mắc, dù là 2h sáng, nhóm cũng sẽ giải quyết vấn đề ngay lập tức.

Đồng nghĩa với những chuyến đi của đội Việt tới cả ngàn điểm trường trong vòng 1 tháng, là tỉ lệ học sinh truy cập hệ thống VioEdu tăng lên đột biến. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, số lượt câu hỏi ôn luyện được thực hành trên hệ thống đã lên tới 10 triệu lượt.

Khi nhận về tới 10 triệu lượt thực hành kiến thức, câu chuyện lại dồn lên vai của đội Kỹ thuật với những băn khoăn từ nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh rằng: “Liệu VioEdu có đủ sức tải cho hàng chục, hàng trăm nghìn lượt truy cập cùng lúc hay không?”. Giải đáp cho thắc mắc trên, anh Nguyễn Việt Cường (Giám đốc Công nghệ VioEdu) khẳng định, hệ thống được xây dựng với mong muốn phục vụ hàng chục triệu học sinh, thầy cô giáo, vì thế chúng tôi đã lựa chọn những công nghệ đại để xây dựng hệ thống, hạ tầng sử dụng điện toán đám mây. “Vậy nên, chúng tôi đủ khả năng để phục vụ tốt cho việc tăng trưởng nhanh về số lượng người sử dụng hiện tại và cả trong tương lai”.

Hàng trăm nghìn lượt trả lời câu hỏi khác nhau đồng nghĩa với hàng trăm nghìn kết quả trả về hệ thống trong cùng một thời điểm. Gồm cả thảy vỏn vẹn 10 người, đội Kỹ thuật luôn trong tinh thần cao độ, chuẩn bị các phương án dự phòng để sẵn sàng xử lý sự cố nếu có. Thường ngày về nhà lúc 8h tối, nhưng công việc của Cao Tùng Anh (Coder đội Kỹ thuật VioEdu) vẫn chưa kết thúc tại đó. Hàng đêm đội vẫn hỗ trợ các trường qua Zalo, có khi tới gần sáng. Những ngày cuối tuần, anh và “chiến hữu” sẽ xuống các trường để hỗ trợ đội kinh doanh tác chiến. Tùng Anh gần như không có ngày nghỉ. “Mỗi người một việc”, anh nói, “chúng tôi động viên nhau, cùng nhau cố gắng để mang tới một sản phẩm hoàn thiện nhất”.

Không chỉ Việt, Hoàng hay Tùng Anh, mà ranh giới giữa “ngày” và “đêm”, “gần” và “xa”, cũng không còn có ý nghĩa đối với 30 người VioEdu trong bối cảnh dịch Covid-19 khó lường như hiện tại.

“Tôi rất hiểu và chia sẻ nỗi vất vả của nhân viên mình”, anh Nguyễn Ngọc Minh, PGĐ Công nghệ FPT, phụ trách trực tiếp VioEdu, bộc bạch. Thời gian này, chuyện nhân viên của anh phải làm tới 1h, 2h sáng và không một ngày nghỉ đang dần trở thành chuyện “bình thường”. Đặc biệt là Giám đốc dự án VioEdu - chị Nguyễn Thị Ngọc ngày ngày vẫn đang tất bật đi làm việc với các Sở, Phòng Giáo dục, các trường học,… Là phụ nữ, Ngọc buộc phải tìm cách thu xếp việc gia đình để dồn sức cho công việc giai đoạn này. Tuần 3 lần, Ngọc đều đặn như một “con thoi” di chuyển giữa Hải Phòng và Hà Nội...

VioEdu-cang-minh-mua-dich-nCov_158332072

Đội ngũ VioEdu trong chuyến làm việc cùng các lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo Hải Phòng. Ảnh: VioEdu

Nhưng PGĐ Công nghệ FPT nghĩ rằng không có một thành công nào dễ dàng cả, và “cái gì cũng có giá của nó”. Khi đội ngũ VioEdu càng nỗ lực, xác suất thành công của sản phẩm càng cao. Đây cũng chính là trách nhiệm xã hội của VioEdu, Ban Công nghệ nói riêng và FPT nói chung khi dịch bệnh ảnh hưởng tới tình hình học tập của học sinh cả nước.

FPT là một công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam hiện nay. “Vì vậy, những gì tập đoàn đóng góp cho xã hội phải tương xứng với tầm vóc của FPT”. Giai đoạn này là một cơ hội để FPT thể hiện vai trò của mình đối với xã hội trong việc hỗ trợ ngành giáo dục nói chung và học sinh, thầy cô giáo nói riêng. “Những hành động vừa qua là những đóng góp tốt và hiệu quả cho cộng đồng”, Phó Ban Công nghệ FPT nhận định. “Nhưng đó chỉ là những hành động đầu tiên, tiếp theo FPT có thể sẽ có thêm những đóng góp công nghệ khác nữa”.

Dịch Covid-19 đến nay vẫn chưa kết thúc và chưa biết khi nào mới có thể kiểm soát được. Nhu cầu học online của học sinh vẫn còn nhiều. Song song với việc đi đào tạo về hệ thống cho mọi người, VioEdu đang nghiên cứu, phát triển nội dung thêm nhiều môn học khác ngoài Toán học để học sinh có thể lĩnh hội kiến thức toàn diện. Đồng thời triển khai nhiều tính năng hấp dẫn hơn, ví dụ như Interactive Video, để học sinh có thể tương tác ngay trên video lý thuyết. Từ đó, học sinh có thể học “động”, không đơn thuần là học “tĩnh”.

Minh thích câu nói của một vị quản lý của iTutor (Đài Loan): “AI không thể thay thế người thầy, nhưng người thầy mà không có AI thì sẽ bị thay thế”. Qủa vậy, AI không thể thay thế thầy cô giáo, vì còn rất nhiều khía cạnh khác trong giáo dục cần tư duy phức tạp hơn, liên quan đến những gì rất “con người” thì công nghệ chưa thể làm được. Nhưng cũng không để đánh giá thấp lợi ích của công nghệ. Bởi công nghệ giúp người thầy tạo ra bài giảng hay, giúp người thầy dễ dàng quản trị năng lực các học sinh trong lớp. Nếu thầy cô giáo không sớm vận dụng công nghệ vào giảng dạy thì sẽ sớm đi lùi so với thời đại.

Kết thúc chuyến đi Lào Cai 3 ngày, vừa kịp về nhà, đặt balo xuống và chào vợ con, Việt ngay lập tức thay một bộ quần áo mới, sắp thêm đồ vào balo để tiếp tục cho một chuyến công tác khác. Chuyến đi của Việt có thể sẽ còn dài nữa, anh không biết bao giờ sẽ kết thúc khi dịch viêm phổi cấp vẫn chưa thể khống chế. Virus viêm phổi cấp Covid-19 đã lan ra tới 52 vùng lãnh thổ. Phụ huynh và giáo viên đều rất lo lắng, nhà trường bối rối không biết làm như thế nào để học sinh được đi học. Nhu cầu của học sinh đối với VioEdu vẫn còn nhiều. Chắc chắn, bất cứ khi nào xã hội cần VioEdu, Việt lại xách balo lên đường. 

Khánh Linh

Ý kiến

()