Chúng ta

Người Hệ thống sẻ chia gánh nặng con chữ cùng trẻ em Bình Thuận

Thứ hai, 6/4/2015 | 18:32 GMT+7

“Nhà con nghèo lắm, ba đi biển, mẹ ở nhà nội trợ. Ngoài giờ học, con phải phụ mẹ trông em, quét nhà. Con cũng không biết mình có thể học tới lớp mấy nữa”, em Nguyễn Thị Bảo Trâm, điểm trường Tiến Bình 2 - trường Tiểu học Tiến Thành, Phan Thiết, tâm sự. 

Ngày 3/4 vừa qua, hành trình thiện nguyện đầu tiên trong năm mới của Công ty Hệ thống Thông tin FPT GMC (FPT IS GMC) đã đến với thầy trò trường Tiểu học Tiến Thành 2, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận.

Xuất phát từ sáng sớm, sau gần 4 giờ di chuyển từ TP HCM, người FPT đã có mặt tại điểm trường Tiến An - cơ sở chính của trường Tiểu học Tiến Thành 2. Từ ngoài đường lộ đi vào, cả đoàn có thể nghe rất rõ tiếng hát say sưa của các em học sinh vọng ra từ lớp học. Những ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên chứa chan niềm vui sướng và thích thú khi lần đầu tiên có đoàn thiện nguyện ghé thăm.

Đoàn thiện nguyện FPT trao tủ sách ước mơ cho đại diện nhà trường.

Đoàn thiện nguyện FPT trao tủ sách ước mơ cho đại diện nhà trường. Ảnh: BTC.

Theo thầy Võ Văn Khánh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tiến Thành 2, trường có 4 cơ sở là Tiến An, Tiến Bình 1, Tiến Bình 2 và Tiến Đức với tổng số hơn 300 học sinh chia cho 18 lớp. Học sinh của trường phần lớn là con em gia đình nghèo, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Khó khăn chung của trường là chưa có phòng chức năng riêng mà chỉ có một phòng duy nhất phục vụ cho tất cả các hoạt động của thầy trò nơi đây. 

“Sở dĩ Tiến Thành 2 có nhiều cơ sở vì nhà trường mong muốn mở tại những khu đông dân cư để trẻ em có thể đi học đều đặn hơn. Điều kiện đi lại còn hạn chế, học sinh thuộc diện gia đình khó khăn nên điểm trường gần nhà sẽ tránh tình trạng các em bỏ học”, chị Lê Thị Bích Liên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận, cho biết thêm. 

Dịp này, FPT IS GMC trao tặng điểm trường Tiến An tủ sách hiếu học trích từ Quỹ "Người FPT Vì cộng đồng” với hàng trăm đầu sách mới nhằm giúp học sinh ở điểm chính lẫn điểm phụ có thêm tài liệu học tập, tiếp cận thêm những kiến thức mới mẻ.

Để vào được điểm trường, các thành viên trong đoàn phải đi bộ một đoạn đường mòn dài trong cái nắng gay gắt của miền duyên hải Nam Trung bộ bởi địa hình nơi đây toàn đất cát và vách đồi đá dựng đứng.

Để vào được điểm trường, các thành viên trong đoàn phải đi bộ một đoạn đường mòn dài trong cái nắng gay gắt của miền duyên hải Nam Trung bộ bởi địa hình nơi đây toàn đất cát và vách đồi đá dựng đứng. Ảnh: BTC.

Ngay sau đó, đoàn tiếp tục di chuyển đến cơ sở Tiến Bình 2 - điểm  trường thuộc diện khó khăn nhất của trường Tiểu học Tiến Thành 2. Để vào được điểm trường, các thành viên trong đoàn phải đi bộ một đoạn đường mòn dài trong cái nắng gay gắt của miền duyên hải Nam Trung bộ bởi địa hình nơi đây toàn đất cát và vách đồi đá dựng đứng. Những con dốc thoai thoải và gập ghềnh cũng khiến việc đi lại của học sinh nơi đây gặp nhiều hạn chế, nhất là vào mùa mưa. 

“Hằng ngày đi học, phải đi qua nhiều con dốc và đường đất nên con và các bạn đều rất mệt. Lúc đầu con cũng cảm thấy nản khi phải đến lớp nhưng lâu ngày cũng quen dần. Cũng vì quá khó khăn như vậy nên càng lên lớp lớn thì số lượng các bạn nghỉ học càng nhiều hơn”, em Nguyễn Thị Bảo Trâm, học sinh lớp 4/3, tâm sự.

Trâm từng là học sinh của cơ sở Tiến Bình 2, khi lên lớp 4, em không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải vượt qua con đường đến trường đầy gian khó để có thể tiếp tục chắp cánh từng con chữ. Không có được sự kiên trì như Trâm, nhiều trẻ em nơi đây thường phải bỏ học giữa chừng. Cứ mỗi khối lớp, số lượng học sinh của trường Tiến Thành 2 lại giảm đi. Với trẻ em nghèo vùng duyên hải này, cuộc sống bị bao vây bởi những bộn bề lo toan và vất vả mưu sinh của gia đình khiến việc học của các em cũng giống như một thứ gì đó thật chênh vênh, dễ vụn vỡ. 

điểm trường cũng chỉ vỏn vẹn 2 phòng học được ngăn ra bằng vách làm từ đá và vỏ chai cùng 2 chiếc quạt không đủ giúp căn phòng trở nên mát mẻ hơn trong không khí nóng nực của miền biển.

Điểm trường Tiến Bình 2 chỉ có vỏn vẹn 2 phòng học được ngăn ra bằng vách làm từ đá và vỏ chai cùng 2 chiếc quạt không đủ giúp căn phòng trở nên mát mẻ hơn trong không khí nóng nực của miền biển. Ảnh: BTC.

Tiến Bình 2 hiện có 33 em theo học từ lớp 1 đến lớp 3. Cơ sở được xây dựng ban đầu từ dự án của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em kết hợp cùng Vietnam Plus. Sau đó, dự án cứu trợ nhi đồng Úc (SCA) cung cấp thêm một số trang thiết bị trong lớp học. Mặc dù vậy, điểm trường cũng chỉ có vỏn vẹn hai phòng học được ngăn ra bằng vách làm từ đá và vỏ chai cùng hai chiếc quạt không đủ giúp căn phòng trở nên mát mẻ hơn trong không khí nóng nực của miền biển. 

“Khi phân giáo viên về dạy tại các điểm trường như Tiến Bình 2, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn vì điều kiện đi lại quá vất vả và cơ sở vật chất thiếu thốn nên giáo viên rất dễ nản”, thầy Võ Văn Khánh trải lòng. 

Anh Trần Văn Đến, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật FPT IS GMC, thay mặt đoàn trao từng phần quà cho thầy trò tại điểm trường Tiến Bình 2, gồm 18 bộ bàn ghế, 10 suất học bổng (mỗi suất trị giá 300.000 đồng) cùng hàng chục phần quà là vở mới và dụng cụ học tập. Toàn bộ kinh phí được trích từ số tiền hơn 34 triệu đồng do cán bộ nhân viên FPT IS GMC quyên góp ủng hộ.

Từng là học sinh của vùng quê nghèo còn nhiều khó khăn này, cô Nguyễn Thị Xuân Hân, giáo viên tại cơ sở Tiến Bình 2 bộc bạch, bản thân đã từng trải qua nên hiểu rất rõ cảm giác đi học giữa nắng gió rồi phải vượt đồi, leo đồi để tìm đến con chữ. Cũng chính từ cái nghèo khó ấy, cô luôn mong ước sẽ trở thành giáo viên để có thể mang tri thức truyền dạy lại cho trẻ em ở quê mình. 

“Việc hai lớp học chỉ được ngăn đôi bằng một vách ngăn tạm bợ bằng đất và vỏ chai ảnh hưởng đến việc dạy và học rất nhiều. Giáo viên nói nhỏ thì học sinh không nghe, nói to thì ảnh hưởng đến lớp bên cạnh. Hai lớp học mà cứ như tranh nhau, bên này nói to thì bên kia cũng phải nói to để học sinh nghe được. Khổ nhất là những khi học môn âm nhạc, cứ lớp này hát thì xem như lớp kia không học nổi. Tôi chỉ ước muốn một điều là hai lớp sẽ được ngăn ra hoàn toàn riêng biệt, có cửa riêng, lối ra vào riêng và tách âm một chút để các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn”, cô Hân bộc bạch. 

Vẫn cần lắm những sự quan tâm, san sẻ để gánh nặng con chữ không còn đè nặng lên vai những trẻ em vùng quê nghèo Tiến Thành.

Vẫn cần lắm những sự quan tâm, san sẻ để gánh nặng con chữ không còn đè nặng lên vai những trẻ em vùng quê nghèo Tiến Thành. Ảnh: BTC.

Tiếng cười hồn nhiên và niềm hạnh phúc của học sinh Tiến Bình 2 khiến các thành viên trong đoàn quên đi thời gian khi đồng hồ đã điểm hơn 12 giờ trưa. “Hôm nay là ngày vui nhất của con vì rất ít khi được con nhận quà. Con hứa sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng các cô chú, anh chị”, em Nguyễn Quang Tiến, học sinh lớp 1C hồ hởi. 

Vẫn cần lắm sự quan tâm, san sẻ để gánh nặng con chữ không còn đè nặng lên vai những trẻ em vùng quê nghèo Tiến Thành...  

Yến Nhi

Ý kiến

()