Chúng ta

Người F đầu tiên chinh phục 160km: 'Về cuối cũng được nhưng không bỏ cuộc'

Thứ hai, 19/9/2022 | 17:40 GMT+7

Anh Bùi Thái Thành Long (FPT IS) là người F đầu tiên chinh phục thành công cự ly “siêu khủng” 160km trong giải Vietnam Mountain Marathon 2022 (VMM 2022) - giải chạy địa hình khắc nghiệt nhất Việt Nam.

-1698-1663583963.jpg

Anh Bùi Thái Thành Long, người FPT đầu tiên chinh phục cự ly 100km leo núi Sapa năm 2019, tiếp tục là runner có thành tích tốt nhất ở giải đua khắc nghiệt Vietnam Mountain Marathon 2020 với tổng thời gian 20h53. Năm nay, anh Long lại thử thách bản thân với cự ly siêu khủng: 160km.

Đúng 4h ngày 9/9, hàng trăm vận động viên khởi hành cuộc đua tại Sapa (tỉnh Lào Cai) khi trời đang có mưa. Nội dung 100 miles (160km) lần đầu tiên xuất hiện tại VMM 2022 với 178 vận động viên tham gia, yêu cầu hoàn thành phần thi trong 44 giờ. Theo ghi nhận từ BTC, anh Thành Long cán đích ở vị trí 91, thời gian 43h48p. 

Cùng Chúng ta trò chuyện với anh xoay quanh hành trình chinh phục cự ly khủng này.

“Chiến binh” chạy trail, góp tiền cho trẻ nghèo

- Anh Long có cảm xúc đặc biệt gì khi đặt chân về đích?

- Tôi từng chạy tối đa 25 tiếng, còn lần này chạy hơn 40 tiếng liên tục nhưng khi về đích, mọi thứ nhẹ nhàng và “êm ả”. Tôi xác định tham gia để trải nghiệm và khám phá bản thân, hiểu hơn về chính mình nên cứ chạy được đến đâu thì chạy. Cơ thể khỏe thì chạy nhanh, còn không thì đi bộ để nạp sức.

Lần đầu tiên, hạng mục 160km có trong giải chạy VMM 2022. Với tôi, đây là cuộc đua mới mẻ so với sự hiểu biết và thể lực của mình. Sau hành trình này, tôi có thêm sự nâng cấp về sức mạnh thể chất cũng như tinh thần.

- Giải chạy VMM vốn dĩ khắc nghiệt, hạng mục 160km lại đầy thách thức khi lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Tại sao anh quyết định đăng ký?

- Chạy trail (chạy địa hình) mang lại cảm giác nghiện khi liên tục phải thử thách với cung đường khó. Trước đó, ở Việt Nam chỉ có giải chạy với cự ly cao nhất là 100km và tôi đã chinh phục nó, năm nay có thêm cự ly 160km nên càng mang lại thách thức. Vì vậy, tôi phải tham gia để khám phá bản thân, xem mình hoàn thành được hay không.

-2621-1663583963.jpg

Anh Bùi Thái Thành Long (FPT IS) sở hữu kinh nghiệm dày dạn qua nhiều giải chạy đường rừng và leo núi.

Ngoài ra, ở giải chạy lần này, tôi chạy với tư cách là chiến binh nụ cười. Với mỗi km hoàn thành, tôi sẽ góp 10.000 đồng vào quỹ Operation Smile - một tổ chức phi lợi nhuận, phẫu thuật tái tạo nụ cười cho các bé mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng. Tôi chỉ mong đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để góp phần đem lại nụ cười cho những bạn nhỏ có hoàn cảnh không may mắn, chưa có chi phí để phẫu thuật.

- Đây có phải là giải chạy khắc nghiệt nhất mà anh từng tham gia?

- Tôi đến với chạy trail từ năm 2017, tập luyện cũng nhiều, kinh nghiệm cũng có, lần này vì muốn biết sau 24h không ngủ thì cơ thể sẽ thế nào. Đây là giải chạy mang nhiều yếu tố bất ngờ, khó lường trước chứ không phải là giải chạy khắc nghiệt nhất với tôi. Còn khắc nghiệt nhất phải là giải VMM 2017 vì đây là lần đầu tiên tham gia nên chưa có kinh nghiệm.

Cứ chạy “thuận theo tự nhiên”

- Trước khi đến với giải chạy, anh sự chuẩn bị thế nào từ thời gian tập luyện đến hành trang mang bên người vào ngày thi chính thức?

- Tôi có một khóa học từ đầu năm nay nên cuối tuần vướng lịch, không thể lên núi luyện tập. Mãi đến tháng 6 mới theo một người chị chạy ở Đền Gióng, đều đặn cuối tuần tập leo núi Hàm Lợn (Sóc Sơn, Hà Nội).

-8840-1663583963.jpg

Với tôi, có 2 lý do khiến mọi người chưa quan tâm nhiều đến thể thao. Đó là do môi trường và cơ duyên. Nếu bạn sống trong môi trường mà gia đình, bạn bè tham gia một môn thể thao và lôi kéo thì bạn sẽ bị thu hút và chơi cùng, anh Long chia sẻ. 

"Còn tôi do cơ duyên trong một buổi chiều khi còn làm việc ở đất nước Lào. Lúc này cơ thể mệt mỏi nên xỏ giày chạy cùng đồng nghiệp. Chạy giúp tôi có sức khỏe, có bạn, có trải nghiệm và ngắm nhìn nhiều cung đường mới. Nếu chúng ta nhận thấy mình hưởng nhiều lợi ích từ chạy bộ thì sẽ duy trì thường xuyên".

Ngày thi, tôi mang đồ theo yêu cầu của BTC, chuẩn bị thêm giày, tất, quần áo; dinh dưỡng thì mang theo bánh chưng, uống viên muối, BCAA (viên uống hạn chế đau nhức cơ và bảo vệ cơ bắp trong quá trình tập luyện cao độ), ăn uống ở các trạm check-point của BTC. Tôi cũng lập chiến thuật đường đua để bám sát vào nó nhưng vì mưa nên BTC thay đổi cung đường chạy vào tối hôm trước. Mọi thứ đành để “thuận theo tự nhiên”, chạy theo cảm nhận cơ thể.

- VMM 2022 đa phần là đường đồi dốc và khó khăn hơn khi có mưa. Vậy những cung đường này có làm giảm nhịp độ chạy của anh?

- Trước khi giải chạy diễn ra, tại Sa Pa mưa liên tục nhiều ngày. Mưa vẫn kéo dài 3 - 4 tiếng vào sáng sớm khi giải chạy đã bắt đầu nên giày dép, quần áo của vận động viên cũng bị ướt, điều này dễ gây cảm lạnh và ảnh hưởng sức khỏe của người tham gia. Thêm vào đó, người chạy trước “cày” đường, người chạy sau hứng trọn sình lầy nhưng cũng không phải là cung đường khó cho người chạy nếu đã tập luyện bài bản. May mắn mưa tạnh, trời nắng nhẹ. Suốt 2 ngày đua, thời tiết đều ủng hộ.

Đoạn đường cách đích khoảng 7 km thì có đến 3 - 5 km là đổ dốc bê tông, lúc này đầu gối bắt đầu đau nhiều hơn nên tôi chỉ có thể đi lùi. Suốt đường đua, tôi dùng gậy khá nhiều do chân và đầu gối bị đau. Về đến đích là chuột rút ở tay, đi chạy nhưng mỏi tay là có thật.

Mọi việc đã có vợ lo!

- Anh sắp xếp công việc thế nào, thời gian tập luyện và thời gian cho gia đình ra sao để cân bằng?

- Công việc chuyên môn của tôi là hỗ trợ cho hệ thống BSS của khách hàng Lao Telecommunications (Viễn thông Nhà nước Lào). Công việc có thể hỗ trợ trực tuyến nên để có thời gian tập luyện cho giải chạy, tôi xin phép cấp trên được chủ động trong công việc và làm tại nhà. Máy tính sẽ là vật bất ly thân, gần như lúc nào cũng phải bên cạnh vì khách hàng có thể yêu cầu hỗ trợ bất cứ khi nào.

Tôi thường chạy ở vườn nhà sau khi hoàn thành công việc, cuối tuần thì tập leo núi ở Hàm Lợn. Thời gian cao điểm vào tháng 6, 7, 8 thì cuối tuần nào cũng tập luyện ở núi Hàm Lợn. Do đó, giai đoạn này khó cân bằng được thời gian cho gia đình. Tôi tự nhủ sau giải chạy, sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình, đặc biệt là cho con nhiều hơn. 

- Suốt giải chạy lần này, gia đình đã ủng hộ tinh thần hay hành động cụ thể gì cho anh?

- "Bố phải thành công, bố phải mang huy chương về nhé!” lời của Bon - con trai nhỏ - nhắn nhủ tôi trước khi lên đường và đây là nguồn động viên vô cùng lớn. Và giải chạy thành công không thể không nhắc đến vợ - “siêu supporter” của tôi. Cả ngày thứ Sáu và thứ Bảy, vợ đến đợi tôi ở các điểm check-point, giúp tôi lấy đồ gửi, thức ăn, mát-xa phục hồi và động viên. Mọi việc đã có vợ lo, tôi chỉ cần chạy!

-8349-1663583963.jpg

Bà xã Vũ Thị Lý có mặt trên mọi chặng để cổ cũ, tiếp sức và động viên anh Bùi Thái Thành Long.

Khi gia đình biết tôi đăng ký cự ly 160km thì đều ủng hộ vì biết có cản cũng không được, những gì tôi thích thì sẽ cố gắng làm bằng được. Cả nhà lo lắng là khi tham gia cự ly dài, tôi sẽ gặp phải những vấn đề về sức khỏe. Nhưng khi chạy, kể cả khi tập luyện, tôi luôn lắng nghe cơ thể, không đẩy cơ thể vượt quá ngưỡng chịu đựng.

Với cự ly dài như lần này, việc có vợ con và người thân ủng hộ là vô cùng cần thiết, giúp tôi có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi, là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn. Quá trình tập luyện là do mình, nhưng để có được tấm huy chương này thì công rất lớn của vợ, cùng sự giúp đỡ, động viên từ gia đình, nhiều anh chị em khác trong cộng đồng chạy.

- Khi biết anh hoàn thành cự ly 160km đường núi, đồng nghiệp và cấp trên chia sẻ như nào?

- Cự ly vừa hoàn thành, những lời động viên, chúc mừng từ cấp trên cùng đồng nghiệp trong công ty gửi đến tới tấp. Cảm giác ấm áp khi mọi người đều quan tâm và dõi theo mình. Nhưng vì lúc này cơ thể thực sự mệt và thèm ngủ nên tôi chỉ có thể đọc những lời chúc mừng mà không đủ sức trả lời. Phải 2 - 3 ngày sau khi cơ thể hồi phục, tinh thần sảng khoái hơn thì tôi mới dành thời gian đáp lại tấm chân tình của mọi người.

“Không thể bỏ cuộc!”

- Tại sao những cung đường lạ, khó và dài thường thu hút anh?

- Việc tham gia cự ly “càng ngày càng dài” là cách để tôi rèn luyện ý chí, tư duy. Có thể với một cá nhân, nó là cuộc chơi nhưng với tôi, là vừa chơi vừa trải nghiệm, rèn luyện chính mình. Cùng một cự ly, có người chọn chạy nhanh từ đầu, chậm về sau và ngược lại, cũng có người dùng chiến thuật mạo hiểm và an toàn khác nhau nhưng đích đến, vẫn là đạt cự ly đề ra. Sự chuẩn bị là một phần, còn linh hoạt giải quyết vấn đề phát sinh trực tiếp quan trọng không kém.

-3748-1663583963.jpg

Khoảnh khác anh Long về đích sau 43h48p chạy trên những dãy núi ở Sapa.

- Sau giải chạy VMM 2022 và những giải thi đấu trước, anh nhận về điều gì?

- Suốt chặng đường 160km, tôi luôn vui vì được trải nghiệm và độc thoại với chính mình, quan sát và cảm nhận cơ thể, tâm trạng của mình mà không bị áp lực. Tôi áp dụng tâm thế của một đứa trẻ đến với cuộc đua, làm điều mình thích một cách hồn nhiên, trong sáng mà không để rào cản tâm lý ảnh hưởng. Do đó, tôi càng không đặt mục tiêu phải về đích trong bao lâu.

Trong bất kỳ cuộc chơi, người tham gia đều gặp vấn đề về thể lực, tinh thần, tác động môi trường bên ngoài… Việc cố gắng giải quyết vấn đề ngay lúc đó để không bỏ cuộc là rèn luyện tư duy, ý chí. Nếu phù hợp, đem ý tưởng đó vào công việc và cuộc sống. Chúng ta có thể về cuối nhưng nhất định không thể bỏ cuộc.

Thanh Dung

Ý kiến

()