Cuối năm 2014, Nam chính thức gia nhập FPT Software sau khi đã có thời gian thực tập tại FSU17. Đây cũng là thời điểm cậu bắt đầu ôn luyện N2, với nền tảng 50 bài mina vừa học hết. Hồi còn học tại ĐH FPT, Nam từng hạ quyết tâm khi tốt nghiệp phải có chứng chỉ N2 cứng. Bởi vậy, cậu đã xin bảo lưu các môn khác trong học trình để dồn sức cho tiếng Nhật.
Quá trình học của Nam là chuỗi ngày dài miệt mài, bắt đầu từ 7h sáng và kéo dài đến nửa đêm. Chàng trai trẻ 23 tuổi chọn cách tự học thay vì học ở trung tâm. Lên mạng tìm giáo trình, mua bảng trắng, bút viết, giấy note... Nam đã bắt tay vào hành trình rùi mài kinh sử của mình như thế.
Nam chia sẻ, thời gian học tại ĐH FPT đã giúp cậu trưởng thành nhiều. Tự nhận mình là người dễ hiểu, sở thích của Nam là ngồi uống chè và đi câu cá mùa đông. Ảnh: NVCC. |
"Mỗi ngày, tôi học 14 mẫu ngữ pháp, với từng mẫu, tôi tự đọc phần giải thích, xem ví dụ và làm hết các bài tập. Nhưng học xong chỉ nhớ tầm 3,4 mẫu, tôi cứ viết hết tất cả các cú pháp chính của 14 mẫu lên bảng trắng, thi thoảng nhìn lên cũng nhớ hơn", Nam kể.
Học ngữ pháp xong, cậu tiếp tục "chiến" từ mới. Từ mới khó nhớ, cậu dùng bút đánh dấu để học riêng các từ đó hoặc viết ra giấy note dán trong sách và trên bàn. Hôm nào thoải mái, Nam sẽ học 3 bài từ vựng. Để ôn lại kiến thức, cậu hay gõ các từ vào file word, lúc rảnh, cầm lên và nhẩm lại, hay mang đến lớp cho các bạn đọc rồi Nam trả lời nghĩa.
Tỉ mẩn chút một, Nam cũng tự tra âm Hán Việt của từng chữ rồi ghi vào sách và đặt câu với các từ đơn. Đều đặn mỗi ngày, cậu làm vậy với 14 chữ Hán.
Với kỹ năng đọc, Nam đọc 4-5 bài/ngày, áp dụng các "thủ thuật" tìm được trên mạng. Riêng phần nghe, Nam dành khoảng 3 tiếng vào cuối tuần, với tần suất "cứ nghe 1 tiếng rồi nghỉ để học lại từ vựng vì ù tai".
Để quá trình học bớt đơn điệu, Nam tự tìm niềm vui bằng việc săn lùng những giáo trình hay về học. Mỗi lần mở sách thì những kiến thức đã học sẽ được lặp lại. Thông thường, lần đầu học sẽ nhớ 30%, lần 2 khoảng 50%, lần sau nữa sẽ nhớ 80-90%. Ngoài ra, cậu cũng tải phim, phần mềm, một số chương trình Nhật về để xem. Cậu cứ kiên trì như vậy trong 4 tháng, ngày nào mệt đi ngủ sớm sẽ học bù vào hôm sau. "Phim thì có thể hiểu còn chương trình của Nhật thì nghe được loáng thoáng. Nhưng thấy có tiến bộ rõ rệt", Nam nhớ lại.
Nỗ lực "rùi mài kinh sử", đến khi thi N3, lượng kiến thức Nam đã nắm vững đã gần với trình độ N2. Và đến khi thi N2 chính thức, nền tảng vững chắc được vun đắp trong quá khứ đã giúp cậu giành được chứng chỉ này, quan trọng hơn là sự tự tin trong giao tiếp. "Từ lúc đạt N3 đến đạt N2, tôi vẫn sử dụng phương pháp học cũ dù quỹ thời gian bị chia sẻ cho việc làm đồ án tốt nghiệp tại trường và làm gia sư, đi chơi với bạn bè. Tôi rút ra là cần phải có thể mạnh ở một trong các nội dung thi, nhưng vẫn phải học đều những nội dung còn lại", chàng trai trẻ bộc bạch.
Thích tiếng Nhật, không chỉ vì thấy được sự thú vị trong thanh âm của một trong những ngoại ngữ khó học nhất thế giới mà còn bởi Nam luôn khao khát tự mình trải nghiệm và khám phá xứ sở hoa Anh đào. Quan trọng hơn, tiếng Nhật tốt sẽ đảm bảo cho cậu một công việc tốt và làm việc hiệu quả hơn. Chính vì thế, ngay sau khi ra trường, Nam đã chọn FPT Software là nơi để khởi đầu cho sự nghiệp của mình.
Hiện, công việc của Nam là phát triển hệ thống để thiết kế cho một khách hàng Nhật. Khó khăn lớn nhất với cậu là hỗ trợ các thành viên trong đội phát triển tiếng Nhật và chuyên môn. Làm sao để mọi người viết tiếng Nhật tốt trong tài liệu, comment code và không gặp lỗi cơ bản trong code? Nam phải share việc, xem lại tài liệu và code của đội. Nhưng vì dự án quá bận và khó nên không có đủ thời gian để mọi người trong đội thiết kế lại và sửa code nên nhiều lần Nam phải tự sửa sau khi review cho nhanh.
Vượt qua khó khăn này, Nam đưa ra vài phương pháp giúp các thành viên cải thiện tiếng Nhật và chuyên môn khi viết hoặc trao đổi với khách hàng như đọc sách tiếng Nhật, tìm kiếm cách thực hành tốt nhất (search best practices) và tranh thủ họp nhóm khi dự án có thời gian rảnh để đánh giá lại các lỗi, chia sẻ kinh nghiệm sâu hơn về dự án cho thành viên.
Làm việc với khách hàng Nhật, cậu cũng hình thành phong cách sống cho riêng mình - làm kiểu Nhật, hưởng thụ kiểu Việt Nam. "Tôi thấy người Nhật làm việc với tinh thần trách nhiệm cao cực độ, hết lòng vì khách hàng. Từ thái độ, chất lượng đến thời gian, tiền bạc, đều nghĩ cho khách hàng. Sau mỗi ngày lao động hết mình, cần phải được nghỉ ngơi, chứ không phải đợi đến cuối tuần hay dịp này dịp nọ", chàng trai trẻ diễn giải.
Cầm trong tay chứng chỉ N2, kế hoạch tiếp theo của Nam là ôn N1 bắt đầu từ tháng 1/2016 và thi đỗ vào tháng 7. Để tự tạo cơ hội mới cho mình, Nam còn muốn học làm sale.
Tiểu Thanh
Ý kiến
()