Chúng ta

Màn đối đáp kịch tính giữa Chủ tịch FPT và CEO Tiki

Thứ ba, 3/12/2019 | 09:24 GMT+7

Cuộc tranh luận giữa anh Trương Gia Bình và ông Trần Ngọc Thái Sơn (CEO Tiki) thu hút sự theo dõi không rời mắt của khán giả tại Gala chung kết Start-up Việt.

Hành trình “Tìm kiếm kỳ lân tỷ đô” của Start-up Việt 2019 vừa khép lại bằng Gala chung kết nhiều cảm xúc diễn ra ngày 2/12 tại Gem Center (TP HCM). Kết quả chung cuộc, Viec.Co - khởi nghiệp cung cấp nền tảng kết nối nhà tuyển dụng và người làm việc tự do chiếm cảm tình của giám khảo nhờ giải pháp khả thi, đường phát triển rộng mở. Start-up này xuất sắc vượt qua gần 300 khởi nghiệp khác để giành ngôi vị cao nhất.

Chương trình còn có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, các tên tuổi lớn trong cộng đồng khởi nghiệp, các nhà đầu tư có chuyên môn cao, tư duy sắc bén và dày dạn kinh nghiệm. Đặc biệt, người đứng đầu nhà F - anh Trương Gia Bình, cũng góp mặt trong hội đồng tư vấn chuyên môn của cuộc thi năm nay.

Không chỉ theo dõi màn tranh đua hấp dẫn giữa các start-up, những người tham dự Gala còn được lắng nghe cuộc đối thoại 1-1 đầy thú vị giữa Chủ tịch FPT và ông Trần Ngọc Thái Sơn - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tiki.

Đại diện hai thế hệ doanh nhân đã cùng trò chuyện về câu chuyện khởi nghiệp của mình, về những lần gọi vốn thất bại và thành công. Anh Bình đã khởi động màn "đấu khẩu" bằng cách đề nghị khán giả cung cấp một từ khóa để triển khai cuộc đối thoại đúng mong muốn. Nhờ vậy, khán trường trở nên sôi động hơn với những gợi ý như: kỳ lân, công nghệ, tâm, tầm, blockchain, vốn... Đó cũng chính là những câu hỏi mà anh Bình đặt cho ông Trần Ngọc Thái Sơn.

Trước hết, với chữ tâm, ông Sơn cho rằng ai làm start-up cũng có ước mơ làm giàu cho xã hội. Đó chính là cái tâm của start-up, làm gì đó có giá trị. Trong khi đó, anh Bình cho rằng muốn thành công cần lấy tư duy phụng sự làm đầu. Khách hàng chỉ mua sản phẩm khi họ nhận thấy start-up có tâm phụng sự.

Sau đó, anh Bình thắc mắc tầm nhìn của ông Sơn về sự phát triển của nền tảng. Ông Sơn cho rằng tương lai sẽ phủ sóng mô hình "đa nền tảng". Ví dụ Tiki đang xây dựng mô hình hệ sinh thái, mở rộng nền tảng, tích hợp các dịch vụ mới. Ông Sơn cho rằng luôn phải mơ lớn hơn, hiện có 1 thì tương lai muốn có 10.

Ngược lại, ông Sơn băn khoăn về tương lai của blockchain. Chủ tịch FPT khẳng định quá trình phát triển doanh nghiệp cần gắn liền với công nghệ. Đáng tiếc người làm kinh doanh lại không mấy ai mở lòng đi học về công nghệ. Ngược lại, rất nhiều dân công nghệ lại coi thường kinh doanh.

Câu chuyện quan trọng mà anh Bình nhấn mạnh là cuộc đối thoại, trao đổi cởi mở giữa người làm việc trong hai lĩnh vực này. Câu hỏi mà dân công nghệ nên hỏi, là blockchain sẽ thay đổi mô hình kinh doanh của chúng ta như thế nào. “Thực tế, blockchain có thể tạo ra thay đổi khủng khiếp các mô hình kinh doanh”. Theo quan điểm của người đứng đầu nhà F, trong câu chuyện nông nghiệp của Việt Nam hiện tại, truy xuất nguồn gốc đang "nóng". Nếu áp dụng blockchain, chúng ta có thể sẽ có một nền nông nghiệp không phải lo nghĩ về thực phẩm sạch. Tương tự, blockchain là công cụ thúc đẩy giao dịch xuyên biên giới.

Ông Sơn cho biết mình chưa quan tâm nhiều đến blockchain. Về cơ bản nền tảng này giải quyết vấn đề về niềm tin. Hiện tại, Việt Nam ứng dụng blockchain chưa rõ nét. Không nghi ngờ gì về tiềm năng của nó, nhưng hiện chưa có nhiều ứng dụng thực tiễn. Tiki đang vận dụng nguồn lực hiện có để giải quyết những vấn đề rất cụ thể. 

Đến nay, Tiki mới chỉ có 300 kỹ sư, cố gắng giải quyết bài toán xử lý dữ liệu cho tốt, đụng một chút AI đã hết thời gian. Cho nên chưa thể ứng dụng. Ông kỳ vọng trong tương lai sẽ giải quyết được nhiều bài toán bằng công nghệ.

anh-Binh-Start-up-Viet-2019-2-3469-15753

Anh Bình phản biện Chủ tịch Tiki: "Đừng nói tôi quá bận để tiếp cận công nghệ mới". Ảnh: VnExpress.

Anh Trương Gia Bình ngay lập tức phản biện: “Đừng nói rằng tôi quá bận nên không tiếp cận công nghệ mới”. Người đứng đầu FPT cho rằng khách hàng luôn có nhu cầu về nguồn gốc, có thể giải quyết bằng blockchain. Do đó, Tiki cần nghiên cứu sâu hơn vấn đề này.

Đáp trả, ông Sơn "hỏi xoáy" Chủ tịch FPT: “Ông tự hào cái gì nhất về mình?”. Anh Bình tự tin nói mình chăm chỉ, khiến cả hội trường vỗ tay tán dương. 

Chủ tịch Tiki tiếp tục hỏi nếu trở lại tuổi 20 thì anh Bình muốn làm cái gì khác đi? Anh Bình nói mình sẽ không bỏ "vườn chim" của mình. Vào năm 2006, Chủ tịch FPT yêu cầu các lãnh đạo trong FPT tự vận hành, mỗi đơn vị chủ động quản trị và phát triển. Đã có rất nhiều đơn vị phát triển ý tưởng tốt về mạng xã hội, về ứng dụng trao đổi... Tuy nhiên, lúc bấy giờ lại phát sinh vấn đề tầm nhìn của các cộng sự còn hạn hẹp. Điều đó giới hạn sự phát triển lớn mạnh của start-up Việt nói chung.

Nhà sáng lập Tiki chất vấn người đừng đầu FPT: “Ông sẽ đầu tư như thế nào bằng tiền của chính mình?”. Anh Bình trả lời, thế giới mênh mông chứ không giới hạn cơ hội. Do đó anh không lấy tiêu chuẩn cứng để bàn, mà phải là tiêu chuẩn mềm. Ví dụ, Việt.Co hôm nay chọn phát triển trong ngách rất nhỏ, không phải cái gì quan trọng như thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Nhưng nếu start-up này chiếm được lòng của số đông, tiếp tục phát triển tư duy nền tảng, thì sẽ có con đường rộng mở.

"Khi tôi hỏi về đối thủ là Google, đó là một gợi ý để các bạn tư duy bản thân mình như một nền tảng phục vụ đại chúng, mở rộng tầm nhìn và nắm bắt cơ hội không giới hạn", anh Bình nói.

Chủ tịch FPT đặt ra câu hỏi có khi nào Tiki nghĩ sẽ thành doanh nghiệp 10 tỷ USD, ông Sơn tự tin đồng ý vì ước mơ không ai đánh thuế. Tiki từng 5 lần suýt phá sản nhưng ông Sơn vẫn không chùn bước. Nhà sáng lập này vẫn chăm chỉ làm việc, không ngừng học hỏi từ nhân viên công ty, đọc sách, kết nối đối tác, phân tích số liệu... Điều này giúp nhà đầu tư tin tưởng và thắt chặt hợp tác cùng Tiki trên con đường mở rộng. 

Ông Sơn cho rằng start-up luôn dám thử dám làm, nhưng đắn đo vì liệu những cái "bỏ đi đập lại" nếu đi tiếp sẽ thành công hay không. Anh Bình nêu ví dụ câu chuyện của Amazon là thành công do đi từ platform này sang plarform khác.Tuy nhiên doanh nghiệp rẽ hướng khác nếu tận dụng tốt đoạn đường đã đi để hướng đến thành công chứ không phải quay lại điểm xuất phát. “Vòng đời rất ngắn nên start-up không được phép làm như vậy”.  

Từ câu chuyện khởi nghiệp cá nhân, anh Trương Gia Bình và ông Trần Ngọc Thái Sơn đã mang tới nhiều thông điệp cho các start-up Việt 2019 trên con đường chinh phục các thành công mới. Đại diện của FPT và Tiki cũng chia sẻ cơ hội cho start-up để nhận được đầu tư từ hai tập đoàn.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tiki, một trong những công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, sở hữu nền tảng thương mại điện tử Tiki.vn. Hiện nay, Tiki sở hữu hệ thống cung ứng đầu cuối (end-to-end supply chain) với hơn 65.000 m2 trung tâm xử lý hàng hóa trên toàn quốc, dự kiến tăng đến 200.000 m2 vào cuối năm sau. Tiki tập trung đầu tư phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng, điển hình là dịch vụ giao hàng nhanh trong 2 giờ TikiNOW 2h, lần đầu tiên xuất hiện tại Đông Nam Á.

Chương trình Start-up Việt là sự kiện bình chọn khởi nghiệp thường niên do báo VnExpress tổ chức. Cuộc thi nhằm tìm kiếm các start-up nổi bật trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh có tính đột phá và mang lại lợi ích kinh tế - xã hội,...

Sau 3 năm triển khai, Start-up Việt nhận phản hồi tích cực của cộng đồng khởi nghiệp và xã hội với 1.100 hồ sơ dự thi, khoảng 45.200 lượt bình chọn trên VnExpress và thu hút hơn 300 chuyên gia từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Hành trình năm 2019 kéo dài từ tháng 3/2019 với sự tham gia của hơn 400 start-up, các cố vấn, nhà đầu tư và chuyên gia. Mục tiêu tạo sân chơi thực chất, có ích, tạo sự kết nối trong cộng đồng start-up, giúp các start-up có thêm kinh nghiệm khi bước ra thương trường.

Khánh Linh

Ý kiến

()