Chúng ta

Luyện 'trí nhớ siêu phàm' theo cách của kỷ lục gia thế giới

Thứ hai, 13/4/2015 | 08:07 GMT+7

Cho 50 con số bất kỳ, Huỳnh Đạt chỉ cần 2 phút tập trung ghi nhớ và đọc vanh vách, thậm chí đọc ngược trơn tru.

Đạt là một trong 15 sinh viên Đại học FPT vừa nhận chứng chỉ về khả năng ghi nhớ - Memory Grand Master. Đây là lớp sinh viên đầu tiên ở Việt Nam học theo phương pháp rèn luyện trí nhớ siêu việt của kỷ lục gia Biswaroop Row Chowdhurry (thường được gọi là Bi), 42 tuổi người Ấn Độ. Ông Bi đang giữ kỷ lục thế giới về trí nhớ siêu phàm nhất, được công nhận vào năm 2006.

Biswaroop Roy Chowdhurry  là người duy nhất trên thế giới nắm giữ 2 kỷ lục về năng lực não bộ và cơ thể. Khi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Punja Engineer (PEC), ông thường bị bạn bè gọi là “bhullakad” (người hay quên, đãng trí). Chính khiếm khuyết này đã trở thành động lực để ông phấn đấu học uyên thông nghệ thuật tối ưu năng lực não bộ.

Ông là minh chứng cho khả năng ghi nhớ của con người bằng phương pháp mới. Thay vì nhớ những con số, sự kiện khô khan, kỷ lục gia cho rằng cần phải biết liên tưởng và suy nghĩ theo cách hóm hỉnh, hài hước để tạo ra sự phấn khích cho não bộ. Ông khẳng định, nghĩ đến những gì càng khác biệt thì não bộ càng dễ thu nạp và lưu lại.

DSC-7852-1428049805-660x0-2221-142864784

Huỳnh Đạt (áo cam) đọc lưu loát 50 chữ số từ khán giả chuyển đến. Ảnh: Hà Dương.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương, Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển chương trình ĐH FPT, là người đầu tiên tại Việt Nam đưa phương pháp rèn trí nhớ này vào giảng dạy cho sinh viên. Bà Phương từng theo học kỹ năng ghi nhớ và giảng dạy của kỷ lục gia Bi. Hiện 600 sinh viên khóa mới của Đại học FPT đã được học cơ bản kỹ năng ghi nhớ siêu việt, trong đó 55 sinh viên tham gia lớp chuyên sâu. Sau 2 tháng học tập, chỉ có 15 sinh viên được trao chứng chỉ Memory Grand Master bởi thành tích vượt trội.  

Để đạt chứng chỉ Memory Grand Master, các thí sinh phải vượt qua một kỳ kiểm tra năng lực não bộ gắt gao. Chiến thắng là người có khả năng thuộc và đọc lại 50 số bất kỳ trong vòng chưa đến 5 phút; ngoài ra trong 5 giây, khi cho một ngày bất kỳ thí sinh phải đoán đúng ngày ấy rơi vào thứ mấy của tuần. Huỳnh Đạt là sinh viên đứng đầu lớp học đặc biệt này. Chỉ 2 tháng trước, Đạt chưa bao giờ tưởng tượng ngày nào đó bản thân lại có trí nhớ siêu việt như vậy. Cậu sinh viên năm 3 chia sẻ, thời gian đầu theo học gặp nhiều khó khăn do chưa quen với phương pháp ghi nhớ mới cũng như cách tư duy, tưởng tượng, anh đã phải cố gắng và quyết tâm rất nhiều. Giờ đây, với kỷ lục 2 phút 5 giây vừa ghi nhớ vừa đọc dãy 50 chữ số bất kỳ, anh là thành viên giữ thành tích cao nhất lớp.

Nhiều lần Đạt cùng tiến sĩ Phương trình diễn kỹ năng nhớ này với sinh viên đại học và trung học phổ thông tại TP HCM và Hà Nội. Chàng trai bật mí bí quyết nhớ 50 con số là liên tưởng đến chuỗi hình ảnh, âm thanh, màu sắc... có thực trước mắt hoặc tự tưởng tượng theo logic. Đạt giải thích: "Bằng cách này, bạn sẽ rút ngắn lượng kiến thức cần học, giúp dễ nhớ hơn vì các con số đã được thể hiện dưới dạng hình ảnh". Cách đoán thứ mấy trong tuần cho một ngày bất kỳ cũng vậy, bạn phải học một công thức đoán chính xác. Khi nhận đề bài, chỉ cần áp dụng công thức đó sẽ có ngay đáp án cần tìm.

DSC-8011-1428049806-660x0-3184-142864784

Kỷ lục gia Dr.Biswaroop Row Chowdhurry và 15 sinh viên đạt chứng chỉ Memory Grand Master. Ảnh: Hà Dương.

Là một trong 3 thành viên nữ được nhận chứng chỉ Memory Grand Master, Ngọc Châu, sinh viên năm 4 ĐH FPT, cho biết trước đây cô mất rất nhiều thời gian để học thuộc bài. Nhờ áp dụng kỹ năng luyện trí nhớ, những bài vở bình thường phải học 5-6 tiếng mới thuộc thì nay bạn chỉ cần khoảng 2 giờ là nắm toàn bộ kiến thức và ghi nhớ rất lâu. Việc học của Châu trở nên có hệ thống và tiến bộ hơn. “Bây giờ em có nhiều thời gian rảnh rỗi để rèn luyện thể thao và giải trí hơn, cảm nhận sức khỏe và tinh thần của mình tốt hơn rất nhiều”, cô sinh viên chia sẻ.

Để theo học khóa này, tiến sĩ Phương cho biết, học viên không nhất thiết phải là người thông minh hay có khả năng thiên bẩm. Chính sự kiên trì, quyết tâm và chăm chỉ sẽ làm nên thành công. Thay vì học nội dung theo kiểu học vẹt, đọc đi đọc lại nhiều lần cho thuộc, cách luyện trí nhớ này giúp xây dựng hệ thống tư duy với 5 phương pháp: Xâu chuỗi, hành trình, hình ảnh, âm điệu và phương pháp ngữ nghĩa cá nhân làm cho người học chủ động, nhạy bén giúp học nhanh, nhớ lâu hơn.

Tiến sĩ Phương khẳng định, phương pháp học tập này có thể rèn luyện cho học sinh ngay từ cấp tiểu học, giúp các em nhỏ trang bị nhiều kiến thức bổ ích trong khoảng thời gian ngắn. Nhờ vậy các em có thêm thời gian hoạt động, vui chơi tăng cường thể lực và trí lực.

Theo VnExpress

Ý kiến

()