Anh chia sẻ với Chúng ta về không gian nghệ thuật quy mô lớn sẽ diễn ra tại Hoàng thành kỷ niệm 30 năm thành lập FPT.
- Điều gì khiến anh nhận lời chỉ huy dàn nhạc trong Đại nhạc hội “Sống” của FPT?
- Cứ mỗi độ thu về, tôi lại về nước thăm gia đình và cũng để thực hiện chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” mừng ngày Quốc khánh 2/9. Thật trùng hợp, mùa thu năm nay cũng là khoảng thời gian FPT kỷ niệm sinh nhật thứ 30 bằng một đêm nhạc hoành tráng. Đây không phải lần đầu tiên tôi nhận được lời đề nghị chỉ huy dàn nhạc cho chương trình của một doanh nghiệp. Thời gian về Việt Nam không nhiều lại phải chịu trách nhiệm đêm nhạc “Điều còn mãi” khiến tôi khá đắn đo suy nghĩ. Nhưng những ý tưởng thú vị và sự nhiệt huyết của người FPT là lý do tôi đồng ý tham gia chương trình này. Đây cũng có thể coi như một cái duyên vì tôi chỉ có thể ở Việt Nam vào thời gian này trong năm.
- Anh đánh giá như thế nào khi FPT kỷ niệm 30 năm thành lập bằng một không gian nghệ thuật quy mô lớn như vậy?
- Làm một đêm Đại nhạc hội hoành tráng với sự kết hợp của dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc nhẹ, EDM, dàn hợp xướng, múa đương đại, múa cổ điển… là một quyết định vô cùng táo bạo, thể hiện “tầm” của FPT. Thử nhìn xem, số lượng tiết mục, số lượng người tham gia, sân khấu lớn, dàn ánh sáng khổng lồ cho thấy “Sống” vô cùng đồ sộ và công phu. Để thực hiện được chương trình như vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng dám làm. Ở đây, không chỉ cần tiềm lực tài chính hùng mạnh mà còn cần một nền móng vững chắc về nghệ thuật, một bề dầy về văn hóa và một vị thế đủ lớn để không bị coi là “chơi trội”.
Tôi rất thích cách chương trình mở cửa tự do cho mọi người. Điều này tạo ra một không gian âm nhạc cởi mở, không bị gò bó, giúp người nghe cảm thụ được thông điệp chúng tôi truyền tải một cách chân thực và tự nhiên hơn.
Với sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi, dàn nhạc giao hưởng đã sẵn sàng cho Đại nhạc hội "Sống". |
- Với người dân Việt Nam nói chung và người FPT nói riêng, thính phòng vẫn được coi là nhạc bác học, khó hiểu. Vậy anh đã có những cách nào để khán giả của “Sống” có thể dễ dàng cảm thụ được thứ âm nhạc này?
- Xét tổng thể thì đây là một chương trình ca múa nhạc tạp kỹ chứ không phải một buổi hòa nhạc giao hưởng thuần túy. Chúng tôi đã tìm cách kết hợp thính phòng với nhạc nhẹ, lồng ghép những bài múa đương đại vào trong những giai điệu cổ điển. Khán giả không cần phải có sự am hiểu sâu sắc để thưởng thức đêm nhạc này.
Mặt khác tôi lựa chọn những tác phẩm kinh điển đã được phổ biến rộng rãi để trình diễn. Người nghe có thể không nhớ tên nhưng chắc chắn từng nghe qua giai điệu ở đâu đó rồi. Thêm nữa tôi cũng lựa chọn những bản nhạc là đặc trưng của mỗi vùng đất như châu Á, châu Âu, châu Phi thể hiện sự toàn cầu hóa của FPT.
Phải nói thêm rằng chúng tôi không chủ đích hướng tới một chương trình nghệ thuật hàn lâm, mà chỉ muốn kể chuyện bằng âm nhạc. Với những cách thể hiện đó, tôi tin rằng khán giả sẽ không gặp trở ngại để hiểu được những câu chuyện chúng tôi muốn kể.
- Trong cùng một thời gian ngắn phải xử lý rất nhiều công việc, anh gặp khó khăn ra sao về thời gian khi tham gia chương trình này?
- Tôi nhận được kế hoạch tổ chức từ khá lâu rồi. Dàn nhạc cũng đã có 4 buổi tập trước khi tổng duyệt vào tối 12/9 này. Trong tay tôi đều là những cá nhân rất giỏi nên việc chuẩn bị không có khó khăn gì nhiều. Tuy nhiên, đêm nhạc này không phải là phần độc diễn của chúng tôi như những chương trình hòa nhạc thông thường. Việc khớp nối với các bộ phận khác sẽ cần khá nhiều thời gian. Điều quan trọng trong 2 ngày còn lại là mọi người phải nhanh chóng tìm ra các vướng mắc để giải quyết ngay lập tức. Tuy nhiên, tôi tin với ê-kíp thực hiện đều là những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam, chương trình sẽ diễn ra theo đúng dự kiến.
- Được chơi nhạc trong một không gian rộng lớn như Hoàng thành Thăng Long, giữa những ngày đẹp nhất của mùa Thu Hà Nội, anh có cảm xúc như thế nào?
- Là một người con của thủ đô, tôi đặc biệt yêu thích mùa thu nơi đây. Với tôi, đây là khoảng thời gian đẹp nhất của Hà Nội. Nếu xét riêng về mặt thời tiết, tiết trời mát mẻ khiến chúng tôi dễ dàng tập luyện không cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra, với các nghệ sĩ, cảm hứng là một điều vô cùng quan trọng. Trong một không gian đẹp đẽ, gió thoảng nhè nhẹ khiến tâm hồn dễ đồng điệu với âm nhạc, cảm xúc dễ dàng thăng hoa.
- Liệu trong những dịp kỷ niệm 35 năm hay 40 năm thành lập, FPT tiếp tục tổ chức các chương trình tương tự, anh sẽ vẫn nhận lời tham gia?
- Tất nhiên lần đầu tiên cũng sẽ không phải lần duy nhất. Tương lai tôi không thể nói trước được gì. Nhưng điều quan trọng là sau khi chương trình này kết thúc, chúng ta phải ngồi lại để nghĩ xem 5 năm, 10 năm sau sẽ làm những gì. Sự lặp lại làm cho nghệ thuật trở nên nhàm chán. Người xem sẽ không còn thấy hứng thú, nghệ sĩ sẽ không còn cảm hứng sáng tạo.
Để có được những ý tưởng mới cho tương lai, FPT phải suy nghĩ và hành động ngay từ hiện tại. Chúng ta không thể ngồi đợi đến sát lễ kỷ niệm mới chuẩn bị, sẽ là quá muộn. Sự định hướng là cần thiết và FPT phải xây dựng một nền móng ngay từ bây giờ để đến khi đó, mỗi nhân viên của tập đoàn sẽ cảm nhận được đây đúng là thứ văn hóa mình được tiếp xúc hằng ngày, hằng giờ.
- Anh có muốn gửi điều gì đến FPT nhân kỷ niệm 30 năm thành lập?
- Tôi rất thích khát vọng tiên phong, khát vọng vươn ra thế giới của FPT. Và tôi chúc cho các bạn sẽ thực hiện điều đó. Chúc cho người FPT luôn giữ được ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết trong những bước đường dài phía trước.
Nguyễn Thắng thực hiện
Nhạc trưởng Lê Phi Phi sinh tại Hà nội trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky với thành tích cao, Lê Phi Phi được mời làm chỉ huy thường trực của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia nước Cộng hoà Macedonia từ năm 1993-2000. Trong thời gian này, anh đã có hàng trăm buổi biểu diễn tại Macedonia cũng như các nước khác như: Nga, Pháp, Đức, Ý, Hy Lạp, Nam Tư cũ, Thụy Điển, Albania, Bulgaria... Lê Phi Phi cũng từng làm việc với các dàn nhạc khác như: Dàn nhạc Đài phát thanh và truyền hình Belgrad (Serbia), Dàn nhạc giao hưởng Vidin (Bulgaria), Dàn nhạc giao hưởng Nis (Serbia), Dàn nhạc vũ kịch trực thuộc Nhạc viện Tchaikovsky (Russia), Nhà hát nhạc vũ kịch Macedonia, Dàn nhạc giao hưởng đài phát thanh và truyền hình Macedonia... Từ mùa biểu diễn 2007-2012 Lê Phi Phi được mời làm chỉ huy trưởng thường trực của Dàn nhạc giao hưởng thành phố Nis (Serbia). Từ năm 1995, Lê Phi Phi thường xuyên về Việt Nam làm nhiều chương trình hoà nhạc, cộng tác chặt chẽ với các dàn nhạc trong nước như Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch TP HCM, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, đồng thời anh cũng là chiếc cầu nối chặt chẽ giữa các nghệ sĩ Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài với các đơn vị biểu diễn trong nước. |
Ý kiến
()