Anh Khánh là diễn giả của phần trò chuyện với chủ đề "Chuyện nghề lập trình" trong buổi offline xDay tháng 12 của sinh viên FUNiX tại TP HCM vào ngày 4/12.
Câu chuyện của anh Khánh mang đến làn gió mới cho buổi offline. Mentor Trần Nam Dũng nhận xét: "Các bạn trẻ cần chú ý khi đi tới những diễn đàn về khởi nghiệp. Với những từ ngữ hô hào, chúng ta như thấy máu nóng rần rật trong người, tưởng rằng sắp có triệu đô tới nơi. Nhưng không phải, câu chuyện nghề cần sự lặng lẽ và nhẫn nại hơn nhiều". |
Là người làm lập trình từ khi phần mềm viết ra "chỉ để ngắm chứ không ai dùng", anh Khánh lần đầu thấy giá trị công việc của mình khi... dựa trên một phần mềm sẵn có để cho ra sản phẩm có khả năng bỏ dấu và sửa chính tả tiếng Việt chuẩn xác.
"Chỉ có thế thôi mà người dùng rất khoái. Trong khi lúc còn làm ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, được giao đề tài các kiểu nhưng làm xong để đó và không có ai dùng", anh Khánh nói. Làm lập trình từ thuở phần mềm tại Việt Nam viết ra chỉ để... ngắm, anh Khánh lần đầu cảm thấy công việc của mình có giá trị thực sự khi anh dựa trên một phần mềm soạn thảo văn bản sẵn có để tạo ra sản phẩm có thể bỏ dấu và sửa dấu tiếng Việt đúng chuẩn.
Có lẽ đây là lý do mà sau khi quyết định Nam tiến, anh Khánh "chung thủy" với việc tạo ra những phần mềm phục vụ cho các công việc báo cáo, thuế, quản lý tài sản, kế toán cho các doanh nghiệp. Đây là điều các sinh viên của FUNiX đặt nhiều dấu hỏi và khiến thời lượng của xTalk có phần hỏi đáp dài gấp đôi thời gian diễn giả trình bày, đảo lộn so với trật tự thường thấy.
Anh Nguyễn Trung, bố của sinh viên 12 tuổi Nguyễn Đức Thành Công đang làm việc trong ngành tài chính, nêu lên nhiều điểm yếu của các phần mềm kế toán hiện nay. Qua đó, anh thắc mắc tại sao một người đã "ngâm" lâu trong môi trường phần mềm tính toán như anh Khánh lại không làm được sản phẩm khắc phục những điểm đó. Đồng quan điểm với anh Trung, một sinh viên của FUNiX còn gợi ý anh Khánh nên cho ra lò những sản phẩm "một cho tất cả" và có luôn phần tính toán dự báo cho tương lai.
Anh Khánh cho biết đã có nhiều người đặt vấn đề tương tự với anh. Chính công ty của anh cũng thỉnh thoảng vướng vào việc cố làm hài lòng khách hàng bằng cách chiều ý bổ sung những tính năng này, tính năng kia. "Thực tế, người dùng chính trong doanh nghiệp còn khác nhau. Có lễ tân, kế toán, giám đốc với những nhu cầu số liệu khác nhau. Ngay ở FPT cũng từng tự làm luôn một phần mềm để mỗi sáng có số để báo cáo chứ không chờ đợi để có con số tổng hợp, tính toán chi ly".
Kinh nghiệm từ việc đi "code dạo", tư vấn đến bán phần mềm, anh Khánh khẳng định không có một loại sản phẩm nào mà làm tất cả mọi người đều thấy ổn. "Quan trọng là mình phục vụ cho một nhóm khách hàng với những tiêu chí về trình độ, thói quen, nhu cầu nhất định. Không có chuyện mình làm ra một sản phẩm mà tất cả sản phẩm khác sẽ "bay" hết".
Anh Phạm Vũ Trường Giang, người hỏi "xoáy" diễn giả chương trình về giá trị của phần mềm Việt. |
Anh Phạm Vũ Trường Giang, một sinh viên đồng thời là mentor môn kế toán của chứng chỉ 1 tại FUNiX, thì cảm thấy "chạnh lòng" khi những phần mềm, giải pháp do một số "ông lớn" trong ngành có giá trị hàng chục triệu đô, còn phần mềm của FAST Software có giá rẻ hơn nhiều và ai cũng có thể mua được.
Đáp lại, anh Khánh cho rằng "ai cũng mua được" chính là cái hơn của cùng những "bà bán phở đầu ngõ". Thậm chí, trong cùng một ngõ có nhiều bà bán phở với các loại khác nhau, có những người không bán được nhưng bao giờ cũng hơn một người luôn có khách. Anh Khánh lấy ví dụ trong ngành xe hơi, hãng Kia phục vụ bình dân sống cực tốt và Lexus cũng không thiếu khách hàng.
"Đó là cái hay của thị trường. Điều quan trọng là mình phải so dịch vụ, sản phẩm của mình với những công ty phục vụ cho cùng nhóm khách hàng, chứ không phải sản xuất siêu xe mới là oách", anh Khánh hài hước nói.
Xét về yếu tố cộng đồng, những sản phẩm đơn giản, dễ sử dụng, phục vụ nhu cầu sát sườn cho những đơn vị nhỏ còn có lợi thế "đám đông". Nhiều khách hàng mua sản phẩm vì biết chắc rằng các công ty khác cũng đang sử dụng như một sự kiểm chứng về tính năng và hiệu quả.
xDay là hoạt động định kỳ của FUNiX để chào đón sinh viên mới, vinh danh các sinh viên xuất sắc trong tháng. Trong đó, xTalk là phần chương trình luôn được các sinh viên chờ đón bởi nội dung mới lạ và có cơ hội được gặp gỡ những diễn giả tài năng. Tại Hà Nội, diễn giả của xTalk kỳ này là Giám đốc Phát triển Nguồn lực FPT Software Trần Xuân Khôi. Anh Khôi đã chia sẻ về cách có được thu nhập cao với sinh viên FUNiX. |
>> Bí kíp học nhanh, trúng thưởng, sớm 'hồi vốn' từ FUNiX
Ngọc Dung
Ý kiến
()