Chúng ta

Học viên BrSE giành giải Nhì cuộc thi 'Nhật Bản và tôi'

Thứ bảy, 14/11/2015 | 16:48 GMT+7

Lê Ngọc Thiên Phú, học viên chương trình kỹ sư cầu nối (BrSE) của FPT Software, đã giành giải Nhì cuộc thi viết trực tuyến “Nhật Bản và tôi” do Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam và Nhật Bản (VYSA) tổ chức.

Theo Ban tổ chức, cuộc thi viết “Nhật Bản và tôi”, diễn ra từ 1/7-4/10, đã nhận được sự quan tâm chia sẻ của nhiều du học sinh, tu nghiệp sinh từ khắp mọi miền của đất nước Mặt trời mọc. Nhiều bài viết chất lượng đã thể hiện những tâm tư, tình cảm, trải nghiệm của người Việt đối với đất nước và con người nước Nhật. Đầu tháng 11, Ban tổ chức đã trao thưởng cho các bài viết đạt giải cao.

Giải Nhất thuộc về tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh với bài viết “Nước Nhật của tôi, nước mắt của tôi". Lê Ngọc Thiên Phú, học viên BrSE, với bài viết “Những trải nghiệm đầu tiên của sinh viên lần đầu sống xa nhà" đồng giải Nhì cùng tác giả Vương Thế Tôn với bài viết “Câu chuyện của giọt nước mắt". Cạnh đó, Ban tổ chức còn trao hai giải Ba và 10 giải khuyến khích.

76.jpg

Thiên Phú nhận giải từ Ban tổ chức.

Cuộc thi viết bài trực tuyến “Nhật Bản và tôi” nhằm tạo sân chơi cho thanh niên sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản chia sẻ ước mơ của bản thân, những thử thách trong cuộc sống xa nhà và cách vượt qua thử thách đó để thực hiện ước mơ. Giải Nhất cuộc thi trị giá 30.000 yên; 2 giải Nhì 15.000 yên; 2 giải Ba 10.000 yên.

Biết đến Nhật Bản từ những bài học trên lớp và qua những lời kể của chị gái du học tại Nhật Bản, lần đến Nhật đầu tiên của Phú là khi tham gia Chương trình “Giao lưu thanh niên Nhật Bản – Đông Nam Á Jenesys 2.0” (từ ngày 11 đến ngày 19/11/2014 tại Tokyo). Trong lần đầu đến đất nước mặt trời mọc, Phú ấn tượng về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cuộc sống hiện đại và những nét truyền thống khi tham quan những địa điểm, danh thắng đặc trưng nhất tại Tokyo và Tochigi.

“Sau khi tham gia chương trình Jenesys, tôi nuôi dưỡng ước mơ sẽ cố gắng kiếm cơ hội để được học tập tại đây. Khi đang trong thời gian làm đề tài khóa luận sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế – Đại học Huế, vô tình tôi lại đọc được thông tin về chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối của FPT Software và tôi đã trúng tuyển để lên đường sang Nhật học tập một năm tiếng Nhật”, Thiên Phú chia sẻ thêm.

74.jpg

Kỹ sư cầu nối tham gia đoàn thanh niên Việt Nam đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Nhật Bản.

Tham dự cuộc thi viết, Phú đã có những chia sẻ và so sánh về cuộc sống học tập tại đây. Cuộc sống xa nhà và học tiếng Nhật vất vả hơn cậu tưởng và khác xa với lần đến Nhật Bản lần đầu tiên. Từ việc chi tiêu cho việc tiền tàu xe, cơm, áo, gạo, tiền, điện, nước, gas… đến việc viết chữ, nhớ từ vựng và ngữ pháp.

Theo Phú, cuộc sống học tập tại đất nước xa lạ đã góp phần thay đổi bản thân theo hướng tích cực, từ một người được gia đình bao bọc đã biết tự chăm sóc bản thân; nhất là được trải nghiệm thêm những nét văn hóa hiện đại mà vẫn đậm chất truyền thống của Nhật. “Cho đến bây giờ, tôi hoàn toàn không hối hận khi mình đã quyết định tạm rời xa vòng tay cha mẹ, để thay đổi bản thân, để mình trưởng thành hơn. Tôi nghĩ khi trở về ba mẹ và gia đình tôi sẽ rất vui và hạnh phúc khi thấy tôi đã thay đổi theo hướng tốt đẹp như thế này”.

>> Hành trình 15 năm tiến vào thị trường CNTT Nhật của FPT 

Bài viết Những trải nghiệm đầu tiên của sinh viên lần đầu sống xa nhà của Nguyễn Ngọc Thiên Phú: 

Tôi biết đến Nhật Bản từ khi còn là một học sinh cắp sách đến trường. Nhật Bản trong tôi lúc đó là một cường quốc về kinh tế, người Nhật Bản rất chăm chỉ, cần cù lao động và có tính tự tôn cao, trẻ em ở đây được dạy cách sống tự lập từ nhỏ. 

Mặc dù Nhật Bản là đất nước nghèo khó về tài nguyên và hứng chịu nhiều thiên tai từ thiên nhiên như động đất, sóng thần hay chịu hậu quả nặng nề từ cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng bằng sức mạnh con người đã giúp nền kinh tế Nhật Bản vươn lên đứng vị trí thứ 2 thế giới hiện nay (sau Mỹ).

Lớn hơn một chút, khi tôi vào học Đại học thì chị gái tôi nhận được học bổng học thạc sĩ tại Nhật Bản. Tôi được nghe nhiều hơn về đất nước này như việc học tập và làm việc tại đây, tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt, cách sống, tham gia giao thông,… Lúc đó tôi ước sẽ có cơ hội đặt chân đến đây một lần.

Và điều ước của tôi đã trở thành hiện thực, vào tháng 10/2014, tôi đã trúng tuyển vào chương trình Giao lưu thanh niên Nhật Bản – Đông Nam Á Jenesys từ ngày 11 đến ngày 19/11/2014 tại Tokyo.

Lần đầu tiên đặt chân đến đất nước này, trong chương trình Jenesys 2.0, đã mang lại trong tôi những cảm xúc, ấn tượng phong phú, giàu đủ và hoàn toàn khác so với những gì tôi tưởng tượng. Nhật Bản là đất nước với nền văn hóa lâu đời, đặc trưng, phong phú và tinh tế; nền kinh tế giàu mạnh và đáng ngưỡng mộ; con người Nhật Bản thông minh, cần cù, gắn bó và giàu tình cảm.

Gửi gắm những thông điệp đầy đủ nhất về một Nhật Bản văn minh với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cuộc sống hiện đại và những nét truyền thống, chúng tôi được tham quan những địa điểm, danh thắng đặc trưng nhất tại Tokyo và Tochigi. Tokyo nổi bật với tòa thị chính Tokyo Metropolitan, đem lại cái nhìn khái quát nhất về sự phát triển phồn vinh của Thủ đô Nhật Bản – một cái nhìn toàn cảnh từ tầng thứ 65 của tòa nhà.

75_1447487483.jpg

Thiên Phú (áo xanh, đứng giữa, hàng trên) trong đoàn Jenesys 2.0.

Từ trên cao, tôi không khỏi choáng ngợp bởi một thành phố Tokyo đông đúc, nhà cửa san sát, đường sá tấp nập xe cộ nhưng vẫn rất gọn gàng và có trật tự. Kế đó là một hệ thống các bảo tàng. Khác với Việt Nam, bảo tàng tại Nhật mang tính trực quan rất cao, khách tham quan có thể trực tiếp cảm nhận sự vật sự việc qua các giác quan, sờ, nắm, nhìn, nghe, cảm nhận. Điều này lý giải những kiến thức trong viện bảo tàng rất hấp dẫn, nhất là với trẻ em, trẻ em Nhật thích tham quan bảo tàng và trải nghiệm, học hỏi từ đó. Nhờ vậy, con người Nhật sớm có những hứng thú và định hướng đối với công nghệ, văn hóa, nghệ thuật, sớm định hướng được sở thích và con đường sau này.

Một ấn tượng khác nữa tới từ ngôi trường Đại học Hoàng gia tuyệt đẹp Gakushuin, từ cơ sở vật chất nhân tạo tới cảnh trí thiên nhiên xung quanh đều vô cùng hiện đại mà nên thơ. Một điểm mà tôi cực kì thích thú nữa đó là sinh viên tại ngôi trường này toát ra một vẻ tự tin, uyên bác, có phần hơi trầm lắng, đặc biệt khi so sánh với các đại biểu trong đoàn Việt Nam trong phần bàn luận, hỏi - đáp. Họ hỏi cũng như trả lời câu hỏi một cách từ tốn, xúc tích, thể hiện những quan niệm riêng về các chủ đề.

Con người, tinh thần và văn hóa truyền thống Nhật Bản được thể hiện rõ nét trong chuyến đi về Tochigy. Không biết bao nhiêu nụ cười đã nở trên môi và bao nhiêu những giọt nước mắt của người Nhật và người Việt đã rơi lên mảnh đất này. Dường như, ranh giới Việt -Nhật cũng không còn nữa.

Thật không thể tin nổi, chỉ trong vòng một ngày, chúng tôi đã trở nên thân thiết như là anh em, là con cháu trong nhà, cảm thấy gắn bó, yêu thương, không muốn rời xa. Tạm gác lại tinh thần Nhật Bản, sự cần cù, chịu khó, yêu lao động, đức tính cẩn thận, tỉ mỉ mà chúng ta vẫn thường nhắc tới khi nói về người Nhật.

Chuyến đi lần này cho tôi ấn tượng về những bà mẹ Nhật, những ông bố Nhật thương yêu chúng tôi, tôn trọng giá trị con người, vẻ đẹp con người từ tận trái tim. Những cử chỉ, sự quan tâm nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc là một cú chạm lớn xao động trong tim, kết nối hai dòng máu, hai dân tộc khác nhau, dạy chúng tôi và tôi tin tưởng là cả bố mẹ Nhật, anh em Nhật của tôi những bài học về tình cảm gia đình, sự quan tâm và trách nhiệm. Vẫn thoáng quanh đây dáng còng còng của bà ngoại Nhật của tôi, tất bật chuẩn bị bữa cơm, xếp ga giường, kiểm tra lò sưởi và vuốt ve, vỗ về các cháu.

Trái ngược với những áp lực công việc thường thấy của người Nhật mà chúng tôi được biết qua báo đài, nông dân Nhật ở Tochigy lại rất biết hưởng thụ cuộc sống, họ cũng “nhậu nhẹt”, trò chuyện tới đêm, du lịch quanh thế giới, tổ chức các lễ hội, thăm họ hàng, nói chung, vun đắp đời sống tinh thần thật phong phú. Còn trong nông nghiệp, họ luôn tìm cách tối ưu hóa, hiệu quả hóa nhân lực, nguồn lực dựa trên việc tìm tòi thêm về kỹ thuật; vì thế mà nông sản tại đây, từ củ cải, táo, lê, cà chua đề to gấp đôi, gấp 3 nông sản tại Việt Nam và đặc biệt ngon, đẹp mắt.

Sau khi tham gia chương trình Jenesys, tôi nuôi dưỡng ước mơ sẽ cố gắng kiếm cơ hội để được học tập tại đây. Khi đang trong thời gian làm đề tài khóa luận sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế – Đại học Huế, vô tình tôi lại đọc được thông tin về chương trình Kỹ sư cầu nối của công ty FPT Software và tôi đã trúng tuyển để lên đường sang Nhật học tập một năm tiếng Nhật.

Lần thứ 2 đặt chân đến đây, cảm giác hồi hộp đã không còn, vẫn là sân bay Narita to lớn, hoành tráng nơi mà 9 tháng trước tôi cũng đã đặt chân đến đây. Tôi cùng các bạn trong chương trình trở về ký túc xá để bắt đầu cuộc sống mới ở đây.

Những ngày đầu tiên là những ngày tôi cảm thấy buồn chán nhất, 4 năm học Đại học của tôi là ăn cơm nhà nên đây là lần đầu tiên tôi sống xa gia đình. Tôi bắt đầu học cách quản lý chi tiêu tiền bạc của mình, học cách nấu ăn bằng cách lên mạng tìm cách kho thịt gà, cách xào rau, cách rang đậu,… và nỗi nhớ nhà. Lúc đó mỗi lần gọi skype về cho ba mẹ thì cảm thấy nhớ ba mẹ lắm, cảm thấy có lỗi khi sống với ba mẹ đôi lúc tôi hay làm ba mẹ buồn, đôi khi vì ham đi chơi với bạn bè mà không ăn cơm với ba mẹ, đôi khi vì mải mê xem phim mà đã không ăn bữa cơm mẹ vất vả nấu cho tôi ăn. Từ đó tôi càng lấy thêm động lực cho mình để cố gắng học hành thật tốt và đạt kết quả tốt để có cơ hội làm việc ở Nhật Bản này.

Cuộc sống xa nhà và học tiếng Nhật vất vả hơn tôi tưởng, cuộc sống khi học tập khác xa với lần tôi đến Nhật Bản lần đầu tiên. Từ việc chi tiêu cho việc tiền tàu xe, cơm, áo, gạo, tiền, điện, nước, gas…

Trường học của tôi khá xa so với nhà, tôi có 2 phương án để đi đến đó, một là đi ga gần nhà (5 phút đi bộ) và đi tuyển tàu điện ngầm (30 phút) rồi đến ga gần trường (5 phút đi bộ) thì vé tháng là 8 sen. Hai là đi ga xa nhà (15 phút đi bộ) và đi tàu điện tuyến Yamanote (15 phút đi bộ) đến ga Harazuku để đến trường (20 phút đi bộ) thì mua vé tháng mất 5 sen. Vì 3 sen nên tôi đã quyết định nhanh chọn phương án 2 để tiết kiệm hơn và cũng tập thói quen đi bộ hàng ngày cho mình.

Trước khi đến Nhật Bản thì tôi cũng chưa học nhiều về tiếng Nhật nên khi qua đây tôi bắt đầu học lại từ đầu và có phần khó khăn hơn các bạn. Ở trên lớp các bài kiểm tra điểm khá thấp vì tôi không nhớ hết từ vựng, sai ngữ pháp, viết chữ còn chậm nên không kịp thời gian. Sau đó, thì tôi đã nhận được sự giúp đỡ của một anh trong KTX đã đạt được N3 để làm gia sư cho tôi mỗi tối. Thực sự anh đó đã hướng dẫn chỉ bảo cho tôi học rất kĩ càng và đã giúp tôi ngày càng tiến bộ hơn. Hi vọng trong 1 năm tới tôi có thể đạt được mục tiêu của mình đặt ra.

Đôi khi cảm thấy quá cô đơn, nhớ nhà thì quanh tôi lại có những người anh, người bạn sống cùng tôi trong KTX, họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống, cùng nhau khích lệ, cố gắng trong học tập, giúp đỡ nhau và tạo cho nhau những niềm vui, sự lạc quan trong cuộc sống để giúp nhau vượt qua những thời gian đầu đầy khó khăn này.

Cuộc sống bươn chải ở Nhật Bản khiến tôi-một người được ba mẹ bao bọc, có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm hơn, giúp tôi có thêm những người bạn, có cơ hội được hội nhập với nên văn hóa hiện đại những vẫn đậm chất dân tộc này. Cho đến bây giờ, tôi hoàn toàn không hối hận khi mình đã quyết định tạm rời xa vòng tay cha mẹ, bước ra ngoài phạm vi đất nước Việt Nam, vươn mình ra Thế giới để thay đổi bản thân, để mình trưởng thành hơn. Một năm sau tôi nghĩ khi trở về ba mẹ và gia đình tôi sẽ rất vui và hạnh phúc khi thấy tôi đã thay đổi theo hướng tốt đẹp như thế này.

Nguyên Văn

Ý kiến

()