Chúng ta

Học sinh FPT tập làm 'lập trình viên' với môn học Coding

Thứ tư, 23/10/2019 | 21:29 GMT+7

Lâu nay, các thuật toán lập trình và code vẫn là lĩnh vực dành riêng cho sinh viên IT, kỹ sư công nghệ… Tuy nhiên, tại THCS FPT, các học sinh nhà F đã bắt đầu được tiếp cận và làm quen với công việc lập trình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Công cuộc cách mạng 4.0 đã và đang mang đến cho thế giới nhiều biến chuyển đột phá về công nghệ. Để những “chủ nhân tương lai” của đất nước làm chủ được kỳ năng lập trình, THCS FPT đã đưa môn học Coding vào giảng dạy từ năm học 2019-2020. Được lồng ghép trong môn Tin học ở mức độ nhất định, Coding được coi như một môn học chính thức của nhà trường. Đây là môn học đòi hỏi sự thông minh, tư duy logic cao cùng với kiến thức rộng của 4 lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán. Do vậy, Coding là một môn học khá khó, yêu cầu nhiều sự nỗ lực, tìm tòi nghiên cứu của học sinh nhà F.

Tuy nhiên, với sự sáng tạo trong phương pháp giảng dạy cùng sự tâm huyết của giáo viên nhà trường, học sinh FPT đang ngày một hiểu được nhiều ý nghĩa mà môn học Coding mang lại. Nhất là khi các “lập trình viên nhí” được vận dụng các kiến thức của Coding để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hoặc trình bày những ý tưởng xuất phát từ thực tiễn.

Điển hình là “Thành phố thông minh” – dự án nằm trong môn học Coding - vừa được xây dựng bởi các học sinh khối 7 của trường. Theo đó, thành phố thông minh là một “thành phố ảo” được nâng cấp từ thành phố thực với đầy đủ hệ thống đường xá, đèn điện, trường học, bệnh viện, và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, thay vì ô nhiễm môi trường như thành phố thực thì “Thành phố thông minh” mang đến cuộc sống xanh, thân thiện và gần gũi với môi trường hơn.

fschool-monhoccoding1-4765-1571819698.jp

Khuôn viên thành phố được các "lập trình viên nhí" thiết kế với nhiều vị trí có thể tận dụng để trồng cây xanh. Ảnh: FPT School

Không chỉ là một thành phố xanh, “Thành phố thông minh” còn mang đến cho cư dân những trải nghiệm tuyệt vời, xứng tầm cuộc sống hiện đại thời công nghệ số. Khi là một cư dân của thành phố, người dùng sẽ được cấp 1 số ID được hiểu như số CMND để sử dụng các dịch vụ. Các “lập trình viên” nhà F đã xây dựng thành phố với quy hoạch rõ ràng, đường xá giao thông xuyên suốt, các khu vực trong khuôn viên thành phố đều được bố trí hợp lý và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại cho cuộc sống như: cửa tự động, đèn tự động bật tắt, cửa mật khẩu, thang máy thông minh…

Em Nguyễn Bằng Nguyên – lập trình viên của dự án chia sẻ: “Khi xây dựng ý tưởng thành phố này, con muốn tất cả mọi cư dân trong thành phố cùng chung tay để hướng đến một cuộc sống xanh, sạch, đẹp. Qua dự án lần này, con cũng mong các bạn học sinh có thể mạnh dạn và tự tin hơn với đam mê lập trình của mình”.

fschool-monhoccoding-6727-1571819698.jpg

Các "lập trình viên" tương lai tự tin trình bày ý tưởng về dự án "Thành phố thông minh". Ảnh: FPT School

Thông qua dự án, nhà trường hướng đến mục tiêu truyền cảm hứng, thôi thúc niềm đam mê với coding cho các học sinh nhà F. Ngoài việc học trên lớp, trường còn xây dựng một CLB Coding với nội dung học về Makecode Minecraft nâng cao hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển về lập trình của một số học sinh. Hiện tại, CLB Coding có 15 học sinh tham gia, hoạt động 1 buổi/tuần. Tại các lần sinh hoạt, có nhiều ý tưởng hay được các em học sinh hăng say thảo luận, và trao đổi thêm nhiều kỹ năng lập trình kéo thả thú vị. Các thành viên CLB đã chế tạo ra nhiều sản phẩm như: Đèn thông minh, cửa thông minh, các trò chơi nhanh trên máy tính... Sau một thời gian hoạt động và có sản phẩm ấn tượng, nhiều học sinh khác trong trường đã quan tâm tới CLB, hứa hẹn số lượng thành viên sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới.

CLB Coding hđang được phụ trách bởi cô giáo Nguyễn Phương Thùy – giáo viên giảng dạy bộ môn Coding. Về lý do lựa chọn giảng dạy môn Coding, cô giáo Phương Thùy chia sẻ: “Việc dạy môn Coding là một cơ duyên trong đời tôi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi bắt đầu tự tìm hiểu về phương pháp giáo dục STEM – một lĩnh vực giáo dục mới được đưa vào Việt Nam. Tôi thấy được ý nghĩa của việc hướng dẫn các bạn nhỏ hình thành tư duy lập trình trong thời đại hiện nay. Sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu các ngôn ngữ lập trình cho trẻ em. Coding for kids (Ngôn ngữ lập trình cho trẻ) rất thú vị và tôi thật sự bị cuốn hút”.

Phương Thùy cũng cho biết, cô từng dạy lập trình cho trẻ em tại một trung tâm trong 2 năm. Sau khi tích lũy kinh nghiệm dần dần, cô đến với các bạn nhỏ ở FPT School và tiếp tục giảng dạy lĩnh vực mình yêu thích.

fschool-monhoccoding-co-Nguyen-2162-5289

Cô giáo Nguyễn Phương Thùy đã đồng hành cùng các "lập trình viên nhí" từ khi dự án "Thành phố thông minh" mới chỉ là ý tưởng trên giấy. Ảnh: FPT School

Coding là một môn học khá mới trong cấp độ trung học cơ sở tại Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu phương pháp giảng dạy Coding tại FPT School cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Giáo viên phải tự nghiên cứu và xây dựng giáo án cho riêng mình vì nguồn tham khảo còn hiếm hoi. “Phần lớn thông tin môn học là từ trang chủ chương trình nên các bài giảng cần được trau chuốt, chỉnh sửa và thậm chí là giảng thử rất nhiều trước khi đưa ra giảng dạy thực tế”, cô giáo Phương Thùy tiết lộ. Tuy nhiên, được nhà trường quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực và các em học sinh đều thích thú, ham học nên cô giáo Phương Thùy được tiếp thêm nhiều động lực cho mỗi bài giảng.

Trưởng bộ môn STEM FPT School Cầu Giấy - chị Nguyễn Thị Ngọc Linh chia sẻ, phương pháp STEM được đưa vào giảng dạy tại FPT School Cầu Giấy từ đầu năm học 2019-2020. STEM là phương pháp giáo dục mang tính đổi mới toàn cầu, trong đó tích hợp các yếu tố Sciene (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học) được đưa vào chương trình chính khóa trong suốt cấp học. Với STEM, học sinh sẽ được tiếp cận các kiến thức mới của thời đại 4.0 một cách tự nhiên nhất. Coding – công nghệ lập trình – được xem là môn học hội tụ đầy đủ 4 lĩnh vực đào tạo của phương pháp STEM.

Khánh Linh

Ý kiến

()