Những ai quen biết gia đình chị Phạm Thị Hoài An (kế toán trưởng một đơn vị chuyên phân phối điện thoại tại Hà Nội) và anh Hoàng Trung Kiên đều ngưỡng mộ cách anh chị giáo dục con cũng như những thành tích cô con gái đầu của họ đạt được. Vừa thi đỗ vào trường cấp 2 chuyên Amsterdam, Hoàng Anh Chi cũng đoạt giải nhì Olympic tiếng Anh toàn thành phố cho học sinh tiểu học...
Chị Hoài An chia sẻ, vợ chồng chị đều định hướng giáo dục con theo hướng có khả năng bắt nhịp với xã hội, tự tin bước chân vào đời chứ không chỉ học giỏi theo kiểu "gà công nghiệp". Suốt 3 năm nay, dịp nghỉ hè nào anh chị cũng để Anh Chi đi làm thêm cho con hiểu về giá trị của lao động và đồng tiền, bước đầu làm quen với môi trường làm việc. "Lúc còn nhỏ con làm quen với môi trường làm việc đơn giản, sau này sẽ cho con làm các việc phức tạp dần lên", chị nói.
"Mẹ luôn khuyến khích con thử cái mới nếu biết chắc điều đó không nguy hiểm cho con", chị An chia sẻ. Trong ảnh, Chi quấn một chú trăn thật lên cổ trong một chuyến tham quan cùng gia đình. Ảnh: GĐCC. |
Hai năm trước, vào mùa hè năm lớp 3, chị An bảo con: “Hè này mẹ cho Chi tập đi bán hàng nhé”. Ban đầu, cô bé tỏ ra háo hức mong chờ được đi kiếm tiền vì trước giờ thấy bố mẹ đi làm, con nghĩ việc đó sẽ thú vị, mới mẻ lắm. Hai mẹ con cùng bàn bạc và chọn bán hàng rong. Cô bé biết tiếng Anh là một lợi thế nên chọn bán cho khách nước ngoài. Hai mẹ con dành một buổi chiều thứ bảy ra bờ Hồ Hoàn Kiếm khảo sát xem nên bán gì, cuối cùng quyết định bán nước đóng chai, đóng lon ướp lạnh.
Tối hôm trước khi đi bán, Chi được mẹ ứng trước cho vay vốn và cùng đi mua một số loại đồ uống. Con tự làm đầy tủ đá để dùng. Hôm sau chủ nhật, bố mẹ hỗ trợ Chi khênh thùng đầy đá và các chai nước cho vào cốp xe đi gần 10km lên điểm kinh doanh.
"Bao nhuệ khí của con bay biến khi nhận được cái lắc đầu của người khách đầu tiên. Mẹ đứng gần đó quan sát, lắng nghe sau khi khách đi sẽ rút kinh nghiệm cho con. Tổng kết ngày bán hàng, tỷ lệ bán thành công của con đạt khoảng 10% số khách mời. Sau khi trừ vốn con lãi 40.000 đồng. Mặt con buồn thiu, mẹ cũng tính rõ cho con đó là lãi gộp, nếu trừ tiền ăn trưa của con, tiền gửi xe thì lỗ", chị An kể.
Anh Chi nhận giải tiếng Anh. |
Buổi tối, để an ủi tinh thần con sau một ngày bán hàng vất vả, anh chị cho cả nhà đi ăn KFC rồi đi ăn kem. Con út Vân Hà chọn một ly kem 45.000 đồng, Anh Chi thấy vậy bảo em: "Ly kem này đắt lắm, hơn cả công bán hàng vất vả dưới nắng cả ngày hôm nay của chị đấy”.
Số tiền lãi 40.000 đồng ấy Chi để trong ngăn cuối cùng của hộp bút làm kỷ niệm suốt năm học lớp 4. Từ đó, chị Hoài An thấy con gái chăm học hơn mà không bao giờ thấy kêu học hành vất vả.
Sang hè năm lớp 4, Chi được mẹ giúp xin vào phụ việc trong một cửa hàng thuốc bắc. Công việc của cô bé là ngồi ngoài cửa trông hàng, mời khách, phụ lấy thuốc, cân thuốc, đóng túi, nấu cơm... Suốt tháng nghỉ hè, chiều nào cô bé cũng tới cửa hàng làm việc.
Hè năm nay, Chi vừa được nhận vào phụ việc trong một quán trà, hai buổi một tuần. Vừa phụ tiếp khách tại quán trà trên đường Cầu Giấy, Anh Chi vừa tâm sự: "Qua buổi bán nước đá hồi lớp 3, cháu mới hiểu kiếm tiền vất vả thế nào và buôn bán thực sự không hề giống như trò chơi đồ hàng, bởi mình sẽ phải tìm mọi cách thuyết phục khách nhưng không phải lúc nào cũng thành công".
Cô bé cũng cho biết trước đó khi ở nhà, cô bé cũng từng "kinh doanh nước" nhưng khách hàng chỉ là bố mẹ. "Mẹ ứng cho cháu một khoản tiền nhỏ để mua chanh, đường, đá, sữa rồi cháu tự làm sinh tố, bán cho bố mẹ, tính toán giá phải 10 hay 20 nghìn để có lãi", Chi kể.
Hoàng Anh Chi cùng bố mẹ và em gái trong một chuyến du lịch. Ảnh: GĐCC. |
Chị Hoài An quan niệm, bố mẹ không thể sống cuộc sống thay cho con và lo cho con suốt đời, vì thế cần dạy con biết lo liệu mọi việc cho cuộc sống đi học xa nhà, cho tương lai. Chị cho rằng, ngày xưa, bố mẹ đông con, kinh tế khó... không có thời gian quan tâm, lo lắng cho con như bây giờ nên tự nhiên trẻ quen tự lập, đến bữa tự ăn, đến giờ tự đi học, biết giúp bố mẹ việc nhà.
"Vậy nên muốn trẻ tự lập thì bố mẹ cần buông tay ra một chút. Lúc nhỏ con tự xúc ăn văng vãi không sao, có văng bẩn thì yêu cầu con lau dọn sạch, thay quần áo. Những việc của con, con phải tự làm, tự giải quyết, mẹ có thể hướng dẫn nếu cần, đề ra khung thời gian để con hoàn thành, kiểm tra kết quả nhưng tuyệt đối không làm thay con", chị An nói.
Chị kể, ngay từ lúc Chi 2,5 tuổi đã phải tự xúc ăn hoàn toàn, ra quán gọi ba bát phở là bố, mẹ, con ai có phần của người nấy, tự ăn. Lúc Chi 3 tuổi, khi mẹ đi làm về nấu cơm, mẹ mua cam, bổ ra thì con đã biết tự vắt cam, pha đường để hai mẹ con cùng uống. 4 tuổi, cô bé đã phụ mẹ tráng bát khi rửa rồi nhặt rau. Khi con lớn hơn, chị An rèn con biết tự lo lắng việc học của mình, biết dọn dẹp nhà cửa, làm một số công việc nhà, nấu ăn bắt đầu từ các món đơn giản... Mỗi dịp hè, cuối tuần hay những kỳ nghỉ, ngoài thời gian vui chơi thoải mái, đi bơi, trượt patin, múa, hát, đàn, vẽ theo ý thích, Chi đều được phân công chịu trách nhiệm đi chợ, nấu cơm và thực hiện một số việc nhà.
"Hãy đừng bọc con trong nhung lụa dù bây giờ bạn thừa sức làm vậy. Hãy để con tập đối mặt dần với cuộc sống bên ngoài khung cửa gia đình và trường học, để khi bước vào đời con không ngỡ ngàng, không lo lắng trước muôn vàn khó khăn, lo toan đời thường", người mẹ chia sẻ.
Bí quyết dạy con của chị Hoài An - Khi con nhỏ, cho bé chơi thật nhiều: Trẻ em khám phá thế giới qua các trò chơi. Cần biết cách tạo trò chơi, hướng dẫn bé chơi mà học. Khi còn còn nhỏ, cứ đến thứ bảy, chủ nhật, chị An đưa con ra ngoài chơi. Trẻ được quan sát cuộc sống thực, được tiếp xúc với nhiều người... trở nên bạo dạn và nhanh nhẹn hơn. Khi con khoảng gần 3 tuổi, chị An hay chơi trò đóng vai với con, giúp con phát triển ngôn ngữ, tăng hiểu biết, phản ứng nhanh nhạy với các tình huống xung quanh. Có thể chơi đóng vai người mua, người bán, bác sĩ - bệnh nhân học từ vựng về cơ thể, cách bảo vệ sức khỏe, đóng vai con gặp người lạ dụ dỗ... Qua những tình huống giả vờ ấy mẹ đều phân tích, hướng dẫn con cách xử trí đúng. - Rèn cho con tính kiên trì: Các kỹ năng đều phải có thời gian mới tích lũy được. Chị An luôn yêu cầu con làm cái gì là làm đến cùng, không phải thích thì theo, không là bỏ. Thực tế, Chi làm việc gì hay học môn gì cũng đến nơi đến chốn: Con học võ hơn 4 năm, mỗi tuần đều đặn ba buổi, học múa 4 năm... Cô bé Chi chia sẻ, điều mẹ luôn nhắc em nhiều nhất là "no pain, no gain" - không có rèn luyện, trải qua gian khó, không thể gặt hái thành công. - Rèn cho con tính dũng cảm: Chị An luôn khuyến khích con dũng cảm bảo vệ ý kiến của mình nếu con tin chắc là mình đúng. Đến nơi nào có các trò chơi mạo hiểm hay cảm giác mạnh, mẹ đều khuyến khích Chi chơi để chiến thắng nỗi sợ hãi. - Khuyến khích con luôn tìm tòi, học hỏi, dám thử nghiệm, không sợ sai: Chị An tâm niệm, trẻ con rất tò mò, ham sáng tạo nhưng chính sự mắng mỏ, ngăn cản của người lớn làm thui chột. Vì vậy, chị luôn khuyến khích con vui chơi, có bẩn một chút không sao, sau đó có thể rửa tay... - Khích lệ con học hỏi điều hay, lẽ phải: Người mẹ quan niệm, tâm hồn trẻ em như tờ giấy trắng, mẹ nên vẽ những nét đẹp, gieo những thói quen tốt cho bé. Thấy gì tốt, cần thiết chị đều dạy cho con, để con hiểu thế nào là đúng, là sai, đâu là xấu, thế nào là tốt. - Dạy con biết yêu thương, chia sẻ: Ở nhà, đừng tạo cho con những đặc quyền. Tạo cho trẻ quá nhiều đặc quyền chỉ khiến con trở thành người ích kỷ. Con cũng là con người, con cũng cần bình đẳng, tôn trọng với tất cả mọi người. Có như vậy, khi ra ngoài cuộc đời, sống tập thể hay đi làm, con sẽ dễ hòa đồng và được mọi người chấp nhận. Quan niệm trẻ học học nhanh nhất là từ mắt thấy tai nghe, từ lúc con 3 tuổi tới nay, mỗi lần tham gia các hoạt động từ thiện, chị An luôn dẫn con theo, cho con tham gia, khi là vào chùa ủng hộ sách vở, quần áo cho các bạn kém may mắn, lúc thì quyên góp tiền giúp bạn mổ tim... |
Theo VnExpress
Ý kiến
()