Global ViOlympic là cơ hội thúc đẩy tinh thần học tập và tạo dựng sợi dây gắn kết mang tính quốc tế giữa những người cùng quan tâm đến giáo dục. |
Năm nay, Global ViOlympic thu hút thí sinh tự do đến từ hơn 30 quốc gia trên thế giới. Càng vào sâu, cuộc thi càng đưa ra những thử thách khó khăn hơn để chọn lựa được những thí sinh xuất sắc nhất.
Theo BTC, đặc thù của cuộc thi là mỗi nước cần có một điều phối viên đại diện cho thí sinh và thay mặt Ban tổ chức quản lý việc dự thi của thí sinh. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, không phải quốc gia nào cũng đáp ứng được tiêu chí này. Có 5 quốc gia gồm: Australia, Bulgaria, Mông Cổ, Ghana và Việt Nam hội tụ đủ các điều kiện để góp mặt tại vòng chung kết quốc tế diễn ra từ ngày 28/3 đến 3/4 vừa qua.
Gần 3.800 thí sinh xuất sắc đã vượt qua các vòng thi trước đó để đến với vòng chung kết quốc tế Global ViOlympic. Trong đó, 3.076 thí sinh đến từ Việt Nam, 304 thí sinh Ghana, 228 thí sinh Australia, Bulgaria là 114 và Mông Cổ có 76 thí sinh tham gia.
Em Enerel Molor (8 tuổi), học sinh trường Quốc tế Orchlon, là thí sinh trẻ tuổi nhất cuộc thi, xếp hạng ba khối Tiểu học. Molor kể: “Em biết tới cuộc thi này qua cô giáo chủ nhiệm. Khi tham gia, em nghĩ đây là cơ hội để học hỏi và thử sức mình. Điều khó khăn nhất với em là thời gian làm bài rất nhanh. Lúc đó, em vẫn phải bình tĩnh, đọc kỹ câu hỏi để trả lời đúng”.
Sau khi được Ban tổ chức mời tham gia cuộc thi Global ViOlympic với vai trò điều phối viên, ông Martyn Kelly, giáo viên trường Quốc tế Tây Australia, đã nhận lời ngay. “Tôi nhận thấy đây là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy tinh thần học tập bộ môn Toán trong học sinh nhà trường cũng như tạo dựng mối liên hệ, gắn kết mang tính quốc tế giữa những người làm giáo dục”, ông cho biết.
Ông chia sẻ: "Để tạo thuận lợi cho cả điều phối viên và thí sinh, Ban tổ chức nên có những bài thi thử, kiểm tra trình độ trước khi bước vào vòng thi đấu chính thức. Qua đó, thí sinh sẽ chuẩn bị tốt hơn về kiến thức và cả tâm lý. Còn điều phối viên có thể hình dung rõ hơn về cấu trúc đề để đưa ra tư vấn hợp lý cho thí sinh".
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc, đại diện Ban tổ chức ViOlympic, điểm nổi bật của vòng thi quốc gia là chất lượng thí sinh tham gia vòng thi này tương đối cao. Hầu như các em học sinh khá giỏi của các quốc gia tham dự nên phổ điểm chung cao hơn so với các vòng thi tự luyện. Thí sinh tại Việt Nam vẫn tham gia với số lượng đông nhất, do quen thuộc với dạng bài thi và phong trào nhóm học tập từ cuộc thi ViOlympic. Đặc biệt, tinh thần học hỏi của các thí sinh đến từ Ghana - một quốc gia Tây Phi với trình độ CNTT còn hạn chế - đã nỗ lực vượt qua hết các vòng thi tự luyện và kiên trì bám đuổi những thí sinh đến từ Australia hay Mông Cổ trong các vòng thi tiếp theo.
Đại diện Ban tổ chức nhìn nhận, dù lần đầu tiên tổ chức nhưng cuộc thi diễn ra khá suôn sẻ, thu hút đông đảo học sinh trong và ngoài nước tham gia. Ban tổ chức đã cố gắng khắc phục khó khăn về chênh lệch múi giờ để chỉ dẫn cho thí sinh về cách thức vận hành, tham gia thi...
Vòng chung kết quốc tế cũng là vòng thi khép lại sân chơi trí tuệ Global ViOlympic năm nay. Dự kiến, lễ tổng kết sẽ được tổ chức đồng thời với cuộc thi ViOlympic Toán tiếng Anh và tiếng Việt vào tháng 5 tới.
ViOlympic là cuộc thi cấp quốc gia về Toán học trên Internet (giải Toán bằng tiếng Việt và tiếng Anh) do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, Tập đoàn FPT và ĐH FPT là đơn vị tổ chức từ năm 2008. Được tổ chức từ ngày 15/1 đến 4/4 tại website http://global.violympic.vn, Global ViOlympic là cuộc so tài toán học trực tuyến quy mô quốc tế đầu tiên được ViOlympic tổ chức tại Việt Nam. Cuộc thi có 3 vòng: Tự luyện, quốc gia và vòng quốc tế. Các dạng bài thi của Global ViOlympic trong năm đầu tiên triển khai gồm có: Sắp xếp, Cặp bằng nhau, Trắc nghiệm và Tự luận. Lịch trình của cuộc thi Global ViOlympic gồm: Mở vòng thi Tự luyện (15/1-19/2), vòng thi Quốc gia (11/3-18/3) và vòng thi Quốc tế (28/3-3/4). Cuộc thi Global ViOlympic năm đầu tiên triển khai còn được sự tư vấn, hỗ trợ từ các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm dẫn đội tuyển Việt Nam đi thi đấu quốc tế, cũng như ban cố vấn chuyên môn tới từ các trường trung học trên toàn quốc. |
Lưu Vân
Ý kiến
()