FPT Under 35 năm 2019 Võ Thị Hồng Phương: 'Tôi lì lắm'
Không chỉ mạnh mẽ, Phương tự nhận mình 'lì'. Nếu cho là đúng, cô gái cứ thẳng đường đi, kệ ai nói gì.
Dù là con gái, từ nhỏ nó đã mê các thứ logic, mê các môn tự nhiên và dở tệ các môn xã hội. Có người anh trai học chuyên Hóa, cô giáo cấp 2 'bốc' luôn nó vào đội tuyển. Thế là nó theo chuyên Hóa đến hết THPT.
Chọn những môn có vẻ mạnh mẽ, Phương thấy cũng khá giống với tính cách mình. Nó không học mẫu giáo ca múa như bao đứa bạn mà vào thẳng lớp 1. Trừ ngày đầu tiên đến lớp, mẹ gửi nó cho cô, những ngày sau bé Phương hầu hết đều tự lập, chủ động. Tự lội bộ đi học rồi về. Tự làm bài không cần ba mẹ kèm học hay nhắc nhở. Tự lo lúc nào cần học thêm cái gì ở đâu, đọc sách nào, làm gì.
Năm nó lên cấp 3 cũng là lúc máy tính và Internet bắt đầu phát triển ở Việt Nam. Nhìn mấy thằng bạn sử dụng máy tính thành thạo, gõ phím nhoay nhoáy, hay xem mấy bộ phim về hacker, con bé chết mê chết mệt. Một quyết tâm mãnh liệt hình thành trong đầu: sẽ thi đại học ngành công nghệ thông tin với mục tiêu là... gõ phím bằng cả 10 ngón tay cho ngầu!
Thấy con gái học chuyên Hóa, ba mẹ kỳ vọng nó sẽ trở thành bác sĩ. Trong mắt các bậc phụ huynh, bác sĩ là oách lắm, lại có thể giúp đỡ gia đình rất nhiều. Nhưng tính nó, không thích là không làm. Dù đăng ký đại một ngành khối B, nó âm thầm quyết chiến ôn thi công nghệ thông tin.
Như nhiều "dân trường chuyên" khác, bạn bè trong lớp và trong trường nó đều chọn những trường đại học có bề dày lịch sử, như Bách khoa hay Y dược. Vậy mà nó một mình một ngựa rẽ hướng, chọn một ngôi trường mới toanh, thích thú với viễn cảnh được là lứa đầu tiên, được đầu tư đào tạo đặc biệt. Thế là đêm trước khi nộp hồ sơ thi, nó giấu ba mẹ tự đổi nguyện vọng. Dù nó đậu đại học với điểm số cao nhất nhì trường, cũng không ai thật sự vui mừng cho nó.
Thế rồi ngày đầu tiên lên thành phố học, cảm xúc bay lơ lửng trên mây bị đánh rơi đau điếng xuống hố sâu. Từ môi trường toàn con ngoan trò giỏi, nó nhìn xung quanh mình: nào hút thuốc, nào đánh nhau, chửi lộn. Thế là từ đấy trong người luôn cảm thấy khó chịu. Lựa chọn này là của nó, nên dù buồn chán, nó cũng chẳng dám than. Cũng có lúc nó định thi lại Bách khoa nhưng rồi lại nghĩ đâm lao phải theo lao đến cùng thôi.
Vấn đề oái oăm không kém là mục tiêu "gõ phím 10 ngón" khi chọn ngành học, nó hoàn thành chỉ sau vỏn vẹn 1 tuần! Đâu là động lực cho những năm tháng còn lại? Nó càng chán. Sáng đến sớm ngồi bàn đầu nghe giảng viên dạy. Trưa gục mặt xuống bàn ngủ. Chiều học xong đi về.
Thời gian này, nó tự tìm các khóa học lập trình trong khi lũ bạn năm nhất còn cặm cụi học các môn đại cương, triết học… Thế là khi vào học chuyên ngành, nó tiếp thu nhanh, làm bén. Trong khi các bạn trong lớp còn mơ hồ, nó đã có thể tự tạo chương trình riêng.
Không giao lưu, không trò chuyện, không cười, nó suốt ngày lầm lầm lì lì. Mãi đến khi 4 năm học nhanh chóng trôi qua, nhìn lại mình - một con bé khó tính, khó chịu, không bè bạn, không biết giao tiếp, nó mới giật mình. Tại sao tính cách mình lại đi theo hướng tiêu cực đến thế?
Thế rồi nó nghe những câu thơ của Nguyễn Quang Vũ: "Dù đục dù trong, sông vẫn chảy. Dù cao dù thấp, cây vẫn xanh", nó tỉnh ra. Môi trường nào cũng có người tốt người xấu, người giỏi người dở. Mình không nên phản ứng tiêu cực. Nó thay đổi, cố tiếp nhận mọi thứ, trở nên nhẹ nhõm hơn. "Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó. Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?"
Chuẩn bị tốt nghiệp, nó nhận một học bổng ngắn hạn do một công ty Hàn Quốc tài trợ trong vòng 6 tháng. Sau khóa học, 5 người sẽ được chọn để cấp học bổng Thạc sĩ tại xứ sở kim chi. Có thể nói, 6 tháng này là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của nó. Nó quyết tâm giành suất du học xứ người mở mang tri thức và hơn hết là thay đổi cả con người ù lì của mình. Chăm chỉ học tập ở lớp. Mải miết thử nghiệm. Cặm cụi học cả tiếng Anh lẫn tiếng Hàn. Tỉ mẩn đầu tư cho dự án cuối khóa. Đặc biệt là nó không tự kỷ nhốt mình ở phòng nữa, mà hòa đồng hơn và "chịu chơi". Đúng nghĩa chơi hết mình, chiến đấu hết sức. Cuối cùng, nó được chọn phỏng vấn và đi du học.
Năm 2012, tân thạc sĩ chuyên về trí tuệ nhân tạo về nước. Trong đầu vẫn mơ hồ lo lắng không biết ở Việt Nam, công việc cho mảng này như thế nào. Từ chối những lời mời với mức lương cao hơn, cô chọn công việc phân tích dữ liệu game ở một công ty Nhật - đúng chuyên ngành. "Phải làm điều mình thích. Đó là điều quan trọng nhất", cô gái tâm niệm. Nhưng phân tích dữ liệu không phải là con đường dễ dàng. Trong khi một số công ty đã nhìn thấy tiềm năng của mảng việc này, không phải ai cũng thành công. Sau 6-7 tháng không thấy dự án được đầu tư phát triển thêm, Phương quyết định từ bỏ.
2013 là năm Phương bắt đầu gia nhập nhà F với nhiệm vụ phân tích dữ liệu khách hàng của FPT Online, và 3 năm sau là với FPT Telecom bởi những lời giới thiệu hấp dẫn về "có nhiều dữ liệu và những bài toán hay". Phương bắt đầu xây dựng nhóm xử lý dữ liệu, giải quyết bài toán tối ưu hóa hiệu quả cho nhà Viễn thông FPT.
Cùng đội ngũ đã phát triển mạnh mẽ với 30 chuyên gia, Phương đã xây dựng hệ thống lưu trữ tính toán trên dữ liệu lớn, giải quyết các bài toán phân tích dữ liệu nhằm tối ưu và cải thiện các hoạt động kinh doanh, vận hành hệ thống, chăm sóc khách hàng FPT Telecom.
Cột mốc đầu tiên với Phương là ngày được giao bài toán giảm rời mạng. TGĐ lúc bấy giờ là anh Nguyễn Văn Khoa bảo: "Em mà dự đoán được tập khách hàng rời mạng với độ chính xác 15%, anh tặng em huy chương".
8 tháng sau khi nhận bài toán, nhóm bắt đầu xây dựng được một model có hiệu năng như anh Khoa giao. Sau khi thử nghiệm và chạy thử Vùng 1 (Hà Nội) và Vùng 5 (Sài Gòn), hệ thống được chạy trên toàn quốc. Thành công bước đầu được công nhận.
Bài toán thứ hai Phương được giao là vấn đề tương tự nhưng với Pay TV. Lần này độ phức tạp được đánh giá là cao hơn nhiều với mô hình "dịch vụ chồng dịch vụ" (truyền hình và Internet). Sau hơn một năm bế tắc, đội ngũ đã triển khai được một hệ thống đạt hiệu quả khá tốt. Tỷ lệ bắt đúng khách hàng rời mạng Internet FPT lên đến 43,1% trong 215.760 khách hàng được chăm sóc trong khi với rời mạng Truyền hình FPT là 32,5% trong tổng số 64.758 khách hàng được chăm sóc.
Phối hợp đơn vị chăm sóc khách hàng FPT Telecom, nhóm đã xây dựng các chương trình giúp 11.000 - 12.000 khách hàng đang gặp vấn đề được chăm sóc chủ động hằng tháng, góp phần giảm khách hàng rời mạng dịch vụ FPT Telecom. Cạnh đó, hệ thống cảnh báo sự cố hạ tầng cũng được xây dựng giúp rút ngắn thời gian phát hiện, quy trình xử lý của nhiều sự cố và tăng tỷ lệ đáp ứng của hệ thống tổng đài từ 75% đến trên 90% ở những giờ cao điểm. Nhiều dự án khác của Phương cùng đội ngũ đã mang lại nhiều thông tin phân tích, đánh giá hữu ích cho các đơn vị.
Một tối nọ, Phương nhận được cuộc gọi của chị Phùng Thu Trang, Trưởng ban Truyền thông FPT Telecom, bảo điền bản đăng ký thi iKhiến, theo chỉ đạo của PTGĐ Vũ Anh Tú. Thế là sau một quá trình phát triển khá ổn, chương trình cảnh báo khách hàng rời mạng được tin tưởng giao nhiệm vụ chinh chiến cuộc thi sáng tạo quan trọng của tập đoàn.
Từng gặp đối thủ chung kết ở vòng thi tháng, nó chột dạ. Đội kia trình bày giỏi quá không biết có... nói lại không. "Thôi, cứ cố gắng tập trung phần mình. Chắc không được giải đâu". Tối chung kết, sáng Phương và đồng đội mới bay ra Hà Nội. Đến nơi, mở điện thoại, thấy bà con FPT Telecom rần rần trên Workchat và email, bàn tán cổ vũ chúc tụng nhiệt tình, nó mới ngớ người, nghĩ thầm: "Không đậu chắc không dám về". Vừa chú ý xem xét kỹ lại bài trình bày, Phương vừa mỉm cười khi nghĩ đến tinh thần đoàn kết, nhiệt tình của người nhà 'Cáo'.
Tối 16/1, Võ Thị Hồng Phương bước vào trận play-off tranh giải Sáng tạo của năm với nhóm tác giả FPT Software. Đứng trước Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc và rất nhiều thành viên khác của Hội đồng thẩm định iKhiến 2018, cô gái nhà 'Cáo' quyết nỗ lực hết mình với "trận chiến sinh tử".
Dù một mình một “chiến tuyến”, Phương vẫn rất tự tin giới thiệu về chương trình dự đoán rời mạng. Tỷ lệ bắt đúng khách hàng rời mạng Internet FPT và Pay TV gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo và khán giả.
Sau những giây phút “toát mồ hôi” với màn hỏi khó từ cả đối thủ lẫn giám khảo, Phương xuất sắc đoạt giải “Sáng tạo của năm” iKhiến 2018 và ẵm trọn số tiền thưởng 120 triệu đồng, gồm 70 triệu giải thưởng của Ban tổ chức và 50 triệu tiền thưởng từ đơn vị.
Không chỉ mạnh mẽ, Phương còn thấy mình 'lì'. Nếu mình cho là đúng thì cứ thẳng đường đi, mặc kệ ai nói gì. Chuyện chọn trường, chọn ngành là một ví dụ. Thời đại học, có hôm làm dự án, đêm trước hạn nộp bài bỗng có thành viên báo chưa làm gì cả và chấp nhận học lại. Trong khi các thành viên khác đành buông xuôi thì Phương dứt khoát không bỏ cuộc, nhất quyết không học lại. Một mình, cô sinh viên cặm cụi làm thâu đêm, tìm hiểu phần còn thiếu và làm đến cùng, hôm sau mang đi nộp.
Trong công việc cũng vậy, khi có vấn đề hay mâu thuẫn, trong khi mọi người có thể từ bỏ, Phương vẫn quyết tâm đi tiếp. Với cô, vấn đề quan trọng nhất là mình có thật sự thích công việc đang làm để theo theo đuổi hay không.
Đồng nghiệp đều bảo Phương là kẻ nghiện việc. Trừ những lúc chơi với con, Phương đều dành suy nghĩ cho công việc, có thể ôm máy tính suốt ngày không chán. May mắn có chồng cùng ngành, thấu hiểu và chia sẻ, Phương càng có điều kiện tập trung phát triển sự nghiệp riêng. Đi làm về, ăn cơm rồi chơi với cô con gái 4 tuổi đến khi bé đi ngủ, hai vợ chồng thường ôm 2 laptop làm việc cả đêm.
Ở FPT Telecom, vừa dữ liệu hệ thống lớn lại quản lý số lượng đông, làm việc với nhiều đơn vị, đến một lúc Phương phải lớn lên rất nhanh cả về giao tiếp và quản lý. Nhiều khi Phương cũng stress, nản và muốn từ bỏ. Nhưng lại thấy không cam tâm. Lúc bi quan, tuyệt vọng, mệt mỏi, cách của Phương là... đi ngủ. Nếu ngủ dậy vẫn chưa thấy ổn thì tạm gác lại một bên, đi du lịch hay xem phim, cùng lắm cô sẽ không làm việc vài hôm và quay lại với sự tập trung cao nhất.
Chị Phương là một người rất đam mê công việc. Khi chị làm gì, gần như không quan tâm về thời gian. Nhiều hôm nửa đêm đang ngủ nhận được tin nhắn của chị về công việc, tôi còn không dám trả lời.
Khoảng cách giữa tôi với chị Phương như nhân viên - sếp không có nhiều, rất thẳng thắn. Nhiều khi cãi nhau rồi thông cảm với nhau, hôm sau lại có thể cãi nhau tiếp.
Anh Nguyễn Tiến Thắng - FPT Telecom ISC HCM
Với số bình chọn từ độc giả cùng số điểm cao từ lãnh đạo công ty và Hội đồng thẩm định, nữ Trưởng phòng Phát triển Phần mềm Võ Thị Hồng Phương xuất hiện đầu tiên trong 13 cái tên được vinh danh FPT Under 35 năm 2019. Vỡ oà vui mừng, Phương biết đây không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực, thành tích bấy lâu, mà còn đặt ra nhiều thử thách “khó nhằn” hơn với cô trong tương lai. Đó là bệ phóng, động lực để cô tiếp tục học hỏi, có thêm tự tin đương đầu với khó khăn trong thời gian tới.
Phương là một người rất chịu khó, đam mê công việc và ý thức trách nhiệm rất cao. Em ấy luôn trăn trở với những con số dự đoán khách hàng sẽ rời mạng nếu không được chăm sóc tốt. Dữ liệu của em đưa ra luôn được phân tích và theo dõi rất kỹ. Phương rất xứng đáng đạt FPT Under 35.
Chị Trần Thị Ngọc Điều, Phó Giám đốc Vùng 5
Lúc làm dự án, Phương chỉ biết tập trung vào công việc, con đường chính, làm thế nào để tối ưu được hệ thống, có kết quả tốt. Giải thưởng với Phương là những điểm dừng khá ngẫu nhiên và do duyên số, là một bước đệm trên chặng đi dài của mình.
Bí quyết của FPT Under 35 Võ Thị Hồng Phương là xác định đâu là mục tiêu mình yêu thích và đam mê. Phải tìm được công việc mình thích và muốn làm chứ không nên miễn cưỡng. Sau đó chú ý quan sát, trang bị kỹ năng mềm càng sớm càng tốt. Và cuối cùng, hãy thật kiên trì bền bỉ vì trong công việc sẽ có những lúc cực chán nản - có thể là chán công việc, chán sếp hay đồng nghiệp, phải rèn tính không bỏ cuộc.
Rất nhiều lần Phương ngồi suy nghĩ miên man điều gì khiến một người gắn bó với một môi trường sống, tổ chức. Đó hẳn phải là một môi trường cho phép cá nhân thực hiện ước mơ, truyền được niềm tin về khả năng thành công, và môi trường ấy phải có tình cảm và trách nhiệm giữa người với người. Và cô cũng mong mình cũng có thể góp phần tạo nên môi trường như thế.
Hà An
Ảnh: Chungta - NVCC
Ý kiến
()