Chúng ta

FPT Under 35 khuyên giới trẻ nên theo học ngành Công nghệ thông tin

Thứ năm, 21/12/2017 | 18:32 GMT+7

Theo anh Lê Bình Trung - Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH FPT, chuyên ngành tốt nhất mà các em có thể tiếp cận là kỹ thuật phần mềm và an toàn thông tin. Đây là các chuyên ngành đang phát triển mạnh và là điều kiện để hội nhập.

Ngày 19/12, tại trường Trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP HCM) đã diễn ra chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Giáo dục TP HCM tổ chức với sự đồng hành của ĐH FPT và ĐH Tân Tạo.

Chia sẻ trong chương trình này, ThS. Lê Bình Trung (Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH FPT,  Top 13 FPT Under 35 năm 2017) cho rằng, Việt Nam là vùng trũng về công nghệ vi sinh, vật liệu mới và là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển CNTT, viễn thông. Vì vậy, để hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trở thành công dân toàn cầu, ngay từ bây giờ các em học sinh phải xác định cho mình hướng đi đúng trong chọn lựa ngành học.

Thành viên FPT Under 35 nhìn nhận, chuyên ngành tốt nhất mà các em có thể tiếp cận là Kỹ thuật phần mềm và An toàn thông tin. Đây là các chuyên ngành đang phát triển mạnh và điều kiện để hội nhập.

“Từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần đến 2.000 kỹ sư chuyên ngành An toàn thông tin, đây là cơ hội để các em phát huy năng lực, sở thích của mình. Ngoại ngữ là cánh tay nối dài của việc tự học. Cùng với đó, sự trải nghiệm thực tế và tính xung kích, sẵn sàng dấn thân… sẽ là những hành trang giúp các em tự tin bước ra thế giới, thể hiện mình ở bất cứ môi trường làm việc nào”, Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH FPT nhắn nhủ.

Trao đổi với các em học sinh, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học - Công nghiệp TP HCM) cho biết, để chuẩn bị hội nhập nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các bạn trẻ cần xây dựng cho mình các kỹ năng: hợp tác và tương tác với máy móc; giao tiếp và truyền thông (biết cách trình bày chia sẻ bằng ngoại ngữ); năng lực sáng tạo, luôn thay đổi chấp nhận cái mới; năng lực tư duy phản biện, luôn đặt vấn đề và phản biện lại; cuối cùng là học tập suốt đời. 

Đề cập đến khái niệm công dân toàn cầu, ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM) cho rằng, không phải làm việc và học tập ở nước ngoài thì mới là công dân toàn cầu mà bản thân mỗi người có thể thích ứng, có khả năng kết nối thế giới lại gần nhau. Tại Việt Nam hiện có 366 mã ngành phục vụ 40.000 công việc khác nhau, khi chọn ngành học phải đặc biệt chú ý yêu cầu đổi mới của mỗi chuyên ngành để có thái độ học tập, rèn luyện đáp ứng yêu cầu của xã hội. “Ngoại ngữ và CNTT như hai vai đeo của ba lô, nếu lệch một bên thì không dễ mang nó”, ông Cường đúc kết.

FPT Under 35 Lê Bình Trung (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Giáo dục.

FPT Under 35 Lê Bình Trung (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Báo Giáo dục.

Dự báo mới đây của ManpowerGroup - công ty cung cấp dịch vụ nhân sự quốc tế, cho thấy, mối đe dọa chính trong Cách mạng công nghiệp 4.0 là Tự động hóa, Robots, Trí thông minh nhân tạo và Số hóa. 

Theo Chủ tịch kiêm CEO Manpower Group Jonas Prising, con người sẽ cần những kỹ năng mới và họ sẽ thường xuyên cần đến chúng hơn để có thể tìm được cơ hội việc làm, thậm chí đối với những công việc còn chưa tồn tại. Kỹ năng sẽ trở thành đơn vị tiền tệ mới trong kỷ nguyên nhân tài.

“Chúng ta không thể làm chậm sự phát triển của công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa, nhưng chúng ta có thể đầu tư vào kỹ năng của nhân viên để tăng khả năng thích nghi của con người trong công việc”, ông Jonas Prising nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đồng thời được xem như là cơ hội nhiều hơn là mối đe dọa, bởi sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và linh hoạt trong nhận thức là những kỹ năng nêu bật tiềm năng của con người, giúp họ vẫn là lực lượng lao động quan trong, không thể bị thay thế bởi robots.

Công nghệ sẽ thay thế các hoạt động thủ công có tính chu kỳ để con người có thể đảm nhiệm công việc không mang tính chu kỳ và phức tạp hơn, nhu cầu nâng cấp kỹ năng và đa dạng hóa trong nhiều lĩnh vực mới sẽ trở nên bức thiết. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà giáo dục và Chính phủ phải chủ động nâng cao kỹ năng và đào tạo cho người lao động.

Tại Việt Nam nguồn nhân lực vẫn chưa phát triển kịp với đà tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật toàn xã hội chiếm tới trên 81% tổng số lao động; lực lượng lao động thiếu nhiều kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp chưa cao, thiếu ý thức trách nhiệm và chậm thích nghi với môi trường làm việc mới. Năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học công nghệ của lao động có trình độ cao còn nhiều yếu kém. Đây là vấn đề đáng báo động về chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Thiên Bình tổng hợp

Ý kiến

()