Hơn 20 năm gắn bó với công ty, bên cạnh những thành công gặt hái được, chị Hà và các cộng sự cũng từng gặp thất bại. Hậu quả của thất bại từng khiến chị trăn trở, nhưng "may mắn" là chưa thất bại nào đủ lớn để khiến chị buông xuôi. "Có lẽ vì bên cạnh tôi có những người anh, người đồng đội luôn ủng hộ và sát cánh. Sự kiên định, bền bỉ, tận lực tìm mọi giải pháp có thể để giải quyết khó khăn, khả năng ứng biến và nhạy bén thích nghi với tác động tiêu cực của thất bại và thay đổi là những kinh nghiệm lớn nhất”, chị nói.
Thành công lớn nhất với chị Hà khi làm tại FPT là có cơ hội được trải nghiệm qua nhiều vị trí và cương vị khác nhau. |
Theo chị Hà, thành công lớn nhất của chị tại FPT là đã có cơ hội trải qua nhiều vị trí công việc, cương vị công tác khác nhau. Với FPT Telecom, nữ tướng FPT tự hào vì luôn được tin cậy, tín nhiệm ở vị trí lãnh đạo để đưa công ty từ một trung tâm nhỏ bé với 4 người từ ngày đầu thành lập trở thành một doanh nghiệp viễn thông lớn, hiện diện tại 59 tỉnh thành trên cả nước. FPT Telecom cũng đã có những bước đi bất ngờ, táo bạo trong các mảng hạ tầng, tuyến trục, SWAP, truyền hình, mở rộng vùng phủ quốc tế.
Cùng với việc dẫn dắt đơn vị tiếp tục phát triển các giá trị gia tăng trên nền tảng Internet, mục tiêu lớn của chị Hà là đưa FPT Telecom trở thành doanh nghiệp viễn thông chuyên nghiệp và toàn diện, đưa người dùng Internet của FPT Telecom vào một hệ sinh thái sinh động của những dịch vụ tiện ích, tích hợp, mang lại nhiều giá trị cho từng gia đình, cộng đồng và xã hội.
Ngoài ra, Chủ tịch FPT Telecom cũng ấp ủ việc hiện thực hóa giấc mơ làm giáo viên từ thuở còn nhỏ. “Nếu 5-10 năm nữa khi có đủ kinh nghiệm, tôi cũng mong muốn có thể truyền đạt cho các thế hệ sau bằng cách trở thành giảng viên cơ hữu của ĐH FPT. Về phía gia đình, mong muốn lớn nhất của tôi là các con mình sẽ trưởng thành và trở thành những người có ích cho xã hội”.
Với chị, không có công việc nào làm với đam mê và cố gắng hết sức mà lại có thu nhập thấp. Tuy nhiên, khi bản thân cố gắng theo đuổi công việc đam mê mà không đảm bảo được cuộc sống thì cũng nên tìm một hướng khác phù hợp hơn. Điều quan trọng là ngay những tình huống dở nhất, mỗi người nên cố gắng tìm ra những điều tốt nhất.
Ít ai biết, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc chính là thầy giáo của Phó TGĐ FPT Telecom Vũ Mai Hương tại trường đại học. Anh Ngọc cũng là người đưa chị Hương đến với công ty ngay sau khi tốt nghiệp.
Phó TGĐ FPT Telecom Vũ Mai Hương (áo hồng) bán hàng gây quỹ thiện nguyện trong ngày FPT Vì cộng đồng 13/3. |
Đi lên bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, con đường thành công của chị Hương xuất phát từ tâm niệm: "Khi bắt đầu nhận làm một công việc nào thì bạn phải có trách nhiệm và cố gắng hết sức cho công việc đó. Không có sự cố gắng nào là vô nghĩa. Ở bất cứ công việc nào, khi cố gắng bạn sẽ đều tích lũy được kinh nghiệm và kiến thức cho riêng mình".
Theo chị, điều quan trọng nhất ở FPT là mỗi người được làm việc và thể hiện những khả năng của mình mà không gặp phải bất cứ rào cản nào hết. Ngoài ra, cuộc sống và công việc đã giúp chị biết cách lập kế hoạch để cân bằng mọi thứ. "Làm việc gì cũng phải nghĩ cái gì trước, cái gì sau, ưu tiên những gì, sử dụng nguồn lực nào và vào thời gian nào".
Khi trở thành cộng tác viên của FPT, chị Lê Minh Đức, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Telesale FPT Telecom, đặt mục tiêu có thêm kinh nghiệm làm việc trước khi ra trường. Nhưng rồi với những cố gắng, chị được công ty mời vào làm chính thức.
Chị Đức tâm niệm, hãy sống tốt, luôn giúp đỡ mọi người nếu có thể. |
"FPT là ngôi nhà thứ hai của tôi. Ở đây luôn có việc khó để làm, luôn phải sắp xếp để cùng một thời gian, chọn việc gì quan trọng nhất, hiệu quả nhất để thực hiện trước. Ở một môi trường toàn người tài, được làm việc, nghe các lãnh đạo chém gió, luôn nhìn nơi xa xăm nào đó, rồi ước mơ, rồi hiện thực hoá ước mơ đó, cuộc sống luôn thú vị. Ở gia đình này, tôi luôn có những người anh, người chị lớn, không chỉ dìu dắt công việc, tôi còn được noi gương về cách sắp xếp công việc với gia đình sao cho chu toàn", chị nói.
Khi mới vào FPT, chị là nhân viên mới nên bán hàng trực tiếp cho khách lẻ hoặc các đại lý nhỏ, hiện chị là Giám đốc Trung tâm kinh doanh Telesale. Chia sẻ về thành công này, chị Đức mượn lời của JK Rowling, tác giả Harry Porter: "Tôi yêu việc viết sách, tôi chỉ muốn kiếm đủ tiền để tiếp tục viết. Với thái độ đó, cô đã trở thành tỷ phú. Tôi trở thành tỷ phú vì nghe theo trái tim chứ không phải vì tiền. Rất nhiều lần tôi đã từ bỏ công việc lương cao để làm việc ít tiền hơn mà tôi thích".
Theo chị, FPT vốn rất phù hợp với những con người có óc sáng tạo, với cơ chế rõ ràng, có thể đánh giá hiệu quả công việc cụ thể của từng người, người FPT luôn cảm thấy có động lực để phấn đấu, có mục tiêu để theo đuổi, để cháy hết mình. Với văn hoá doanh nghiệp đậm nét, người FPT ko những được đầy đủ về vật chất còn được chăm lo đầy đủ về tinh thần.
Ngày 9/5, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom Chu Thanh Hà, Phó TGĐ FPT Telecom Vũ Mai Hương, và Giám đốc Trung tâm Telesale Lê Minh Đức sẽ có buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội về những cơ hội, thách thức trong quá trình lao động để có được thành quả như ngày nay. Chương trình FPT CEO talk đầu tiên của 2015 sẽ diễn ra vào 8h30 sáng, tại Hội trường A, với chủ đề "Phía sau của những thành công". Theo đó, các diễn giả sẽ chia sẻ về những nỗ lực của họ sau nhiều năm bươn chải tại FPT. Công thức làm nên thành công của những nữ tướng? Những cơ hội việc làm, phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp dành cho sinh viên sắp và đã ra trường... cũng là nội dung sẽ được đề cập trong chương trình. CEO Talk là chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc do Ban Nhân sự FPT tổ chức từ năm 2013, nhằm giải đáp thắc mắc của sinh viên về cơ hội nghề nghiệp và con đường phát triển trong tương lai. Đồng thời giúp sinh viên có cái nhìn thực tế, tiếp cận những góc nhìn khác nhau về việc lựa chọn nghề nghiệp từ kinh nghiệm thực tế của lãnh đạo trẻ FPT. Đến cuối 2014, FPT đã tổ chức 9 chương trình “Chat với CEO” với gần 9.000 sinh viên tham gia ở Hà Nội và TP HCM. 2014 là năm đầu tiên chương trình được tổ chức tại Đà Nẵng (hồi tháng 9), thu hút hơn 600 sinh viên. |
Tiểu Thanh
Ý kiến
()