Chúng ta

‘Dù nghỉ Tết muộn, chúng tôi vẫn sung sức đến phút cuối cùng’

Thứ năm, 23/1/2020 | 08:00 GMT+7

Do đặc thù công việc, những mùa Tết các năm, nhân viên khối Shop của nhà Bán lẻ làm việc đến hết ngày 30 tháng Chạp và bắt đầu đi làm trở lại từ mùng 4 Tết. Năm nay cũng không phải ngoại lệ.

Anh Nguyễn Hoài Giang, Quản lý FPT Shop 422 Cầu Giấy (Hà Nội), đã bước chân vào lĩnh vực bán lẻ được 10 năm nay. Do đặc thù ngành dịch vụ, 10 năm qua cũng là 10 mùa Tết anh tất bật với công việc. Và việc trưa hoặc chiều 30 Tết mới về tới nhà đã không còn là điều gì xa lạ.

Chính vì làm đến tận 30 Tết cho nên đối với các công đoạn chuẩn bị Tết cho 2 bên gia đình nội ngoại, anh cùng bà xã đã chia ra để thực hiện dần dần từ trước đó rất lâu. Mọi thứ đều được hoàn thành chậm nhất vào ngày 25, 26 Tết, vì sau thời gian đó - 3 ngày cuối cùng của năm thường là những ngày cao điểm mua sắm của người dân. Bởi vậy càng cận Tết càng cần tập trung cao độ cho công việc cửa hàng, anh Giang chia sẻ.  

Vào những ngày giáp Tết, lượng khách hàng đông, các anh em nhân viên ai cũng cố gắng để phục vụ đủ 100% lượng khách vào cửa hàng. Tuy nhiên không thể không có chút chạnh lòng khi nhìn ra ngoài đường phố, người người nhà nhà nô nức chở nào đào, nào quất về nhà đón xuân, anh Giang bồi hồi. Có một nỗi khổ mà chỉ những người làm việc đến ngày 30 Tết mới biết, đó là không có đồ ăn. Bởi các cửa hàng đều nghỉ từ 27, 28 Tết. Sau Tết thì cũng phải mùng 4, mùng 5 Tết mới mở cửa trở lại. “Trong những ngày đó, các anh em chúng tôi chỉ có thể làm bạn với món ăn tiện lợi bán sẵn”.

Giang quê ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội), cách trung tâm thành phố khoảng 1h đi xe. Kế hoạch Tết của anh cũng khá ngắn gọn: chiều 30 Tết sau khi kết thúc công việc thì anh vội vã về quê, tảo mộ ông bà và bố, sau đó về dọn dẹp và chuẩn bị bữa cơm tất niên chiều. Buổi tối, cả gia đình cùng xem Táo quân, mang phong bao lì xì ra để chuẩn bị và bày bánh kẹo chờ giao thừa. Đến giao thừa, hai vợ chồng anh sẽ đi xem pháo hoa, sau đó về nhà xông đất.

nguyen-hong-giang-9653-1579678192.jpg

Tổ ấm hạnh phúc của anh Nguyễn Hoài Giang. Ảnh: NVCC

Được nghỉ lễ chỉ 3 ngày Tết, Giang chia đều 3 ngày cho gia đình bên nội và bên ngoại. Với Giang, việc đi làm cận Tết mới nghỉ và quay trở lại nhịp công việc từ mùng 4 Tết khiến anh không tụ họp được nhiều cùng gia đình và bạn bè. Hầu như các buổi họp lớp đầu xuân, hay tất niên khu phố nơi anh sinh sống anh đều không tham dự được. Tuy nhiên, không lấy đó làm buồn phiền, Giang yêu công việc và xác định rõ cần cố gắng hết mình để giúp cửa hàng phát triển hơn nữa.

Bước sang năm Canh Tý, Giang hy vọng hoàn thành mục tiêu được công ty giao phó và hy vọng nhà Bán lẻ sẽ đạt các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm để cuối năm tới: “Các anh chị em nhân viên sẽ lại có một 1 mùa Tết ấm no, đảm bảo cuộc sống sung túc và an lành”.

Còn anh Hoàng Trần Hưng (Nhân viên FPT Shop 422 Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã quen thuộc với việc “nghỉ Tết muộn, đi làm sớm” bởi Hưng đã có 5 năm công tác trong lĩnh vực dịch vụ. Quê Hưng ở Hải Phòng, sau khi kết thúc ca làm ngày 30 Tết, Hưng sẽ lên xe về quê ngay để kịp đón giao thừa cùng gia đình. Ngày 28 Tết vừa qua, các anh chị em trong cửa hàng đã có bữa tiệc tất niên nho nhỏ để khép lại một năm cùng nhau cố gắng trong công việc.

“Cuối năm luôn đông khách, những anh chị em chúng tôi bảo nhau phải giữ cho mình sự sung sức đến phút cuối cùng”, Hưng khẳng định.

Anh Nguyễn Hồng Dân (Nhân viên Tiếp đón - FPT Shop 202 Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM) năm nay 40 tuổi quê ở huyện Củ Chi, TP HCM. Anh kết thúc ngày làm việc cuối cùng vào trưa 30 Tết, sau đó niêm phong cửa hàng. Chiều 30 Tết, anh sẽ về với gia đình. Tết của vợ chồng anh được tối giản các thủ tục, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ theo truyền thống ngày Tết của người Việt. Làm việc xa nhà, mọi công đoạn chuẩn bị Tết anh đành gửi gắm bà xã một tay lo liệu. 

Cũng trong tháng 1 vừa qua, anh Dân cùng các đồng đội được các lãnh đạo FPT Shop TP HCM và vùng Miền Tây xuống tận nơi tặng món quà Tết ý nghĩa. Hoạt động này nằm trong chiến dịch “Xuân yêu thương - Tết đong đầy”, được triển khai rộng khắp các cơ sở của FPT Shop thuộc TP HCM và vùng miền Tây. Theo đó, mỗi thành viên trong đại gia đình FPT Shop sẽ tham gia chia sẻ yêu thương để tô điểm thêm không khí Xuân, mang niềm vui tới các nhân viên tiếp đón. Kết quả, có tới hơn 1.000 CBNV tham gia chiến dịch ý nghĩa này. “Của cho không bằng cách cho”, 326 phần quà Tết đầy ắp tình đồng đội đã được các lãnh đạo xuống tận nơi, trao tận tay tới 326 nhân viên tiếp đón.

Đa phần các nhân viên tiếp đón đều ở độ tuổi trung niên, từ 50 đến 60 tuổi. Để nhanh nhẹn, năng động như các bạn trẻ là điều không dễ dàng với chúng tôi, anh Dân bộc bạch. Nhưng anh và những anh em khác trong đội vẫn luôn bảo nhau phải cố gắng hết sức mình, lịch sự, tỉ mỉ ngay từ lời nói và thái độ đối với mỗi khách hàng. “Tôi chắc chắn sẽ quay trở lại công việc đúng ngày mùng 4 Tết. Mỗi người cùng nỗ lực để kết quả tăng trưởng của FPT Shop vùng sẽ dẫn đầu công ty”, anh Dân phấn khởi.

Khánh Linh

Ý kiến

()