Bảng xếp hạng Codefight tháng 8/2019 thông báo Cao Văn Việt là một trong số ít người Việt Nam nằm Top 100. Thứ tự xếp hạng trên hơn 500.000 lập trình viên toàn cầu. Thành tích lớn, Việt nhận nhiều lời khen. Thấy vậy anh chỉ thoáng cười: “Thật mừng vì mọi người quan tâm nhưng tôi tham gia chưa từng đề cao xếp hạng”.
Hơn 10 năm nay, cuộc sống của Việt không ngày nào ngưng code. Với chàng Cuder “dị” của FPT Software việc lập trình như bài tập thể dục sảng khoái mỗi ngày. “Mỗi ngày bỏ ra 1-2 tiếng lập trình. Trước đây tôi thường luyện phím trong cuộc thi, diễn đàn quốc tế. Từ ngày có Codelearn tôi dồn toàn tâm toàn lực”, Việt cho hay. Cũng ngần ấy thời gian, gần như Việt không bỏ lỡ bất kỳ cuộc thi lập trình nào của người Phần mềm.
Cơ duyên đẩy Việt đến code nhờ trận ốm năm lớp 10, khiến thi trượt lớp chuyên toán. Chuyển sang lớp chuyên tin, Việt yêu ngay từ những ngày đầu. Học được ba buổi, cậu hạ quyết tâm sẽ chinh phục bằng được môn học khó. Kết quả lớp 11 giải nhất, lớp 12 giải ba tin học quốc gia, giúp Việt chắc suất tuyển thẳng vào một trường đại học danh tiếng.
Cao Văn Việt là một trong số ít người Việt Nam nằm top 100 bảng xếp hạng Codefight. |
Ngày nộp hồ sơ, Việt chọn Đại học Công nghệ thay vì Bách Khoa như nhiều bạn bè nghĩ. Ai hỏi tại sao, cậu cũng chẳng giải thích nhiều. Lý do duy nhất được đưa ra vì “trường này chỉ có 4 năm học”. Nhưng thật ra, kể từ lúc biết làm những lệnh code đầu tiên, cậu đã nuôi khao khát làm một phần mềm của riêng mình. Càng nghĩ, càng ham, càng muốn chạm tới, tư tưởng khởi nghiệp bắt đầu nung nấu trong cậu thanh niên trẻ.
Năm thứ 2 đại học, Việt nhận lời làm demo xử lý ảnh của FPT Software không chút đắn đo. Cuối năm, Việt được tham gia làm dự án thật cho khách hàng. Anh ví khoảng thời gian này bắt đầu cho góc nhìn lập trình chuyên sâu, gắn với thực tế.
Dự định của Việt là ra trường, sang Nhật học cao học. Mọi chuyện tưởng chừng đi theo hướng đã vạch ra, tuy nhiên, máu start-up lại trỗi dậy. Ngày cầm giấy báo nhập học một trường công nghệ có tiếng của Nhật Bản, Việt gạt phăng, cùng anh em lao vào khởi nghiệp.
Hai năm làm sản phẩm riêng có nhiều thành tích, nhưng sớm dừng lại bởi một vài lý do. Việt trở lại FPT Software tham gia một số dự án. Đến năm 2014, anh lại tách ra làm riêng và quay trở lại chỉ một năm sau đó. Việt chia sẻ về thời kỳ chia tay rồi lại tái hợp với FPT Software: “Tôi yêu môi trường này, nhưng khao khát được làm cái gì đó riêng mình còn rất lớn, trở thành sự thôi thúc âm ỉ trong con người tôi”.
Năm 2016, một bước ngoặt lớn đến với Việt. Anh tham dự khóa kiến trúc sư giải pháp cho CBNV nhà Phần mềm. Khóa học yêu cầu phát huy kỹ năng thuyết trình. Ngày đứng trước mọi người trình bày giải pháp kỹ thuật quen thuộc, Việt ấp úng, không nói thành câu. Buổi diễn thuyết thất bại. Từ đó, Việt bắt đầu thay đổi lối tư duy. Thiếu tự tin là thói quen xấu, anh cần phải loại trừ. Chính từ cơ duyên này, Việt trở thành thầy giáo dạy lập trình trong một lớp học IT cơ bản.
Từ bỏ một thói quen xấu không dễ. Việt phải đánh đổi nhiều thời gian của bản thân. Trong nhiều tháng, chàng lập trình viên trẻ miệt mài tranh thủ gõ code sau những buổi dạy trên lớp học. Nhiều khi gõ ham tay, Việt thức đến sáng. Có khi buổi trưa khi mọi người đi ngủ vẫn nghe tiếng “cạch cạch” góc phòng. Mọi lúc mọi nơi, dù bận rộn hay mệt mỏi, Việt không quên khoảng thời gian “tập thể dục” hai tiếng mỗi ngày. Cuối năm 2017, Việt được anh Vũ Hồng Chiên (PGĐ FSS) và chị Phạm Thùy Dương (FSS.SIS) rủ sang làm dự án S.K.U. Ý tưởng của dự án hệ thống chung tổng hợp, lưu trữ thông tin, kiến thức các dự án cho mọi người cùng sử dụng. Khi đến với Việt, S.K.U vẫn còn sơ khai, vừa hay ý tưởng này làm anh thấy hứng thú. Việt gật đầu nhận lời.
Việt hiểu chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm làm dự án là cần thiết và quan trọng nhưng không phải ai cũng sẵn sàng làm điều ấy. Dành nhiều đêm suy nghĩ, anh tìm ra cách để mọi người nhiệt tình cho đi kiến thức, đóng góp vào kho kinh nghiệm dự án này.
Phương án đề ra chính là kiến thức chia sẻ (IPs) của mỗi người đóng góp cho S.K.U sẽ nhận được tiền thưởng khi IPs đó có nhiều người xem và tải về. Người FPT Software có thể chia sẻ tài nguyên cá nhân hoặc dự án trên hệ thống S.K.U. Căn cứ level chất lượng do đội ngũ admin đánh giá và số lượt tải IPs, mỗi người đóng góp có thể nhận tiền mặt 50 triệu đồng. Điều này đã làm cho S.K.U thu được hơn 1.000 IPs trong năm 2018. Trong đó có 12 IPs được phê duyệt sử dụng cho gần 100 dự án. S.K.U giúp 105 dự án sử dụng lại tài nguyên sẵn có, từ đó tiết kiệm 105 MM (tháng công), tăng độ hài lòng của khách hàng. Nhờ thành tựu này, S.K.U nhận giải vàng iKhiến đầu tay.
Cũng trong giai đoạn này, Việt thai nghén nền tảng Codelearn chuyên về đào tạo, luyện tay nghề cho cộng đồng lập trình. Ý tưởng xuất hiện sau khi Code War 2018 thành công, thay vì tổ chức riêng lẻ nhiều đợt, tất cả được gói gọn trong một nền tảng.
“Tôi yêu môi trường này, nhưng khao khát được làm cái gì đó riêng mình còn rất lớn, trở thành sự thôi thúc âm ỉ trong con người tôi”. |
Đó là thời điểm cuối năm, khoảng thời gian quá gấp gáp cho những dự án mới. Việt làm mọi việc gấp rút, từ việc xin phát triển sản phẩm, thành lập nhóm, xây dựng kế hoạch… Ngày Codelearn mới được phát triển, ít người nghĩ tới viễn cảnh thành công của một sản phẩm không còn là ý tưởng mới trên thị trường. Ý kiến tiêu cực xuất hiện, nhiều trong số đó dự đoán tương lai không mấy khả quan. Việt không nói nhiều. Anh chọn kiên định niềm tin mãnh liệt, để mọi người không bị chùn bước.
Sang năm 2019, Việt điền OKR cho sản phẩm, mạnh dạn ghi mức tăng trưởng 100.000 người dùng đến cuối năm. Con số này cao gấp 10 lần so với ngưỡng an toàn Việt dự tính. Điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều thách thức xuất hiện. Việc của anh là đương đầu, giải quyết từng khó khăn. “Sợ nhất là không tìm thấy chỗ sai, chứ biết sai rồi sửa thì vấn đề không có gì”, mỗi lúc gặp vấn đề, đồng nghiệp lại thấy Việt lạc quan.
Nhiều người nhận xét Việt là chàng trai có tư duy kết nối tốt. Từ đó những ý tưởng của anh đều khiến cộng đồng có sự kết nối chặt chẽ giữa các cá thể. Cũng như S.K.U, Codelearn là nơi khuyến khích cộng đồng phát triển từ nội tại. Tức là nền tảng chỉ đóng vai trò kết nối, tạo ra những cuộc thi, hiện rõ thứ tự xếp hạng và đánh giá người dùng. Từ đây cộng đồng lập trình sẽ có ganh đua, đóng góp phát triển một kho kiến thức chung. “Khi cộng đồng càng lớn, lượng kiến thức càng rộng, người sau kế thừa từ người trước sẽ tạo nên hiệu ứng phát triển lớn”.
Hiện số người dùng Codelearn là 13.000.Dự án cũng vừa nhận thêm giải vàng iKhiến. Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết năm, nhưng Việt cảm thấy con số này có thể tăng trưởng thêm vài lần. Mọi người cũng chung tay giúp anh chạm được đích.
Trải qua hai dự án “con cưng”, Việt cho hay điểm chung ở S.K.U và Codelearn chính là sự chia sẻ: S.K.U chia sẻ mã nguồn và Codelearn chia sẻ đam mê, kiến thức lập trình. Đây chính là định hướng để cộng đồng ngày càng tốt hơn như Việt từng ao ước.
Việt không thôi nghĩ về tương lai. Trong tưởng tượng của anh, vài năm nữa thôi Codelearn sẽ hệ thống lập trình lớn nhất Đông Nam Á. Và anh sẽ là người kết nối.
Huyền Trang
Ý kiến
()