Chúng ta

Cựu quán quân iKhiến mách chiến lược chinh phục ngôi vương

Thứ hai, 6/1/2020 | 16:59 GMT+7

“Biết thừa nhận những khiếm khuyết của đội mình cũng là một thế mạnh”, anh Tô Trọng Hiếu, cựu quán quân iKhiến 2017, bật mí.

Chưa đầy 2 ngày nữa, chung kết iKhiến 2019 sẽ chính thức khai màn, tên sáng tạo xuất sắc nhất nhà F năm 2019 sẽ nhanh chóng lộ diện. Tại vòng chung kết sắp tới, nhóm tác giả của 2 sản phẩm: FPT.Fortuna và akaBot sẽ phải trải qua 2 vòng thi nhằm thuyết phục hội đồng giám khảo rằng sáng tạo của mình xứng đáng đoạt giải. 

Trong khi FPT.Fortuna của anh Phạm Minh Tuấn và Mỵ Duy Long (FPT IS) mang tính sáng tạo về mặt công nghệ cao, vượt trội để cạnh tranh với nhiều đối thủ trên thế giới; akaBot của anh Bùi Đình Giáp (FPT Software) lại thể hiện được thế mạnh khai phá thị trường mới theo cách chủ động, có tiềm năng lớn trong thị trường đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, để chiến thắng tại trận chung kết, các đội thi cần chuẩn bị kỹ càng về nhiều mặt.

FPT.Fortuna và akaBot đều cân tài cân sức. Tuy nhiên, đây một cuộc thi nên không thể thiếu sự cạnh tranh, quán quân iKhiến mùa đầu tiên - anh Tô Trọng Hiếu (Quản trị dự án phần mềm, FPT IS) nhận xét. “Muốn cạnh tranh thì phải có hoạch định chiến thuật cụ thể”. Cựu quán quân đã vạch ra 4 điểm mà mỗi đội thi cần thực hiện trước khi bước vào vòng thi mang tính quyết định.

Đầu tiên phải xác định điểm mạnh của sản phẩm đội mình và phát huy điểm mạnh. Thứ hai, phải xác định được điểm yếu, hiểu rõ những điều mà sản phẩm mình chưa đạt được. “Thừa nhận những điều chưa hoàn thiện của đội mình cũng chính là một điểm mạnh”, Tô Trọng Hiếu cho biết. Sau đó, cần nghiên cứu và xác định những điểm mạnh của đội đối thủ. Cuối cùng là tìm ra những khiếm khuyết, những điều mà sản phẩm đội đối thủ chưa đạt được.

Làm rõ hơn cho ý cuối cùng của anh Hiếu, chủ nhân giải iKhiến năm 2018 chị Võ Thị Hồng Phương (Trưởng nhóm phân tích dữ liệu FPT Telecom) khuyên các đội thi năm nay cần tìm hiểu kỹ đặc điểm, tính năng của sản phẩm đối thủ. Sau đó, so sánh sản phẩm của đối thủ với các giải pháp khác hiện có trên thị trường. Tự đặt câu hỏi: “Các vấn đề, hạn chế có thể gặp phải của sản phẩm này khi đưa ra ngoài là gì?”. Để từ đó có những câu hỏi hay, hoặc đưa ra những góp ý để đội bạn cân nhắc thêm khi phát triển. Vì thời gian tranh luận không có nhiều, các đội cần chọn ra những điểm cốt lõi nhất, rủi ro, vấn đề lớn nhất để nêu rõ.

Còn về việc trình bày sản phẩm của đội mình, chị Phương lưu ý các thí sinh nên chuẩn bị đầy đủ nhất thông tin, tư liệu để sẵn sàng cho các thắc mắc từ phía hội đồng giám khảo. Mỗi đội có thể chuẩn bị sẵn câu hỏi và câu trả lời bằng cách tự đặt câu hỏi cho chính mình hoặc nhờ đồng nghiệp, bạn bè tư vấn, để từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất. Ban giám khảo và những người tham dự đều đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, vì vậy các đội cần tìm cách diễn giải sao cho tất cả mọi người đều có thể hiểu. “Bớt các từ ngữ mang tính chuyên ngành nhất có thể, nhưng vẫn giữ được bản chất vấn đề”, Võ Thị Hồng Phương đề cao việc đơn giản hóa khái niệm về sản phẩm.

cuu-quan-quan-ikhien-3-2033-1578304316.j

Mùa iKhiến 2018, chị Phương đã xuất sắc vượt qua nhóm tác giả FPT Software - anh Trần Việt Hùng và Trần Khải Hoàn để giành giải thưởng Sáng tạo của năm. Ảnh: Nguyễn Thắng

Ở một góc độ khác, anh Đinh Tiến Dũng, quán quân Sáng tạo của năm 2017, cho rằng các thí sinh không cần lên chiến lược gì to tát, chỉ cần tự tin. Quan trọng là xác định tinh thần “chơi hết mình”, không việc gì phải “tim đập chân run” trước hội đồng giám khảo, anh Dũng hóm hỉnh. “Ngoài ra, giải thưởng chỉ là sự ghi nhận, tôi tin các anh em khi đã mang sản phẩm đi thi đều không đặt nặng giải thưởng”.

Được tổ chức lần đầu vào năm 2017, đến nay, cuộc thi iKhiến sắp bước vào vòng Chung kết của mùa thi thứ 3. Ở mùa đầu tiên, sáng tạo “Mở két” và “SSC Portal” đồng ngôi vị quán quân. Ở mùa thứ hai, sản phẩm “Chương trình cảnh báo khách hàng rời mạng” của chị Võ Thị Hồng Phương xuất sắc giành chiến thắng. Tất cả sáng tạo trên đều đã có những bước phát triển nhất định.

Anh Đinh Tiến Dũng cho biết “Mở két” đang được cải tiến theo hình thức một gameshow mới hoàn toàn, cho phép người chơi có thể tham gia online. Gameshow này sẽ ra mắt trong thời gian tới. Còn về “SSC Portal”, anh Tô Trọng Hiếu tiết lộ sản phẩm vẫn đang được kinh doanh đều. Hiện tại, đơn vị đang mở rộng kinh doanh, phát triển sơ đồ tổ chức và hoàn thiện xong chức năng Mobile. Dự kiến trong năm nay, SSC Portal sẽ thu về doanh thu 15 tỷ đồng và hướng đến việc tích hợp toàn hệ thống FPT.

Nhận được nhiều đánh giá cao tại iKhiến 2018, “Chương trình cảnh báo khách hàng rời mạng” vẫn đang hoạt động ổn định hàng tháng và là một trong những chương trình chăm sóc chủ động ưu tiên hàng đầu tại nhà “Cáo”. Về hiệu suất, chương trình ngày càng đưa ra nhiều tập khách hàng cần hệ thống chăm sóc chủ động hơn. Song, vẫn đảm bảo độ chính xác cao, giúp đơn vị kịp thời hỗ trợ khách hàng. Dự kiến trong thời gian tới, sau khi hoàn thiện model, chương trình có thể đưa ra đánh gá nguyên nhân rời mạng, hệ thống monitor và cảnh báo các chỉ số một cách chủ động. Và hơn hết là cung cấp tool để các đơn vị có thể tự chủ động phân tích, khai thác tập khách hàng mình cần chăm sóc, Võ Thị Hồng Phương tiết lộ. Nữ "chiến binh" nhà "Cáo" không quên gửi nhắn nhủ tới hai đội lọt vòng Chung kết iKhiến: "Chúc các bạn sẽ hoàn thành xuất sắc phần trình bày và đạt giải cao nhất".

Chung kết iKhiến 2019 sẽ chính thức diễn ra lúc 16h - 19h ngày 8/1 tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội.

iKhiến là giải thưởng Sáng tạo FPT nhằm tìm kiếm, tôn vinh những sáng tạo của người FPT. Giải thưởng tạo điều kiện thúc đẩy, mang lại cơ hội đầu tư (tiền bạc và nguồn lực) cho tác giả và mở ra hướng phát triển mới với sự tư vấn của các chuyên gia. Đồng thời giúp các tác giả quảng bá được sáng tạo, kết nối với cộng đồng sáng tạo.

iKhiến mùa 3 có giải Vàng, Bạc, Đồng và Khuyến Khích mỗi tháng, tương đương với giải thưởng trị giá 5 triệu đồng, 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 500.000 đồng mỗi giải. Đặc biệt, iKhiến 2019 có thêm điểm mới hấp dẫn. Cụ thể, sáng tạo thuộc Chuyển đổi số và Không khiến đã nhận thêm phần thưởng 2 triệu đồng/giải.

Giải Sáng tạo của năm trị giá 70 triệu đồng.

Khánh Linh

Ý kiến

()