Chị Nguyễn Đỗ Quyên - Giám đốc Điều hành FPT Retail tham gia sự kiện “Rung chuông vì bình đẳng giới”. |
Sự kiện “Rung chuông vì Bình đẳng giới" là sáng kiến của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Sáng kiến Sở Giao dịch Chứng khoán Bền vững (SSE), Hiệp ước Toàn cầu Liên Hợp quốc (UNGC) và Liên đoàn Sở Giao dịch Chứng khoán Thế giới (WFE) được tổ chức thường niên nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tăng quyền cho phụ nữ. Năm nay, sự kiện được tổ chức ngày 9/3 tại sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh với sự góp mặt của rất nhiều các nữ lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam, các đại diện của phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và IFC .
Tại sự kiện Rung chuông vì bình đẳng giới, các nữ lãnh đạo đã được ra rất nhiều lập luận để chứng minh việc doanh nghiệp có mức độ bình đẳng giới cao hơn sẽ hoạt động hiệu quả hơn về mặt tài chính.
Với chủ đề “Công nghệ số: Đổi mới và Công nghệ vì bình đẳng giới”, các nữ lãnh đạo đã đưa ra rất nhiều các góc nhìn để làm nổi bật hơn việc cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, khu vực tư nhân về tăng quyền kinh tế cho phụ nữ hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững. Chủ đề này cũng nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ đối với việc nâng cao quyền của phụ nữ, những khoảng cách giới về kỹ thuật vừa tạo được những cơ hội và nhiều thách thức đối với phụ nữ, nhất là các lãnh đạo nữ.
Theo chị Nguyễn Đỗ Quyên, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã mang lại nhiều điều kiện thuận lợi để tất cả doanh nghiệp Việt Nam được phát triển mạnh mẽ, trong đó có FPT Retail. "Cá nhân tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được làm việc hơn 8 năm tại FPT Retail, một công ty thành viên của tập đoàn công nghệ FPT. Nhờ đó, tôi đã có cơ hội trải nghiệm số, được ứng dụng công nghệ mới vào việc quản lý và sản xuất giúp nâng cao hiệu suất, giải phóng sức lao động cho nhiều người".
Giám đốc Điều hành (COO) FPT Retail nhận định, sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp. Vì thế, chúng ta cần phải biết sử dụng công nghệ để quản lý cũng như áp dụng công nghệ để hiểu hơn về khách hàng, hiểu về hành vi mua sắm của họ thì mới có khả năng tiếp cận và bán hàng. "Như tại FPT Retail, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ AI, Chatbot vào công việc chăm sóc khách hàng, cũng như quản lý các cửa hàng tối ưu hơn”.
Liên quan đến chủ đề về bình đẳng giới của các nữ lãnh đạo trong thời đại công nghệ, chị Quyên cho hay cần tăng cường sự hiện diện của các nữ lãnh đạo trong dòng chảy công nghệ số. Vì việc này sẽ giúp tạo ra nhiều giải pháp đột phá hơn và tăng cường đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp. Như trong tập đoàn FPT hiện nay có 9 công ty thành viên nhưng đã có 3 đơn vị là nữ lãnh đạo, gồm: FPT Retail, FPT Software và FPT Online. "Và thực tế chứng minh, trong 2 năm trở lại đây, số lượng cán bộ quản lý là nữ ở FPT tăng trưởng 15-18% mỗi năm. Trong khi đó, lượng cán bộ quản lý là nam tăng trưởng 10-12% mỗi năm.
Các lãnh đạo nữ, bằng sự tinh tế, mềm dẻo, chi tiết là những người có thể định nghĩa một cách mạch lạc, rõ ràng các bài toán kinh doanh, chiến lược và vận hành của doanh nghiệp mình. |
Đại diện FPT Retail cũng mong muốn truyền cảm hứng để các nữ lãnh đạo mạnh dạn chuyển đổi số cho doanh nghiệp mà họ đang lãnh đạo, điều hành. Với kinh nghiệm hơn 3 năm dẫn dắt nhóm dự án Chuyển đổi số của Bán lẻ FPT, chị Quyên khẳng định một doanh nghiệp chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc vào việc có nêu ra được đúng bài toán chuyển đổi số, hay còn được gọi là tìm đầu vào để chuyển đổi, còn công nghệ chỉ là một công cụ hỗ trợ để giải bài toán đó.
"Các lãnh đạo nữ, bằng sự tinh tế, mềm dẻo, chi tiết là những người có thể định nghĩa một cách mạch lạc, rõ ràng các bài toán kinh doanh, chiến lược và vận hành của doanh nghiệp mình, nêu lên được các mong muốn của doanh nghiệp và điều gì làm cản trở sự phát triển hay không mang đến giá trị cho doanh nghiệp”, Giám đốc Điều hành (COO) FPT Retail nhấn mạnh.
H.M
Ý kiến
()