Năm 2014, biến cố ập đến với người phụ nữ trẻ cùng 2 con nhỏ dại. Chị Trần Thị Lan khi ấy là nhân viên tại kho của FPT Trading. Chồng chị Lan là anh Trần Việt Hưng, làm cùng công ty, không may bị bệnh qua đời. Anh mất, chị phải một mình gánh vác gia đình, nuôi con nhỏ trong khi thu nhập không cao, lại phải thuê nhà ở thủ đô đắt đỏ. Bé lớn là Trần Uyên Nhi (sinh năm 2007) và bé nhỏ là Trần Quỳnh Trâm sinh năm 2010.
Nỗi đau và khó khăn lại chồng chất khi 4 tháng sau, bố chị cũng đi theo.
Người ta bảo ông trời không cướp đi của ai tất cả. Nhưng năm ấy, số phận đã lấy đi của chị cả 2 người đàn ông quan trọng nhất. Chị Trần Thị Lan khủng hoảng, rơi vào trạng thái không biết phải làm gì, cũng chẳng dám nghĩ đến viễn cảnh những ngày sắp đến sẽ sống ra sao, bởi càng nghĩ đến chị càng tuyệt vọng và bất lực. Chưa kể, hai bé còn quá nhỏ để cảm nhận hết những khó khăn mà mẹ và bé sắp phải gồng mình hứng chịu. “2014 là năm kinh hoàng đối với tôi”, chị mô tả thời điểm cách đây 4 năm.
Hai bé Trần Uyên Nhi (sinh năm 2007) và Trần Quỳnh Trâm (sinh năm 2010) là con của anh Trần Việt Hưng và chị Trần Thị Lan, Synnex FPT. |
Nhưng khó khăn không làm tan biến nỗ lực của nữ nhân viên nhà Phân phối. Vả lại, chị còn 2 bé, động lực to lớn nhất để chị gượng dậy mà sống. Chị Lan kiên trì bám trụ đất Hà Nội để nuôi 2 con. Bố mất, mẹ ở Bình Thuận, bạn bè, đồng nghiệp động viên, chị như được tiếp thêm sức mạnh. Tiếp tục công việc tại văn phòng Zodiac của FPT Trading, chị bám trụ đến nay. “Thu nhập không cao nhưng có một công việc ổn định và có nhiều thời gian để chăm sóc con, gần gũi con là tôi vui lắm rồi”, nữ nhân viên nhà F tự an ủi.
Ngót nghét đã 4 mùa kể từ năm kinh hoàng ấy. Chẳng tin được chị Lan đã chịu đựng cuộc sống một mình nuôi con trong suốt hơn 1.300 ngày tại nơi đất khách quê người, bên cạnh không có bờ vai của người đàn ông. Thời gian đằng đẵng đủ dài để chị biết được mình đã kiên trì và nỗ lực đến nhường nào. Hiện tại, cuộc sống cũng chưa thôi vất vả nhưng “sống mãi tôi cũng quen với cái khổ rồi”. Căn nhà trọ 20 m2 là nơi ba mẹ con tá túc ngần ấy năm. Nhà nội và bà ngoại đều khó khăn lại ở xa nên chị như thân cò một mình lặn lội nuôi con qua ngày.
Thu nhập của chị gánh vác mọi chi tiêu cho ba mẹ con. Sống ở thủ đô, chi phí đắt đỏ, hàng trăm loại tiền - tiền nhà, tiện điện nước, chi phí học hành… “Không nghĩ đến thì thôi, chứ áp lực, stress như là bạn đồng hành vậy”, chị thở dài.
Bé Trần Quỳnh Trâm đang vẽ tranh tại văn phòng FPT Asia Pacific, Singapore. Cô chị Trần Uyên Nhi đã đạt Giải 4 của cuộc thi. |
Khổ mấy chị cũng chịu được, nhưng nhìn con thiệt thòi, người mẹ nhói lòng. Mỗi lần nghĩ đến hai bé thiệt thòi hơn bạn bè, những giọt nước mắt lại lăn dài, chỉ mong có tiền để lo đủ cho con không phải thiếu thốn. Việc gì có thể làm thêm được, chị đều nhận. Những ngày cuối tuần không làm việc ở công ty, chị nhận đi lau dọn nhà theo giờ trang trải cuộc sống.
Lúc bố mất, 2 bé còn quá nhỏ, quá vô tư để hiểu hết những nỗi đau. 4 năm, thời gian cũng đã làm lành những vết thương trong chị. Các bé cũng nhận thức được nhiều hơn nhưng có lẽ nỗi buồn nào cũng sẽ qua. Thấy mẹ làm việc nặng nhọc, các bé thương lắm. Uyên Nhi tính cách ít thổ lộ, thương cũng để trong lòng còn Quỳnh Trâm có lúc nói với mẹ: “Mẹ ơi, con ước gì nhà mình còn ba để mẹ không phải làm những việc của đàn ông, cho mẹ đỡ khổ”. Đó là lần chỗ trọ cũ sửa chữa, ba mẹ con phải chuyển chỗ ở. Lúc chuyển nhà xong, chị Lan khóc rất nhiều, mệt mỏi khi một thân một mình phải khuân vác, di chuyển, sắp xếp mọi thứ trong nhà mà không có sự giúp đỡ của bất kỳ ai. “Lúc đấy tôi thèm cảm giác được ở bên người thân”, chị kể.
Bươn chải lo toan mọi thứ, điều chị mong mỏi nhất là hai bé ngoan và học giỏi. Còn với bản thân mình, chị chỉ muốn có sức khỏe để nuôi hai con đến ngày khôn lớn, trưởng thành. “Nói cả ngày cũng không hết những tâm tư, nỗi buồn cũng như niềm vui trong cuộc sống, nhưng nói ra được, tôi thấy vơi đi phần nào nỗi buồn”, chị trải lòng.
Thấy mẹ vất vả, Uyên Nhi và Quỳnh Trâm rất tự lập. Trường gần nhà, các bé đều tự đi học không cần đưa đón. Sự vất vả của chị đuợc bù đắp vì hai bé đều ngoan và nghe lời mẹ, các bé đỡ đần cho mẹ những công việc nhà như phơi và gấp quần áo, cắm cơm, lau nhà, nhặt rau làm các món ăn đơn giản.
Không những vậy, các bé cũng là liều thuốc tinh thần mạnh mẽ cho chị. “Nhiều lúc đi làm về mệt, thậm chí stress trong công việc nhưng bước vào nhà với 2 bạn nhỏ, tôi quên hết mọi khó khăn”. Hai cô bé vẫn thường nhỏ to tâm sự với mẹ mọi chuyện trong cuộc sống, ba mẹ con coi như những người bạn lớn không có khoảng cách.
“Nhìn thấy con khỏe mạnh, vui chơi cùng bạn bè và học tập tốt là tôi yên lòng”, chị Lan trầm tư nhìn các con đang khám phá Singapore trong chuyến đi của Câu lạc bộ Trường Tồn.
Ba mẹ con chị Trần Thị Lan tại công viên Sư tử biển Merlion, biểu tượng quốc gia Singapore. |
Để Uyên Nhi và Quỳnh Trâm có được sự hỗ trợ nhiều hơn từ gia đình, hết tháng 7, chị quyết định sẽ chuyển về Bình Thuận sinh sống cùng gia đình, cũng là để chị có một khoảng thời gian lấy lại cân bằng trong tinh thần. “Tinh thần thoải mái, chất lượng cuộc sống sẽ hiệu quả hơn”.
Vào Bình Thuận, chị vẫn mong muốn làm việc và cống hiến cho nhà F. Chị cho biết sẽ tìm một công việc ổn định tại các chi nhánh FPT Telecom hoặc FPT Retail ở quê nhà để được sống gần gia đình mà vẫn gắn bó với FPT.
Từ 10-15/7 vừa qua, chị Trần Thị Lan cùng hai bé Uyên Nhi và Quỳnh Trâm được ham gia chuyến trải nghiệm Singapore - Malaysia do chương trình “Cùng bố mẹ bên con” của CLB Trường Tồn FPT tổ chức. Nói về chuyến đi, chị Trần Thị Lan xúc động: “Đây là một lần đi du lịch ra khỏi Việt Nam có lẽ từ truớc giờ chỉ nằm trong giấc mơ của chúng con thôi”. Chị nói tiếp trong niềm cảm kích: “Bao nhiêu năm nay các anh chị nhà F đã quan tâm động viên mẹ con em cũng như các gia đình có hoàn cảnh như em. Đó là một món quà tình thần rất lớn giúp cho chúng em có thêm động lực để buớc tiếp trong cuộc sống”.
Niềm hạnh phúc mà ba mẹ con chị Lan cũng như các bé trong đoàn nhận được quan trọng hơn hết là sự sẻ chia, là những sợi dây cảm xúc đặc biệt. Bởi nước mắt rồi cũng sẽ vơi đi, tình cảm của người nhà F dành cho nhau, dành cho trẻ em FPT sẽ còn mãi như lời “bác Thanh” (chị Trương Thanh Thanh - Giám đốc CSR FPT) từng nói.
>> CLB Trường Tồn thay mẹ Thảo thực hiện ước mơ
Xuân Phương
Ý kiến
()