FPT CEO Talk số 11 tại ĐH Bách khoa Hà Nội diễn ra tối ngày 24/9 đã thu hút 1.200 sinh viên tham gia. Là những cựu giảng viên và sinh viên của trường, 4 diễn giả gồm TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, Phó TGĐ FPT Dương Dũng Triều, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến và TGĐ FPT Software Hoàng Việt Anh đã chia sẻ những kỷ niệm cá nhân.
Người đứng đầu FPT Software từng nổi tiếng ở trường vì quãng thời gian ham chơi hơn ham học. Năm đầu tiên, anh Tiến không chịu đi học mà dành thời gian cho các thú vui khác như nhảy dù, tàu lượn và... tán gái. Tuy nhiên, con đường dẫn đến thành công của anh có sự đóng góp lớn của quá trình học thuật.
Phân chia sẻ cởi mở của anh Hoàng Nam Tiến nhận được sự quan tâm của sinh viên. |
Ngoài kiến thức căn bản, chính những môn học tưởng như khô khan, khó nhằn lại giúp anh rèn luyện sự khôn khéo và cách ứng xử với khách hàng sau này. Bởi theo anh, nếu đã vượt qua những môn học khó nhằn trong trường thì sau này ra ngoài chẳng còn gì khó mà chùn bước.
"Khi cần học, tôi học hết mình", Chủ tịch FPT Software chia sẻ lý do anh trở thành sinh viên duy nhất dành được học bổng đặc biệt vào năm cuối đại học. Đây cũng là một trong những yếu tố căn bản mà theo anh, mỗi người cần có nếu muốn trở thành lãnh đạo.
"90% những người thành đạt đều học giỏi. Trường hợp thành công như Bill Gates rất hiếm, không thể coi đó là tấm gương bởi nếu bỏ học, các bạn sẽ không làm tỷ phú mà khả năng lớn là bị thất nghiệp", anh nhấn mạnh.
Chỉ huy gần 9.000 CBNV, trong đó có hơn 1.000 CBNV là người nước ngoài, anh Tiến cho rằng, người làm quản lý còn phải biết chấp nhận thách thức và thách thức đó phải rất lớn. Ngoài ra, để thành công, không thể thiếu sự may mắn. "Mỗi người nên chọn cho mình một người thầy. Tôi cũng như các anh Dương Dũng Triều, Hoàng Việt Anh may mắn vì người thầy đó là anh Bùi Quang Ngọc, bởi chỉ sau khi ra trưởng một năm, chúng tôi đều đã trở thành sếp".
Trong phần chia sẻ về định hướng nghề nghiệp, người đứng đầu công ty Phần mềm FPT khẳng định, nếu gia nhập FPT Software, các ứng viên phải trở thành những người Việt Nam giỏi nhất. Anh lý giải: "Nếu làm ở FPT Software, các bạn sẽ phải cạnh tranh với những công ty lớn nhất trên thế giới như Infosys, IBM... Khách hàng của các bạn cũng là những công ty lớn nhất trên toàn cầu. Những ai yếu về ngoại ngữ và lập trình cần nhanh chóng hoàn thiện mình".
FPT CEO Talk số 11 được tổ chức tại ĐH Bách khoa, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập khoa CNTT, nay là Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) của trường. Đây là chương trình CEO Talk đầu tiên hội tụ nhiều lãnh đạo FPT tham gia nhất từ trước tới nay. Theo đó, TGĐ FPT Software Hoàng Việt Anh là MC cho chương trình, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, Phó TGĐ FPT Dương Dũng Triều và Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến là diễn giả. |
TGĐ FPT Software Hoàng Việt Anh bổ sung, nếu chỉ có kiến thức chuyên môn tốt và thiếu đi kỹ năng mềm thì sẽ khó cân bằng được công việc và cuộc sống. Hơn nữa, phần lớn khách hàng của đơn vị là quốc tế, để tương xứng với họ sẽ là thách thức rất lớn, nếu không chủ động rèn luyện và học ngay khi còn trên ghế nhà trường.
Tuy nhiên, anh Tiến lại khuyên sinh viên không làm lãnh đạo mà nên cố gắng trở thành một chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực của mình. Anh cho rằng, FPT hiện nay có chính sách dành cho chuyên gia công nghệ với mức thu nhập hấp dẫn. Bởi vậy, sinh viên ĐH Bách khoa nên đi theo con đường này thay vì trở thành lãnh đạo, theo đúng định hướng mà nhà trường đề ra.
Mới đây, FPT Software vừa ký kết thỏa thuận hợp tác hướng nghiệp với trường ĐH Bách khoa. Theo đó, trong hai năm 2015-2016, FPT sẽ xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo cho Viện CNTT&TT, ĐH Bách khoa Hà Nội. Đồng thời, Viện sẽ hỗ trợ FPT tuyển dụng sinh viên có chất lượng. Anh Việt Anh kỳ vọng, chương trình này sẽ giúp sinh viên có thêm cơ hội để tham gia quá trình phát triển của FPT nói chung, FPT Software nói riêng.
Trước đó, trong phần nhớ về kỷ niệm trường xưa, các diễn giả cũng đã chia sẻ những dấu ấn khó quên của mình. Trong mắt học trò, hình ảnh ấn tượng nhất của giảng viên Bùi Quang Ngọc là một ông thầy khó tính, mặc quần sooc đi dạy. "Những ngày đi dạy tại nhà C6 của trường, vì trời nóng và các tiết dạy của tôi vào buổi chiều nên tôi phải mặc như vậy để giải nhiệt", anh Ngọc giải bày.
Sau khi tham gia sáng lập FPT, anh Ngọc không có nhiều thời gian cho việc giảng dạy. Bản thân anh đã quyết định dừng lại công việc này để chuyên tâm cho việc phát triển kinh doanh. Mặc dù vậy, quãng thời gian làm giảng viên của trường cũng khiến anh luôn tự hào vì "giảng viên Bách khoa dạy nghiêm túc, giáo trình Bách khoa đầy đủ và sinh viên Bách khoa thì rất giỏi".
Nói về quá trình liên hệ giữa học và đi làm, anh Ngọc cho rằng, sinh viên nên học thật tốt môn Cấu trúc dữ liệu và giải thuật để hình thành lối tư duy làm việc gì cũng có cấu trúc, hệ thống. "Cùng với tinh thần quyết tâm, tất cả vấn đề nếu tiếp cận có logic thì sẽ giải quyết được. Đó là một trong những bí quyết mà tôi đã học được ở Bách khoa và thành công trong công việc", học trò của anh Ngọc - TGĐ FPT Software Hoàng Việt Anh - cho hay.
Trong suốt 5 năm học tại trường, Phó TGĐ FPT Dương Dũng Triều cũng là người nổi tiếng "học ít chơi nhiều". Nhưng anh lại là người sáng tạo và dám nghĩ dám làm. "Bách khoa đã cho tôi kiến thức căn bản. Nhờ đó mà sau này đi làm, nền tảng ấy đã giúp ích cho tôi rất nhiều, làm gì cũng nhanh và dễ dàng hơn", anh nói.
Khi vào FPT, anh Triều được giao việc lập trình phần mềm cho 1080. Sau thời gian làm cho Trung tâm phần mềm FPT, vì không có nhiều việc nên anh chuyển sang bán hàng. Dù không liên quan đến chuyên ngành đào tạo nhưng vẫn cố gắng làm vì "không thì không có việc". Quyết tâm lăn xả vào những việc khó và không biết đã giúp anh trở thành TGĐ FPT IS và nay là Phó TGĐ FPT.
Không phải ngẫu nhiên mà cả 4 sinh viên của trường vào FPT rồi đều trở thành lãnh đạo. Anh Ngọc cho rằng, lãnh đạo cũng là một tố chất được nảy sinh từ quá trình trải nghiệm thực tế. Nó là tố chất của mỗi con người. "Ngay từ năm thứ hai đại học, Hoàng Việt Anh đã vào FPT làm việc. Năm cuối, một mình anh đi triển khai, đào tạo, chuyển giao phần mềm về core banking cho một chi nhánh tại TP HCM", anh Ngọc kể lại.
Thời gian tới, toàn cầu hóa tiếp tục là hướng đi của FPT. Sau 16 năm mở cõi, hiện diện tại 19 quốc gia và lãnh thổ, con đường vươn ra biển lớn của FPT tiếp tục được mở rộng. Với thế mạnh trí tuệ Việt, FPT đã khẳng định được vị trí của mình ở những thị trường khó tính nhất thế giới.
"Cơ hội cho các bạn sinh viên ngày càng rộng mở với sự phát triển của CNTT. Thanh niên Việt Nam nói chung, sinh viên Bách khoa nói riêng có thể tham gia và tiếp tục xây dựng, cung cấp giải pháp dựa trên công nghệ mới do các nước đã phát triển. Ngoài ra, FPT cũng đẩy mạnh xâm nhập ở những thị trường đang phát triển", anh Ngọc nói.
CEO Talk là chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc do Ban Nhân sự FPT tổ chức từ năm 2013, nhằm giải đáp thắc mắc của sinh viên về cơ hội nghề nghiệp và con đường phát triển trong tương lai. Đồng thời giúp sinh viên tiếp cận những góc nhìn khác nhau về việc lựa chọn nghề nghiệp từ kinh nghiệm thực tế của lãnh đạo trẻ FPT.
Đây là chương trình thứ 11 được thực hiện trên cả nước, và là chương trình thứ hai trong năm 2015. Trước đó, vào tháng 5, FPT đã tổ chức một chương trình tương tự tại Đại học Kinh tế Quốc dân với sự tham gia của ba nữ tướng FPT Telecom là Chủ tịch Chu Thanh Hà, Phó TGĐ Vũ Mai Hương và Giám đốc Trung tâm Telesale Lê Minh Đức, thu hút gần 500 sinh viên tham dự.
Thế nào là "chất Bách Khoa trong FPT": - TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc: Đây là câu hỏi không dễ để trả lời. Tôi đã mời rất nhiều học trò của mình về FPT làm việc, và sự thật, những đóng góp của người Bách khoa đáng kể trong công ty. Ba phẩm chất đặc trưng mà tôi nhận ra ở những học trò thành công của mình chính là sự đam mê, không chỉ trong công việc mà còn nhiều thứ khác; sự sáng tạo nổi bật và tố chất lãnh đạo. - Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: Phẩm chất của sinh viên Bách khoa là kiểu gì cũng làm được, Không biết gì cũng tiến, không ngại thử thách, khó khăn. |
Tiểu Thanh
Ý kiến
()