Anh Trương Gia Bình mở đầu câu chuyện về bí kíp để doanh nghiệp vượt qua khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra bằng việc nhận định tình hình chung rằng cả thế giới đang trải qua quá trình bất ổn, thậm chí “đi vào hỗn loạn”. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với hàng loạt khó khăn.
Chẳng hạn, lạm phát nổi lên ở Mỹ khi chính phủ nước này đã in quá nhiều tiền, thậm chí đủ nuôi sống cả nhân loại. Hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 hoành hành càng khiến thế giới hoang mang trước nạn lạm phát. Cộng với những cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới, tất cả là nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn.
Anh Trương Gia Bình nhận định kinh tế thế giới đang đi vào trạng thái "hỗn loạn". |
Đó là câu chuyện chung của thế giới. Còn ở Việt Nam, khi nhắc về thế mạnh của nước ta, “Việt Nam giỏi điều gì nhất?”. Để rút ra bài học cho mình, Chủ tịch FPT đã đọc rất nhiều hồi ký của các vị tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam để tổng kết lại cách thức làm sao dân tộc ta có thể lấy yếu thắng mạnh. Suốt hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã trải qua rất nhiều những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và thế giới phải kinh ngạc khi một nước nhỏ như Việt Nam có thể chiến thắng những đế chế và cường quốc hàng đầu, từ 1.000 năm Bắc thuộc đến 3 lần đánh bại quân Mông - Nguyên, sau này là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Và yếu tố then chốt cho những chiến tích đó chính là nghệ thuật chiến tranh nhân dân.
“Chúng ta phải thấm thía điều đó để tiếp tục sự nghiệp bảo vệ đất nước trong tình hình mới để hóa giải những thách thức từ vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, như: dịch bệnh, biến đổi khí hậu, diễn biến hòa bình, tội phạm xuyên quốc gia... Đặc biệt khi cả nhân loại phải oằn mình chống dịch Covid-19. Chúng ta cần một sự dấn thân, hy sinh và sáng tạo để vượt qua các thách thức. Mỗi người tham gia “cuộc chiến” cần “đánh” theo cách của mình, phù hợp với hoàn cảnh. Chúng ta cũng cần có mục tiêu chung ở tầm chiến lược lẫn chiến thuật và luôn quyết tâm chiến thắng”, anh Bình nhận định.
Năm 1998, sau 10 năm thành lập tập đoàn FPT chuyên về công nghệ - thông tin, dường như anh em bắt đầu tự mãn, “đột xuất” quyết định xuất khẩu phần mềm. Thời điểm đó, FPT có niềm tin sự nghiệp phần mềm sẽ mở ra một tương lai hứa hẹn. Rất nhiều người tin tưởng nhưng cũng nhiều người mỉa mai. Nhưng làn sóng toàn cầu hóa lần đầu tiên của FPT đã thất bại khi hai văn phòng ở Ấn Độ và Mỹ không thể đem về hợp đồng như dự tính, tan rã sau 7 năm hoạt động.
Và để xuất khẩu phần mềm sau hàng loạt thất bại, FPT đã phải nhìn lại rồi quyết định đi tiếp, kiên định với lựa chọn ban đầu. Đến nay, FPT đang được hàng trăm tập đoàn hàng đầu chấp nhận, mua các sản phẩm do FPT làm ra và Việt Nam đã có tên trên bản đồ số thế giới. “Chúng tôi đang hướng đến mốc 1 tỷ USD từ nước ngoài và dự kiến 2030 sẽ ký hợp đồng tỷ đô. Điều ấy nói lên rằng, kiên định - nhìn lại - đi tiếp là bí kíp mà chúng ta có thể dùng được trong công cuộc chuyển đổi số lẫn chống dịch. Thời thế thay đổi, con người thay đổi, tư duy thay đổi và sẽ dẫn đến thành công”, Chủ tịch nhà F khẳng định.
Chủ tịch nhà F chia sẻ về "Chuyển 10" trong bí quyết vượt qua đại dịch Covid-19 của FPT. |
Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều ngày liền, anh Bình cho biết đã phải suy nghĩ rất nhiều để viết một thông điệp gửi đến hàng chục nghìn người FPT, bởi người đứng đầu cần kiên định thì cả đội quân mới có thể kiên cường chống địch. Và câu đầu tiên chính là: “Chúng ta phải làm tất cả để không ai mất mạng, không ai mất việc và tập đoàn FPT mạnh hơn sau dịch. FPT sẽ chuyển từ giai đoạn thời bình sang thời chiến, mỗi lãnh đạo phải chuyển từ các nhà lãnh đạo sang các nhà chỉ huy”. Đi kèm quyết tâm đó là phương châm “Chuyển 10” với công cụ hỗ trợ là OKR.
Chuyển 10 gồm các nguyên lý: bảo vệ tính mạng, đồng thời bảo đảm công việc không bị gián đoạn bằng cách làm việc tại nhà (WFH); bình tĩnh “sống chung với lũ”, phản ứng nhanh nhạy trước biến động; tài chính đảm bảo "sinh tồn"; mỗi người làm việc bằng hai; đẩy mạnh cố kết nội bộ nhằm nắm bắt các cơ hội mới; sẵn sàng chia sẻ khó khăn tài chính; đặt lợi ích tổ chức trên lợi ích cá nhân, lợi ích của Tập đoàn trên lợi ích đơn vị thành viên, thực thi "quân lệnh như sơn"; triển khai OKR hội tụ và nhất quán…
Anh Trương Gia Bình khép lại câu chuyện bằng lời khuyên dành cho các doanh nghiệp về việc đương đầu với khó khăn do thời cuộc mang lại. Dịch Covid-19 khiến tất cả doanh nghiệp đều có chung thách thức về tài chính, vì vậy, tất cả phải tỉnh táo, quản lý tài chính để sinh tồn. Dịch bệnh rất dễ dẫn đến mất vốn và khách hàng, nhưng các doanh nghiệp cần tập trung vào những khách hàng có khả năng chi trả. “Trong nguy luôn có cơ, chúng ta cần đẩy mạnh tuyển dụng nhân tài khi họ có thể mất việc ở những nơi khác. Để đương đầu cuộc chiến chống đại dịch, các doanh nghiệp cũng phải có sức mạnh tinh thần và phương châm mà FPT sử dụng là “mỗi người làm việc bằng hai”. Ngoài ra, toàn thể trên dưới doanh nghiệp phải đoàn kết một lòng, có đoàn kết mới có thể đánh bại kẻ thù trước mắt”, Chủ tịch nhà F nhấn mạnh.
Với thông điệp “Kiên định - Sáng tạo - Phát triển bền vững”, Ngày hội Doanh nghiệp Doanh nhân họ Dương Việt Nam 2022 tổ chức nhằm mục đích tạo ra sự liên kết, giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp, doanh nhân là người họ Dương với nhau và với các doanh nghiệp doanh nhân trên cả nước. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của những người con họ Dương đầy năng lượng, tinh thần sáng tạo và khát khao khởi nghiệp, là cơ hội tìm kiếm các ý tưởng cũng như thúc đẩy mối quan hệ cung – cầu giữa các doanh nghiệp họ Dương, đem đến những cơ hội thiết thực giúp doanh nghiệp họ Dương ngày càng phát triển thị trường và nâng cao giá trị kinh tế. Tại TP HCM, ngay sau lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng là hàng loạt các hoạt động, sự kiện thiết thực, ý nghĩa diễn ra liên tục trong 2 ngày 8 và 9/10 như Khóa đào tạo “Quản trị các Doanh nghiệp Dương Gia”; Đào tạo Quản trị chiến lược; Sáng kiến địa phương: Hà Nội + TP.HCM kết nối giao thương với doanh nghiệp doanh nhân cả nước; Kết nối đầu tư, giới thiệu các dự án “Những ngôi sao nhỏ Họ Dương”; Đêm Gala “Nồng cháy đam mê”... |
>> FPT IS hiến kế chuyển đổi số cho doanh nghiệp Thanh Hóa
Sơn Thạnh
Ý kiến
()